ĐÌNH TRỮ KHÊ - THỜ THẦN QUÝ MINH ĐẠI VƯƠNG
13 03 2023
in trangĐình Trữ Khê trước đây là đình làng Hoa Khê nay thuộc tổ dân phố Lê Duẩn - phường Quán Trữ - quận Kiến An - thành phố Hải Phòng. Là nơi thờ Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần.
Đình Trữ Khê trước đây là đình làng Hoa Khê nay thuộc tổ dân phố Lê Duẩn - phường Quán Trữ - quận Kiến An - thành phố Hải Phòng. Là nơi thờ Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần.
Tương truyền: Về triều vua Hùng Duệ Vương nước Việt ta ở động Lăng Sương, phủ Gia Hưng Đạo Tây Sơn có gia đình ông Nguyễn Lĩnh và bà Cao Thị Nham giầu có nổi tiếng tuấn kiệt một vùng. Một hôm, ông Lĩnh lên núi Tam Đảo hái thuốc, thấy ở đỉnh núi có phiến đá phẳng rộng liền nằm nghỉ mát, rồi mơ màng thiu thiu ngủ. Bỗng mộng thấy hai người, một đội mũ đầu hổ, mặc áo vóc đại hồng, xưng là Cao Sơn Thần Vương; một đội khăn xích bảo, mặc áo gấm xanh, xưng là Quý Minh Thần Vương. Hai người đến quỳ lạy thưa: "Hai anh em tôi vốn sinh cùng một bọc 100 trai, 50 mẹ về núi, 50 người theo cha xuống biển để cai quan sông núi này. Thượng Đế thấy gia đình nhà ông phúc hậu nên sai chúng tôi đầu thai làm con để thù đáp công lao".
Ông chợt tỉnh giấc vì có tiếng sấm nổ vang, trong lòng mừng rỡ bèn rũ áo xuống núi. Từ đó, tình vợ chồng ngày càng hòa hợp, đầm ấm. Ít lâu sau, bà vợ có thai, 14 tháng sau nhằm vào ngày rằm tháng 9 sinh được 2 con trai diện mạo uy nghi hùng vĩ.
Một người đỉnh đầu có dấu son vuông, trước ngực mọc hàng lông dài đến rốn, miệng vuông, tai lớn, khác hẳn người thường, cha mẹ lấy làm lạ, đặt tên là Cao Sơn. Một người tay dài quá đầu gối, trên tay có 7 nốt ruồi, tiếng vang như chuông đồng, cha mẹ đặt tên là Quý Minh.
Cả hai đều khỏe mạnh lớn nhanh nhờ tinh khí sông núi. Hai anh em đều ham săn bắn, võ nghệ. Khi lên 12 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Hai anh em giữ lòng hiếu kính, hết lòng giữ lễ. Mỗi khi săn được muông thú đều dâng lễ cúng cha mẹ. Lúc ấy có con nhà bác là Tản Viên Sơn Thánh, nghĩ tình ruột thịt đem 2 anh em về nuôi nấng, chăm sóc. Nhà nghèo nuôi cả 3 người được bà thần núi họ Ma nhận làm con nuôi. Hàng ngày, 3 anh em lên núi kiếm củi giúp mẹ. Tản Viên gặp thần Thái Bạch, Ngài ban cho cây trúc có phép lạ, lại được vua Thủy Tề cho cuốn sách ước nên xưng là Tản Viên Sơn Thánh, phong Cao Sơn là Tả Tỵ thần, phong Quý Minh là Hữu Tỵ thần, phân vùng núi sông chia nhau cai quản. Cả 3 vị đều được nhân dân tôn sùng.
Lại nói về Hùng Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử, 6 công chúa nhưng đều mất sớm. Chỉ còn 2 gái, một là Tiên Dung đã gả cho Chử Đồng Tử, còn công chúa Mỵ Nương vẫn khóa kín phòng xuân chờ người tài đức. Nhà vua bèn mở đài tuyển phu ở Việt Trì, anh tài khắp nước nô nức đến đua tài, nhưng đều không xứng ý công chúa. Tản Viên Sơn Thánh nghe tin đem 2 em cùng đến. Vừa thấy Sơn Thánh dung mạo hùng vĩ, tài năng xuất chúng, có thể hô gió, gọi mưa, Vua bèn gả công chúa cho, lại phong Cao Sơn chức Tả Đô dài đại phu, Quý Minh chức Hữu Đô dài đại phu, cả hai cùng giúp việc triều chính.
Mấy năm sau, có chúa Thục tên là Phán đem quân đến xâm lược; quân giới đến 100 vạn, ngựa khỏe 3000 con, voi thuần 100 thớt cùng mấy trăm tầu thuyền chia làm 5 đường tiến đánh. Quan giữ biên ải liên tiếp dâng thư cấp báo, Vua Hùng lo sợ triệu tập các tướng bàn việc chống cự. Ngài cử Sơn Thánh lĩnh ấn Đại Nguyên Soái thống đốc 5 đạo quân mã, cho phép tùy tài bổ dụng. Quý Minh được phong Đại tướng quân, sai đem 5 vạn tinh binh, 3000 ngựa chiến chặn địch ở Châu Bố Chính. Cao Sơn được phong tước Đại Vương đem quân giữ Châu Hoan. Còn Hiệu Úy Long Lang giữ Châu Mai Sơn, Xa Kỵ Hiệu úy tiếp viện cho Châu Quỳnh, Châu Hoàng; Uy dũng tướng quân Lương Tuyên ra giữ Châu Mã.
Các tướng vâng lệnh cùng cất quân. Anh em Cao Sơn đại vương và Quý Minh đại tướng quân hễ đi qua chỗ nào hiểm yếu đều đặt đồn binh canh gác, phòng giữ.
Một hôm, hai vị hành quân qua trại Hoa Khê, trại Mỹ Khê huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương thấy phụ lão 2 trại bầy hương án bái yết. Hai vị vui mừng dừng quân quan sát hình thế thấy vùng này hiểm yếu, bèn truyền lập đồn để trú quân và canh giữ. Lại tuyển thêm 30 trai tráng của Hoa Khê, Mỹ Khê sung vào đội quân thân tín. Sau đó, hai vị dẫn đại quân đến Châu Bố Chính (do Quý Minh đại tướng chỉ huy) và Châu Hoan (do Cao Sơn đại vương chỉ huy) đánh địch. Cả hai nơi quân Thục đều thua to, chết không biết bao nhiêu mà kể, máu chảy thành suối, thuyền xe tan tác, Chúa Thục phải thu tàn quân trồn về Châu Vân Đồn. Tản Viên Sơn Thánh cùng các tướng ca khúc khải hoàn đem quân về triều. Hai vị lại đem quân đóng đồn ở 2 trại Hoa Khê, Mỹ Khê khao thưởng quân, dân. Phụ lão hai trại xin 2 vị cho dân ở đây được làm thần tử, hai vị bằng lòng và nhận thấy vùng này có thế Rồng ấp, Hổ chầu, long mạch từ núi Cựu Viên dẫn đến, thật là nơi cát địa. Do đó truyền dân 2 trại lập sinh từ thờ (sau Hoa Khê thờ Quý Minh, Mỹ Khê thờ Cao Sơn). Khi hoàn công, lại cấp cho dân 2 trại 10 lạng vàng làm nhu phí sửa chữa sau này.
Công việc xong, hai vị về triều cùng Tản Viên Sơn Thánh giúp Vua sửa sang triều chính. Hai vị lại xin Vua cho dân Hoa Khê, Mỹ Khê được làm dân tạo lệ cung điện ở đây. Do đó dân 2 trại được miễn thuế khóa, tạp dịch, ai ai cũng được hưởng ân huệ nên đều ngưỡng mộ công đức.
Thời gian này, Hùng Duệ Vương trị vì đã 105 năm, không có con trai nối dõi. Nhà Vua muốn nhường ngôi cho Sơn Thánh nhưng Sơn Thánh cố từ. Nhà Vua mới nhường ngôi cho Chúa Thục Phán. Cao Sơn - Quý Minh hết sức khuyên can nhưng Vua không nghe, cơ nghiệp nhà Hùng từ đây về tay nhà Thục.
Hai vị buồn chán bỏ hết chức vụ về ẩn cư tại Tung Sơn. Biết hai vị là người trung nghĩa, tài năng, Chúa Thục hai, ba lần mời về triều nhận chức nhưng đều bị từ chối.
Một ngày xuân ấm áp, hai vị dẫn mấy tiểu đồng lên chơi núi, bỗng trời đất tối sầm, một cơn lốc ào tới. Khi trời quang mây tạnh không thấy hai vị đâu, chỉ thấy một đám mây đen trên đỉnh núi, sau tan thành mây trắng (Hôm ấy là ngày 10 tháng 2).
Sau đó nhiều lần các Ngài hiển ứng linh dị, giúp nước, cứu dân nên dân sở tại lập đền thờ ở nơi các Ngài hóa, đây là đến thờ chính. Vua Thục biết tin phong thần hiệu hai Ngài là Đại Vương Thượng Đẳng Thần, lại ban sắc chỉ những nơi hai Ngài đã đóng quân đều phải lập đền thờ.
Lúc các Ngài hóa, ở hai trại Hoa Khê và Mỹ Khê bỗng có nạn dịch, người và vật đều không yên, thường mơ thấy hai Ngài dẫn quân về hành cung cũ ở đây. Vừa lúc đó nhận được chiếu chỉ nhà Vua nên dân hai trại sửa sang Miếu vũ, rước sắc văn về thờ. Từ đấy các Ngài thường linh ứng, phù hộ cho dân được yên ổn, mưa thuận gió hòa.
Khi Ngô Tiên Chủ đem quân dẹp giặc Nam Hán qua đền thờ anh em Ngài ở Hoa Khê, Mỹ Khê mới vào làm lễ xin thần phù hộ. Sau chiến thắng, Tiền Ngô Vương nhớ công âm phù sai quan đem lễ vật tạ ở đền các ngài, lại cấp cho dân sở tại 300 vác tiền đồng tu sửa đền thờ và ban cho ruộng đất để làm ruộng thờ cúng. Sau Hoa Khê, Mỹ Khê đổi làm phường. Mỹ Khê thờ Cao Sơn Đại Vương, Hoa Khê thờ Quý Minh Đại Vương. Các triều đều có phong tặng, gia ban tên hiệu đẹp.
Thần hiệu: Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần.
Chính Từ tại núi Tung Sơn, tỉnh Sơn Tây.
Sinh nhật : 15 - 9
Hóa nhật : 10 - 2
Khánh hạ : 15 - 8
Kỳ phúc : 10 - 2
Lễ phẩm : Ban trên dâng cỗ chay, ban dưới cố thái lao
Lễ sinh nhật có ca hát, đấu vật
Kiêng tên húy: Quý Minh
Hằng năm, theo thông lệ vào ngày Hóa của ngài tức ngày mùng 10 tháng 2 Âm lịch, Đình Trữ Khê thường diễn ra lễ hội, vào ngày hội có tổ chức lễ tế và các trò chơi dân gian như: hát đúm, hát chèo, cờ tướng, võ cổ truyền…Ngoài những lễ hội lớn trên những ngày mùng một, ngày rằm cũng như trong dịp tết Nguyên Đán và đặc biệt là vào ngày 15/9 Âm lịch diễn ra nghi lễ tổ chức cúng cơm mới. Trong những ngày này nhân dân cùng du khách thập phương đều thành kính đến dân lễ tại di tích, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh của làng quê Việt.
Đình Trữ Khê là di tích lịch sử văn hóa của nhân dân trên địa bàn phường Quán Trữ nói chung và nhân dân tổ dân phố Lê Duẩn nói riêng. Là nơi để quý khách thập phương tiếp tục được lễ bái, dâng hương thể hiện sự tri ân sâu sắc công đức của Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần, nơi thể hiện sự tưởng nhớ tới những anh hùng liệt sỹ, những người con của quê hương đã có công với nước, với dân, đã anh dũng chiến đấu hi sinh trong các cuộc kháng chiến để kiến tạo cho quê hương được như ngày hôm nay.
Năm 2005, đình Trữ Khê đã được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Trong khuân viên Đình có cây Bồ đề và cây Gạo hoa đỏ trên 300 năm tuổi được xếp hạng cây di sản Việt Nam năm 2016. Cùng với miếu Vua Bà và chùa Vĩnh Phúc tạo thành một quần thể di tích tín ngưỡng tâm linh của nhân dân Quán Trữ và du khách thập phương.
Trong thời gian qua, di tích lịch sử văn hóa đình Trữ Khê đã nhận được sự quan tâm của nhà nước, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, du khách thập phương và nhân dân phường Quán Trữ. Di tích đã từng bước được trùng tu, tôn tạo, tạo nên một diện mạo mới để phát huy giá trị văn hóa lịch sử và du lịch tâm linh.
Từ khi có đình Trữ Khê, dân làng và nhân dân gần xa các nơi thường đến cầu nguyện. Đến nay, dân làng và khách thập phương xa gần đều nhớ ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày khai hội, tri ân công đức Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần.
Mọi người cùng về đây dâng nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính đối với thành hoàng, cùng tận hưởng và vui chung bầu không khí đậm nét dân gian của lễ hội.
Thành đoàn Hải Phòng