ĐÌNH TRIỀU ĐÔNG, THỊ TRẤN TIÊN LÃNG, HUYỆN TIÊN LÃNG

08 03 2023

in trang

Làng Triều Đông là một vùng đất thuộc dải đồng bằng phù sa do các nhánh sông nhỏ bồi đáp tạo thành (Văn Úc). Thời xa xưa là đất huyện Bình Hà, đời Mạc đổi là Bàng Hà, đời Lê Trung Hưng lấy lại tên cũ thuộc vào phủ Nam Sách, sau đổi là Tân Minh (đời vua Lê Kính Tông) rồi Tiên Lãng (đời vua Thành Thái).

Thời Nguyễn, Triều Đông là một xã thuộc tổng Phú Kê, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An. Sau khi sáp nhập Kiến An vào Hải Phòng, đến năm 1987, huyện Tiên Lãng có 01 thị trấn và 21 xã thì Triều Đông là một phần đất của thị trấn Tiên Lãng.
Nghề nghiệp chính vùng đất này là nông nghiệp, song song với trồng lúa là trồng thuốc lào. Trong lịch sử đây là một trong những vùng trồng thuốc lào ngon của huyện Tiên Lãng.
 

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng qua Cầu Niệm theo đường Trần Nhân Tông, tiếp theo đường Trần Tất Văn, qua cầu Khuể, đến trung tâm thị trấn Tiên Lãng, Đình Triều Đông nằm ở ngã ba đường liên thôn (tổng quãng đường dài 18 km).

Căn cứ Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa; Căn cứ thực tế khảo sát tại di tích thì đình Triều Đông là di tích lịch sử.

Làng Triều Đông với hình ảnh là một làng quê xuất hiện vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Những dòng họ đến đầu tiên như dòng họ Đoàn Văn, Đoàn Hữu... làng gồm các giáp Đoài, Đông, Nam. Làng Triều Đông có một đình Triều Đông, một đền Ông Hổ, và một Miếu. Đền Ông Hổ theo dân gian thờ Thạch hổ sơn thần để trấn vùng đất Triều Đông ...

Căn cứ các bản sắc phong cho làng Triều Đông, tổng Phú Khê, năm Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783); năm Gia Long thứ 9 (1810); năm Tự Đức thứ 6 (1853); năm Tự Đức thứ 33 (1880), năm Đồng Khánh thứ 2 (1887); năm Duy Tân thứ 3 (1909); năm Khải Định thứ 9 (1924) thì Đình Triều Đông thờ Linh phù dực bảo trung hưng bản cảnh thành hoàng Lê Phúc tôn thần.

Theo bản thần tích làng Triều Đông do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám bách thần tri diện Hồng lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Hiền sao lại thì ngài Lê Phúc tôn thần có sự tích như sau: 

Vào thời Lê Sơ, ở trang Đồng Mai, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc có nhà ông Tuấn, họ Lê, nối đời nho học, thi cử thành đạt, nhưng đến đời ông thì gia cảnh bần hàn. Ông lấy vợ rồi vợ mất, sau khi mai táng cho vợ xong, ông từ giã quê hương đi ngao du thiên hạ. Ông đến vùng đất Triều Đông, trang Vân Thụy, huyện Bình Hà, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, thấy phong cảnh đẹp, đất đai màu mỡ, dân cư có phong tục thuần hậu nên ở lại vãn cảnh. Mải ngao du, trời đã tối, ông bèn tá túc qua đêm ở quán ven đường. Khi ấy có lão nông người trong vùng họ Nguyễn tên Khiêm là người hiền từ chất phác, thấy ông Tuấn là người có tướng mạo phi thường bèn mời về nhà, giữ ở lại và gả con gái là Thị Nguyên cho ông Tuấn. Ở với nhau đã lâu mà ông bà không có con.

Ngày ngày, ông bà thường lên chùa làng thắp hương cầu tự. Một đêm, ông Tuấn ngủ lại chùa thì mơ thấy có người áo mũ lung linh đến cho ông Tuấn một bông sen. Cũng thời gian ấy, bà Thị Nguyên mang thai và sinh được một người con trai khôi ngô, tuấn tú đặt tên là Phúc đó là vào ngày 10 tháng 2 năm Đinh Hợi. Lớn lên ông Lê Phúc càng tỏ ra là người phi thường, có dáng vóc to lớn, khuôn mặt đỏ rực... Sau khi cha mẹ mất, ông sống một mình, mở võ trường, ngày thường luyện tập võ nghệ, đấu võ với người trong vùng đều thắng nên được mọi người rất kính phục.

Thời ấy, giặc Vũ Đức Cung ở miền Hưng Hóa nổi nên, thế rất mạnh, chiếm cứ một vùng từ sát biên giới đến Đại Đồng (Tuyên Quang), Văn Yên (Yên Bái)... Vua Lê và chúa Trịnh rất lo lắng. Chúa Trịnh thân chính xa giá đi tìm người tài giúp nước, đến vùng Triều Đông huyện Bình Hà được các phụ lão trình là trong xã có người là Phúc công, có tài lớn có thể dẹp yên được giặc. Chúa cho vời Phúc công đến, thấy dung mạo của ngài khác thường, dáng người to lớn, mặt đỏ như mặt trời... bèn với ông ra giúp nước. Phúc công nhận lời, tạ ơn và được chúa Trịnh phong là Quản thống, Đô hộ quốc công Đại tướng quân và lệnh cho cầm quân đi đánh giặc.

Ngài Phúc công đem quân tả xung hữu đột tiến tới đồn giặc tự xưng là Thiên sứ đình quân Trung quân tấu Đại động tướng rồi một mình tả xung hữu đột, chém được ba voi lớn, tướng giặc hoảng sợ bèn rút binh về Nghĩa Châu (nay thuộc đất Bảo Lạc, Cao Bằng) rồi sai người đến thú tội trả lại đất đã chiếm cho triều đình.

Giặc tan, chúa phong thưởng cho tướng lĩnh, Phúc công về thăm quê và hóa vào trưa ngày 10 tháng 11. Lúc ông mất, nhân dẫn đến bái tạ mà mặt ngài vẫn đỏ như mặt trời. Chúa Trịnh cho là linh dị, ban cho quan tài ngọc để mai táng và ban cho dựng miếu tại làng Triều Đông, trang Vân Thụy nơi ngài sinh sống để thờ phụng, lại ban cho tám trăm quan tiền cùng miễn cho các sự binh dịch để lo việc xuân thu theo lệ quốc tế.

Theo những ghi chép trong thần tích vào thời điểm Ngài Lê Phúc tôn thần mất, ông đã được Chúa Trịnh ban phong những ân điển lớn cho mai táng bằng quan tài ngọc tại quê cũ, lại cho dựng miếu thờ tại làng Triều Đông để thờ phụng. Nơi ấy, nay là miếu làng Triều Đông.

Căn cứ vào những dấu tích kiến trúc còn lại thì đình làng Triều Đông được khởi dựng vào thế kỷ XVII – XVIII tại điểm trung tâm của làng trên gò Trụ (nay là khu vực chợ), đình hướng Nam, hình dáng ban đầu có kiến trúc chữ Đinh, gồm tòa Tiền bái 5 gian và 3 gian Hậu cung, quy mô khá to lớn. Khuôn viên đình có hồ nước, cây đa cổ thụ, giếng đình...

Vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), đình Triều Đông được tu sửa lại trên cơ sở kiến trúc chữ Đinh cũ và mở một tòa đại bái phía trước thành kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Phía Tây của đình có một quán võ, xưa kia trai tráng trong làng thường theo học võ do một võ sư truyền dạy. Theo tấm bia bị vỡ còn lưu giữ một phần tại miếu có niên đại Hoàng triều vạn vạn niên, Canh Tý, quý đông, cốc nhật (ngày lành tháng 12 năm Canh Tý- 1840) có ghi: Phủ Nam Sách, huyện Tiên Minh, xã Triều Đông, các hương lão nhất trí bầu ông Phạm Văn Khôi, kỵ ngày 12/1; bà Trần Thị, hiệu Từ Hòa kỵ ngày 15/5 là Hậu thần do bỏ tiền tu sửa đình.

Năm 1946, đình Triều Đông tiêu thổ kháng chiến một phần, đại bái bị rỡ. Năm 1953, trong trận càn Cờ lốt, đình bị Pháp đốt cháy chỉ còn phần Hậu cung, nhân dân sơ tán tượng sang Miếu Cầu, sau miếu Cầu bị hỏng nhân dân chuyển tượng sang Chùa Đôi. Khi phục dựng đình chuyển tượng về đình.

Đình làng Triều Đông hiện nay được phục dựng vào năm 2010 có kiến trúc chữ Đinh, gồm Tòa tiền bái 5 gian và tòa Hậu cung 3 gian. Nhìn từ phía ngoài, Tiền bái là kiến 5 gian, kiểu kiến trúc bờ dải con xô. Khác với kiến trúc tường hồi bít đốc phổ biến của thời Nguyễn. Kiến trúc bờ giải xuất hiện phổ biến vào thế kỷ XVII - XVIII với đặc điểm là chéo đao tàu, góc mái. Phần kiến trúc gian trái của đình được làm thấp hơn, từ phần nóc của mái chạy về hai phía là bờ hồi, từ phần bờ hồi có đường bờ dải chạy chéo về góc mái, nơi giao nhau của hai tàu mái tạo thành mái đao cong. Nơi giao nhau giữa bờ hồi và bờ dải là khúc khuỷnh, có con sô, theo dân gian là con vật linh thiêng kiểm soát tâm hồn người hành hương. Phần trên bờ nóc mái là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Phía hai hồi nóc là hai đầu rồng, rồng ngậm bờ nóc hướng về trung tâm. Phần Hậu cung là kiểu vì hồi bít đốc, trụ đấu tay ngai.

Phía trong tiền bái là nhà 5 gian, kiểu vì Chồng rường giá chiêng, trung tâm Tòa tiền tế là một nhang án tiền, trên nhang án đặt lư hương, cỗ Tam sơn, hai bên là hai lọ lộc bình. Phía trên có biển đại tự: “Diện như hồng nhật” (mặt đỏ như mặt trời). Gian phía phải là nơi đặt bàn thờ liệt sĩ.

Hậu cung là 3 gian kiểu vì chồng rường giá chiêng. Gian trong cùng là nơi đặt tượng ngài Lê Phúc tôn thần. Thần tượng ngồi trên bệ, chân buông gối, mặc trang phục văn quan, đầu đội mũ cánh chuồn tay cầm hốt, mặt thần tượng đó rực...Gian đặt thần tượng được phân định riêng với các gian còn lại bởi một bức rèm đỏ.

Hai gian bên ngoài gian tiền bái là nơi đặt nhang án, trên để mâm bồng, hai bên là hai lọng lớn và bộ bát bảo. 

Lễ hội chính của đình Triều Đông diễn ra vào ngày 10 tháng 2, ngày Thánh Đản và ngày 09/11 ngày Thánh Hóa. Trong ngày lễ hội chính có lễ phẩm không thể thiếu là bánh dày do các giáp giã gạo nếp nấu chín làm bánh tiến cúng, Chủ tế thường do tiên chỉ đứng đầu. Làng rước sắc và bài vị từ miếu về đình làm lễ tế. Trong dịp lễ hội, làng Triều Đông có kết chạ với làng cổ Lật Dương (xã Quang Phục) cùng thờ một Thành hoàng làng, do vậy khi tế Thành hoàng làng Triều Đông, làng Lật Dương cũng rước lễ về tế cùng.

Ngoài những ngày sự lễ chính, đình Triều Đông còn gìn giữ các ngày lễ Hạ điền, Thượng điền và cúng cơm mới.

Trong dịp chính hội có các trò chơi dân gian như: Hát chèo, vật, cờ người, kéo co, vật cầu... có sự tham gia đông đảo của nhân dân trong làng.

Đình làng Triều Đông trong lịch sử là một ngôi đình làng truyền thống, có lịch sử hình thành và tồn tại cùng với lịch sử văn hóa truyền thống làng xã, là trung tâm hành chính, tín ngưỡng và văn hóa của làng Triều Đông xưa.

Trải qua thời gian, chiến tranh và thiên tai, đình đã nhiều lần xuống cấp và được tu sửa. Có thời điểm, sự xuống cấp của ngôi đình khiến nhân dân phải sơ tán đồ thờ tự sang những di tích khác, như chùa, miếu...

Năm 2010, nhân dân trong xã đã vận động công đức và quyên góp xây dựng ngôi đình với quy mô lớn như hiện nay. Kiến trúc gồm một tòa Tiến bái, một tòa Hậu cung kết cấu lại hình chữ Đinh. Phía bên ngoài là khoảng không gian sân đình rộng, hai bên là hai cây đa lớn. Đình quay hướng Nam, gần đường giao thông trong thị trấn...

Trồng cây tại khu vực di tích. Hiện nay, di tích có không gian rộng nhưng còn nhiều diện tích đất trống. Tại những ví trí đất trống cần trồng thêm cây lâu năm để tạo cảnh quan thiên nhiên đối với một di tích cổ truyền thống.

Dựng biển chỉ dẫn từ trục đường thị trấn, kết nối các điểm di tích trong vùng để tạo thành tuyến tham quan tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương. Kết hợp với lãnh đạo trường học để là điểm tham quan và ngoại khóa học sinh và giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa..

Tiếp tục sưu tầm những di vật, cổ vật trong vùng để làm sáng tỏ những giá trị di tích và cung cấp những tư liệu về lịch sử nhân vật được thờ.

Khôi phục lễ hội cổ truyền tạo thành sân chơi lành mạnh bổ ích cho nhân dân trong vùng. 

Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa;

Căn cứ giá trị lịch sử, giá trị văn hóa tại di tích đình Triều Đông, Bảo tàng Hải Phòng lập Hồ sơ khoa học, trình Hội đồng di tích thành phố xét duyệt trình Ủy ban nhân dân thành phố xếp hạng di tích Đình Triều Đông, thị trấn Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là di tích lịch sử. 

 

Tài liệu tham khảo: 

1. Di tích - Danh thắng Hải Phòng, NXB Hải Phòng, 2005.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý, NXB Khoa học xã hội, HN1997.

3. Địa chí Hải Phòng, NXB Hải Phòng, 1990.

4. Những ông Nghè đất Cảng, NXB Hải Phòng năm 1990.

5. Nhân vật lịch sử Hải Phòng, NXB Hải Phòng năm 1997.

6. Từ điển địa danh Hải Phòng, NXB Hải Phòng 1994.

7. Tài liệu khảo sát người viết Lý lịch di tích. 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke