ĐÌNH TRI YẾU – XÃ ĐẶNG CƯƠNG - HUYỆN AN DƯƠNG
27 10 2023
in trang
Đình Tri Yếu còn có tên là đình Đông, bởi trước đây làng Tri Yếu có ba thôn: thôn Đông, thôn Đoài và thôn Trung Nghĩa, riêng thôn Trung Nghĩa theo đạo Thiên chúa giáo, nên không có đình. Thôn Đông, Đoài đều có các công trình tâm linh tín ngưỡng đình, chùa, miếu. Thôn Đông được coi là thôn gốc, nên được giữ lại đình Đông. Trải qua thăng trầm của lịch sử đình, miếu của thôn Đoài đã bị hủy hoại. Đình Đông, ngôi đình duy nhất còn lại của làng Tri Yếu và trở thành tài sản chung của cộng đồng dân cư Tri Yếu, như chính khởi thủy khi mới hình thành ngôi đình này.
Đình Tri Yếu thuộc thôn Thành Công, làng văn hóa Tri Yếu, xã Đặng Cương, ngôi đình được mang chính tên địa danh làng quê nơi cộng đồng dân cư sinh ra nó đó là Tri Yếu.
Đình Tri Yếu còn có tên là đình Đông, bởi trước đây làng Tri Yếu có ba thôn: thôn Đông, thôn Đoài và thôn Trung Nghĩa, riêng thôn Trung Nghĩa theo đạo Thiên chúa giáo, nên không có đình. Thôn Đông, Đoài đều có các công trình tâm linh tín ngưỡng đình, chùa, miếu. Thôn Đông được coi là thôn gốc, nên được giữ lại đình Đông. Trải qua thăng trầm của lịch sử đình, miếu của thôn Đoài đã bị hủy hoại. Đình Đông, ngôi đình duy nhất còn lại của làng Tri Yếu và trở thành tài sản chung của cộng đồng dân cư Tri Yếu, như chính khởi thủy khi mới hình thành ngôi đình này.
Đình Tri yếu nằm tại khu vực trung tâm của khu dân cư sầm uất và sát đường trục chính, được rải nhựa khá rộng rãi của làng Tri Yếu.
Tri Yếu (知要), theo chữ Hán có nghĩa là làm chủ những điều cốt lõi trong cuộc sống.Tri Yếu là một làng tối cổ, trang ấp được hình thành từ thời Hùng Duệ Vương ( vua Hùng thứ 18), bởi thời đó tại địa phương đã có Chàng Rồng, làm tướng của vua Hùng, sau này ông làm Thành hoàng làng Tri Yếu.
Đình Tri Yếu thờ 3 vị Thành hoàng là Chàng Rồng Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương và Qúy Minh Đại Vương. Theo bản ngọc phả Hùng triều công thần tam vị Đại Vương, Thành hoàng làng Tri Yếu, được quan Quản giám bách thần, Tri điện, Hùng lĩnh, Thiếu khanh Nguyễn Hiền tuân theo triều trước phụng sao vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919), vị Hương sư, đã dự thi Hương, người trong xã là Nguyễn Xuân Phương, theo bản cũ sao lại. Qua bản ngọc phả, thân thế sự nghiệp của ba vị Đại Vương được tóm lược như sau:
Tại Động Lăng Xương, phủ Gia hưng có gia đình họ Nguyễn, vốn dòng dõi hào trưởng tên là Công Lĩnh, vợ là Cao Thị Nham. Vợ chồng ông Lĩnh hiền hậu, đức độ. Một hôm ông Lĩnh lên nũi Tam Đảo hái thuốc, đang buổi trưa hè oi bức, thấy một phiến đá bằng phẳng lớn, sáng loáng, ông bèn ngả lưng trên bàn đá nghỉ trưa. Bất giác ông ngủ đi lúc nào không biết. Trong giấc chiêm bao ông thấy hai vị thần tướng, một vị đội mũ đầu hổ, mặc áo gấm mầu đỏ, cưỡi con ngựa hồng tự xưng là Cao Sơn thần Vương. Một vị đội mũ thất bảo, mặc áo gấm mầu xanh biếc, cưỡi trên con bạch mã, tự xưng là Qúy Minh thần Vương. Hai vị từ trên trời bay xuống quỳ lạy trước ông Lĩnh và nói rằng: “ Anh em con là dòng dõi 50 người con theo mẹ (Âu Cơ) lên núi ngày xưa. Thượng đế sai cai quản một vùng núi, sông, làm thần chúa tể một phương. Nay phạm vào điều lầm lỗi của thiên đình bị trích giáng xuống cõi trần tìm nhà có đức đầu thai làm con. Ông là người làm nhiều điều phúc đức, Thượng đế đã soi xét từ lâu, muốn giúp cho vận nước hưng thịnh, lập được công lớn ông chớ nên từ chối”. Đương lúc bàng hoàng, sửng sốt, bỗng có tiếng sét lớn trên trời, ông giật mình tỉnh giấc, mới biết mình chiêm bao. Sau thời gian đó ít lâu bà Cao Thị Nham có mang qua 14 tháng, vào ngày 15 tháng 9, bà sinh ra được hai người con trai. Cả hai người khôi ngô, dĩnh dị, khác thường. Một người trên trán nổi vết chàm đỏ hình cái ấn vuông, nên được tên là Cao Sơn. Người kia tay dài quá đầu gối, trên mặt có bảy nốt ruồi, tiếng vang như chuông, hai vai có những nốt ruồi xếp thành chữ “ Hiển Minh”, nên được đặt tên là Qúy Minh. Lúc bấy giờ có người anh bên bác là Nguyễn Tùng ( tức Tản Viên), rất thương yêu hai người, nên đón về nuôi dạy. Trong khoảng mấy năm cửa nhà thanh bạch, ba anh em quý nhau như anh em ruột. Ba người nhận nữ thần họ Ma, chuyên sinh sống bằng nghề hái thuốc làm mẹ nuôi. Sau đức Tản Viên được Thái Bạch Tinh quân cho một cây gậy trúc thần, lại được Long Vương tặng cho quyển sách ước, có khả năng giải nguy, cứu khổ, cứu dân, giúp đời. Đức Thánh Tản Viên chia phong cho Cao Sơn và Qúy Minh là thần vai trái và thần vai phải, được phân đều theo địa phận núi mà cai quản. Người trong đời gọi là ba vị thánh là Sơn thần xuất thế. Vua Hùng Duệ Vương không có con nối dõi, có hai người con gái, Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử. Công chúa thứ hai là Mỵ Nương chưa thành hôn, nên được vua Hùng tổ chức kén rể. Tản Viên cùng hai em vào ứng tuyển, Tản Viên có tài hô phong, hoán vũ, nên được vua gả Mỵ Nương cho. Vua Thục tên là Phán cũng muốn lấy công chúa Mỵ Nương nhưng không được, nên mang lòng oán giận vua Hùng. Sau khi làm phò mã Tản Viên tiến cử hai em, vua phong cho Cao Sơn là Tả đô đài Đại phu, Qúy Minh là Hữu đô đài Đại phu. Trong mấy năm thiên hạ thái bình, hai ông đi kinh lý nhiều nơi để vỗ yên dân. Một hôm hai ông về khu Đông Trang, Tri Yếu thấy có một người tên là Chàng Rồng, cha mẹ sinh ra ông là Trần Lân và mẹ là Nguyễn Thị Miễu, hai ông bà làm nhiều việc thiện, như xây cầu, đắp đường dựng miếu, sửa chùa, tô tượng, đúc chuông…Một hôm ông Trần Lân đi đánh cá bằng chiếc thuyền con, khi qua cửa biển Yên Hưng (Quảng Ninh) đến cửa biển Kỳ Hoa, nơi đây hay có yêu quái thuồng luồng làm hại mọi người. Đã có nhiều thầy phù thủy pháp thuật cao tay, nhưng không trị được. Thuyền ông vừa đến nơi thì trời tối, ông vào một miếu thờ uống rược và ngủ đêm tại đây. Khoảng nửa đêm ông thấy một đám lửa sáng lòa như quả quýt trên xà nhà, ông Lân liền cầm mác dài đến xem thấy con thuồng luồng dài khoảng 10 trượng, ông vung mác chém đứt đôi con vật. Khi ông về thuyền ngủ, ông chiêm bao thấy một người mình đầy vẩy rồng, mặc áo giáp vẩy cá, đầu đội mũ hồng điều từ dưới sông đi lên đến trước mặt ông lạy chào và nói: “ Con là thần dưới thủy cung, thuộc dòng dõi 50 người con theo cha (tức Lạc Long Quân) về biển từ xa xưa. Vừa rồi thấy ông có công diệt trừ con yêu quái thuồng luồng, Thượng đế khen ngợi, nên cho con vào nhà đầu thai để báo ơn lớn, làm rạng danh gia đình”. Ông Lân chợt tỉnh giấc, về nhà ông mang chuyện đó nói lại với phu nhân, phu nhân nói: “Đêm vừa rồi tôi cũng nằm mơ thấy con rồng đen phủ lên người, tôi nắm được cái vuốt rồng thì tỉnh giấc”. Hai ông bà thấy giấc mơ vậy, nên rất mừng vui. Sau thời gian đó bà có mang, đến ngày 5 tháng 4 bà sinh ra một người con trai, mặt tựa mặt rồng, mắt sáng như mắt hổ. Cha, mẹ đặt tên cho người con là Chàng Rồng. Khi lên 8 tuổi đã có chí khí anh hùng, mưu trí, sức lực hơn người, chạy nhanh như gió, có thể thu sấm, đuổi chớp, có sức khỏe nhấc vạc, bạt sơn. Khi 15 tuổi, thân thể cao, lớn, văn, võ toàn tài. Các trang hào kiệt tuấn tú quanh vùng tìm đến xin dưới trướng có tới hàng trăm người. Bè đảng của ông thường đi lấy của nhà giầu giúp đỡ những người nghèo khó. Nhân dân quy phục, nên trang trại của ông ngày thêm đông đúc có tới 500 người.
Lại nói Cao Sơn, Qúy Minh tới địa phương, Chàng Rồng liền mang bè đảng đến hàng phục, quy thiện. Sau khi Cao Sơn, Qúy Minh hỏi gia cảnh ông bà Lân hiểu rõ mọi chuyện, cho rằng người này 500 năm trước là đồng khí nhất nguyên, liền kết nạp và cho Chàng Rồng làm phó tướng. Hai ông dừng lại ở Tri Yếu 10 ngày, các cụ phụ lão trong trang ấp đến xin làm thần tử, các địa phương khác cùng kéo đến xin thần phục.
Thời đó Thục Phán đem quân xâm lược nước Văn Lang, quân giặc huy động binh hùng, tướng mạnh với 10 vạn quân, 3000 quân kỵ mã, 100 chiến thuyền, chia làm 5 đạo tiến công nước ta. Tin cấp báo về triều, vua Hùng rất lo lắng, liền truyền cho Thánh Tản Viên cùng các quan tướng hội triều bàn kế chống giặc. Nhà vua phong cho Tản Viên làm Tiết chế thống lĩnh quân thủy bộ để đánh giặc. Phong cho Cao Sơn làm Dũng lược Đại tướng quân, phong Qúy Minh là Hùng uy Đại tướng quân. Đức Thánh Tản Viên phong cho Hoàng Triều, Hoàng Bá làm Nhang úy, Chàng Rồng làm Phó đồng nhung thủy đạo, dưới quyền chỉ huy của Cao Sơn. Chàng Rồng về quê hương Tri Yếu tuyển chọn được 100 người lập thành một đồn trại chốt giữ ở đầu làng để phòng bị giặc. Xây dựng xong hệ thống phòng thủ ở quê nhà, Chàng Rồng kéo quân về hợp cùng lực lượng của Cao Sơn chống giặc trên biển. Chàng Rồng hiến kế và xin với Cao Sơn mang 20 chiến thuyền nhẹ bí mật, bất ngờ đánh thẳng sâu vào trung tâm quân giặc, để lập công dâng trước cờ Đại tướng. Cao Sơn vui mừng đồng ý, Chàng Rồng lập tức xuất phát tiến công chém được nhiều tướng giặc, nhân thời cơ tốt Cao Sơn đốc suất toàn quân đánh vào đội hình quân giặc. Khí thế quân ta như vũ bão, quân giặc thua to, tướng giặc là Cao Lỗ nhảy xuống thuyền con trốn thoát. Quân ta đại thắng, tướng, binh Thục phải rút về nước. Vua Hùng mở tiệc khao thưởng tướng sĩ có công trong trận mạc. Vua phong cho Cao Sơn làm Trưởng quốc tiết chế, Qúy Minh Tả Tướng quốc tiết chế và được phong tước Vương. Chàng Rồng được phong là Bình Nhung Hầu. Trang Tri Yếu được phong là đất Hộ nhi, được miễn trừ tô, thuế, phu dịch. Chàng Rồng bỏ tiền mua thêm ruộng đất, ao vườn chia cho dân, lại dạy dân trồng cấy ngũ cốc, chăn tằm, dệt lụa.
Hùng Duệ Vương đã 105 tuổi, nhưng không có con nối dõi, nên muốn nhường ngôi cho Tản Viên, nhưng Tản Viên từ chối không nhận. Vua Hùng muốn mời Thục Phán đến nhường ngôi, nhiều quan trong triều không nghe theo. Vua Thục lợi dụng triều chính vua Hùng Như vậy và sợ vua Hùng đổi ý, nên đã mang quân đánh úp. Cơ nghiệp nhà Hùng đến đây kết thúc, Thục Phán lên thay. Các quan trong triều bỏ về quê hương bản quán, Cao Sơn, Qúy Minh về sống ẩn cư trên núi Tam Đảo- Ba Vì. Cao Sơn hóa ngày 10 tháng 2, Qúy Minh hóa ngày 6 tháng 12.
Sau khi vua Hùng mất nước, Chàng Rồng trở về làng Tri Yếu, trên gò đất Đông, ông thường hay khuyến khích người dân lo việc cấy lúa, trồng ngũ cốc, chăn tằm, dệt lụa, giúp đỡ người nghèo khó. Khi nghe tin hai chủ tướng qua đời, ông liền triệu tập dân binh được vài trăm người, ông nói: “ Ta được hạt gạo đều nhờ ơn vua Hùng ban cho, nay nhà Thục diệt vua Hùng, ta quay lại thờ Thục thì ra bất trung, tất bị đời sau chê cười, chi bằng mang quân đánh úp nhà Thục, nếu có mệnh hệ gì, lúc xuống suối vàng không hổ thẹn khi gặp các thánh chúa họ Hùng”. Chàng Rồng bèn mang quân vây thành Cổ Loa mấy lần, nhưng đều không phá nổi. Một hôm ông ngầm lẻn vào trong nội cung lấy được quả ấn vàng và long cổn của vua Hùng mang về Tri Yếu. Vua Thục dò biết bèn sai tướng Cao Lỗ đem 3 vạn quân đuổi theo Chàng Rồng về tận quê, đến xứ Đồng Đầm, hai bên gặp nhau, một trận chiến ác liệt xảy ra. Chàng Rồng tả xung, hữu đột chém được hàng chục tướng Thục, nhưng do chênh lệch lực lượng quá lớn, ông bị quân Thục vây chặt tứ phía. Trong khi tìm đường phá vòng vây không may ông bị ngã xuống ruộng lầy và bị cây đâm vào người và ông đã hóa, đó là ngày 8 tháng 2. Nhân dân thương tiếc lập miếu thờ ông tại nơi ông hy sinh, đề hiệu Chàng Rồng Đại Vương. Ngôi miếu thờ ông người dân gọi tên là miếu Kiến
Đến thời nhà Đường đô hộ nước ta, Đại tướng Cao Biền hành quân qua thấy đền ông linh ứng, đã phong tặng sắc “ Chàng Rồng Đại Vương linh ứng, Hiển hựu thiên ứng”, ban cho dân địa phương 100 quan tiền để trùng tu đền thờ ông. Vài chục năm sau các phụ lão trong làng chiêm bao thấy vị Thành hoàng nói: “Nay có hai vị Cao Sơn và Qúy Minh khi còn sống đã có công với nước nhà, Thượng đế phong làm Phúc thần làng này, mọi người nên dựng miếu phụng thờ. Nếu thờ với ta thì đặt bài vị thần hiệu của hai Ngài bên phải của ta để phụng thờ, làm được như vậy sẽ được hưởng phúc sâu, rộng”. Sáng hôm sau dân làng bàn nhau và cử một đoàn sang làng Điều Yêu Thượng rước bài vị thần hiệu của Ngài Qúy Minh Đại Vương. Một đoàn sang Điều Yêu Hạ rước bài vị thần hiệu của Ngài Cao Sơn Đại Vương, dựng miếu ở nơi ngày xưa các Ngài đóng đồn quân để bốn mùa hương khói.
Niên hiệu Trùng Hưng (1285- 1293), vua Trần Nhân Tông cầu đảo có linh ứng, gia tặng cho Cao Sơn mỹ tự “ Anh vũ Uy tích”, gia tặng cho Qúy Minh “Trung liệt Cảm ứng”. Niên hiệu Hưng Long triều Trần thứ 21 ( 1313), vua tặng Cao Sơn là “Thu hóa Đôn nghĩa”, tặng cho Qúy Minh là “Qủa đoán Cương nghị” và tặng cho Chàng Rồng Đại Vương là “Dũng cảm Chiêu ứng”. Cao Sơn, Qúy Minh là Thượng đẳng thần, Chàng Rồng là Trung đẳng thần, được trang Tri Yếu, phủ Kinh Môn phụng thờ. Sau này đến triều Nguyễn nhiều vua đã sắc phong cho Ngài Cao Sơn, Qúy Minh là Thượng đẳng thần và nhiều xã quanh vùng phụng thờ. Vua Khải Định năm thứ 9 (1924), sắc phong cho Chàng Rồng là “Chàng Rồng Long thần, tôn thần, Thượng đẳng thần”.
Theo các vị cao niên trong làng, đình Tri Yếu được khởi tạo vào thời Hậu Lê Thế kỷ XVII, đình nằm trên gò đất phía Nam của làng. Theo các nhà phong thủy đình tọa lạc trên gò đất hình con rùa, đình nằm trên đầu rùa. Đình Tri Yếu hướng Nam, phía trước có dòng sông Lạch Tray, ngày, đêm chảy về biển, xa xa vọng về dãy núi Tượng Sơn, phía Đông Nam có dãy núi Thiên Văn chầu đến. Thời Nguyễn đình tu sửa nhiều lần, lần trùng tu cuối cùng, trên ngói màn của đình ghi niên đại tuyệt đối, năm 1894 (Giáp Ngọ niên). Đình Tri Yếu trước đây làm bằng vật liệu truyền thống, có kiến trúc mặt bằng tiền nhất, hậu đinh, tòa đại bái 5 gian, 2 dĩ, tòa chữ đinh, trung đường 3 gian, hậu cung cũng là cung cấm ba gian. Năm 1968, do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử lúc đó, nên đình Tri Yếu bị dỡ bỏ chỉ còn lại phần hậu cung để lấy vật liệu làm một số công trình của địa phương. Năm 1983, trên cơ sở hậu cung, nhân dân địa phương dựng thêm phần tiền tế đình 5 gian. Năm 2021 được nhà tài trợ hưng công, giúp kinh phí lớn, nên đình Tri Yếu được làm lại với quy mô kiến trúc to lớn.
Từ trục đường chính của làng Tri Yếu vào đình đi qua nghinh môn. Nghi môn tạo thành ba cửa, chính môn, kích thước rộng xây kiểu cột đồng trụ, hai bên tả môn, hữu môn xây có mái, mái chồng diêm, chéo đao, lợp ngói mũi. Qua chính môn là tắc môn, tắc môn xây hình dáng bức cuốn thư lớn, được trang trí đắp vẽ các đề tài truyền thống, như: lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh, tứ quý, hoa lá thiêng rất sinh động và có mỹ thuật cao. Từ sân bước lên đình qua chín bậc cấp bằng đá và chỉ bố trí bậc lên qua hai gian bên của tòa đại bái. Hai thành bậc cấp lên đình, đặt hình rồng bằng đá, trong tư thế uốn khúc trong mây chầu ra ngoài. Thẳng với gian trung tâm đình, từ hiên xuống sân, cấu tạo mặt bằng đá nghiêng xuôi xuống sân. Mặt đá được gép bằng nhiều phiến đá với nhau nhưng rất khít và phẳng. Trên mặt đá chạm khắc đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng.
Đình Tri Yếu làm bằng vật liệu mới, bê tông cốt sắt, mặt bằng kiến trúc chữ đinh, gồm 7 gian đại bái, ba gian hậu cung, trong đó có một gian cung cấm, mái chồng diêm nóc các, mái của hai tòa đại bái và hậu cung làm theo thức chéo đao tầu góc. Mái lợp ngói mũi, trên mái đình, đắp trang trí các đề tài truyền thống, đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, khúc nguỷnh đắp con sô, góc đao cong đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa. Tòa đại bái 7 gian, 5 gian chính và hai gian dĩ. Hiên tòa đại bái làm kiểu bát vần chạy xung quanh và có hệ thống lan can bằng đá. Lan can được tạo thành những mảng đá trang trí kết hợp với trụ đá. Trên các mảng của đá lan can, khắc nổi hình tròn chữ thọ cách điệu ở giữa, bốn góc là hoa dây hóa phúc chầu vào chữ thọ. Hệ thống khung chịu lực của tòa đại bái, gồm 6 bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột, câu đầu kép để thành kiểu mái chồng diêm. Vì nóc cấu trúc chồng rường con nhị, vì nách thuận chồng ba con. Trên các cấu kiện của bộ vì đều được đắp điểm xuyết lá guột mềm mại, đấu kê hình vuông, thót đáy, đắp nổi hoa sen cách điệu. Các đầu dư được đắp nổi đầu rồng, miệng rồng ngậm ngọc, mắt lồi, chân có móng vuốt, tóc râu dài bay ngược về phía sau.
Tòa hậu cung có ba gian cấu trúc nối liền với tòa đại bái về phía sau, trong đó có một gian cung cấm. Khung chịu lực của tòa hậu cung gồm ba bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Cấu tạo các bộ vì tương tự như tòa đại bái. Cung cấm ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống cửa bằng gỗ tốt, gồm cửa chính và hai cửa nách. Cửa đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách, có ngưỡng khá cao. Cửa chính lớn chỉ mở vào những dịp tiết lễ lớn của làng, cửa nách nhỏ chỉ đủ một người vào. Toàn bộ cổ diêm xung quanh đình đều đặt hàng song con tiện bằng gỗ lắp theo chiều dọc và phía ngoài cổ diêm được chắn lớp kính để chống bụi.
Đình Tri Yếu trải thời gian thăng trầm của lịch sử, nhưng hiện nay vẫn còn bảo tồn được một số cổ vật có giá trị về lịch sử mỹ thuật: Kiệu bát cống, Long đình, Nhang án, Khám thờ, long ngai, bài vị, một bộ thờ hoàn chỉnh, Bia bằng đá xanh nguyên khối, Sắc phong,…
Đình Tri Yếu trước đây hàng năm tính theo âm lịch, thường diễn ra nhiều tiết lệ, nhưng vào ngày 8 tháng 2 là ngày hội lớn nhất trong năm, đây cũng là dịp hội làng. Hội lễ diễn ra từ ngày mồng 7, đến ngày 11, sau lễ nhập tịch dân làng rước bát hương từ miếu Kiến về đóng đám. Trong lễ hội, lễ rước thánh rất long trong, đông vui, đoàn rước có các nghi trượng, nghi vệ: tàn lọng, cờ, quạt rước rất khi thế. Người khiêng rước kiệu phải là những trai tân có đạo đức tốt trong làng và phải mặc quần the trắng, áo nậu đỏ. Dân làng tổ chức cúng lễ ở miếu rồi rước bát hương thánh về đình mở hội. Những năm được mùa, mưa gió thuận hòa, lễ hội làng kéo dài đến rằm tháng 2. Làng có ruộng tự điền phân cho 6 giáp để cày cấy, lấy lợi tức sắm phẩm lễ cho các ngày trong lễ hội. Từ ngày mồng 8 đến ngày mồng 10, mỗi ngày tổ chức hai canh tế, Mạnh bái, chủ tế phải là các vị có chức sắc lớn, tham gia đoàn tế là các vị chức dịch, nhưng trong năm không có tang trở. Ngày 11 tế đóng cửa đình, rước bát hương về miếu Kiến. Tại miếu Kiến tổ chức tế kết thúc hội, trong lễ tế này có tục quan viên tham gia tế thường lấy cài hoặc kim gài vào ngực áo, sau khi tế xong chạy tán loạn mỗi người một nơi. Hành động này được giải thích là để nhắc lại tích chuyện Chàng Rồng trong trận chiến cuối cùng, bị quân địch bao vây bắn tên, Ngài ngã vào cọc nhọn hy sinh, quân sĩ của Ngài tán loạn giữa chiến trường. Trong hội làng Tri Yếu còn có rất nhiều trò chơi thi đấu, như: đấu vật, chọi gà, đu tiên, tổ tôm điếm, hát ca trù, hát chèo sân đình…Đặc biệt trong lễ hội làng có thi dệt vải. Cuộc thi dệt vải diễn ra khá độc đáo, để chuẩn bị cho cuộc thi người ta bắc những chiếc cầu bằng tre, gỗ ra ngoài hồ bán nguyệt trước đình và làm những chiếc lều nhỏ có mái che. Những cô gái dự thi được tuyển chọn từ các giáp. Các cô gái cùng với bộ khung dệt vải, ngồi trong lều để thi tài trong tiếng reo hò, cổ vũ của mọi người trong giáp vây xung quanh hồ. Trong quá trình thi những thông báo về kết quả của các dệt thủ được loan tin sôi động, liên tục, tạo lên không khí rất náo nhiệt, phấn khích trong cuộc thi. Những người dành được giải trong cuộc, ngoài giải thưởng của làng trao tặng còn được sự tôn vinh kính trọng của mọi người. Theo truyền ngôn, đây là cuộc thi để nhắc lại công ơn của Chàng Rồng đã dạy dân làng Tri Yếu cày cấy, dệt vải của thời xa xưa.
Ngoài dịp lễ hội làng nêu trên, trong năm người dân còn tổ chức các tiết lễ như: ngày 5 tháng 4, ngày sinh Đức Chàng Rồng; ngày mồng 6 tháng Chạp ngày thánh hóa; ngày 15 tháng 8, lễ cúng cơm mới; tối ngày 14 và 30 hàng tháng, lễ sóc, vọng.
Đình Tri Yếu được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1991, đây là một trong những di tích hiếm quý chứa đựng những giá trị lịch sử từ thời đại Hùng Vương. Di tích đình Tri Yếu cũng là địa điểm có giá trị, ghi dấu ấn chuyển tiếp giai đoạn lịch sử từ nhà nước Văn Lang sang nhà nước Âu Lạc. Đình Tri Yếu chứng minh cho sự hình thành, phát triển của người dân thuộc huyện An Dương đã có những đóng góp trong sự phát triển chung của đất nước từ những buổi đầu xây dựng và bảo vệ nhà nước Văn Lang. Công trình di tích như tượng đài tưởng niệm, tri ân và ngợi ca những chiến công hào hùng của Đức Chàng Rồng vị thánh người địa phương cùng Đức Cao Sơn, Qúy Minh, những vị thánh trong thời kỳ cuối cùng của nhà nước Văn Lang.
Hiện nay làng Tri Yếu đang phát triển vững mạnh với nghề trồng hoa, cây cảnh. Tri Yếu là địa phương đã đạt danh hiệu nông thôn mới. Với kinh tế mũi nhọn trồng hoa, cây cảnh, Tri Yếu đang phấn đấu trở thành đơn vị nông thôn mới kiểu mẫu. Công trình di tích đình Tri Yếu cùng với làng trồng hoa, cây cảnh và những di sản văn hóa khác của địa phương, tô điểm cho quê hương Tri Yếu một làng văn hóa có nhiều giá trị hấp dẫn cho du khách trong, ngoài thành phố Hải Phòng tìm đến nơi đây.
Thành đoàn Hải Phòng