ĐÌNH TIỂU TRÀ - DI TÍCH LỊCH SỬ QUẬN DƯƠNG KINH

23 08 2024

in trang

   Đình Tiểu Trà, Phường Hưng Đạo, Quận Dương Kinh, Thành phố Hải Phòng là công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân làng Tiểu Trà (nay thuộc tổ dân phố Tiểu Trà 1,Tiểu Trà 2, Phường Hưng Đạo). Cũng như bao ngôi đình làng Việt Nam ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tên di tích luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã. Do vậy, Đình Tiều Trà là tên gọi của di tích này


   Quận Dương Kinh thành lập năm 2007, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 15 km. Quận có vị trí là cầu nối giao lưu giữa các vùng phát triển linh hoạt của thành phố, với hệ thống giao thông đa dạng, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bố khá tập trung trên nền tảng văn hóa truyền thống.

   Hưng Đạo là một phường thuộc Quận Dương Kinh, trên địa bàn quận có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ thu hút du khách với cảnh quan yên tĩnh, thanh bình mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó Đình  – Phường Hưng Đạo, là một trong số các di tích lịch sử - văn hóa được UBND thành phố công nhận cấp thành phố, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.

 

 

 

 

 

 

 

 

Quang cảnh Đình Tiểu Trà

   Được sự giúp đỡ của Bảo tàng thành phố Hải Phòng; một nhóm nghiên cứu chúng tôi đã được ban quản lý di tích đình Tiểu Trà tạo điều kiện để tìm hiểu, dịch thuật & biên soạn tài liệu: “Di sản Hán - Nôm đình Tiểu Trà”, bao gồm: Thần tích; Đại tự; Câu đối; Sắc phong & hiện vật... về vị Thành hoàng làng & di tích đình Tiểu Trà. Đình Tiểu Trà còn lưu giữ những hiện vật quý, cần bảo lưu đời đời. Đối với văn bản cổ bằng chữ Hán Nôm, ngày nay người biết chữ Hán Nôm ngày càng ít, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì vậy việc biên dịch sang chữ quốc ngữ để cho nhiều người có thể đọc & hiểu được các văn bản quý của Đình & Thành hoàng quê hương Tiểu Trà là cần thiết.

   Bản Thần tích làng Tiểu Trà: “Nam Hải tôn thần Ngọc phả lục” (Thần phả này ở thứ hai của khảm chi, Bộ thượng đẳng) – bản chính của Quốc triều Lê bộ, Triều vua Vĩnh Hựu. Do Hàn lâm viện Đông các đạo học sỹ- kiêm giám bách thư tri điện hùng lĩnh thiếu kim thần: Nguyễn Bính biên soạn. Bát phẩm thư lại, thần: Nguyễn Hiền phụng sao. Bản dịch cho biết: Tướng của Hùng Duệ vương triều công thần là Nam Hải đã từng về làng TiểuTrà. Bộ Thần phả & hương ước của làng Tiểu Trà ngày nay vẫn đang được lưu giữ, bảo quản tại viện Thông tin Khoa học Xã hội- Hà Nôi- Việt Nam. Điều quý nhất là bản gốc Thần phả làng, cùng các hiện vật quý đang được Ban quản lý di tích lưu giữ trân trọng tại đình làng.

   Trong bản dịch văn bia & cây tháp đá cổ dựng ở ngôi chùa Tiểu Trà, giáp cạnh đình có niên đại cách đây 336 năm cho biết: các ông Bùi Kiến Gián và thê thiếp, ông Bùi Sử Ốc công đức kinh phí trùng tu & tôn tạo đình chùa, họ đều đã được phong là Hậu thần vào thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (10/1680 đến 3/1705), thời điểm này nhà Mạc đã bị mất ngôi, nhà Nguyễn ở đàng trong, đằng Ngoài nhà Trịnh đang phù Lê triều.

   Trong cuốn “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng- NXB Hải Phòng 1998”; trang 421, mục Tiểu Trà, có ghi như sau: “Đình Tiểu Trà không lớn bằng đình Vàng làng Đại Lộc nhưng nổi tiếng là ngôi đình đẹp (Tục ngữ: ‘To đình Vàng, sang đình Tiểu’), đã đổ nát trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đình thờ Nam Hải đại vương, tên húy Phạm Hải, sinh ngày 10.8, hóa ngày 12.4, hiển Thánh đời Hùng Duệ Vương, giữ chức Đô dài thiên quan, có công giúp vua chống Thục. Đối với dân hai huyện Nghi Dương, An Lão”, Phảm Hải có công đắp đê chống nạn lụt lớn và trừ dịch bệnh. Cả làng Tiểu Trà và một số nơi trong huyện cũng thờ Phạm Hải như các thôn Trà Khê, Phấn Dũng,v.v...Ở thôn Tiểu Trà, Phạm Hải được thờ bằng tượng: ngày 6.2 có rước vào lệ xuân tế, “chỉ có trong xã rước, không giao hiếu với làng nào”. Trước năm 1938, xã Tiểu Trà còn giữ được 10 sắc phong chưa rõ nội dung thuộc các đời từ Cảnh Hưng đến Khải Định. Ngày tế lễ hàng năm: ngày sinh, hóa của thành hoàng và tế xuân 6.2; kiêng húy chữ ‘Nam Hải, đọc là Niêm Hởi.”. Trang 209, cuốn “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng- NXB Hải Phòng 1998”; cũng chép như sau: “...Đình Hợp Lễ trước năm 1938 gồm 5 gian, trong có sập & long cung, long đình, bát bảo, thờ thần Nam Hải. Theo lời khai của hương li làng, ngày 20.2. năm Khải Định 5 (1920) mới sang đình Tiểu Trà để xin duệ hiệu và sao sắc của Nam Hải tôn thần về thờ. Ngày tế hàng năm: 20.2, 11.4, 10.8, 4.12.”

   Theo cụ Đỗ Viết Tâm là vị cao niên trong làng cho biết: vào thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, đình Tiểu Trà đã bị chuyển làm trường học, làm kho, công xưởng sản xuất, do đó ngôi đình ngày càng bị hủy hoại, đổ nát. Năm 1993 được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, với lòng thành kính, ngưỡng mộ Thánh; cán bộ & nhân dân trong làng đã cùng nhau vận động & xây dựng gian hậu cung thờ Thành Hoàng. Năm 1998 chính quyền & dân làng tiếp tục phát tâm xây dựng 3 gian đình ngoài. Năm 1999 Ban quản lý di tích, các nhà hảo tâm, cùng nhân dân tài trợ, đóng góp để trùng tu, tôn tạo ngôi đình ngày càng hoàn thiện, to đẹp, khang trang như ngày nay.

Một số cổ vật cổ, giá trị của đình Tiểu Trà

   Đình làng Tiểu Trà hướng về phía tây, gồm năm gian tiền tế và hậu cung thờ tượng vị Thành hoàng. Điểm đáng quý nhất là về các hiện vật di tích quý, ngọc phả về sự nghiệp- than thế của Thành hoàng – nhân vật có công đức lớn với làng, với nhân dân & tổ quốc từ thời kỳ dầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quá trình kiểm kê di vật và xếp hạng di tích đình Tiểu Trà của bảo tàng, cho thấy chi tiết các hiện vật cổ giá trị lớn như: Tượng thánh; Nhang án tiền đường (có chất liệu bằng gỗ, dài 182cm, cao 136cm, rộng 128cm); Long đình (chất liệu gỗ, cao 290cm, rộng 94cm); Khám thờ ở hậu cung (bằng gỗ, niên đại đầu thế kỷ XX, dài 275cm, cao 221cm, rộng 67cm); cùng nhiều bảo vật khác như: Ô sa,Hòm sắc; Vương miện; Khay thờ; Đũa ngà; Quả đồi mồi...Pho tượng cổ bằng gỗ, tạc vị Thành Hoàng Nam Hải ngồi trên bệ, mặc triều phục chạm long mã, trang trí rồng, mây...., đầu tượng đội mũ bình thiên, trên vành mũ trạm nổi, bong kênh lưỡng long chầu nguyệt, chân đi hia, tay trái để đầu gối...; Nhang án tiền ở đình có mặt trước trang trí ô chạm nổi, bong, kênh, chạm rồng cuốn thủy và tứ linh, hai mặt hồi chạm nổi, có lối trang trí tinh xảo và đẹp mắt; Tòa Long đình có đế kiểu sập thờ chân mã, trang tri da cá, hổ phù hàm điệp. Thân long đình có kết cấu khung kép hai lớp, phần trên khung chạm kiểu cửa vòng; với đề tài trang trí truyền thống như: hổ phù, long, lưỡng long chầu nguyệt; mái long đình theo chồng diêm, nóc các; Khám thờ Thánh có kết cấu 4 trụ, 4 góc, mặt trước trang trí các hình hoa lá, long, vân quanh trụ, trên nóc khám là điêu khắc lưỡng long chầu nguyệt và “tứ linh”; Đình còn nhiều hiện vật quý khác được trang trí cũng khá tinh xảo và giá trị như: Mũ Ô sa: Hòm sắc; Khay thờ; Đũa ngà; Quả đồi mồi… mang tính nghệ thuật cao, vừa thâm nghiêm, cổ kính nhưng cũng hết sức mềm mại, uyển chuyển, với các đề tài trang trí tứ linh như: Long, Lân, quy, phượng và tứ quý: Tùng, trúc, cúc, mai.

   Phần quan trọng của hiện vật cổ chính là cuốn thần tích bằng giấy dó, cùng 9 đạo sắc phong nhiều triều đại phong kiến đã ban tặng cho Thành hoàng làng Tiểu Trà mà ngôi đình & dân làng vẫn trân trọng, gìn giữ. Thấy được giá trị của ngôi đình & các hiện vật quý báu, nhà nước đã đánh giá cao & xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố năm 2007.

Mười đạo sắc phong các chiều đại Phong kiến ban cho Thành Hoàng Tiểu Trà

   Đình Tiểu Trà là ngôi đình đẹp, sang và quý nổi tiếng trong vùng đã đi vào huyền thoại & ca từ với nhân gian. Kiến trúc cổ cùng vẻ đẹp sang trọng còn đọng mãi trong dân gian & truyền lại từ bao đời nay : “To đình vàng, sang đình Tiểu”.

   Thành Hoàng Nam Hải Đại Vương là người có công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thánh ngài được Hùng Duệ vương yêu quý, nhân dân Tiểu Trà tôn kính và thờ phụng Ngài cũng trân quý mảnh đất và con người nơi đây; cũng như người dân quê thuần hậu, chất phác luôn thành kính, và gắn bó với sự linh thiêng của Thánh ngài, trường tồn hơn 2000 năm lịch sử. Nhân dân Tiểu Trà luôn biết ơn, ghi nhớ công đức của Ngài, phụng sự và kính mong Ngài độ trì cho dân làng & quê hương đất nước: Quốc thái mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, hưởng ấm no hạnh phúc, Thánh linh ứng phù hộ cho cư dân Tiểu Trà an lạc, bình hòa thịnh vượng…

   Đình Tiểu Trà là nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng truyền thống địa phương, để thờ phụng những người có công với dân tộc. Nhân dân Tiểu Trà xưa nay, hiện hữu cùng cây đa cổ, ghi sâu bao huyền tích và kỷ niệm, cùng sự tri ân về vị Thành Hoàng thiêng liêng và cao quý, gắn bó với cư dân miền biển, để hướng đến sự an bình, cùng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Đội tế đình Tiểu Trà

   Lễ hội hàng năm của đình Tiểu Trà diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 2 âm lịch (đại lễ ). Do vậy, từ ngày 6/2 nhân dân xa gần đã tụ hội để rước thánh về đình Tiểu Trà tế lễ, dâng hương. Đến hết ngày 10/2 thì hết hội (Đại lễ diễn ra ba năm, tổ chức rước một lần).Đình còn có hai ngày lễ trọng khác, đó là ngày giỗ 12/4 âm lịch và ngày sinh của Thánh vào 10/8 âm lịch.

Bà con gần xa nô nức về lễ Thành hoàng dịp lễ hội.

   Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, vào ngày lễ hội hàng năm, dân làng Tiểu Trà đều long trọng tổ chức đại lễ để bà con trong vùng, các dòng họ trong làng, nhân dân xa gần, tham dự lễ hội Thánh để thành kính tri ân, đề cao ân sâu đức lớn của Ngài Nam Hải Đại vương. Sau các nghi thức tế lễ, dâng bái của tộc họ & thành viên, gia đình trong thôn xã, người dân xa quê...là đến phần lễ hội làng với truyền thống cư dân miền biển quen thuộc, cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: Lễ vật cúng: “Lợn ông Bồ”, trâu, bò, gà, bánh chưng, xôi... Các trò chơi ngày đại lễ như: Hội vật, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, hát chèo sân đình...

   Các hoạt động văn hóa truyền thống trong ngày hội lớn của làng vào mùa xuân đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đón xuân mới, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, hiểu thêm về các giá trị của di tích quý nhớ, tri ân những người có công với dân, với nước trong lịch sử dân tộc. Mỗi người dân quê hương, thành kính tri ân vị anh hùng dân tộc, có công bảo vệ người dân khỏi thiên tai, dịch bệnh... Điều ấy còn làm tăng thêm phần uy nghi cho ngôi đình & sự tri ân đức Thánh, làm lan tỏa các thế hệ về truyền thống lịch sử của làng quê, lòng yêu nước & sự tự hào dân tộc- quê hương- đất nước. Đức Thánh Nam Hải Đại Vương có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thánh ngài đã, đang yêu quý, gìn giữ một phần hồn của đất và người dân làng Tiểu Trà hôm nay & mai sau, nhân dân làng Tiểu Trà vẫn sùng kính, giữ tôn nghiêm, trân trọng và lưu giữ các bảo vật của Thành Hoàng tại ngôi Đình linh thiêng quê hương.

 

 

Admin

Thong ke