ĐÌNH THƯỢNG - XÃ NAM SƠN - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình Thượng thuộc làng Lương Quán, xã Nam Sơn. Làng Lương Quán có hai ngôi đình: đình Nam và đình Thượng, gọi là đình Thượng bởi trước đây đình của giáp Thượng. Trước năm 1945, xã Lương Quán có bốn ngôi đình của bốn giáp, đình giáp Thượng, đình giáp Trung, đình giáp Nam và đình giáp Nguyên. Đình giáp Nguyên thờ ba vị Thành hoàng (Nguyễn Trung Thành, Cống Lang và Phạm Tử Nghi); đình giáp Thượng thờ Ngài Nguyễn Trung Thành; đình giáp Nam thờ Ngài Phạm Tử Nghi; đình giáp Nguyên thờ Ngài Vũ Cống Lang. 


Đình Thượng thuộc làng Lương Quán, xã Nam Sơn. Làng Lương Quán có hai ngôi đình: đình Nam và đình Thượng, gọi là đình Thượng bởi trước đây đình của giáp Thượng. Trước năm 1945, xã Lương Quán có bốn ngôi đình của bốn giáp, đình giáp Thượng, đình giáp Trung, đình giáp Nam và đình giáp Nguyên. Đình giáp Nguyên thờ ba vị Thành hoàng (Nguyễn Trung Thành, Cống Lang và Phạm Tử Nghi); đình giáp Thượng thờ Ngài Nguyễn Trung Thành; đình giáp Nam thờ Ngài Phạm Tử Nghi; đình giáp Nguyên thờ Ngài Vũ Cống Lang. 

Đình Thượng nằm bên trục đường chính của thôn Lương Quán, cách đình Nam về phía trên khoảng 700 m. Như vậy du khách về đình Nam, chỉ cần một đoạn đường ngắn là đến đình Thượng. Đình Thượng được xếp hạng di tích của thành phố Hải Phòng năm 2016.

Đình Thượng làng Lương Quán thờ vị Thành hoàng là Ngài Nguyễn Trung Thành, địa phương còn gọi là Đức thánh Cam Lộ. Ngài Nguyễn Trung Thành để ân huệ cho nhiều làng xã, trong đó có làng Lương Quán, người dân xã Lương Quán tự nhận làm thủ hạ của Ngài Nguyễn Trung Thành. Bởi vậy khi Ngài Trung Thành hóa, dân làng Lương Quán rước bài vị, thờ phụng Ngài tại đình chung. Như trên đã nêu, sau này giáp Thượng dựng đình riêng của giáp và rước Ngài Nguyễn Trung Thành về thờ làm Thành hoàng của giáp.

Đình Thượng, theo các cụ cao niên của địa phương cho biết, được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII. Sau này, do binh lửa chiến tranh, ngôi đình đã bị hủy hoại. Năm 2014 đình được xây dựng lại. Đình Thượng nhìn về hướng Tây Nam, phía trước là đường trục chính của thôn Lương Quán. Đình được làm bằng vật liệu truyền thống kết hợp với vật liệu hiện đại. Đình Thượng có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị, 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, cũng là cung cấm. Tòa đại bái (còn gọi là tòa tiền tế), mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Hệ thống cửa tòa đại bái gồm 5 gian khá rộng, cửa đóng theo kiểu cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian sáu cánh, cánh kiểu thượng song hạ bản. Trên phần tường xây bao che phía trước hai gian dĩ của đình, được đắp nổi phù điêu đề tài tứ linh khá sinh động. Trên mái đình được đắp trang trí theo đề tài truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp con kìm, miệng kìm ngậm bờ nóc, chân choãi ra bám vào mái  đình, khúc nguỷnh đắp con sô như đang chạy vui đùa với nhau. Các góc mái đao cong đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa. Bộ khung chịu lực của tòa tiền tế làm bằng bê tông, cốt sắt, kết cấu gồm bốn bộ vì chính, vì ba hàng chân cột, kiểu xà đinh, trốn cột cái tiền. Cấu trúc bộ vì, vì nóc thuận chồng hai con tạo thành giá chiêng, vì nách thuận chồng ba con. Đấu kê thuận tạo dáng đấu vuông thắt đáy, trên thân đấu đắp hoa văn hoa sen cách điệu. Các cấu kiện của bộ vì, tạo dáng má chai, để trơn không trang trí.

Từ tòa tiền tế đi vào trong, qua một bước chân là tòa cung cấm. Cung cấm xây theo thức đầu hồi bít đốc, hai mái chảy xuôi về phía trước và phía sau. Trước cửa cung là hệ thống cửa, cửa đóng theo kiểu cổ, cửa thùng khung khách, thượng song, hạ bản. 

Hệ thống khung chịu lực tòa hậu cung làm bằng bê tông, cốt sắt gồm bốn bộ vì, vì ba hàng chân cột, kiểu xà đinh, trốn cột cái phía trước. Hai bộ vì hồi được đặt trong tường hồi và đắp nổi bộ khung ra ngoài mặt tường một nửa. Kết cấu vì nóc thuận chồng giá chiêng, vì nách thuận chồng ba con, các cấu kiện để trơn, không trang trí gì.

Đình Thượng trải qua thời gian thăng trầm lịch sử đã bị hủy hoại trong quá khứ, nên đồ thờ tự, tế khí cùng mất mát, thất lạc theo. Hiện nay đình còn bảo tồn được một số di vật, cổ vật, tư liệu lịch sử sau: Bài vị, Sắc phong,…

Ngày nay, người dân địa phương đang gạn đục khơi trong, từng bước kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội của tiền nhân để lại.

Đình Thượng hiện nay là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân làng Lương Quán. Đình Thượng cùng với đình Nam đã trở thành hai ngôi đình trong cùng một thôn được xếp hạng di tích cấp thành phố. Điều đó khẳng định những nét văn hóa của một vùng quê có bề dầy lịch sử với những sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh phong phú. Đó cũng là bản sắc văn hóa riêng, ít nơi nào có được. Với những giá trị được nêu trên, đình Thượng tô điểm thêm cho hệ thống di tích đa dạng, phong phú có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của xã Nam Sơn - một địa phương sở hữu nhiều di tích được xếp hạng nhất của thành phố Hải Phòng.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke