ĐÌNH THƯỢNG ĐIỆN, XÃ VINH QUANG, HUYỆN VĨNH BẢO
27 02 2023
in trang
Dọc theo quốc lộ 37, cách thị trấn Vĩnh Bảo khoảng 3km về phía Nam, giữa khung cảnh của một làng quê đổi mới, ta bắt gặp một ngôi Đình cổ kính in hình giữa nền trời xanh gợi dáng hình con thuyền đậu bến. Đó chính là đình Thượng điện thuộc xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo. Nơi đây thờ tướng Đại Lực thời vua Hùng Duệ Vương. Ngôi Đình đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1999.
Truyền thuyết kể rằng: gia đình họ Công ở đạo Sơn Nam sống nghèo khó phải lấy việc hái cùi để sinh sống. Vợ chồng ông sống hòa thuận, nhân nghĩa nhưng muộn đường con cái, mãi đến khi tuổi cao mới xin được Đại Lực. Lên 7 tuổi Đại Lực đã tinh thông võ nghệ, có biệt tài thổi sáo ổng dài ... Năm 20 tuổi cha mẹ ông qua đời. Khi ấy Vua hùng kén chọn người tài giúp nước. Đại Lực ứng thí và trúng tuyển, được vua tin dùng. Lúc đất nước bị quân thù xâm lấn, nhà vua giao cho Đại Lực đem quân đi đánh giặc. ngay trận đầu, Quân Thục thua to, bỏ chạy. Đại Lực thừa thắng đem quân đến Hải Dương, Ninh Giang, Cựu Điện, Thượng Khu (Thượng Điện ngày nay) dựng đồn sở. Ông còn nhận dân Thượng Khu làm thần tử, giúp dân khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất. Sau đó ông trở về núi nghĩa lĩnh và mất vào 10/8 âm lịch. Dân làng Thượng Khu, nay là Thượng Điện nhớ ơn lập đình thờ phụng và tôn ông làm thành hoàng.
Đình Thượng điện nằm ngay đầu làng mặt tiền quay hướng tây nam. Quang cảnh đình khá đẹp, khuôn viên thoáng rộng. Trước sân là hai cây bàng cổ thụ có đến mấy trăm tuổi tựa 2 chiếc ô quanh năm tỏa bóng, tạo một vẻ đẹp thật nên thơ. Năm 2014, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã ra Quyết định công nhận 2 cây bàng là cây di sản Việt Nam. Xung quanh đình có tường xây bao quanh, bên phải là cổng ra vào. Chính giữa màn tường trước sang trung tâm là bức bình phong chào chữ thọ giữa hai ngọn đèn lồng nhỏ với ý nghĩa như giải phân định khu dân cư với nơi thờ cúng tôn nghiêm.
(Khung cảnh trước sân Đình)
Đình có từ xa xưa và đã qua nhiều lần tu sửa, lần gần nhất vào năm 2007. Bố cục Đình kiểu chữ Công gồm 5 gian tiền đường, một gian ống muống, ba gian hậu cung, bờ nóc đắp thẳng. Hai bờ mái bổ trụ ba đấu, dọc theo bờ mái tóc tứ linh “long, ly, quy, phượng” rất tỉ mỉ và kiểu cách tạo cho mái đình một vẻ đẹp truyền thống. Hiên Đình rộng được bó bằng những tảng đá xanh mài nhẵn. Toàn bộ cột hiên là những cột đá vuông, tạo gờ nồi, giữa thể hiện những câu đối bằng chữ Hán nội dung ca ngợi quê hương và Đức thành hoàng làng. Bảy hiên chạm hoa lá thiêng, đầu bảy trổ chữ Thọ. Bộ khung đình làm bằng gỗ tử thiết còn khá chắc chắn, mang đậm sắc thái cổ truyền.
Trong đình, các kết cấu gỗ như rường, câu đầu, xà lách, cún mê… và trên các cửa võng, cuốn thư là các mảng chạm nổi, đề tài chủ yếu là tứ linh “long, ly, quy, phượng”, “rồng chầu”, “cúc mãn khai”, “rồng chầu hổ phù”, “nghê chầu”… tạo nên những bức tranh thật sống động thể hiện ước nguyện của người xưa cầu mưa thuận gió hòa, tràn đầy lộc phước, mùa màng bội thu. Hậu cung đình 3 gian khá rộng, bài trí ngai, khảm thờ cùng những pho tượng được tạo tác khá đẹp. Gian cung cấm là nơi ngữ của Đức thành hoàng tôn nghiêm, cổ kính. Tuy phong cách nghệ thuật, cách chạm khắc gỗ thuộc thời kỳ Nguyễn muộn đầu thế kỷ 20 xong trong từng mảng chạm đều ẩn chứa những nét tài hoa của các nghệ nhân dân gian, xứng đáng được trân trọng bảo tồn.
Nội thất của đình trang trí nguyên Nga, lộng lẫy. Trong đó là cả hệ thống cửa võng, đại từ, câu đối,, tượng thờ Và những mảng chạm khắc công phu. Trong đền còn nhiều đồ thờ quý như bát hương sành, hạc thờ, bác bửu, lộc bình. Nổi bật là những đỉnh hương, long ngai, bài vị, ngọc lộ, khám thờ, sắc phong, thần tích được giữ gìn cẩn thận thể hiện sự trân trọng quá khứ và ý thức giữ gìn di sản của nhân dân địa phương. Chính đồ thờ tự và cách bài trí đã tạo ra không gian thiêng, đầm ấm mang lại sự bình yên và tin tưởng trước ngưỡng cửa của các vị tôn thần mà nhân dân thờ phụng và suy tôn làm thành hoàng, đồng thời góp phần tích cực vào việc xác định giá trị đích thực của di tích. Ngôi đình đã trở thành tài sản chung của làng, niềm tự hào của nhân dân, biểu tượng nhắc nhở cho các thế hệ về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Hiện nay về tư liệu cổ, đình còn lưu giữ được 1 bản thần phả, 3 sắc phong của các triều đại nhà Nguyễn
- Sắc phong của đời của Cảnh Thịnh năm thứ 4 (năm 1795)
- Sắc phong của đời vua Thành Thái năm thứ 1 (năm thứ 1889)
-Sắc phong của đời vua Khải Định năm thứ 9 (năm 1924)
Là di tích lịch sử văn hóa, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi đình còn là cơ sở, nơi hội họp của cán bộ và tổ chức cách mạng. Đây là địa điểm làm việc của ủy ban nhân dân huyện, trường học của xã…trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Quá khứ và hiện tại đã hội tụ đầy đủ làm cho di tích có sức sống trường tồn mãi với thời gian.
Hằng năm, vào 10/3 âm lịch, hội đình Thượng điện được kéo dài từ 2-3 ngày. Phần lễ trang nghiêm, thành kính của đội tế nam quan của làng, từ lễ cáo yết mở cửa Đình , tế chính tán, tế đóng cửa Đình cùng với tín tâm của nhân dân dâng hương hoa, lễ vật trong các ngày mở cửa Đình. Phần hội với nhiều trò chơi, được tổ chức thành truyền thống không thể thiếu như đu sòng, kéo co, cầu thùm, cờ người… cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng khác.
Đặc biệt ngày 15/11/2017, vinh dự cho người dân Thượng Điện nói riêng và xã Vinh Quang nói chung đã được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại ngôi Đình.
Trải qua bao dặm dài của lịch sử, Đình Thượng Điện luôn luôn được trân trọng, bảo vệ, giữ gìn và toàn dân đang ra sức tôn tạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn.
Thành đoàn Hải Phòng