ĐÌNH TÂY CÂU ĐÔNG - NƠI SINH HOẠT TÍN NGƯỠNG

21 02 2023

in trang

     

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đất vua - Chùa dân - Thành Hoàng làng”.

Nếu nói về lịch sử Đình làng, thì trước hết ta phải biết được sự hình thành của làng rồi mới phỏng đoán được thời điểm lập Đình, xây Chùa.

Theo lịch sử Hải Phòng đang lưu giữ tại nhà bảo tàng thành phố Hải Phòng và hương ước năm 1939 Làng Câu Đông, tổng Câu Thượng, huyện An Lão, tỉnh Kiến An của viện thông tin khoa học xã hội thuộc bộ Văn hoá - thể thao và du lịch thì Làng Câu Đông ta có từ thế kỷ thứ 16 (thời hậu Lê) (1601 - 1700).

 Làng Câu Đông hình thành và sinh sống theo một dải đất kéo dài từ Quán Khải giáp xứ đồng Công đến xứ đò Cựu nay gọi là từ chân cầu vượt B49 và cống Xây đến khu đống cao gần khu chân cầu Tiên Cựu, Làng ta lúc đó gọi là Làng Cách Đông thuộc Tổng Câu Thượng, huyện Câu Lậu, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Các dòng họ từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương di cư đến đây lập nghiệp thậm chí có cả những người làm chài, đáy cũng lên đây an cư, lập nghiệp lúc đó Làng chỉ có 2 họ Đào, 5 họ Nguyễn, 2 họ Vũ, 3 họ Đỗ, 2 họ Trần.

          Về địa lý thì Làng ta có phía Đông giáp Quốc lộ số 10, phía Tây giáp Làng Cát Tiên, phía Nam giáp sông Văn Úc, phía Bắc giáp Làng Câu Hạ với tổng diện tích là: 89 ha.

          Trải qua nhiều thế kỷ và nhiều thập niên, phương ngôn có câu: Đất thơm thì cò đậu. Đúng như thế sơ khai chỉ có mấy dòng họ, nhưng đến năm 2020 Làng Câu Đông đã có đến 52 dòng họ.

Năm 1887 vào ngày 11 tháng 9 thì Hải Phòng tách khỏi Hải Dương thành 2 tỉnh Hải Phòng và Hải Dương và tỉnh Kiến An riêng.

Năm 1948 Làng Cách Đông được đổi tên là Làng Câu Đông thuộc tổng Câu Thượng, huyện An lão, phủ Kiến Thuỵ, tỉnh Hải Dương.

Đến năm 1959 thì tỉnh Kiến An hợp nhất với Hải Phòng gọi là thành phố Hải Phòng và cho đến nay tên đầy đủ của Làng là: Làng Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An lão, thành phố Hải Phòng.

Từ những năm sơ khai dân về sinh sống cũng chỉ có trồng lúa nước song Làng ta có khu bãi bồi ven sông Văn Úc chạy dài từ Cống Xây đến khu Tây Nam cạnh khu bãi của Làng Cát Tiên thì Làng ta lại thêm nghề trồng Cói và dệt chiếu.

Tương truyền vào những năm Làng ta mới sơ khai thì có hai vị tướng của triều đình phải đi dẹp loạn tại khu vực sông Văn Úc để an dân, Làng ta nằm trong khu vực dẹp loạn của hai vị tướng, hai ngài đánh tan giặc tại khu vực cống Xây bây giờ, và sau đó hai ngài được Triều Đình cấp Kính Thành Đại Vương là duệ trí thông minh chính trực rực bảo chung hưng trí, phong long sắc Cung Cộng Đại Vương là bảo quốc an dân, sau khi hai vị tướng thác đi được di quan về triều đình, và từ đó Làng ta được an lành và tôn vinh hai ngài là Thành Hoàng của Làng. Lệ Làng lấy hai ngày giỗ của hai ngài vào ngày mùng Tám tháng Hai (08/02) và ngày mùng Hai tháng Chạp (02/12)  để cúng tế tri ân các ngài tại Đình Làng.

Long ngai Thành Hoàng

 

Đình là nơi thờ Đức Thành Hoàng là nơi văn hoá tâm linh và cũng là nơi tụ họp của dân Làng trong các ngày giỗ, ngày Tết và lễ hội của cả Làng.

Từ xa xưa và thời phong kiến thì Đình Làng còn là trung tâm Chính trị, xã hội. Các vị chức sắc trong Làng, trong xã thường đến để nghị sự và bàn bạc công việc. Đặc biệt Đình Làng là nơi văn hoá tâm linh theo hướng thiện, vào Đình là cầu cho Quốc thái, dân an, cầu cho mưa thuận gió hoà và cầu cho mọi nhà hạnh phúc. Chính vì thế Đình  còn là linh hồn của cả Làng, là chốn nơi để mọi người đi xa về gần đều đến Đình Làng để cầu phúc.

Từ năm 1848 đến năm 1854 Làng ta đồng thời xây dựng lại cả Đình và Chùa (theo văn bia được dịch lại và danh sách công đức xây dựng Chùa tại Bảo tàng thành phố Hải Phòng).

Đình làm hình chữ Đinh, có một gian vọng cung và năm gian ngoài kết cấu tường xây bằng gạch nung, vữa xây là cát và mật mía, mái lợp ngói mũi, cột, kèo, xà, rui đều bằng gỗ Lim, kiểu chữ công, con chồng đấu sen, tiền tầu hậu bẩy, Đình quay hướng Tây  nên người ta gọi là Đình Tây, thờ hai vị Đức Thành Hoàng đề hiệu là Kính Thành Đại Vương và Cung Cộng Đại Vương. Làng cũng thành lập ra Hội đồng kỳ mục, như hiện nay Làng vẫn thành lập ra Ban trị sự Đình Làng thuộc Ban quản lý văn hoá tâm linh để hương đăng và phục vụ cho ngày mồng một hôm rằm, giỗ Tết và các lễ hội của Làng. Cho đến bây giờ ta vẫn áp dụng theo nề lối của các cụ xưa là vẫn có ba giáp để sắp lễ cúng vào các ngày mùng Một hôm Rằm hàng tháng.

Năm 1946 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt dân Làng phải hy sinh phá dỡ Đình để tiêu thổ kháng chiến ủng hộ Việt Minh, không cho quân Pháp lấy Đình để làm nơi đóng quân để đốt phá làng mạc và giết hại dân làng.

Nhưng sau đó giặc pháp đô hộ đập phá và đốt cháy cả làng, chỉ may mắn sót lại hai ngôi nhà (nhà bà Ngôn và nhà ông Lược) Đình Tây cũng bị thiêu rụi, do vậy toàn bộ  tài liệu, sắc phong, phả cập cũng bị cháy hết, nên từ đó Đình làng không còn tài liệu gì được lưu trữ.

Cổ vật còn lưu giữ lại
Nhà bia

Đến năm 1948 Đình Tây lại được tái dựng lại lần thứ ba trên nền đất cũ và theo hướng Tây cũ.

Năm 1956 Đình Tây lại là trung tâm văn hoá của Làng làm nơi tố tụng địa chủ, phú nông trong cuộc cải cách ruộng đất, năm 1957 tổ chức phong trào chống giặc đói và phong trào bình dân học vụ, phong trào diệt dốt và từ đấy cũng là nơi nhờ làm trường học dạy các lớp học phổ thông.

Năm 1974 cả nước đang dốc sức lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Miền Bắc với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” tất cả cho tiền tuyến để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, thì đồng thời cũng là thời điểm nhà nước ta chống mê tín dị đoan và hợp nhất các tỉnh thành và các hợp tác xã nông nghiệp, nên làng ta cũng hợp nhất hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1974, Đình Làng một lần nữa lại phải tháo dỡ lấy gỗ làm khung thảm để hợp tác xã mở rộng ngành nghề. Bát hương cổ thời nhà Lê, cỗ ỷ, hoành phi từ năm Đinh Sửu thời vua Bảo Đại được đem ra Chùa để, chỉ có hai bộ chấp kích thì đem lên Đình Câu Hạ A gửi và đến nay hai bộ chấp khích ấy dân làng Câu Hạ A vẫn dùng để thờ ở Đình Làng của làng, suốt một thời gian dài đến hàng chục năm làng ta không có nơi thờ cúng Thành Hoàng Làng.

Đến những năm 1984 – 1986 các cụ bô lão trong làng tập trung góp tre, nứa, gỗ lạt cũng phải hai, ba lần không dựng lên được vì cứ dựng lên đêm thì ban ngày cán bộ xã lại yêu cầu tháo dỡ vì còn ảnh hưởng của thời kỳ chống mê tín dị đoan và cuối cùng với quyết tâm của các cụ và ông Vũ Văn Phường lấy danh nghĩa là ông Phường đắp lên làm một gian bếp, nhưng nói dấu vậy thôi chứ thực chất là dựng nên một gian vọng cung của Đình bằng tường đất, mái tre và lợp rạ và cũng theo hướng Tây cũ để thờ Thành Hoàng.

Đến năm 1994 nhà nước có pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, đến ngày 18/6/2004 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hội khoá 11 thông qua và Chủ nước Trần Đức Lương ký và Pháp lệnh có hiệu lực thì cùng thời gian đó Hội người cao tuổi của Làng đã đi vận động dân làng góp công, góp của xây dựng một gian vọng cung, cửa mở hướng Tây xây gạch, xà gồ, rui, mè đều được làm từ gỗ bạch đàn lợp ngói xi măng tự đóng thủ công.

Đến năm 1996 Làng huy động tiền của công sức xây tiếp ba gian ngoài nối với một gian vọng cung, xà gồ, cầu phong, ly tô đều bằng gỗ bạch đàn và lợp ngói xi măng với diện tích cả vọng cung là 172m2

          Đình Tây khởi công xây lại từ tháng Tám năm 2013 đến tháng tám năm 2015 thì hoàn thành vào ngày Bính Tuất (ngày 02), tháng Tân Sửu (tháng 12), năm Bính Thân (năm 2016) Làng tổ chức cắt băng khánh thành và cúng giỗ Thành Hoàng Làng

LƯƠNG THƯỢNG TRỤ THỤ NHẬT NHẤT THẬP NGUYỆT NHẤT THẬP NIÊN TỴ QUÝ THỨ TUẾ”.

          Đình làng được tái tạo trên nền đất cũ và vẫn theo hướng Tây kết cấu toàn bộ bằng bê tông cốt thép, cũng làm theo hình chữ ĐINH, có một gian vọng cung và năm gian ngoài trên nóc Đình là lưỡng Long chầu Nguyệt, Nóc Đình được đề mười năm chữ vàng:

Nhang án

Quả là một công trình, kiến trúc lớn của Làng được hoàn thành bởi sự lãnh đạo của Cấp ủy, Lãnh đạo làng, con dân, cháu làng nhất tâm, góp nhiều công của để được một chốn tâm linh nguy nga, tráng lệ như ngày hôm nay, bà con dân làng và các thế hệ mai sau luôn có trách nhiệm gìn giữ, tu bổ để chốn linh thiêng luôn được khang trang và bề thế./.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke