ĐÌNH RƯỚNG - XÃ BẮC SƠN - HUYỆN AN DƯƠNG
26 10 2023
in trang
Đình Rướng là một công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh tín ngưỡng quan trọng của nhân dân làng Rướng, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, theo các vị cao niên trong làng, tên gọi của làng gắn liền với tên gọi hình thế đất khi xưa giống chiếc móc câu nên gọi nôm là Rướng.
Đình Rướng là một công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh tín ngưỡng quan trọng của nhân dân làng Rướng, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, theo các vị cao niên trong làng, tên gọi của làng gắn liền với tên gọi hình thế đất khi xưa giống chiếc móc câu nên gọi nôm là Rướng.
Đình Rướng tôn thờ Nha tướng Vũ Công An, tên thụy Hoằng Chi, người có công phò tá vua Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương, bảo vệ nước Vạn Xuân (thế kỷ VI) làm Thành hoàng làng.
Bản kê khai Thần tích, thần sắc của làng Quỳnh Lâu, tổng Quỳnh Hoàng, huyện An Dương, tỉnh Kiến An khai năm 1938 cho biết: Thân phụ ngài là ông Vũ Công Hiền, thân mẫu là bà Vũ Thị Vang, gia cảnh bần hàn nhưng gia đạo tốt đẹp, sống cởi mở, ôn hòa với làng xóm. Hiềm một nỗi, tuổi ông bà đã cao mà vẫn chưa có con. Đêm mồng 3 tháng 3 năm Bính Thân, bà Vũ Thị Vang trong giấc chiêm bao nhìn thấy trước sân nhà xuất hiện một vị thần mình mang cẩm bào, tay cầm bảo ấn, bụng thắt đai ngọc bảo với bà rằng: “Gia đình nhà ngươi ăn ở phúc đức, tích thiện đã lâu nên động tới thiên đình, Ngọc Hoàng sai ta xuống đầu thai làm con, sau này sẽ là bậc đại phúc, đại quý nổi danh trong thiên hạ”. Sau bà Vũ Thị Vang có thai một năm, ngày 3 tháng 3 năm Đinh Dậu sinh ra Vũ Công An. Vũ Công An sau làm quan đời vua Lý Nam Đế, đánh giặc có nhiều công lao, được làm quan xứ Dương Tuyền. Sau có đánh giặc Lương (do trần Bá Tiên chỉ huy) ở vùng Hàn Thủy (có thể là khúc thượng lưu sông Kinh Thầy) nhưng bị trúng tên độc, tử trận ngày 6 tháng 11.
Ở địa phương, ngài Vũ Công An còn có công giúp dân khai hoang, mở mang đất đai, lập ra làng Quỳnh Lâu. Do có công lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, Vũ Công An được các triều vua sắc phong: Vua Tự Đức sắc phong “Bản cảnh Thành hoàng Linh Phù chi thần”, vua Đồng Khánh sắc phong “Dực Bảo Trung Hưng”, vua Duy Tân sắc phong “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần”, vua Khải Định sắc phong “Đoan Túc chi thần”.
Đình Rướng được xây dựng từ lâu, muộn nhất vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đình xưa có bố cục mặt bằng theo kiểu chữ tam. Hệ thống khung chịu lực dựng bằng gỗ lim, cột cái tòa bái đường có đường kính 45cm.
Năm 1968, đình được tháo dỡ để lấy vật liệu phục vụ xây dựng trường học và các công trình công cộng. Lúc này, toàn bộ đồ thờ tự, di vật được chuyển về miếu Nam và đình Tân Tiến để bảo quản tạm thời.
Năm 1998, nhân dân trong làng đóng góp công, của phục dựng lại đình có quy mô kiến trúc như ngày nay.
Hiện nay, đình Rướng tọa lạc trên một khu đất rộng thoáng. Đình có bố cục mặt bằng theo kiểu chữ đinh truyền thống gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung. Kiến trúc công trình xây kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu. Đình có hướng mặt tiền nhìn về phía Bắc.
Kết cấu bộ khung chịu lực của ngôi đình được làm bằng vật liệu hiện đại kết hợp vật liệu truyền thống. Tòa bái đường gồm 2 bộ vì kiểu vì bốn hàng chân cột. Kết cấu vì nóc kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức “chồng rường trụ trốn”. Trang trí trên các cấu kiện của hệ vì là đề tài lá lật, lá cách điệu, đấu kê hoa sen cách điệu.
Tòa hậu cung gồm 2 bộ vì: Bộ vì bên ngoài 4 hàng chân cột, bộ vì bên trong kiểu hai hàng cột cái, phần còn lại được thiết kế chịu lực bằng tường bao của đình. Trang trí mỹ thuật trên các cấu kiện của bộ vì hậu cung tương đồng như các vì tòa bái đường.
Ở vị trí cao nhất gian trong cùng của tòa hậu cung là nơi đặt thần tượng vị Thành hoàng làng ngự trong khám thờ. Thần tượng tạo theo lối tượng tròn, tư thế, thần thái toát lên vẻ tinh anh, chính trực.
Hiện nay, lễ hội chính được tổ chức vào các ngày mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng 2 âm lịch. Vào hai tiết lệ: ngày 3 tháng 3, lễ Thánh đản và ngày 6 tháng 11 lễ Thánh hóa, người thủ đình sắp lễ, dâng hương tại đình. Trong các ngày diễn ra lễ hội, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Đấu vật, chọi gà, bịt mắt bắt dê, đập niêu, cờ tướng và các hoạt động thể dục thể thao.
Trải thời gian lịch sử, hiện nay đình còn bảo tồn, lưu giữ được một số ít di vật, đồ thờ tự như: Tượng thành hoàng tạc theo phong cách tượng tròn, chất liệu gỗ, sơn son, thếp bạc, phủ hoàn kim, niên đại đầu thế kỷ XX. Bát hương gốm, men nâu da lươn, thân trang trí hoa văn với đề tài long vân, có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX) v.v..
Với giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu, đình Rướng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử tại Quyết định số 1926/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2018.
Thành đoàn Hải Phòng