ĐÌNH QUỲNH HOÀNG - XÃ NAM SƠN - HUYỆN AN DƯƠNG
27 10 2023
in trang
Đình Quỳnh Hoàng thuộc thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, ngôi đình được mang chính tên địa danh nơi cộng đồng dân cư sản sinh ra nó, đó là Quỳnh Hoàng. Đình Quỳnh Hoàng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992.
Đình Quỳnh Hoàng thuộc thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, ngôi đình được mang chính tên địa danh nơi cộng đồng dân cư sản sinh ra nó, đó là Quỳnh Hoàng. Đình Quỳnh Hoàng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992.
Quỳnh Hoàng (琼 璜) theo nghĩa Nho tự là làng quê đẹp như ngọc Quỳnh, ngọc Hoàng. Các bậc cổ nhân khi đặt tên làng đã thấy mảnh đất nơi đây rất đẹp và quý, nhưng cũng là ước nguyện của tiền bối với hy vọng hậu thế sẽ xây dựng quê hương đẹp, quý như ngọc quỳnh ngọc hoàng.
Quỳnh Hoàng hình thành muộn nhất vào thời Lý, Thế kỷ XI- XII. Đình Quỳnh Hoàng thờ bốn vị Thành hoàng, thân thế của các vị Thành hoàng:
Vị Thành hoàng thứ nhất: Ngài Nguyễn Danh Uy.
Vị Thành hoàng thứ hai: Nguyễn Cống Lãng
Ngài Nguyễn Danh Uy và Nguyễn Cống Lãng đây là đôi bạn vong niên, một bài ca tình bạn tuyệt vời, bất hủ hiếm có trong lịch sử. Cả 2 đều là tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc chiến chống quân Nguyên và có nhiều công lao lớn.
Vị Thành Hoàng thứ ba: Ngài Phạm Tử Nghi
Ông là võ quan cao cấp của triều Mạc có nhiều công lao giúp dân, giúp nước. Một bậc anh hùng thời tao loạn
Vị Thành hoàng thứ 4: Trần Quốc Tuấn
Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300). Ông là Anh hùng dân tộc, danh tướng thế giới. Thân phụ là Trần Liễu, thân mẫu là Công chúa Lý Thị Nguyệt. Ngài bản tính thông minh, dĩnh dị, tương truyền là Tiên đồng giáng sinh. Cha, mẹ mời nhiều thày giỏi về dạy cả văn lẫn võ.
Từ sân hội khu di tích đi vào nghi môn đình Quỳnh Hoàng, nghi môn xây kiểu thức 4 cột đồng trụ, 2 cột cao, lớn bên trong, hai cột nhỏ, thấp bên ngoài, tạo ra khoảng giữa là chính môn, hai khoảng bên là tả môn và hữu môn. Qua chính môn là cây cầu Hương Liên, cầu hương thơm của hoa sen. Cầu làm bằng bê tông, cốt sắt bắc qua hồ đình hình bán nguyệt. Nước hồ trong xanh, sóng nước lăn tăn, in bóng khoảng trời mây huyền ảo. Cầu Hương Liên hình vòng cung, hai bên thành cầu có đôi rồng uốn 5 khúc trong mây, chầu ra phía cổng đình cho ta cảm giác đi vào thế giới thiêng liêng, thánh thiện. Sân đình được nát gạch đỏ phằng đều, phía trước sân hai bên có cây đa to lớn cành lá xum xuê tỏa bóng mát cho khách đến thăm đình. Đình Quỳnh Hoàng khởi tạo từ Thế kỷ XVII. Song do thăng trầm của lịch sử và qua nhiều lần trùng tạo, ngôi đình được xây dựng lại năm 2015. Đình Quỳnh Hoàng hiện nay theo thức kiến trúc truyền thống, mặt bằng chữ nhị, 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, cũng là 3 gian cung cấm. Đại bái xây dựng kiểu mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi hài. Trên đỉnh chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu mặt nguyệt. Các góc đao mái đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ. Trên khúc nguỷnh đắp con sô cưỡi mây nhìn về nhau. Hệ thống khung chịu lực của tòa đại bái làm bằng bê tông, cốt sắt, gồm bốn bộ vì. Các bộ vì cấu trúc tương tự nhau, kết cấu vì theo thức thuận chồng, giá chiêng. Trên cấu kiện của các bộ vì cũng được đắp trang trí hoa văn đề tài lá guột truyền thống. Tòa nhà hậu cung gồm ba gian, xây theo thức hồi bít đốc, trụ đấu. Bộ khung chịu lực của hậu cung gồm hai bộ vì, vì hai hàng chân cột, kết cấu vì đơn giản kiểu giá chiêng, không trang trí. Các chân cột của ngôi đình đều được tạo chân tảng hài hòa, cân đối, sơn mầu giả đá. Mái hậu cung cấu tạo hai mái chảy, lợp ngói mũi hài.
Đình Quỳnh Hoàng còn gìn giữ được nhiều đồ thờ tự, tế khí có giá trị về lịch sử và mỹ thuật như: sắc phong, long ngai, bài vị, nhang án, bát hương… nhiều di vật đã trở thành cổ vật, tác phẩm mỹ thuật hiếm quý.
Hàng năm tại khu di tích đình Quỳnh Hoàng người dân tổ chức các lễ hội truyền thống. Dịp đầu năm mới vào ngày 10 tháng Giêng tại đền quan Tiến Sĩ có “Lễ hội khai bút” lễ hội rất đông vui đặc biệt thu hút được rất nhiều các thanh thiếu niên, học sinh tham dự. Trong lễ hội có lễ rước thư bút từ đình Quỳnh Hoàng sang chùa Quỳnh Lâm rồi đến đền quan Tiến Sĩ, sau đó làm lễ khai bút. Trong hội lễ có biểu dương phát phần thưởng cho các em học sinh giỏi. Lễ hội có các hoạt động vui chơi tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương, viết thư pháp, bình thơ, ngâm thơ của Bác Hồ…Lễ hội khai bút đầu xuân tuy mới được tổ chức từ năm 2017 đến nay, nhưng lễ hội rất có giá trị giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa và giáo dục khuyến học, khuyến tài của địa phương. Lễ hội khai bút đầu xuân tại khu di tích đình Quỳnh Hoàng cần được kế thừa, phát huy để trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Ngày 15 tháng 2 âm lịch, lễ hội kỳ phúc của làng, vào những năm chẵn làng tổ chức lễ rước thánh quanh làng, ngoài phần tế lễ có các trò chơi như vật võ, cờ tướng, đu tiên, đi cầu thùm, hát chèo, chầu văn, giao lưu văn nghệ giữa các làng trong xã…Vào mùa thu ngày 15 tháng 9 âm lịch, nhân dịp tưởng niệm ngày hóa Đức thánh Phạm Tử Nghi, tại đình làng có hội lễ “Cơm mới”. Hội lễ rất khác biệt, độc đáo không địa phương nào có. Trong lễ tiết về phẩm lễ người dân địa phương tuyển chọn những thực phẩm đặc sắc của quê hương để làm lễ. Cỗ lễ dâng lên cúng tế Thành hoàng là những cao lương, mỹ vị của quê hương được chế biến từ sản vật đặc sắc của địa phương làm ra như: xôi gạo nếp mới với chim ngói, cơm gạo mới, cá mòi, nộm tay bí, hồng cốm… Tế lễ dâng cúng xong mọi người đến dự hội lễ cùng nhau thụ lộc, như cùng được hưởng ân trạch thánh ban. Lễ hội “ Cơm mới” ngoài giá trị giáo dục truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” tri ân Thành hoàng, lễ hội còn là động lực khuyến khích người dân hăng say lao động, phát triển sản xuất làm ra nhiều của cải xã hội, nhiều sản phẩm đặc sắc cho quê hương. Lễ hội “ Cơm mới” mang nét độc đáo, đặc sắc về ẩm thực của địa phương. Lễ hội “ Cơm mới” cần được nghiên cứu bảo tồn và lập hồ sơ vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Những ai đã mọt lần về dự lễ hội “Cơm mới”, cũng như những hội lễ khác của quê hương Quỳnh Hoàng, đều có ấn tượng, cảm xúc tốt đẹp và rất mong muốn sớm được trở lại ( xem nội dung bài “Lễ hội truyền thống mừng cơm mới” trong sách) .
Khu di tích đình Quỳnh Hoàng hội tụ đầy đủ những giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong và ngoài địa phương. Du khách đến nơi đây lên đình thấy được võ công hiển hách của các bậc chiến tướng đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, kẻ thù làm cả thế giới kinh hoàng. Xuống đền Quan Tiến sĩ, mọi người sẽ tìm được nền văn trị thời Lê Thánh Tông, triều đại nổi tiếng vẻ vang nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khu di tích còn hàm chứa rất nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc của một vùng quê giầu bản sắc văn hóa.
Tuy nhiên cần sớm có kế hoạch quy hoạch xây dựng khu di tích đình Quỳnh Hoàng thực sự là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân trong và ngoài địa phương. Một địa điểm tham quan, du lịch xứng tầm với những giá trị của quý giá hàm chứa trong khu di tích quốc gia đình Quỳnh Hoàng.
Thành đoàn Hải Phòng