Đình Quý Kim, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng
02 10 2023
in trang
1. Vị trí và lược khảo về Đình Quý Kim
Đình Quý Kim tọa lạc tại thôn Quý Kim, xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (nay là tổ dân phố Quý Kim 1, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng). Từ trung tâm thành phố đi hướng Cầu Rào - quận Đồ Sơn theo đường 353 (đường Phạm Văn Đồng), cách trung tâm thành phố khoảng 17 km.
Đình Quý Kim được xây dựng từ cuối thế kỷ XIII cùng với sự hình thành và phát triển của Làng cổ Chân Kim, nơi đây được Nhân dân tôn thờ các Danh Thần đất Việt: Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, Đông Hải Đại Vương - Đoàn Thượng, Tướng quân Trần Minh Thắng được tôn thành Hoàng làng và các Anh hùng liệt sỹ có công với đất nước. Trải qua nhiều năm đã được nhân dân cùng với địa phương trùng tu, chuyển về vị trí hiện nay vào năm 1948 và được tu bổ vào năm 1992 gồm: 01 gian hậu cung và 03 gian tiền bái, 05 gian tiền đường và khuôn viên sân, cổng, ao vườn; tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào năm 2018.
Đình Quý Kim là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của Nhân dân. Tên gọi của di tích xuất phát từ ngôi Đình cổ của làng Chân Kim là một xã của huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, tên gọi này được ghi ở bia “Cối sơn tự tạo bi ký” tạo năm Dương hòa thứ VI (1640), triều Lê Thần Tông, dựng ở chùa Đoài, Đại Lộc. Thủa đó, biển còn sâu trong đất liền, cửa sông Lạch Tray rộng mênh mông, dân chài bám đó mà sinh sống. Tương truyền, làng Chân Kim (có thể là Chân Chim nói chệch ra); luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người nơi đây.
2. Quá trình lịch sử của Đình Quý Kim
Đình làng là nơi “Gọi đàn, Nhớ tổ”, theo lời kể của các bậc cao niên ở địa phương Quý Kim tên cổ là Chân Kim, trước kia làng Chân Kim vốn là một xã của huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, tên gọi này được ghi ở bia “Cối sơn tự bi ký” tạo năm dương hòa thứ VI (1640). Ngôi Đình Quý Kim bây giờ có xuất xứ từ ngôi Đình cổ được xây dựng ở vùng cửa sông Lạch tray thuộc đất của làng Chân Kim xưa. Tương truyền, khi làng cổ Chân Kim được hình thành (vào khoảng thế kỷ thứ XIII) dân làng đã góp công, góp của để xây dựng tòa miếu nhỏ tôn thờ Đông hải Đại vương Đoàn Thượng là người được Vua Lý Huệ Tông giao cho trấn thủ miền ven biển phía đông.
Qua các triều đại (Trần, Lê, Nguyễn) Đình Quý Kim được phong tặng 9 sắc phong nhưng do nhiều lần dịch chuyển Đình làng đến nay còn lưu giữ được 2 sắc phong. Quá trình tạo lục, tạo sơn trải qua năm tháng xâm thực của biển khơi và tàn phá của chiến tranh Đình Quý Kim đã nhiều lần dịch chuyển và phục dựng làm Đình chung thờ:
- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: Vị Quốc công tiết chế, anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân nước Đại Việt trong thế kỷ XIII. Do khí phách cương trực, khảng khái, kiên quyết đánh giặc, bằng mưu lược tài ba. Nhân dân ta coi Ông là bậc thánh, nên tên gọi Ông là Đức Thánh Trần, Ông cũng là tác giả của hai bộ sách binh thư cổ giá trị là “Binh Thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. “Hịch tướng sĩ” là tác phẩm nổi tiếng thể hiện lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc tiêu biểu cho tinh thần dân tộc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nhiều lần đóng đại bản doanh trên vùng đất thuộc Hải Phòng ngày nay khi Người cầm quân đánh giặc, nên hiện được nhiều làng xã tôn thờ tiêu biểu như: Phú Xá (Hải AN), Thụ Khê (Thuỷ Nguyên), Đồn Riêng, Quý Kim (Đồ Sơn)...
- Trần Minh Thắng được nhân dân tôn làm Thành Hoàng làng: Vì không còn thần phả nên không rõ sự tồn tại của đình Quý Kim, các nhà nghiên cứu cho rằng Ông là danh tướng trong quân đội nhà Trần hoặc một thủ lĩnh có công tập hợp lực lượng tại chỗ kháng chiến, tại khu vực Chân Kim (Quý Kim hiện nay), nên được dân sở tại tôn thờ. Làng cổ Chân Kim vốn ở gần căn cứ thuỷ quan Đồ Sơn của quân đội nhà Trần, gắn quãng đường Vua tôi nhà Trần lúc hành quân vào Thanh Hoa qua cửa Đại Bàng (nay thuộc xã Bàng La – thị xã Đồ Sơn). Như vậy rất có thể toàn dân Chân Kim ngày ấy đã tham gia chiến đấu phục vụ, giúp đổ quân đội dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương.
- Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng: Ngài là người Gia Lộc tỉnh Hải Dương, vốn là bậc trung thần đời Lý Huệ Tông. Vợ người làng Cám, An Dương. Sau đó lại giữ chức trấn thủ vùng duyên hải gồm Hải Phòng - Hải Dương ngày nay. Sau khi tử trận, con cháu Ông nhiều người di cư về vùng ven biển Hải Phòng, nhiều nơi thờ tự Ông cùng các nhân vật có công khác.
- Và phối thờ thánh mẫu Liễu Hạnh.
Năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Đảng, của Bác Dân làng Quý Kim đã quyết định dỡ ngôi Đình chung để lập hàng rào tại đường 14 (cũ) chặn quân địch đi càn từ Đồ Sơn lên nay vẫn còn dấu tích.
Đình Quý Kim đã in đậm trong ký ức tâm hồn của mỗi người con quê hương Quý Kim nói riêng và Nhân dân địa phương nói chung, nên không thể thiếu ngôi Đình chung được, đến cuối năm 1947 đầu năm 1948: Cụ Nguyễn Văn Ứng, Cụ Phạm Văn Tái, Cụ Phạm Đình Ngòi và một số các cụ có uy tín trong Làng đã quyên góp vận động để dựng lại ngôi Đình chung. Ngôi Đình chung được lập trên nền đất cao, không gian khoáng đạt: phía trước có minh đường - điểm tụ thủy tích phúc cho thế đất; hiện tiền quay về phía Đông Nam lấy dãy “ Cửu long tranh trâu” ở Đồ Sơn làm án thư, lưng dựa vào vùng đồi núi Kiến An làm điểm tựa, tả có long chầu, hữu có hổ phục.
Đến năm 1964, năm gian tiền bái được dỡ để làm nhà kho của Hợp tác xã; Đến năm 1995, Cụ Đàm Văn Tậu, Cụ Nguyễn Văn Bính, Cụ Phạm Thị Liên, Cụ Nguyễn Thị Tháy và một số các cụ có uy tín đã đi quyên góp vận động để dựng lại 5 gian tiền bái được kết cấu theo kiểu luồng cừ, thuận chồng đấu xen, tiền tầu hậu bẩy, hoa văn được chạm khắc tinh tế và một số hiện vật đồ thờ đồng thời một số hoạt động lễ hội truyền thống được khôi phục. Tuy nhiên với tổng diện tích khuôn viên của Đình là 729 m2 không đảm bảo tổ chức các hoạt động của Lễ hội. Thể theo nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân Quý Kim, lãnh đạo xã Hợp Đức quan tâm cho mở rộng khuôn viên đình Quý Kim như hiện nay với quần thể Đình, Chùa tổng diện tích 5.200m2.
Đình Quý Kim được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố vào năm 2003 theo Quyết định số 3318/UBQĐ ngày 16/12/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, gồm các cổ vật di tích được xếp hạng như: Bát hương sành, mã số ĐQK 11/S:01, niên đại thế kỷ 18; Bát hương sứ, mã số ĐQK 12/S:02 và mã số ĐQK 13/S:03, niên đại đầu thế kỷ 20; Mâm mịch, mã số ĐQK 05/ĐM:05 và mã số ĐQK 06/ĐM:06, niên đại đầu thế kỷ 20; Long ngai (có thần tượng ở trong) mã số ĐQK 02/ĐM:02, niên đại đầu thế kỷ 20; Tượng (quan thống Tề) để trong Long ngai, mã số ĐQK 03/ĐM:03, niên đại cuối thế kỷ 19; Tượng Trần Minh Thắng Tôn thần, mã số ĐQK 07/ĐM:07, niên đại cuối thế kỷ 19; Thần Tượng (đặt trong long ngai) mã số ĐQK 08/ĐM:08, niên đại thế kỷ 19; Long ngai và Tượng Đông Hải Đại Vương - Đoàn Thượng, mã số ĐQK 09/ĐM:09, niên đại đầu thế kỷ 20; Long ngai và Tượng Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, mã số ĐQK 10/ĐM:10, niên đại đầu thế kỷ 20; Long Bức Đại Tự, mã số ĐQK 04/ĐM:04, niên đại năm 1933 đầu thế kỷ 20; Long Đình, mã số ĐQK 01/ĐM:01, niên đại cuối thế kỷ 19; Đĩa cổ, mã số ĐQK 14/ĐM:04 và mã số ĐQK 15/ĐM:05, niên đại thế kỷ 19.
Từ năm 2003 đến nay Ban quản lý di tích đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và tạo điều kiện cho nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương và cầu phúc cầu may, cầu cho quốc thái dân an, mọi nhà, mọi người ấm no hạnh phúc.
3. Lễ hội hằng năm
- Người dân Quý Kim lấy ba ngày 14, 15, 16 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm làm ngày Lễ chính, góp phần tạo nên các hoạt động lễ hội của địa phương. - Ngoài ra, Đình Quý Kim hằng năm tiến hành giỗ Cha (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) vào ngày 19, 20 tháng 8 âm lịch.
Theo tương truyền, Thành hoàng Đình Quý Kim rất linh thiêng, ngày đêm vẫn dõi theo và phù hộ cho Nhân dân địa phương. Người dân địa phương cũng như du khách gần xa khi có dịp đến với Đình Quý Kim để chiêm bái, cầu khấn xin giải oan, xin cầu phúc, cầu lộc, cầu tài.
Thành đoàn Hải Phòng