ĐÌNH QUÁN KHÁI, XÃ VĨNH PHONG, HUYỆN VĨNH BẢO

27 02 2023

in trang

Đình Quán Khái là một tổng thể công trình nghệ thuật kiến trúc cổ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. Giá trị đặc biệt của ngôi đình là sự hoành tráng, cổ kính và nghệ thuật trang trí trong các mảng điêu khắc cùng những di vật còn tồn tại. Một số nhà nghiên cứu đã đánh giá ngôi đình như là một mẫu hình thu nhỏ của một số công trình tại cố đô Huế, một di sản văn hóa không chỉ ở nước ta mà của cả thế giới. Trong đình còn lưu giữ 102 di vật, trong đó có 22 sắc phong và có tới trên một trăm mảng điêu khắc với nhiều đề tài phong phú đó là bức cuốn, đầu dư, đầu kìm, câu đầu, các ván đỡ … đều được chạm thủng, chạm nổi, bong hình.

Nằm trong dòng chảy của nền kiến trúc cổ Việt Nam, với 143 năm tồn tại của mình, triều Nguyễn đã để lại trên đất nước ta nhiều công trình kiến trúc – nghệ thuật rất đáng tự hào. Đình Quán Khái thuộc thôn Quán Khái, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo là một trong số đó. Đây là ngôi đình đẹp nhất của hệ thống di tích kiến trúc cổ không chỉ của huyện Vĩnh Bảo mà của cả thành phố Hải Phòng. Đình đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1992.

Đình Quán Khái

Ngôi Đình tọa lạc trên một khu đất rộng, sát trục đường chính của xã. Mặt chính quay hướng Nam, với tổng diện tích xấp xỉ 4.000 m2, gồm có tam quan, giếng nguyệt, sân tế và đình chính. Đình xây dựng năm Duy Tân thứ 13 (1916). Đến nay đã ngót trăm năm, nhưng với giá trị tự thân cùng với ý thức giữ gìn của nhân dân địa phương, hiện đình còn nguyên nét đẹp cổ kính của một kiến trúc đình làng Việt Nam đầu thế kỷ 20. Theo truyền ngôn, tiền làm đình do nhân dân làng đóng góp, người đứng ra hưng công là cụ Bá Phú, một Hào lý có uy tín trong làng. Tục truyền, ngày ấy cụ Bá Phú họ Ngô cùng một số trai làng khoẻ mạnh “Khăn đùm cơm nắm” vào tận rừng sâu mua gỗ, đóng bè trở về. Nghe tin Quán Khái dựng đình lớn, nhiều hiệp thợ nổi tiếng đến xin được thi công. Câu hỏi nhập môn mà cụ Bá Phú đưa ra để tìm hiểu tài năng của các phường thợ là: “Số gỗ hiện có xây đình theo thiết kế của dân làng là đủ hay thiếu và thừa thiếu là bao nhiêu”? Nhiều hiệp thợ đã không vượt qua được bài toán đầu tiên này. Cuối cùng “thắng thầu” thuộc về hiệp thợ Ninh Giang (Hải Dương) với đáp số: Chỉ thừa một cây gỗ lim để dùng vào việc chuẩn bị đồ nghề cho thợ. Công việc làm đình ròng rã gần chục năm trời và hoàn thành vào năm 1916. Quả nhiên số vật tư vừa đủ, chỉ thừa một cây gỗ lim để thợ làm đồ nghề. Điều đó chứng tỏ khả năng thiết kế xây dựng tài ba của “Tổng công trình sư” Bá Phú và dân làng.

Đình thờ Đức thánh Tản Viên cùng hai cô con gái yêu của Vua Hùng, Chiêu Huy và Nữ Oa, trong đình còn lưu giữ bản Ngọc Phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng phúc thứ nhất (1572). Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá của nhân dân ta trong những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Đặc biệt thần tích Tản Viên là một tư liệu quý góp phần tìm hiểu, nghiên cứu về một nhân vật lịch sử được coi là Đệ nhất phúc thần của người Việt cổ. Tản Viên nhập thế, Thần Tản Viên được nhân dân tôn kính là Đức Thánh cả, Đệ nhất “Tứ bất tử” và là Thành Hoàng làng nổi tiếng của nhiều làng quê Việt Nam, trong đó có làng Quán Khái.

Vì nóc tòa Tiền đường

Về tiểu sử, sự nghiệp của Thành Hoàng làng Quán Khái có thể tóm lược như sau: Vào cuối đời vua Hùng thứ 18, trong khi tuổi đã cao mà các hoàng tử lại mất sớm, không có người nối dõi, nên nhà vua muốn nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Nhân cơ hội này Thục Phán đã đem hàng vạn tinh binh, hợp ở cửa bể, chuẩn bị tấn công nhà nước Văn Lang. Nhà vua nhận được tin vô cùng lo lắng và gọi Tản Viên Sơn Thánh lại hỏi ý kiến, đồng thời giao cho thống lĩnh - bộ binh ứng chiến. Đạo quân Thánh Tản Viên tiến vào Dương Tuyền (sau đổi là trấn Hải Dương) địa phận trang Quán Khái, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, lưu 1.000 quân đóng tại đây. Ông thấy nơi này là vùng đất có thể “rồng ấp, hổ chầu”, thắng cảnh quang đãng, bèn truyền lệnh cho quân sĩ cùng dân chúng lập đồn binh để phòng chống giặc. Sau một thời gian chuẩn bị, ông cất quân từ đạo Dương Tuyền đi đánh quân Thục. Thắng trận, vua mở tiệc lớn mừng đại thắng, gia phong tướng quân, ban cho ông thực ấp ở trang Quán Khái. Tương truyền, Thánh Tản Viên và hai người vợ yêu là công chúa con vua Hùng Duệ Vương đều mất tại trang Quán Khái, từ đó dân làng lập Đình thờ tự.

Đình Quán Khái là một tổng thể công trình nghệ thuật kiến trúc cổ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. Giá trị đặc biệt của ngôi đình là sự hoành tráng, cổ kính và nghệ thuật trang trí trong các mảng điêu khắc cùng những di vật còn tồn tại. Một số nhà nghiên cứu đã đánh giá ngôi đình như là một mẫu hình thu nhỏ của một số công trình tại cố đô Huế, một di sản văn hóa không chỉ ở nước ta mà của cả thế giới. Trong đình còn lưu giữ 102 di vật, trong đó có 22 sắc phong và có tới trên một trăm mảng điêu khắc với nhiều đề tài phong phú đó là bức cuốn, đầu dư, đầu kìm, câu đầu, các ván đỡ … đều được chạm thủng, chạm nổi, bong hình.

Có thể nói, tại tiền đình, trừ các cột gỗ lim to lớn và hệ thống hoành rui, còn tất cả các thành phần kiến trúc đều được chạm khắc, trang trí. Trên mặt những tấm gỗ lim nặng nề là hàng chục loại hoa lá, chim thú xum vầy, nở hoa kết trái, trong đó chiếm đa số là đề tài rồng, phượng, cỏ cây, hoa lá, là nét điển hình của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

          Bộ vì gian ống muống

Tại đây, rồng được thể hiện như một linh vật quan trọng nhất. Thân rồng uốn khúc, lúc to lúc nhỏ, lúc ở thế chầu mặt nguyệt, chầu hổ phù, khi thì cuộn mình lượn quanh những đám mây, lướt trên những ngọn sóng hoặc lẫn trong cỏ cây, hoa lá … thật là phong phú và sáng tạo vô cùng. Bên cạnh rồng là hình ảnh con lân, con phượng, nói lên sự kết hợp của uy quyền và biểu tượng văn chương, thi họa. Người ta cho rằng kỳ lân xuất hiện tiên báo việc ra đời của một vĩ nhân, còn phượng được mô tả với những mô típ “phượng hàm thư”, “phượng múa”… với đầu của loài chim Công, mỏ của chim Nhạn. Tiếp đó là Rùa, biểu tượng của sự trường tồn, khi thì giống như thật, khi thì được cách điệu hóa thành hình vuông, hình lục giác, lúc mang trên mình những hòm sách, cuốn thư, lúc cõng trên lưng hình đồ bát quái hay thanh gươm, cây bút.

Đan xen hài hòa giữa “long, ly, quy, phượng” là “các chép hóa rồng”, “dơi ngậm chữ thọ” … với ý nghĩa cầu mong sự hạnh phúc, giàu có và bao điều tốt lành khác. Bên cạnh đó là vô số “Mai, Lan, Cúc, Trúc, Tùng, Sen” với những hóa thân của Rồng, Phượng, biểu hiện của sức mạnh thiên nhiên, sự kiên cường, tính ngay thẳng của người quân tử, những quả Lựu, quả Bầu tượng trưng cho sự sung túc, no đủ của cư dân vùng nông nghiệp.

Như thế, nối tiếp truyền thống, các mảng chạm ở đây đã không chỉ là những bộ phận trang trí đơn thuần. Thông qua nghệ thuật, chúng còn là những biểu tượng tràn đầy tiếng “Thầm thì” của quá khứ. Các mảng chạm không chỉ ở các kết cấu gỗ mà còn có mặt hầu hết khắp trên các hiện vật của di tích. Với các hình thức chạm nổi, chạm bong kênh hoặc chìm, các biểu tượng “vũ trụ” thường là hoa Đào hay hoa Cúc tượng trưng của mặt trời, mặt trăng và các vân xoắn tượng trưng của chớp. Tất cả đều chứa đựng những ước vọng truyền đời của tổ tiên và góp phần thiêng hóa kiến trúc thờ tự.

Ngoài hiên đình, trên các bày, vãn ngưỡng đều trạm trổ tinh vi “Cúc hóa Long, Lão cúc hóa Phượng, lão Trúc hóa rồng”, hươu sao, chim muông, hoa lá cách điệu … tất cả đều hoàn mỹ làm cho du khách thật hài lòng khi được chiêm ngưỡng nơi đây. Đặc biệt thật thoải mái khi từ hiên đình nhìn ra là một sân đình rộng, phẳng, lát gạch nghiêng, giữa có sân tế, bể non bộ … Quanh đình là một hệ thống trác môn, cổng đối xứng, tường bao nguyên vẹn và đẹp mắt. Đáng kể phải nói tới là hệ thống ngũ môn được đánh giá là đẹp nhất còn lại của thành phố Hải Phòng. Cổng kiến trúc 2 tầng, 8 mái đao cong, các góc đắp vẽ hình phượng, dơi … Sát cạnh hai cổng trước là hai cây gạo cổ thụ cao to, cứ mỗi độ xuân về, đúng vào dịp làng mở hội, cây gạo lại nở hoa đỏ rực như mừng đón du khách về hành hương và làm lễ.

Hội làng được tổ chức vào mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, ao lớn trước đình là nơi lấy nước tắm cho các tượng thần với ngụ ý cầu mưa, còn vườn đình xưa nay trở thành sới vật thì sôi nổi, ồn ào bởi những cuộc tranh tài của các đội võ sĩ, các đội bóng chuyền và nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa khác. Trên cây gạo dọc đường vào đình là những lá cờ hội 5 màu không chỉ là biểu hiện của âm dương ngũ hành mà còn là biểu hiện của mặt trời, biểu tượng về nguyện vọng, sức sống của con người làm tăng thêm vẻ linh thiêng của những ngày hội lễ.

Đình Quán Khái không chỉ đẹp về cảnh quan, kiến trúc mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến. Từ năm 1946 đến năm 1948 Đình là cơ sở của Viện Quân Y và Viện Dân Y của Liên tỉnh Hải Kiến. Nơi diễn ra các hội nghị lớn, nhỏ của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở huyện và liên tỉnh. Cũng là nơi chứng kiến lễ ra mắt của tiểu đoàn 6130 của tỉnh đội Kiến An vào đầu năm 1949. Đặc biệt đây còn là vị trí tập kết của lực lượng công an, quân đội trước khi thâm nhập vùng tạm chiến và là cơ sở tiếp nhận thanh niên ở vùng tạm chiếm tình nguyện tòng quân giết giặc.

Ai đã một lần đến nơi đây chắc hẳn sẽ tự hào và càng cảm nhận được niềm vui khi được trở về với cội, về với “Cây đa, giếng nước, sân đình” của làng quê Việt Nam.

 

 

         

 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke