Đình Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên
04 01 2024
in trang
Đình Phương Mỹ xưa được dựng trên gò đất cao phía Tây làng – Phương Chương (nhân dân địa phương gọi là núi chùa), lúc đầu là một ngôi miếu nhỏ, đến năm 1863 nhân dân trong làng xây dựng ngôi Miếu lại trở thành Đình thờ Đức Thành Hoàng làng Phạm Quảng. Đình Phương Mỹ là một công trình kiến trúc lớn, nổi tiếng ở huyện Thủy Nguyên, có cấu trúc “Tiền môn hậu đinh”.
DI TÍCH ĐÌNH PHƯƠNG MỸ
XÃ MỸ ĐỒNG – THỦY NGUYÊN – HẢI PHÒNG
Đình Phương Mỹ xưa được dựng trên gò đất cao phía Tây làng – Phương Chương (nhân dân địa phương gọi là núi chùa), lúc đầu là một ngôi miếu nhỏ, đến năm 1863 nhân dân trong làng xây dựng ngôi Miếu lại trở thành Đình thờ Đức Thành Hoàng làng Phạm Quảng. Đình Phương Mỹ là một công trình kiến trúc lớn, nổi tiếng ở huyện Thủy Nguyên, có cấu trúc “Tiền môn hậu đinh”. Kiến trúc chính bố cục kiểu chữ đinh gồm 7 gian tiền đường và 4 gian hậu cung, kèm hai bên là hai tòa giải vũ 18 gian. Ngôi đình thờ Ngài Phạm Quảng. Năm 1954 Pháp trú ngụ tại Đình làng, quân du kích đánh mìn nhằm tiêu diệt giặc Pháp, Ngôi đình bị hư hỏng phần Hậu cung, năm 1959 làng tổ chức lễ hội cuối cùng tại Đình Cả. Do bị đánh phá, Ngôi đình bị xuống cấp trầm trọng, đến đầu năm 1960 bị rỡ bỏ hoàn toàn do đó tượng sắc phong, thần phả … của đức Phạm Quảng được rước về Miếu Đông (nay là Miếu Phương Mỹ).
Theo Ngọc phả truyền rằng, thời vua Đinh Tiên Hoàng ở Hải Dương Lộ, phủ Kinh Môn, huyện Thủy Đường, trang Hoa Chương (Phương Mỹ) có một gia đình họ Phạm chồng tên là Huy vợ tên là Lê Thị Qúy. Hai vợ chồng vốn thuộc dòng dõi nho gia, vọng tộc, ăn ở hiền lành đức độ, ngoài ba mươi tuổi mà chưa có công bà lấy làm buồn rầu một hôm bà đi chơi núi thấy một ngôi chùa nguy nga liền vào lễ cầu về đường con cái, và một đêm kia, đương lúc say nồng bà mơ thấy một ông già mặc áo bào đỏ, râu tóc bạc phơ, đưa cho bà một cành hoa quế. Được mấy ngày bà cảm thấy có thai, sau sinh ra một cậu con trai thân hình đĩnh ngộ, quý tướng đị thường, đặt tên là Quảng. Hôm đó ngày 18 tháng giêng, năm 14 tuổi bố mẹ cho đi học, học được 4,5 năm mà “Văn chương quán triệt, võ nghệ tinh thông, thiên sử vạn gia vô sở bất quản cập chi”. Chứng tỏ là Phạm Quảng là một người thông minh, khỏe mạnh, tài giỏi hơn người.
Đến năm 27 tuổi nghe tin nhà vua (chỉ Đinh Tiên Hoàng) có hịch truyền đi khắp nơi thiên hạ để kén người hiền tài, phạm Quảng liền xin phép cha mẹ vào kinh đô ứng thí. Thấy ông tài giỏi, cường tráng, ứng đối trôi chảy vua rất bằng lòng bèn phong cho chức tước “Tham tri chính sự” làm quan trong triều đình, được 11 năm thì xảy ra sự biến Đỗ Thích khởi loạn giết hại cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn.
Năm 979 Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, Đinh Toàn lên ngôi mới 6 tuổi, mọi việc triều đình đều do Thái Hậu Vân Nga và Lê Hoàn Thập đạo tướng quân định đoạt, nhà Tống thấy tình thế bất ổn ở nước Nam chúng sai Hầu Nhân Bảo chỉ huy chuẩn bị cất quân sang xâm lược. Tin cấp báo như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Dương Thái Hậu giao cho Lê Hoàn làm tổng chỉ huy quân đội, tuyển tướng, tuyển quân chuẩn bị kháng chiến. Phạm Quảng xin làm đầu hàng quân, làm tướng dưới quyền thập đạo Lê Hoàn, tích cực tham gia công việc chuẩn bị quân lương.
Mùa thu năm 980 nhà Tống một mặt xuất quân ăn cướp mặt khác đưa thư dọa nạt, hòng buộc dân tộc ta đầu hàng. Trước sự sống còn của quốc gia, dân tộc. Thái Hậu Dương Vân Nga đã quyết định một việc tối quan trọng là nhường ngôi vua cho Lê Hoàn. Lê Hoàn lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thiên Phúc (980-988) lập ra Triều Lê (sử cũ gọi là nhà Tiền Lê).
Mùa xuân năm 981 quân Tống ồ ạt kéo vào Lạng Sơn, trong lúc đó cánh quân thủy từ Quảng Châu theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng. Lê Hoàn cho quân chặn đường thủy, cho chiến thuyền ra khiêu chiến, giả vờ thua chạy nhử địch vào bãi cọc nhọn. Khi thủy triều xuống, phục binh của ta nhất loạt phản công, thuyền giặc mắc phải cọc gỗ bị chìm đắm rất nhiều. Quân Tống thất bại thảm hại, vội vã thu rút tàn Binh về nước. Sau trận đọ sức tạm lui quan trước thế giặc mạnh, nhiều tướng sỹ của Lê Hoàn hoang mang, thiếu tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Tướng Phạm Quảng xin thống lĩnh quân thủy bộ đi tiên phong chặn giặc. Trận quyết chiến đầu tiên diễn ra tại Châu Mộc (một địa danh thuộc đất Lạng Sơn ngày nay). Quân ta thắng lớn đã tạo thế tấn công, chủ động trên chiến trường cho quân triều đình. Trong trận Bạch Đằng (981) Phạm Quảng được cử làm chỉ huy một đội thủy binh, hiến nhiều kế hay và là người địa phương vốn thông thuộc địa hình, địa vật ông có công lớn trong cuộc giúp vua Lê Hoàn lập thế trận chôn vùi giặc Tống dưới dòng sông Bạch Đằng quê hương.
Tương truyền trong hoa Chương xưa (Phương Mỹ) là nơi đóng đại bản doanh, cơ quan đầu lão của cuộc kháng chiến dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lê Hành hoàng đế.
Trong ngày đất nước khải hoàn, Phạm Quảng được vua ban thưởng “tước cao lộc lớn” nhưng ông chỉ một mực tâu xin được trở về quê hương bản giúp dan làng lo việc canh nông. Ông mất tại quê nhà hôm đó là ngày 17 tháng 10 (âm lịch). Vua ban sắc chỉ và cấp 300 quan tiền cho trang Hoa Chương xây đền lập miếu thờ phụng ông. Nhân dân bản trang được miễn đóng góp thuế tô, lao dịch trong ba năm làm tiền hương hỏa tứ thời bát tiết và miếu thờ Phạm Quảng được liệt vào nơi quốc tế.
Đức Phạm Quảng được Triều Lê (Tiền Lê) và các vương triều phong kiến truy phong tước vị “Hùng thánh uy thống, chí linh đại vương” và là Thượng đẳng phúc thần Làng Hoa Chương. Dân Hoa Chương được Lê Đại Hành cho làm “Hộ nhị tạo lệ” (chuyên việc thờ đức Phạm Quảng) nên được miễn các khoản binh lương thuế khóa. Việc này lâu dần đã trở thành lệ và lệ này còn được duy trì mãi mãi về sau.
Nhân dân Hoa Chương xưa nay là Phương Mỹ xã Mỹ Đồng hết thế hệ này qua thế hệ khác đời đời ghi tạc công lao của Đức Phạm Quảng, người con quê hương có công giúp dân, giúp nước đánh đuổi giặc Tống xâm lược, bảo vệ nền độc lập cho đất nước. Công đức của người là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam nói chung và người Phương Mỹ nói riêng noi theo.
Năm 2014, UBND xã Mỹ Đồng, Ban quản lý các di tích lịch sử, Hội đồng làng, Ban di tích Đình, Miếu Phương Mỹ khởi công xây dựng phục hưng Ngôi Đình được nằm trong quần thể di tích lịch sử Miếu Phương Mỹ. Năm 2017 Ngôi đình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 7,3 tỷ đồng. Sau khi Ngôi đình hoàn thiện, Ban quản lý các di tích lịch sử, Hội đồng làng, Ban di tích Đình, Miếu Phương Mỹ cùng Nhân dân nghinh rước Tam vị Đại Vương thờ tại Ngôi Đình mới từ đó đến nay.
Hàng năm vào ngày 18 tháng giêng âm lịch. Ban quản lý các di tích lịch sử, Hội đồng làng, Ban di tích Đình, Miếu Phương Mỹ cùng Nhân dân trong làng tổ chức lễ hội truyền thống mừng ngày sinh của Đức thành hoàng Phạm Quảng. Ngài có công giúp Vua Lê Hoàn đánh quân xâm lược nhà Tống vào những năm 981 sau Công Nguyên. Lễ hội được tổ chức trang trọng trong quần thể di tích Đình và Miếu Phương Mỹ. Việc tổ chức lễ hội hôm nay là để nhân dân luôn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” đã được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là đặc trưng văn hóa của người Việt Nam nói chung - Nhân dân làng văn hóa Phương Mỹ nói riêng./.
Thành đoàn Hải Phòng