ĐÌNH PHÚ CƠ, XÃ QUYẾT TIẾN, HUYỆN TIÊN LÃNG

08 03 2023

in trang

Đình Phú Cơ là công trình văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Ngôi đình được mang chính tên của cộng đồng làng đã xây dựng nên nó, đó là đình Phú Cơ xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng đi bằng nhiều phương tiện và theo nhiều ngả đường khác nhau du khách đi về tỉnh lộ 25 con đường nối từ đường quốc lộ 10, về thị trấn Tiên Lãng. Nếu từ thị trấn đi theo đường trên khoảng 1.5km đến cây cầu Ngân Cầu, cầu làm bằng bê tông cốt sắt, thuộc thôn Ngân Cầu, xã Quyết Tiến bắc qua con sông Đào của huyện Tiên Lãng, từ đây đi vào đường trục xã khoảng 1km hỏi thăm, du khách sẽ được người dân địa phương tận tình chỉ dẫn tới di tích. Ngôi đình Phú Cơ nằm gần ngã ba đường trục thôn, đường đi rất thuận tiện bằng mọi phương tiện cơ giới và thô sơ.

Phú Cơ trước kia là một xã có tên là Thọ Hàm, sau này là một thôn tách ra thành 2 xã Thọ Hàm và Phú Cơ. Danh sách làng xã dưới triều Nguyễn, Thọ Hàm, Phú Cơ là 2 xã thuộc tổng Kinh Khê, huyện Tiên Lãng, tổng Kinh Khê có các làng xã gồm: Kinh Khê, Mỹ Khê, Cẩm La, Hương Lan Ngân Cầu, Ngân Bồng, Trà Cầu, Phú Chấp. Thôn Cổ Duy thuộc xã Thọ Hàm sau đó thôn Cổ Duy lên xã, thôn Phú Chấp nhập vào xã Thọ Hàm gọi chung

Đình Phú Cơ ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công đã trở thành địa điểm làm trụ sở của UBND lâm thời xã Cộng Hòa (lúc đó Phú Cơ thuộc xã Cộng Hoà).

Ngày 06/01/1946 đình Phú Cơ là nơi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tháng 4 năm 1946 ngôi đình Phú Cơ là địa điểm diễn ra cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã và tổ chức kỳ họp đầu tiên bầu ra ủy ban hành chính xã thay thế ủy ban cách mạng lâm thời.

Trong giai đoạn thời gian sau ngày giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh “ Chống giặc dốt như chống giặc ngoại xâm”, đình Phú Cơ ngày đêm trở thành lớp Bình dân học vụ của cán bộ, nhân dân địa phương.

Trong suốt giai đoạn đầu chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945-1947, đình Phú Cơ luôn là địa điểm hội họp, học tập của nhân dân, nơi sinh hoạt của các tổ chức chính trị, tổ chức quần chúng của địa phương.

Cuối năm 1947 theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Đảng, chính phủ, dân làng Phú Cơ đã tự nguyện dỡ đình. Từ một ngôi đình chắc chắn to đẹp mới được tân tạo năm 1940, nhân dân đã phải tháo dỡ, lấy vật liệu gỗ như hoành, rui, xà chia cho dân để làm hầm chống phi pháo của địch từ Kiến An bắn về. Sang đầu năm 1948 bộ khung gỗ của đình được dân làng bán lấy tiền ủng hộ đoàn quân Nam tiến, ngoài ra số tiền còn lại mua được 1 khẩu súng trường giao cho dân quân tự vệ thôn, xã để đánh địch. Cũng trong giai đoạn đầu của thời kì kháng chiến đình Phú Cơ còn là nơi tập kết, nuôi dưỡng giúp đỡ cán bộ, nhân viên bưu điện huyện An Lão để làm nhiệm vụ kháng chiến.

Từ năm 1951 nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động phong trào kháng chiến của ta, giặc Pháp tăng cường đóng đồn bốt ở nhiều nơi, ngay gần đình Phú Cơ chúng đóng giữ một bốt. Bọn địch bắt thanh niên các thôn tối đến ngủ tại đình làng sáng mới cho về. Tuy bị địch kìm kẹp gắt gao nhưng chúng không thể kiềm chế được phong trào kháng chiến của ta. Vào ngày 10/2/1952 bộ đội huyện Tiên Lãng cùng với sự giúp đỡ của nhân dân và Lực lượng kháng chiến địa phương trong đó có làng Phú Cơ, đã tấn công vào bốt địch, bắt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, cùng đêm đó phá tan bốt địch thu nhiều lương thực để dự phòng nuôi quân, phục vụ kháng chiến. Sau khi phá bốt ta đã giải tán bạn tế bù nhìn của địch. Nhân dân địa phương phấn khởi tập trung sản xuất và chuẩn bị tích cực cho những cuộc chiến đấu đánh địch tiếp theo.

Trận cân Cơ lốt ngày 28/8/1953 địch càn đi, quét lại đốt nhà, phá cửa, đẩy tường, chặt tre cả làng Phú Cơ chỉ còn lại một số nóc nhà. Song lực lượng du kích của địa phương vẫn bám đất, bám làng ngày đêm dựa vào hầm bí mật trong hậu cung đình, trong khuôn viên đình Phú Cơ và trong làng, để hoạt động chống lại kẻ thù.

Tháng 9/1953, giặc Pháp từ bốt Trung Lăng, Minh Đức đến làng Phú Cơ càn quét, lực lượng du kích của xã đã tổ chức họp tại đình bàn định, xây dựng kế hoạch đánh địch. Trong cuộc chiến đấu đánh địch càn quét này lực lượng du kích đã đánh và đẩy lùi cuộc càn quét của giặc vào địa phương.

Tiếp nối truyền thống yêu nước cách mạng kháng chiến, trong những năm chống Mỹ, ngôi đình Phú Cơ là nơi tập trung tiễn đưa những người con của thôn, xã lên đường nhập ngũ ra chiến trường đánh Mỹ giải phóng đất nước.

Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân làng Phú Cơ, xã Quyết Tiến đã được Đảng và nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Làng có: 7 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng

  51 liệt sĩ

  15 thương bệnh binh

Nhân dân trong làng Phú Cơ còn được tặng nhiều huân, huy chương và nhiều phần thưởng khác của Đảng và nhà nước.

Từ con đường trải nhựa rộng rãi của thôn Phú Cơ xã Quyết Tiến đi qua một cổng xây theo kiểu nhất môn, 2 tầng mái với các góc đao cong tạo dáng vẫn cụm, mái tạo giả lợp ngói. Cổng được tạo ngay cho du khách ấn tượng đến một khu vực thờ tự trang nghiêm, thành kính. Đình Phú Cơ nhìn về hướng Tây nam, hướng của ngôi đình xa xưa mà dân làng đã dựng.

Đình Phú Cơ có mặt bằng cấu trúc kiểu chữ đinh 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Bộ khung chịu lực của nhà tiền tế gồm 2 bộ vì. Cấu trúc vì theo kiểu quá giang, giá chiêng, kẻ nách. Hậu cung, khung chịu lực 3 bộ vì, các bộ vì cấu trúc theo kiểu vì kèo. Bộ vì hậu cung ngoài cùng vì nóc giáp nhà tiền tế còn lại mảng cốn lớn chạm bong kênh, đề tài tứ linh. Đây là mảng còn lớn còn lại của ngôi đình Phú Cơ xưa. Đình Phú Cơ có 3 gian cửa. Gian cửa giữa lớn, 2 bên cửa nhỏ, cửa làm theo cửa cánh phản kiểu thức ngày nay.

Mái đình lợp ngói Khay, trên đỉnh bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt 2 đầu bờ nóc đắp kim, hai hiện tường hồi đắp trụ, đế trụ tạo dáng quả Bồng, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh đầu trụ là lần ngồi chầu nhìn vào như soi rọi những khách hành hương tới cõi linh thiêng. Nhìn chung để đáp ứng với nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên năm 2000 địa phương phục dựng ngôi đình trước mắt mang tính phục vụ tạm thời. Hiện nay nhân dân Phú Cơ đang chuẩn bị kế hoạch làm lại ngôi đình to đẹp chắc chắn hơn ngôi đình đang có,

NHỮNG DI VẬT ĐÁNG QUAN TÂM

1-Tượng Thành Hoàng:

Chất liệu gỗ, tạc có kích thước tương đương với người thường. Thần tượng ngồi theo tư thế chân buông thẳng tự nhiên, chân đi hia, hai tay để tự nhiên trên gối. Thần tượng mặc phẩm phục có cân đai, trên phẩm phục trang trí hổ phù, long vân, đầu đội mũ cánh chuồn. Thần tượng râu dài, mặt vuông chữ điền mắt nhìn thẳng. Thần thái thể hiện uy nghiêm, nghiêm nghị. Tượng thành hoàng được sơn son thếp bạc phủ hoàn kim, có niên đại tạo tác thế kỉ 19.

2. Đại Tự.

Bức đại tự chất liệu gỗ, được treo trước cửa cung. Đại tự có kích thước rộng 75cm dài 185cm. Đại tự tạo riềm kép, riềm ngoài kiểu vỏ măng, trên vỏ măng chạm nổi hoa văn tứ quý, điểm xuyết có các mảng gấm. Riềm trong chạm nổi hoa văn hoa dây chữ triện xung quanh đại tự, nền đại tự chạm nền gấm và chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt. Đại tự chạm nổi 3 chữ Hán lớn sơn then “Thượng đẳng thần”. Tức là nơi thờ vị thành hoàng bậc thượng đẳng. Bức đại tự được sơn son thiếp bạc phủ hoàn kim. Tuy là đồ thợ tự mới song phong cách và hoa văn tạo tác giống biểu tượng văn hoá mỹ thuật của thời Nguyễn.

3. Hộp đựng sắc:

Chất liệu bằng gỗ hình khối hộp chữ nhật, đế hộp rộng tạo chân ngắn, trên chân chạm nổi hoa văn chữ triện, sáu mặt hộp vẽ sơn chìm màu vàng hoa văn đề tài lưỡng long chầu nguyệt, vân tản, hộp sắc được sơn son, hộp sắc có niên đại tạo tác đầu thế kỷ 20.

4. Sắc phong:

Chất liệu giấy sắc cổ. Sắc có niên đại đời vua Khải Định thứ 9 triều Nguyễn tức năm 1924. Sắc cho xã Phú Cơ, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An theo trước phụng thờ ngài đương cảnh Thành hoàng Cao Sơn quốc chủ Đại vương thượng đẳng thần. Đạo sắc được bảo quản gìn giữ tốt.

LỄ HỘI, SINH HOẠT VĂN HOÁ TẠI DI TÍCH.

Trước năm 1945 vào các dịp ngày thánh hóa 15/3, thánh đản 15/11 nhân dân Phú Cơ thường tổ chức hội lễ, song vào dịp lễ hội kỷ niệm thánh đản 15/11 hội lễ mở to nhất trong năm. Trong lễ hội nhân dân địa phương tổ chức rước sắc từ nhà vị Tiên chỉ của làng về đình, sau đó rước ra miếu, làm lễ tế ở miếu, rồi tiếp tục về đình làng tế lễ. Có những năm rước sang đình Cổ Duy (cùng tổng) để tế lễ giao hiếu tại đình Cổ Duy. Lễ rước rất đông và nghiêm trang, đoàn rước có kéo cả xe ngựa gỗ. Khiêng kiệu là các trai tân, ăn mặc quần áo nậu. Lễ phẩm trong hội lễ có bánh chưng, bánh dày... Ngoài phân tế lễ còn có các hoạt động hội các trò chơi bách hý như: đấu vật, hát đúm, tổ tôm điếm...

Trải qua thời gian bị mai một, những năm gần đây, nhân dân địa phương đang từng bước khôi phục lại những nét sinh hoạt văn hóa và hội lễ truyền thống của địa phương tại đình Phú Cơ. Ngoài những ngày hội lễ lớn trong năm vào các ngày sóc, vọng, tết cổ truyền nhân dân trong và ngoài địa phương đến dâng hương tại đình rất thành kính.

Đình Phú Cơ là công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân làng Phú Cơ, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Trong kháng chiến chống Pháp nhân dân địa phương đã dỡ bỏ để phục vụ cho công cuộc kháng chiến của đất nước. Tại ngôi đình Phú Cơ còn ghi dấu nhiều sự kiện kháng chiến chống thực dân Pháp và tay sai. Các sự kiện đó có vai trò đóng góp quan trọng vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Pháp của nhân dân địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Để chính quyền và nhân dân địa phương có điều kiện quản lý, phát huy tốt giá trị di tích. Từng bước xây dựng di tích đình Phú Cơ là địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ. Chúng tôi đề nghị Hội đồng di tích thành phố xem xét trình Uy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xem xét xếp hạng đình Phú Cơ là di tích lịch sử kháng chiến.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke