Đình Phi Liệt, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Đình Phi Liệt, công trình kiến trúc tín ngưỡng, trung tâm văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tên gọi đình Phi Liệt luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã, vùng đất và con người nơi đây. Đình Phi Liệt tôn thờ ba vị Thành hoàng là: Thiên Đế, Ngũ Lôi và Hoàng Phúc Tiến.


DI TÍCH ĐÌNH PHI LIỆT, XÃ LẠI XUÂN, HUYỆN THỦY NGUYÊN

Đình Phi Liệt, công trình kiến trúc tín ngưỡng, trung tâm văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tên gọi đình Phi Liệt luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã, vùng đất và con người nơi đây. Đình Phi Liệt tôn thờ ba vị Thành hoàng là: Thiên Đế, Ngũ Lôi và Hoàng Phúc Tiến.

Đất Phi Liệt xưa vốn là nơi rừng thiêng nước độc, rất khó để sinh sống nên dân cư vì vậy mà thưa thớt, những người có thể sống ở vùng đất này vốn dĩ phải rất dũng cảm và chịu thương chịu khó. Bên cạnh đó, do luôn phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt nên người dân nơi đây đã tìm đến sự giúp đỡ, che chở của các đấng thần linh. Người dân Phi Liệt xưa đã thờ hai vị thần Ngũ Lôi và Thiên Đế - thần cai quản bầu trời cùng các hiện tượng tự nhiên như gió, mưa, sấm, chớp. Hai vị thiên thần đã che chở, bảo vệ, làm mưa thuận gió hòa để giúp đỡ người dân Phi Liệt vươn khơi đánh cá, lên rừng hái quả, ra đồng cấy lúa được thuận lợi. Kể từ đó tới nay, Ngũ Lôi và Thiên Đế luôn được người dân Phi Liệt tôn kính và thờ phụng.

Ngài Hoàng Phúc Tiến là nhân thần, vốn là người đầu tiên đặt chân đến vùng đất khắc nghiệt này, đã có công khai hoang, lập làng nên được nhân dân Phi Liệt tôn làm Thành hoàng, đưa vào thờ cùng với hai ngài Ngũ Lôi và Thiên Đế.

Các tiết lệ tại đình Phi Liệt được tổ chức vào các ngày âm lịch hàng năm: ngày 7 tháng 1, lễ tế xuân; ngày 10 tháng 3, lễ kỳ phúc; ngày 1 tháng 12, lễ chạp thần. Hiện nay, ngày lễ kỳ phúc mùng 10 tháng 3 là lễ hội truyền thống của đình.

Sáng ngày 10/3 âm lịch các bậc cao niên trong Ban quản lý đình làm lễ cáo yết để xin phép các ngài thành hoàng cho mở hội. Sau khi làm lễ cáo yết xong, Nhân dân trong làng sắm sửa nhiều lễ vật: thủ lợn, gà, xôi, trầu rượu, hoa quả… đến dâng hương để tưởng nhớ công ơn các vị thần chủ của đình và cầu mong bình an, hạnh phúc cho mình cùng những người thân trong gia đình. Nghi thức tổ chức hiện nay có nhiều giản tiện so với trước nhưng không làm mất đi sự tôn kính của nhân dân và con em các dòng họ sinh sống ở Phi Liệt hoặc đã đi xa hồi tưởng về làng quê thân yêu của mình. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Mặt trận tổ quốc xã Lại Xuân, ban quản lý đình đã điều hành lễ hội diễn ra trong 1 ngày với các nghi thức dâng hương hoa, lễ vật tưởng niệm các vị Thành hoàng. Ngoài ra trong lễ hội vẫn duy trì tế nam quan và bước đầu khôi phục được một số trò chơi như đu, chọi gà, đấu vật, bắt vịt, bịt mắt bắt dê…

* Quá trình xây dựng đình

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, đình Phi Liệt được khởi dựng vào khoảng thế kỷ 19. Lúc đầu khởi dựng đình có bố cục mặt bằng theo kiểu chữ Đinh (丁) với 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, hệ thống khung chịu lực hoàn toàn bằng gỗ lim. Năm 1950, đình bị pháo của thực dân Pháp bắn đổ, các đồ tế tự, di vật còn lại của đình được người dân mang vào chùa Phi Liệt bảo quản. Năm 2000 - 2003, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền xã, toàn thể nhân dân địa phương đã góp công, của phục dựng lại đình. Vị trí của đình hiện nay cách nền đình cũ 1 km về phía Đông.

Đình Phi Liệt hiện nay quay hướng Bắc, nhìn ra đồng ruộng mênh mông, phía sau có dãy núi đá vôi chạy dài tạo thế tựa. Đình nằm lọt trong một khúc uốn chữ U của sông Đá Bạc, được xem là thế đất “tụ thuỷ - tụ phúc”. Đình Phi Liệt được dựng trên một khu đất rộng 1.345 m2, có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, gồm toà bái đường và hậu cung. Kiến trúc công trình chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu hiện đại xi măng cốt sắt, mái lợp ngói mũi hài.

Bái đường gồm ba gian hai dĩ, nền lát gạch Bát Tràng cao hơn mặt sân 0,5m, cửa đình được xây giật ba cấp tạo thành bậc lên xuống, hai đầu hồi xây tường kín tận đốc, mái làm kiểu bốn mái. Thành phần chịu lực chính của bái đường được dựng trên cơ sở các cột, rầm, xà bê tông để tạo thành ba bộ vì kèo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Hoa văn trang trí trên các hệ vì chủ yếu đắp vẽ hoa sen, vân cụm. Trang trí trên hệ mái toà bái đường là các đề tài: lưỡng long chầu mặt nguyệt, rồng chầu phượng đón, bờ nóc và bờ dải gắn gạch hoa chanh...

Hậu cung đình gồm hai bộ vì, bộ vì ngoài 4 hàng chân cột, cột quân nằm một phần trong tường. Bộ vì bên trong hậu cung kiểu hai hàng chân cột, cột quân được thay bằng tường bao của đình. Hệ thống cửa đình gồm ba gian cửa gỗ lim chắc chắn, mỗi gian bốn cánh kiểu bức bàn và được trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý.

Nhìn tổng thể, kiến trúc đình Phi Liệt có quy mô vừa phải nhưng chắc chắn, có thể bảo tồn được lâu dài để phát huy giá trị văn hóa tâm linh, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương.

* Di vật tiêu biểu

Trải thời gian, di tích đình Phi Liệt còn bảo lưu được nhiều cổ vật, hiện vật góp phần minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hóa, nguồn gốc của di tích, gồm 11 đạo Sắc phong Nguyễn; 01 bia ký: “Hậu thần bia ký”; 03 long ngai, 03 bài vị; 01 mâm đồng, 01 bát hương, niên đại thế kỷ XIX. Đây là những cứ liệu tin cậy cung cấp những thông tin về lịch sử hình thành và tồn tại của di tích; về lễ nghi và đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cha ông xưa, cũng như những giá trị về mỹ thuật thời Nguyễn hiện còn lưu lại trên các sắc phong và đồ thờ tự  thời Nguyễn.

Với những giá trị đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3733/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 công nhận đình Phi Liệt là di tích cấp thành phố./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Admin

Thong ke