ĐÌNH NƯỚC - XÃ ĐẠI BẢN - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình Nước, thuộc thôn Vụ Nông, xã Đại Bản. Đình Nước trước kia của xã Vụ Nông, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn. Theo các bậc cao niên của làng Vụ Nông, tên gọi đình Nước bởi thời xưa nhà nước cho tiền xây dựng. Đình còn có tên gọi khác là đình Năm Dân, vì là đình của cộng đồng năm xã trong tổng Vụ Nông về tế lễ, phụng thờ, năm xã gồm: Vụ Nông, Lực Nông, Xuyên Đông, An Phú và Tiên Nông. Tên của ngôi đình mang tính đặc biệt, độc đáo, trong hệ thống các ngôi đình trong thành phố Hải Phòng. Tên đình gợi mở cho du khách ấn tượng và sự mong muốn tìm tòi, khám phá về lịch sử ngôi đình Nước ở huyện An Dương. Đình Nước được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2011. 


Đình Nước, thuộc thôn Vụ Nông, xã Đại Bản. Đình Nước trước kia của xã Vụ Nông, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn. Theo các bậc cao niên của làng Vụ Nông, tên gọi đình Nước bởi thời xưa nhà nước cho tiền xây dựng. Đình còn có tên gọi khác là đình Năm Dân, vì là đình của cộng đồng năm xã trong tổng Vụ Nông về tế lễ, phụng thờ, năm xã gồm: Vụ Nông, Lực Nông, Xuyên Đông, An Phú và Tiên Nông. Tên của ngôi đình mang tính đặc biệt, độc đáo, trong hệ thống các ngôi đình trong thành phố Hải Phòng. Tên đình gợi mở cho du khách ấn tượng và sự mong muốn tìm tòi, khám phá về lịch sử ngôi đình Nước ở huyện An Dương. Đình Nước được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2011. 

Xa xưa, Vụ Nông là xã thuộc huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Niên hiệu Minh Mạng triều Nguyễn, hình thành cấp tổng, Vụ Nông là xã đứng đầu tổng, gồm: Vụ Nông, Khinh Dao, Phí Xá, Nguyễn Xá, Bắc Nguyễn, Dụ Nghĩa, Tuyền Đông và Lê Xá. Đến niên hiệu Duy Tân (1907-1916), Vụ Nông thuộc tổng Vụ Nông, huyện An Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An.

Trước đây, xã Vụ Nông có 2 đình, đình Nước và đình Đông. Đình Đông nằm ở phía Đông của đình Nước và của giáp Đông trong xã. Làng có 7 miếu: miếu Mả Vua; miếu Địch, thờ bà Nguyệt Phương (vị em gái út của các vị Thành hoàng họ Phạm), miếu Lê, miếu được xây dựng thời Lê Sơ, thờ vị thứ hai trong bẩy anh em Thành hoàng họ Phạm (một số miếu khác hiện không còn), 1 chùa tên chữ là Thiên Minh, trong chùa có gian thờ bà Nguyệt Phương. Làng Vụ Nông có Văn chỉ, một thiết chế thờ tự, văn hóa của Khổng giáo, nhưng hiện nay không còn. 

Theo ngọc phả, thần sắc làng Vụ Nông, đình Vụ Nông thờ bẩy anh em họ Phạm gồm sáu anh em trai và người em gái út. Người anh cả là Phạm Luận, được vua ban tên hiệu là Ngọc Thanh, ông sinh ngày 12 tháng 9, hóa ngày 12 tháng 3, được thờ tại đình Vụ Nông. Người thứ hai là Phạm Thi, được thờ tại đình Đông. Người thứ ba là Phạm Thành, sinh ngày 5 tháng 11, không rõ ngày mất, được thờ tại đình làng Tiên Nông. Người thứ tư là Phạm Tường, sinh 5 tháng 11, được thờ tại đình làng Tiên Nông. Ngài thứ 5 là Phạm Tụng sinh 5 tháng 11, được thờ tại đình làng An Phú. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược, cả bảy anh em đều có công lao to lớn, các ông được Lê Lợi phong chức Đại tướng quân, người em gái được phong Bình Khôi Công Chúa. 

Trong tài liệu thần sắc của làng Vụ Nông, do ông Chánh Hương hội Nguyễn An Tuân sao chép theo chính bản 6 sắc phong của một số vua triều Nguyễn như: Sắc vua Thiệu Trị năm thứ 6 (1846) 2 đạo; vua Tự Đức năm thứ 3 (1850), 1 đạo; vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), 1 đạo; vua Duy Tân năm thứ 3 (1909), 1 đạo; vua Khải Định năm thứ 9 (1924), 1 đạo. Sắc phong của vua Thiệu Trị năm thứ 6 ghi: “... Ngọc Thanh uy Trấn quốc, Phạm phủ quân chi thần... Gia tặng Tuấn Lương chi thần... ”. Sắc vua Khải Định thứ 9 ghi: “... Đương cảnh Thành hoàng, Ngọc Thanh, Uy chấn quốc, Phạm phủ quân tôn thần... ”.

Theo các cụ cao niên của làng, đình Nước được khởi dựng từ thời Lê Chính Hòa (1680 - 1705). Đình Nước là ngôi đình lớn trong vùng, cột cái to lớn, có đường kính 60 cm. Đình có mặt bằng kiến trúc chữ đinh gồm năm gian đại bái và ba gian hậu cung. Đình có ván sàn lòng thuyền. Tòa đại bái làm theo thức chéo đao, tầu góc. Khuôn viên đình rộng trên 2 mẫu Bắc bộ, trước đình có hồ nước rộng, trong đình có nhiều đồ thờ tự tế khí, trang hoàng lộng lẫy. Năm 1946, thực dân Pháp biết đình là cơ sở kháng chiến của ta, nên chúng đã phun dầu vào đình để đốt, đình cháy tới 15 ngày mới hết. Năm 1991, nhân dân địa phương phục dựng lại hậu cung đình trên nền đất ngôi đình xưa, năm 2004 làm tiếp tòa đại bái đình.

Đình Nước hiện nay làm bằng vật liệu truyền thống kết hợp với vật liệu hiện đại. Đình nhìn về hướng Nam, hướng của ngôi đình xưa. Đình có mặt bằng kiến trúc gần giống kiểu chữ đinh, bởi có giếng trời ở giữa hai tòa nhà. Tòa đại bái năm gian và hậu cung cũng là ba gian cung cấm. 

Tòa đại bái, bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt sắt, gồm bốn bộ vì, hình thành ba gian chính và hai gian dĩ. Mái cấu trúc chéo đao, tầu góc, lợp ngói mũi. Cấu trúc các bộ vì theo thức vì nóc giá chiêng, vì nách thuận chồng ba con. Các rường thuận kê trên nhau bằng đấu vuông thắt đáy, trên đấu đắp trang trí nổi hoa sen cách điệu. Các thuận tạo dáng vỏ măng, chân cột được kê trên chân tảng tạo dáng quả bồng lớn. Các bộ vì được liên kết với nhau bằng hệ thống xà đai, tạo dáng vỏ măng. Tòa đại bái hệ thống cửa chính gồm ba gian, đóng theo thức cổ, cửa thùng khung khách. Bờ nóc mái đắp trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, đuôi kìm cong thành những hình tròn, biểu tượng vân cụm, ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp. Khúc nguỷnh đắp con sô, các đầu đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa. Bậc thềm của tòa tiền tế được bó vỉa bằng những tảng đá xanh có kích thước lớn, dấu tích vật chất của ngôi đình cổ để lại. Từ tòa đại bái đi vào trong qua một khoảng sân nhỏ, dân gian gọi là thiên tỉnh (giếng trời) mới đến tòa hậu cung. Tòa hậu cung, khung chịu lực cấu tạo hai bộ vì, vì hai hàng chân cột, cấu trúc vì đơn giản theo kiểu vì quá giang. Hậu cung cũng là cung cấm có ba gian cửa, một cửa lớn ở giữa và hai cửa nhỏ hai bên. Trên vì nóc cửa giữa tòa hậu cung trang trí lưỡng long chầu nguyêt. Trong cung cấm có long khám, trong long khám có thần tượng của Ngài Phạm Luận, ngồi trong long ngai. Trong cung cấm hai bên tả, hữu, là hai ban thờ Thánh Vương phụ, Thánh Vương mẫu (bố, mẹ Thành hoàng), thần tượng các Ngài được tạo tác gần đây.

Trải qua thời gian và bị giặc Pháp đốt phá, đình chỉ còn lại số cổ vật như sau: Voi đá, Bia đá.

Trước năm 1945, dân làng Vụ Nông tổ chức lễ hội vào trung tuần tháng 3 âm lịch, từ ngày 1 đến ngày 16. Nhân dân cả tổng Vụ Nông tổ chức rước các vị Thành hoàng tại năm đình về đình Nước để mở hội. Phẩm lễ rước theo các thánh có bánh dầy, xôi, lễ tam sinh. Lợn Ông Bồ của các giáp nuôi đến hội được rước ra đình và được làng tổ chức chấm điểm. Trong lễ hội còn có trò chơi dân gian như: đấu vật, đu tiên, chọi gà, đi cầu thùm, hát ca trù, hát chèo sân đình... Ngày nay, nhân dân đang từng bước khôi phục, kế thừa, phát huy những nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp trong lễ hội truyền thống mà tiền nhân để lại. Ngoài ra, vào các dịp ngày mồng một, hôm rằm, tết Nguyên đán, nhân dân trong, ngoài địa phương đến đình Nước dâng hương, chiêm bái rất thành kính, thể hiện sự tri ân tới các vị Thành hoàng đã có công với dân, với nước. Ngôi đình cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đình Nước xã Đại Bản, tuy mới được khôi phục lại, nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc của ngôi đình truyền thống. Đình thờ bảy anh em họ Phạm người địa phương đã đứng dưới cờ khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Lê Lợi chống quân xâm lược Minh. Những đóng góp của bảy anh em họ Phạm rất hiếm quý, bổ sung vào số lượng không phải nhiều của người Hải Phòng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đình Nước ngày nay như một tượng đài để nhân dân địa phương, du khách xa gần chiêm ngưỡng bảy vị tướng trong một gia đình họ Phạm, khi sinh thời và khi đã mất luôn giúp nước, giúp dân

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke