ĐÌNH NHU KIỀU, XÃ QUỐC TUẤN, HUYỆN AN DƯƠNG
25 10 2023
in trang
Nhu Kiều (柔嬌),theo Hán tự có nghĩa là quê hương thuận hòa và tươi đẹp. Đình Nhu Kiều được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2009. Năm 1926, dân làng Nhu Kiều xây dựng ngôi đình riêng, tức là ngôi đình Nhu Kiều ngày nay.
Nhu Kiều (柔嬌),theo Hán tự có nghĩa là quê hương thuận hòa và tươi đẹp. Đình Nhu Kiều được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2009.
Năm 1926, dân làng Nhu Kiều xây dựng ngôi đình riêng, tức là ngôi đình Nhu Kiều ngày nay.
Đình Nhu Kiều thờ bốn vị Thành hoàng: Ngài Quý Minh Đại Vương, Ngài Mai Kỳ Sơn, Ngài Mai Thị Cầu và Ngài Phạm Tử Nghi.
Theo thần tích còn lưu giữ được của một số di tích đã xếp hạng cấp thành phố thờ Thành hoàng là Quý Minh Đại Vương (như: đình Trữ Khê, phường Quán Trữ, quận Kiến An; đình Nhân Mục, xã Nhân Hòa, Vĩnh Bảo; đình Lôi Động, Hoàng Động và đình Kiều Hạ cùng xã Quốc Tuấn), tuy có dị sản nhưng nội dung thần tích cơ bản về Quý Minh được tóm lược như sau: Quý Minh Đại Vương là em Cao Sơn Đại Vương và cùng kết nghĩa anh em với Tản Viên Sơn Thánh. Cao Sơn, Quý Minh quê ở động Lăng Xương, phủ Gia Hưng, trấn Sơn Tây. Hai ông đều là danh tướng tài ba và tâm phúc của vua Hùng Duệ Vương, vua Hùng thứ 18. Tản Viên Sơn Thánh còn là con rể của vua Hùng Duệ Vương. Quý Minh là người có nhiều công lao trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt là trong cuộc chiến đấu chống nhà Thục Phán để bảo vệ nền độc lập của nhà nước Văn Lang. Vùng đất Nhu Kiều, Kiều Hạ, Văn Xá, Nhu Thượng... cũng như nhiều dải đất khác ở Hải Phòng là nơi Quý Minh trị nhậm, đồn trú đóng quân. Tại những nơi đây ông đã trừ dẹp đạo tặc, giữ bình yên cho nhân dân. Ông còn giúp đỡ người dân mở mang điền địa, quai đê chống bão lũ, dạy dân cày cấy, nuôi trồng. Chính vì vậy, ân huệ của ông ở những địa phương trên với người dân rất to lớn. Sau khi Quý Minh hóa, rất nhiều địa phương hưởng ân huệ của ông đều dựng đền, miếu thờ và tôn vinh ông làm Thành hoàng làng. Theo thần tích của đình Trữ Khê, quận Kiến An, Quý Minh được người dân địa phương lập sinh từ, tức là lập đền thờ Ngài khi còn sống.
Theo thần tích chép trên bia đá lưu giữ tại đình Nhu Thượng, Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn là chị em, hai người là con của vua Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế). Mai Thị Cầu được phong là Kiều Nương Ngọc Chân Công chúa, Mai Kỳ Sơn được phong là Hoàng Thái tử. Làng Kiều Thượng (Nhu Thượng) cùng thờ Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn. Theo thần tích còn lưu giữ tại đình Nhu Thượng, Mai Thị Cầu sinh ngày 3 tháng 3 (chưa rõ năm), bà lấy ông Phạm Quỳnh người làng Kiều Thượng. Năm 24 tuổi, phu quân mất, bà ở vậy. Bà cho dân làng 200 lạng bạc và 12 mẫu ruộng làm của công và xây dựng tòa sinh từ. Bà ban phát của cải cho nhiều người, nhất là người dân ở hai làng Kiều Thượng và Nhu Kiều. Khi cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế bị nhà Đường đánh dẹp, bà và người em là Hoàng Thái tử Mai Kỳ Sơn về hai làng Kiều Thượng và Nhu Kiều chiêu mộ quân binh để chống lại nhà Đường. Cuộc chiến đấu chống lại quan quân nhà Đường diễn ra rất ác liệt, kéo dài hơn 2 năm. Ngày 7 tháng 12 nghe tin em trai anh dũng hy sinh trên chiến trường, bà đã tự tận trên dòng sông của làng Nhu Kiều. Nhân dân tìm kiếm thi thể bà đưa lên bờ, nhưng chưa kịp an táng mối đã xông lên thành ngôi mộ lớn. Tương truyền, tại khu vực bà hóa, dân làng đã xây dựng miếu thờ bà, miếu đó còn lại đến ngày nay. Hiện nay đình Nhu Kiều còn bảo lưu được đạo sắc của vua Khải Định năm thứ 2 (1917), phong cho bà là “Trinh uyển, Dực bảo, Trung hưng tôn thần”.
Mai Kỳ Sơn sinh ngày 6 tháng 1 (chưa rõ năm sinh). Khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng như cước nên sau này ông có hiệu là “Bạch Đế” (vị vua tóc trắng). Năm 18 tuổi, ông lấy vợ người họ Hoàng làng Nhu Kiều. Khi về bái yết quê ngoại ở làng Kiều Thượng, Nhu Kiều, ông đã biếu dân làng 10 lạng vàng để làm của công. Sau khi Mai Hắc Đế cha ông bị nhà Đường sát hại, ông đã cùng chị gái Mai Thị Cầu tổ chức lực lượng kháng chiến chống lại quân Đường (như nêu ở trên). Song do chênh lệch về lực lượng, trong trận chiến đấu vào ngày 7 tháng 12, ông đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Tương truyền, nơi ông hy sinh dân làng đã lập miếu phụng thờ ông. Đình Nhu Kiều còn lưu giữ được hai đạo sắc phong của vua Khải Định triều Nguyễn, sắc niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), phong cho ông là Bạch Đế tôn thần, sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) gia tặng mỹ tự và phong cho ông phẩm trật thần cao nhất “Túy mục, Thượng đẳng thần”.
Đình Nhu Kiều tọa lạc ngay bên đường liên thôn của xã Quốc Tuấn, con đường trải nhựa rộng rãi, bằng phẳng, góp phần cho mọi người đến với di tích thuận tiện, dễ dàng. Ngôi đình nằm gần khu trung tâm của làng Nhu Kiều. Từ đường bước vào đình là nghi môn, nghi môn xây kiểu cột đồng trụ, gồm hai cặp đối xứng nhau qua trục đường thần đạo. Nghi môn chỉ có một cửa đi chính, rộng lớn trên đường thần đạo. Từ cột đồng trụ lớn sang cột đồng trụ nhỏ xây tường theo kiểu cánh gà, trên tường đắp phù điêu rồng, phượng. Sau nghi môn là sân đình được lát gạch đỏ phẳng, đều. Từ sân bước lên đình qua ba bậc cấp. Đình Nhu Kiều là công trình kiến trúc làm bằng vật liệu truyền thống. Đình xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu, hồi văn, tay ngai, có mặt bằng kiến trúc chữ đinh, gồm năm gian tiền tế và hai gian hậu cung, trong đó có một gian cung cấm. Tòa tiền tế, bộ khung chịu lực gồm 6 bộ vì, hai bộ vì gian trung tâm cấu tạo kiểu xà đinh ba hàng chân cột, còn các bộ vì khác cấu tạo bốn hàng chân cột.
Đình Nhu Kiều trải qua thăng trầm của lịch sử, có thời gian đình dùng để làm kho của hợp tác xã nông nghiệp, làm trường học. Song cho đến nay kiến trúc ngôi đình vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trên cấu kiện kiến trúc thể hiện nhiều mảng chạm khắc với nhiều kiểu thức chạm, phản ánh những đề tài, nội dung phong phú, thể hiện tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc gỗ thời xưa. Đồng thời hàm chứa những khát vọng về cuộc sống thanh cao, an bình, no đủ và hạnh phúc của người dân nông thôn Việt Nam thời trước đây. So sánh chung trong huyện An Dương, đình Nhu Kiều là một ngôi đình đẹp và còn khá chắc chắn, nguyên bản.
Trải qua thời gian hàng trăm năm, đình Nhu Kiều vẫn còn giữ gìn được một số di vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật như: Long ngai, Bài vị, Trụ đài thắp, Sắc phong,…
Tại đình Nhu Kiều hằng năm theo âm lịch có 6 ngày sự lệ: 6 tháng 1 là ngày sinh của Mai Kỳ Sơn, 3 tháng 3 là ngày sinh bà Mai Thị Cầu, 20 tháng 8 là ngày giỗ Đức Thánh Trần, 20 tháng 9 là ngày giỗ Phạm Tử Nghi, ngày 13 tháng 11 là giỗ Đức Thánh Quý Minh, 7 tháng 12 là ngày nhị vị (Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn) đồng hóa. Đặc biệt có tổ chức hợp tế hội đồng ba thôn: Văn Xá, Nhu Kiều và Kiều Thượng. Bởi vậy trong làng xưa có câu ca:
“Ai ơi chớ vội lấy chồng
Ở nhà xem tế Hội đồng ba thôn”
Song, địa phương lấy ngày 3 tháng 3 là ngày hội làng lớn nhất trong năm. Trước đây vào dịp này dân làng tổ chức ba ngày. Trong hội có rước bài vị thần từ các miếu qua đình Nhu Thượng, qua chùa làng về đình rồi tổ chức tế lễ và mở hội. Lễ hội có nhiều trò chơi, thi đấu dân gian như: chèo sân đình, hát ca trù, đu tiên, vật, chọi gà, tổ tôm điếm... Gần đây dân làng tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các địa phương trong xã, tổ chức kéo co đội nam, đội nữ. Đặc biệt, dân làng tổ chức đua thuyền giữa các đội nam, giữa các đội nữ trên dòng mương lớn gần đình. Tuy đua thuyền là trò chơi địa phương mới tổ chức được khoảng 10 năm nay, nhưng những đội đua thuyền của Nhu Kiều luôn đạt giải cao khi thi đấu trong huyện An Dương cũng như thành phố Hải Phòng. Nhân dân địa phương cũng từng bước kế thừa, phát huy những nét văn hóa tốt đẹp trong lễ hội truyền thống mà tiền nhân đã xây dựng lên.
Đình Nhu Kiều - công trình kiến trúc gỗ cổ truyền, là một trong số ít di tích của huyện An Dương có tuổi đời xấp xỉ 100 năm. Ngôi đình thờ vị Thành hoàng từ thời Hùng Vương dựng nước. Đặc biệt đình Nhu Kiều cùng với đình Nhu Thượng, hai làng gần nhau cùng thờ hai chị em bà Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn, con vua Mai Hắc Đế. Đây là những nhân vật lịch sử rất hy hữu trong cuộc kháng chiến chống sự đô hộ của nhà Đường, thế kỷ VIII ở thành phố Hải Phòng cũng như của toàn quốc. Sự tích hai vị Thành hoàng trên là nguồn sử liệu rất có giá trị để bổ sung vào những trang lịch sử hào hùng của người dân An Dương trong cuộc trường chinh có từ rất sớm và rất dài lâu chống kẻ thù xâm lược để giành độc lập, tự do cho đất nước.
Thành đoàn Hải Phòng