Đình Ngọc Khuê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Đình Ngọc Khê tọa lạc tại thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, là công trình tâm linh, tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.


DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH NGỌC KHÊ, XÃ PHÙ NINH, HUYỆN THỦY NGUYÊN

Đình Ngọc Khê tọa lạc tại thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, là công trình tâm linh, tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Căn cứ Bản kê khai Thần tích, thần sắc, địa bạ của các xã tổng Phù Lưu, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An niên hiệu Khải Định thứ 3 (1918); Sách Từ điển Bách khoa địa danh Hải PhòngNgọc phả cổ lục (bản chép tay lưu trữ tại Bảo tàng Hải Phòng) cho biết: Đình Ngọc Khê thờ hai vị thành hoàng là Cao Sơn và Quý Minh thượng đẳng thần làm thành hoàng làng, thần có công lao giúp vua Hùng Duệ vương (vua Hùng thứ 18) chống lại quân Thục, giữ cho cuộc sống của dân được yên vui, dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm. Trải thời gian, hai ngài được các vua triều Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong: Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887) cho vị Quý Minh đại vương; Niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889) cho vị Cao Sơn phù thuận; Niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) cho cả hai vị chung một đạo.

Trong những năm kháng chiến, Đình Ngọc Khê là nơi du kích, bộ đội địa phương làm căn cứ, kho đạn để bảo vệ căn cứ địa Trại Sơn, vì vậy đến tháng 3/1947, đình bị thực dân Pháp phá hủy. Năm 1996, Đình được dựng lại ở khu vực nhà văn hóa thôn hiện nay. Đến năm 2014, với tấm lòng thành kính, quyết tâm chung tay tôn tạo đình làng khang trang to đẹp hơn của Nhân dân, đình Ngọc Khê được phụng dựng lại tại vị trí hiện nay (phía Tây của làng).

Mở đầu kiến trúc Đình là Nghi môn, làm theo kiểu tứ trụ. Đi qua khoảng sân rộng, chính giữa trục thần đạo là các công trình gồm Bình phong, giếng Mắt rồng và Đại đình. Đình có bố cục mặt bằng kiểu chữ Đinh, gồm tòa Tiền tế, và Hậu cung. Tiền tế đình gồm 05 gian 02 chái, Hậu cung đình gồm 03 gian.

Đình Ngọc Khê hiện nay còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật như: Chuông chất liệu đồng, Nhang án niên, Long đình, Hòm đựng sắc phong, Kiệu bát cống đều có niên đại thế kỷ 20.

Đình là nơi để cộng đồng người dân địa phương tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian… Đình tổ chức lễ hội từ ngày mùng 9 đến ngày mùng 11 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đình Ngọc Khê được công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2023.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke