ĐÌNH NGẢI AM, XÃ HÒA BÌNH, HUYỆN VĨNH BẢO
06 04 2023
in trang
1. Tên Điểm du lịch: Đình làng Ngải Am xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng . Đình Ngải Am xưa còn có tên gọi là Đình Đền, bởi lẽ xa xưa đất mà ngôi đình dựng lên sau này là đất của ngôi đền thờ Thành Hoàng làng. 2. Địa chỉ: Thôn 8, làng Ngải Am (Nay là thôn Bắc Ngãi Am), xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Đình làng Ngải Am xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng . Đình Ngải Am xưa còn có tên gọi là Đình Đền, bởi lẽ xa xưa đất mà ngôi đình dựng lên sau này là đất của ngôi đền thờ Thành Hoàng làng.
Đình Ngải Am thờ 4 vị Thành Hoàng:
Ngài thứ nhất: Thổ Lệnh, không rõ tên hiệu, ngày sinh, ngày hóa, ngày hiện mộng là ngày 16/11. Theo thần tích, khi Lê Đại Hành đánh quân Tống (do hầu Nhân Bảo chỉ huy), từng đến trú quân tại trang Ngải Am, thần Thổ Lệnh báo mộng xin theo giúp vua đánh giặc, sau thắng trận được vua phong mỹ tự: Tích Phúc Duyên Hy Công Chính chi thần. Thần Thổ Lệnh được thờ bằng tượng; có 4 sắc phong thuộc các đời: Tự Đức thứ 6 (1853) và 33 (1880), Đồng Khánh 2(1887), Duy Tân 3(1909). Ngày tế lễ hàng năm 16/11, kiêng chữ húy “Thổ lệnh”.
Ngài thứ 2: Từ Nhan Đức Hạnh Trinh Thục phu nhân. Ngài thứ 3: Hoa Nương Ngọc Thị Trinh Thục phu nhân. Ngài thứ 4: Nga Nương Ngọc Bảo Trinh Thục phu nhân.
Theo thần tích, ba vị thần này là ba mẹ con. Bà Từ Nhan sinh ngày 16/11, hai con gái sinh đôi ngày 15/11; Cả ba mẹ con hóa cùng ngày 16/11, hiện mộng ngày 15/02; Đều âm phù nhà Trần đánh giặc Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Tương truyền thời Ngô Quyền, bà Từ Nhan hành hương đến huyện Vĩnh Lại, một lần ra sông tắm, thấy trời u ám, sóng gió dữ dội cố con giao long đến quấn quanh bà. Bà chạy về trang Ngải Am vào miếu khấn, thấy ngọc trắng bay vào trong bụng, đến ngày 15/11, sinh ra một lúc hai người con gái. Khi lớn, hai bà Hoa . ' Nương và Nga Nương được Kiều Công Tiễn hỏi làm vợ. Cả ba mẹ con đều chống lại, mộ quân ở trang Ngải Am giúp Ngô Quyền đánh Kiều Công Tiễn. Sau cả ba mẹ con được dân lập đền thờ. Bà Từ Nhan và Bà Hoa Nựơng được thờ bằng bát hương ở chung một miếu; Bà Nga Nương được thờ bằng tượng gỗ ở một miếu riêng. Trước năm 1938, xã Ngải Am còn giữ được 4 sắc phong thuộc các đời: Thành Thái 1 (1889), Khải Định 9 (1924), 2 đạo. Ngày tế lễ ba bà hàng năm: 15/02, 15, 16, và 26/11; Ngoài ra còn tế xuân thu, thượng, hạ điền, kỳ an; Kiêng húy các chữ “Từ Nhan”, “Hoa Nương”, “Nga Nương”
Ngay sau khi nhân dân nổi dậy đánh đổ thực dân Pháp và bọn tay sai dành chính quyền về tay nhân dân và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Đình Ngải Am đã trở thành trụ sở, nơi làm việc đầu tiên của xã Ngải Dương (xã Ngải Dương lúc đó gồm 2 thôn Ngải am và Dương Am). Năm 1947, Ngải Am sát nhập với Hàm Dương, Lôi Trạch thành xã Hòa Bình. Chính quyền địa phương xã Hòa Bình tiếp tục lấy đình Ngải Am làm trụ sở hành chính để lãnh đạo nhân dân địa phương trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong suốt thời kỳ 1946 đến tháng 12/1947 ngôi đình Ngải Am là địa điểm bình dân học vụ cho cán bộ và nhân dân xã Hòa Bình.
Từ năm 1948 đến tháng 12/1949 là nơi đóng quân của bộ đội tỉnh Kiến An (đại đội 61). Đơn vị bộ đội đã đóng quân, huấn luyện tại đây chuẩn bị tham gia vào cuộc khángchiến lâu dài của dân tộc. Từ tháng 01/1951 đến tháng 12/1951 đình Ngãi Am là cơ sở làm việc, hoạt động bí mật của tỉnh ủy và ủy ban kháng chiến tỉnh Kiến An.
Trong hậu cung đình và ngoài vườn đình Ngải Am lúc đó có nhiều hầm bí mậtđược đào thông ra tận cánh đồng. Hầm bí mật rộng lớn có sức chứa tới 9, 10 người. Hầm bí mật có thể tổ chức được các cuộc họp. Lúc đó cụ thủ đình Nguyễn Văn Thả đã nuôi dưỡng bảo vệ một số các đồng chí cán bộ, lãnh đạo kháng chiến ở hầm hậu cung đình Ngải Am.
Từ tháng 01/1952 đến tháng 10/1953 đình Ngải Am là nơi tập trung lực lượng du kích thoát ly của xã Hoà Bình tham gia chiến đấu trong xã, huyện và chi viện lực lượng cho các xã Hoà Bình, Vinh Quang, Đông Xuyên, thuộc huyện Tiên Lãng đánh địch trong trận càn Cờ Lốt tháng 08/1953. Từ tháng 12/1953 đến tháng 12/1954 đình Ngải Am là địa điểm đón tiếp, tiếp nhận và điều trị, sơ cứu ban đầụ cho các đồng chí thương, bệnh binh từ các địa bàn: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Hải Phòng và Tứ Kỳ Hải Dương, sau đó chuyển về tuyến sau tức là về tỉnh Thái Bình điều trị, vì lúc đó bệnh viện của ta được sơ tán về tỉnh Thái Bình
Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, tiếp tục giai đoạn mới của cách mạng. Tại đình Ngải Am năm 1955 - 1956 là địa điểm đấu tranh thực hiện cuộc cải cách ruộng đất ở địa phương. Sau này là nơi học tập, hội họp của phong trào tổ đổi công, hợp tác xã nông nghiệp qui mô nhỏ đến quy mô lớn của địa phương.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng. Đình Ngải Am là địa điểm tiễn đưa con em quê hương lên đường nhập ngũ ra chiến trường đánh giặc. Ngôi đình Ngải Am còn là nơi làm lễ truy điệu cho các liệt sỹ đã hy sinh trên các chiến trường để bảo vệ độc lập tự do cho tổ quốc. Từ tháng 02/1966 đến tháng 12/1968, thời kỳ chiến tranh phá họai của giặc Mỹ ra miền Bắc, đình Ngải Am là nơi xí nghiệp Thảm len Hàng Kênh Hải phòng về sơ tán, sản xuất.
Đặc biệt từ tháng 01/1969 đến tháng 05/1975 là địa điểm chính của đoàn thương binh 151 thuộc Bộ tư lệnh 350 Hải Phòng. Nơi đây tiếp nhận điều trị thương binh từ các chiến trường trở về
Sau này đến thời kỳ đất nước thống nhất tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, từ 6/1975 đến 6/2003 Đình Ngải Am là cơ sở học tập, giảng dạy của trường cấp I và cấp II xã Hòa Bình.
Có thể nói ngay từ những ngày đầu cách mạng tháng 8/1945 cho đến thời gian đất nước thống nhất cùng tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt trong 2 giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Ngải Am luôn là địa điểm nuôi dưỡng, che dấu, bảo vệ cho các lực lượng kháng chiến. Thành tích đó đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng quê hương, đất nước. Những thành tích trên đến nay có rất nhiều giá trị trong giáo dục các thế hệ trẻ về tinh thần cách mạng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc, của các thế hệ ông cha đi trước.
3.3 Những di vật tiêu biểu trong di tích.
- Câu đối: Câu đối phẳng có kích thước 1.3m x 0.24m, chất liệu dõ được sơn son thiếp bạc phủ hoàn kim. Nền câu đối sơn đỏ để nhẵn, trong câu đối chạm nổi chữ Hán sơn thiếp bạc phủ hoàn kim, trên và dưới câu đối chạm nổi hoa dây chữ triện. Vế một “Vi đức thành kỳ thịnh hỹ”, Vế hai “Bảo dân thượng hữu lợi tai”. Tạm dịch: Làm việc đức có tâm thành thì sẽ thịnh vượng; Giúp dân việc làm ấy sẽ có ích lợi”. Câu đối có khắc lạc khoản niên hiệu vua Tự Đức thứ 28 tức năm (1875), người cúng tiến là vị hương trưởng Vũ Văn Mỹ.
- Bức cuốn thư: Làm bằng gỗ có kích thước lớn được đặt trang trọng tại gian trung trung tâm của nhà tiền tế.
Bức cuốn thư được chạm bằng kỹ thuật công phu kết hợp chạm nổi, chạm bong kênh, chạm thủng với các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá thiêng. Trong cuốn thư chạm nổi bài thơ chữ Hán, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, tương truyền đây là bài thơ của vua Lê Đại Hành khi ngài đánh giặc Tống qua đây thỉnh cầu Thánh được linh ứng âm phù. Sau khi thắng trận Lê Đại Hành đã làm bài thơ này. Cuốn thư cùng bài thơ cũ đã mất, nhưng đã được cụ Phạm Văn Duyệt nguyên là giáo viên trong xã, am hiểu chữ nho và có ý thức bảo tồn lưu giữ các giá trị vãn hoá của địa phương nên đã ghi chép lại để hôm nay mới tạo lại được cuốn thư với đề thi của vua Lê Đại Hành. Ngoài bài thơ trên cuốn thư cụ còn ghi lại toàn bộ câu đối, đại tự để ngày hôm nay phục chế lại. Đề thi của vua Lê Đại Hành cụ Duyệt dịch như sau:
Tự cổ dân này ức triệu niên
Thiên thần ẩn hiện đẹp tinh thần
Thanh bình còn nhớ canh ba mộng
Hãy giúp dân ta vạn cổ xuân.
Thần tượng: Được tạc bằng gỗ ngồi trong long khám, tượng tạc to lớn hơn người thường ở tư thế ngồi chân buông thẳng, thần tượng mặc phẩm phục có cân đai, trên phẩm phục chạm nổi hổ phù long vân. Thần tượng đội mũ cánh chuồn, cánh mũ gắn cúc mãn khai, thần tượng mặt vuông chữ điền, râu dài, tay trái để tự nhiên úp trên gói trái, tay phải đặt tự nhiên trên gối phải. Thần thái tượng trông uy nghi, nghiêm nghị, tượng và khám đều được sơn son thiếp vàng phủ hoàn kim.
- Hộp sắc phong: Chất liệu gỗ tạo tác kiểu trong hộp ngoài quách tạo dáng hộp có chân, có nắp. Chân qùy dạ cá, dạ cá chạm nổi hoa dây, mặt ngoài chạm nổi lưỡng phụng mang thư. Hộp sắc được sơn son thiếp bạc phủ hoàn kim, có niên đại tạo tác đầu thế kỷ XX.
- Bát hương: Chất liệu đá xanh nguyên khối, đế tạo dáng 3 chân, chân trên chạm hổ phù vân tản, thằn bát hương phía trước chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt. Bát hương còn nguyên vẹn, qua nét hoa văn tạo tác trên bát hương giám định bát hương được tạo tác đầu thế kỷ XX.
Trước kia hằng năm tại đình Ngải Am vào các dịp ngày 15/11 dân làng tổ chức lễ hội, gặp thời phong đăng, hoà cốc được mùa dịp 15/02 dân tổ chức 3 -7 ngày hội, đây cũng là sự lệ chính trong năm. Ngày hội lễ dân làng rước Thánh từ miếu về đình để làm hội lê, tế thánh. Trong dịp lễ hội có trò chơi bách huý như: Cờ người, đu, đánh vật, bắt vịt, kéo co... Dân làng Ngải Am trong lễ hội thường có giao lưu với dân Ngải Đông cùng xã. Phẩm lễ trong tế lễ có bánh chưng, bánh dầy, tế Thánh thường vào ban đêm ngày 11-12, chủ tế phải là Tiên chỉ. Ngày nay vào các dịp sự lệ trong năm dân làng vẫn tổ chức dâng hương tế lễ tại đình để lưu giữ lại các nét sinh hoạt văn hoá truyền thống, ngoài ra vào các ngày sác vọng, Tết cổ truyền nhân dân trong và ngoài địa phương đến đình chiêm bái, dâng hương rất thành kính.
Thành đoàn Hải Phòng