ĐÌNH NAM, XÃ NAM SƠN, HUYỆN AN DƯƠNG
26 10 2023
in trang
Đình Nam, còn gọi là đình Lương Quán, thuộc thôn Lương Quán, xã Nam Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Đình Nam, tức là đình ở phía Nam của làng Lương Quán trước đây, cũng là cách gọi để phân biệt giữa các đình trong cùng một làng. Do trước đây làng Lương Quán có ba đình: đình Trung, đình Thượng và đình Nam.
Đình Nam, còn gọi là đình Lương Quán, thuộc thôn Lương Quán, xã Nam Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Đình Nam, tức là đình ở phía Nam của làng Lương Quán trước đây, cũng là cách gọi để phân biệt giữa các đình trong cùng một làng. Do trước đây làng Lương Quán có ba đình: đình Trung, đình Thượng và đình Nam.
Đình Nam thờ vị thần chủ, Thành hoàng Phạm Tử Nghi. Theo thần tích lưu tại di tích Lăng miếu Đôn Nghĩa (nơi thờ ông), Phạm Tử Nghi tên húy là Thành, tên chữ là Tử Nghi, quê ở làng Niệm Nghĩa, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Từ nhỏ, ông nổi tiếng học một biết mười, lại có sức khỏe hơn người. Lớn lên, ông chăm học tập, luyện rèn võ nghệ, trau dồi binh pháp nên trở thành người văn, võ toàn tài. Thuở tráng niên, ông đã tập hợp mọi người đắp đê ngăn nước mặn, mở rộng xóm làng, phát triển sản xuất và chống giặc cướp bảo vệ quê hương. Một lần ông gánh tiền đóng thuế cho dân làng lên kinh thành, do có sức khỏe, ông vác được một cây gỗ lớn cho quan quân triều đình, làm mọi người kinh ngạc nên ông đã được yết kiến vua Mạc. Vua Mạc thấy ông có sức khỏe lại giỏi võ nghệ, nên giao cho ông diệt trừ 3 con voi dữ ở cánh đồng Nhân gần kinh thành mà bấy lâu chưa ai diệt được. Phạm Tử Nghi xin về quê ba tháng để tập luyện cách đánh voi. Tại quê hương, ông đắp con đường lớn, dài, hai bên đường có các ụ đất lớn, lúc tập luyện võ, ông hét to, vung gậy gạt san bằng. Người đương thời cảm phục sức khỏe phi thường của ông gọi “Ông tướng Thiên Lôi”, đường ông đắp đã thành cổ tích, ghi trong sách sử. Hiện nay con đường đó là phố Thiên Lôi thuộc địa bàn quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Sau ba tháng tập luyện, ông đi diệt ba con voi dữ, hai con bị chết, một con bị thương nặng. Đánh thắng ba con voi dữ, ông được vua phong làm “Đại tướng quân”. Ông là võ quan cao cấp của triều Mạc có nhiều công lao giúp dân, giúp nước. Một bậc anh hùng thời tao loạn, mặc dù là tướng nhà Mạc, triều đại đối địch với nhà Lê, song triều Hậu Lê rất kính trọng tài, đức của ông, đã ban sắc phong cho ông làm Thành hoàng của nhiều làng.
Thần tích về ông nói rằng sau khi bị triều Minh (Trung Quốc) dùng quỷ kế phản trắc ám hại, ông đã hiển Thánh làm cho nước Minh không yên. Nhà Minh phải làm lễ tế rất trọng hậu đưa tiễn ông như một bậc Công, Hầu về nước. Bè chở thủ cấp của ông không ai đẩy nhưng vẫn trôi về nước Nam. Tương truyền bè qua các bến sông đều được các nơi dựng miếu thờ và tôn ngài làm Thành hoàng làng. Ông thường hiển linh phù hộ cho người dân làm ăn trên sông nước. Làng Lương Quán xưa cuộc sống quan thiết với sông nước, làng có bến đò, nên xa xưa người dân đã dựng ngôi miếu gần bến đò để thờ Phạm Tử Nghi. Cũng bởi vậy sau này người dân dựng đình Nam và rước Ngài Phạm Tử Nghi vào đình phụng thờ.
Đình Nam là công trình kiến trúc truyền thống, tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII. Đến đầu thế kỷ XX, dòng họ Lê Đức trong làng đứng ra hưng công xây dựng lại tòa tiền tế. Đình Nam nhìn về hướng Nam, làm bằng vật liệu truyền thống. Đình tọa lạc bên đường trục của thôn. Trước đình, qua trục đường có ao đình, dấu tích của một hồ nước lớn của ngôi đình ngày xưa. Từ đường trục thôn vào đình Nam, gặp nghinh môn đình làm theo thức cột đồng trụ, chỉ có một cửa đi. Qua nghinh môn vào sân đình, sân nhỏ được lát bằng gạch đỏ đều, phẳng.
Từ sân bước lên đình qua ba bậc cấp. Đình Nam có mặt bằng kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, trong đó có 1 gian cung cấm. Đình xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu, hồi văn, mái lợp ngói mũi lớn. Trên mái đình đắp trang trí các đề tài truyền thống, như: đỉnh bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc. Hai trụ biểu hiên tạo dáng đế quả bồng, đầu trụ tạo đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê đứng chầu vào trong cửa đình. Đình cấu trúc ba gian cửa chính, mỗi gian bốn cánh, cửa đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách. Tòa tiền tế bộ khung chịu lực, cấu trúc gồm 4 bộ vì (không có bộ vì hồi), vì bốn hàng chân cột, các chân cột được kê trên chân tảng đá xanh. Các bộ vì cấu trúc từng cặp tương tự nhau và đăng đối qua gian trung tâm. Bộ vì gian trung tâm cấu trúc vì nóc kiểu cốn mê, mảng cốn có ô trống chữ nhật nhỏ ở giữa, trên cốn chạm bong kênh, chạm nổi đề tài hổ phù, long, vân hội tinh xảo và sinh động. Vì nách kết hợp với đuôi đầu dư tạo thành bức cốn lớn, cốn chạm bong kênh, chạm nổi đề tài tứ linh rất tinh xảo. Các đầu dư tạo tác đầu rồng cách điệu, rồng mắt lồi, miệng ngậm ngọc, râu dài vắn thừng, tóc dài bay về phía sau, tay rồng chạm nổi rõ 5 móng vuốt. Trên dạ câu đầu bộ vì bên tả gian trung tâm ghi dòng lạc
Hai bộ vì gian bên cấu tạo vì bốn hàng chân cột, vì nóc kiểu cốn bưng, trên cốn chạm nổi đề tài hoa lá thiêng, vì nách thuận chồng ba con, trên thuận chạm nổi lá guột, các đấu kê chạm nổi hoa văn, hoa sen cách điệu. Trên má các bẩy hiên kết hợp với ván lá dong được tạo tác thành mảng chạm nổi, chạm bong kênh đề tài long, vân tinh xảo, mềm mại.
Tòa hậu cung kết cấu một bộ vì, vì bốn hàng chân cột, cấu trúc vì thuận chồng ba con, thuận được kê trên đấu vuông thắt đáy, thân đấu chạm nổi hoa sen cách điệu. Ngôi đình Nam tuy không to lớn, nhưng trên cấu kiện kiến trúc được thể hiện nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật đẹp với đề tài phong phú, sinh động.
Trải trên trăm năm, qua nhiều cuộc binh lửa chiến tranh, nhưng đình Nam vẫn bảo tồn được một số di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và mỹ thuật, tiêu biểu như: Khám thờ và thần tượng, Thần tượng Phạm Tử, Sắc phong, Đại tự treo trong hậu cung, Bài vị đúc bằng kim loại tổng hợp,…
Trước đây, hàng năm vào các ngày 14, 15, 16 tháng hai âm lịch dân làng tổ chức lễ hội nhân dịp ngày thánh đản. Lễ hội ngoài phần dâng hương tế lễ thánh, dân làng còn tổ chức các trò chơi thi đấu như: đi cầu thùm, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, chọi gà. Ngày nay địa phương có tổ chức tế nam quan, nữ quan, giao lưu văn nghệ giữa các làng xã quanh vùng. Dân làng cũng đang từng bước tìm hiểu để kế thừa những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong lễ hội của tiền nhân để lại.
Đình Nam là công trình kiến trúc cổ kính làm bằng vật liệu truyền thống hiếm quý trong hệ thống di tích của huyện An Dương. Công trình góp phần làm phong phú, đa dạng cho hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống có tuổi đời trên một trăm năm của huyện. Cùng với những di tích đã được xếp hạng khác của xã Nam Sơn, một địa phương có nhiều di tích được xếp hạng nhất thành phố (7 di tích và cụm di tích được xếp hạng), tạo nên tuyến tham quan hấp dẫn, đa dạng, phong phú về lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của một vùng quê giầu truyền thống văn hóa.
Thành đoàn Hải Phòng