ĐÌNH MỸ TRANH, XÃ NAM SƠN, HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Mỹ Tranh (靡争), theo Hán tự với ý nghĩa mở rộng là quê hương của những người sống thuận hòa cùng nhau. Mỹ Tranh là vùng đất cổ, có con người sinh cơ lập nghiệp từ thời đầu Công nguyên. Theo bản thần tích của làng Mỹ Tranh, trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, địa phương là nơi gắn với sự nghiệp, võ công của Ngài Vũ Mãn Lang. Ngài là thanh nữ mang nghĩa binh tham gia khởi nghĩa, sau này Ngài làm Thành hoàng làng Mỹ Tranh. Tuy nhiên do binh lửa chiến tranh, thiên tai hoành hành, nên việc người dân đến định cư rồi lại di chuyển đi nơi khác, có thể diễn ra nhiều lần ở vùng đất Mỹ Tranh. Đến thời Lý - Trần, dân cư ở Mỹ Tranh mới ổn định dần thành trang ấp, làng xã.


Mỹ Tranh (靡争), theo Hán tự với ý nghĩa mở rộng là quê hương của những người sống thuận hòa cùng nhau. Mỹ Tranh là vùng đất cổ, có con người sinh cơ lập nghiệp từ thời đầu Công nguyên. Theo bản thần tích của làng Mỹ Tranh, trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, địa phương là nơi gắn với sự nghiệp, võ công của Ngài Vũ Mãn Lang. Ngài là thanh nữ mang nghĩa binh tham gia khởi nghĩa, sau này Ngài làm Thành hoàng làng Mỹ Tranh. Tuy nhiên do binh lửa chiến tranh, thiên tai hoành hành, nên việc người dân đến định cư rồi lại di chuyển đi nơi khác, có thể diễn ra nhiều lần ở vùng đất Mỹ Tranh. Đến thời Lý - Trần, dân cư ở Mỹ Tranh mới ổn định dần thành trang ấp, làng xã.

Đình làng Mỹ Tranh thờ Thành hoàng là Ngài Vũ Cống Lang, còn gọi là Vũ Mãn Lang. Theo bản thần tích, thần sắc thôn Thượng, thôn Trung, thôn Nguyên của xã Lương Quán, tổng Quỳnh Hoàng, huyện An Dương khai báo về trên năm 1938. Bản thần tích có ghi: đình Trung giáp và đình Nguyên giáp của làng Lương Quán thờ vị thần tên tục là Vũ Cống Lang (còn gọi Vũ Mãn Lang) tên thường gọi là Đức thánh thôn Mỹ Tranh. Thân thế, sự nghiệp Ngài Cống Lang được tóm lược như sau:

Mãn Lang mới sinh ra đã khác thường, một người con gái đẹp làm cho “Ngư trầm, nhạn lạc”, “Bế nguyệt, tu hoa” (đẹp đến mức làm cho cá lặn, chim nhạn rơi; trăng ẩn, hoa phải xấu hổ). Mãn Lang lớn lên, thường ở nhà để luyện tập binh thư, nghiên cứu binh pháp. Với tư chất thông minh, nên không cần người giúp nhiều, nhưng thập bát văn, võ, nghệ đao, thương, cung, nỏ, môn nào Mãn Lang cũng điêu luyện. Đến năm 12 tuổi, Cống Lang thấy Thái thú Tô Định người Bắc quốc trị nhậm tàn ác, bạo ngược, nên bà mang người thân thuộc đi theo giúp Hai Bà Trưng để diệt quân xâm lược. Bà Mãn Lang trở thành nữ tướng dưới cờ Hai Bà Trưng và đã lập nhiều chiến công, giành độc lập cho đất nước. Đến năm Mãn Lang 15 tuổi, tướng nhà Đông Hán là Mã Viện lại mang quân xâm lược nước ta. Mãn Lang làm tướng cầm quân tổ chức chiến đấu với quân Mã Viện, các trận đánh giặc do bà chỉ huy đều giành được thắng lợi to lớn. Trong trận công phá của giặc vào thành Mê Linh, Trưng Vương đánh giặc ở cửa Tây, Mãn Lang đánh giặc ở cửa Đông. Quân ta ở cửa Tây bị giặc công phá, Hai Bà Trưng thế cùng đã tuẫn tiết trên dòng sông Hát Giang. Mãn Lang tướng, binh còn ít, thế cô, chúa lại bị mất, bà mang quân lui về giữ phủ Hiệp Sơn. Mã Viện tiếp tục đem quân truy kích Ngài, Mãn Lang lại đem quân về giữ ở Ninh Sơn. Sau đó Ninh Sơn lại bị giặc chiếm, Mãn Lang di chuyển về động Hổ Hồ. Năm ấy Mãn Lang 16 tuổi, bà bị người nhà bếp làm phản, dùng thuốc độc ám hại. Duyên ở trần gian đã hết, bà mất vào ngày 5 tháng 12. Sau khi Mãn Lang mất, cả gia đình họ Vũ đều tuẫn tiết theo. Mãn Lang mất và đã hiển thánh. Vào triều Trần thế kỷ XIII, XIV, đánh giặc Nguyên Mông và giặc Chiêm Thành, bà đã âm phù đánh thắng giặc, nên được vua ban tặng sắc phong: “Mãn Lang, Đôn ngưng Công chúa”. Nhà vua sai quan Bộ Lễ ghi chép sự tích, phong thần, đưa vào điển lễ quốc gia để thờ tự dài lâu. Quan Bộ Lễ về đến phủ Kinh Môn, lệnh cho phụ lão làng Mỹ Tranh lên lĩnh tiền về xây miếu và rước sắc phong về phụng thờ. 

Đình Mỹ Tranh hiện nay là công trình làm bằng vật liệu mới, bê tông cốt sắt, ngôi đình nhìn về phía Tây, hướng ra Quốc lộ 5, hướng hòa hợp trong âm dương ngũ hành. Từ hành lang của Quốc lộ 5 đi vào đình qua nghinh môn. Nghinh môn đình làm thành ba cửa, cửa chính rộng lớn xây kiểu cột đồng trụ, hai bên tả môn, hữu môn xây cửa đi nhỏ có mái che, kiểu chồng diêm nóc các. Qua cổng vào sân đình, sân đình có kích thước vừa phải, được lát loại gạch đá phẳng đều. Trước cửa đình, nằm trên trục thần đạo, đặt bộ nghi sự bằng đá được tạo tác khá đẹp, gồm: lư hương, nhang án và hai cây đèn, tạo nên sự uy nghiêm khi vào nơi thánh ngự.

Đình Mỹ Tranh có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm tòa tiền tế 5 gian, mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Trên mái đình trang trí đắp, vẽ các đồ án truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, khúc nguỷnh đắp con sô, góc đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa. Tòa tiền tế cấu tạo ba gian cửa chính bằng gỗ, cửa đóng theo thức cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh. Tường bao che phía trước hai gian hồi tiền tế, trổ cửa sổ tròn, trong đặt tấm đan thoáng hình chữ thọ cách điệu, để lấy ánh sáng trong nội thất đình. Toàn bộ nền đình được lát bằng gạch đỏ có kích thước to, đều và phẳng. Bộ khung chịu lực của tòa tiền tế gồm bốn bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột, có cột hiên, nhưng hàng cột quân hậu được thay thế bằng tường bao che hậu của tòa nhà. Các bộ vì kết cấu tương tự nhau, vì nóc thuận chồng hai con, vì nách thuận chồng ba con, hiên cấu tạo kẻ liền bẩy. Trên các con thuận, kẻ hiên, bẩy được đắp đề tài lá lật, đấu kê thuận vuông thót đáy, trên đấu đắp hoa sen cách điệu. Các đầu dư đắp đầu rồng, nhưng hình thức thể hiện đơn giản mang tính tượng trưng. 

Tòa hậu cung cũng là cung cấm, cấu trúc bộ vì tương tự như tòa tiền tế. Hậu cung ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống cửa để tạo sự thâm nghiêm và nguồn thiêng ở nơi thánh ngự.

Đình Mỹ Tranh trải qua thăng trầm của lịch sử, đã bị hủy hoại, vì vậy đồ thờ tự, tế khí cũng bị mất mát theo. Hiện tại đình còn bảo tồn được một bộ kiệu hoa có niên đại tạo tác đầu thế kỷ XX. 

Bộ kiệu hoa chế tác bằng gỗ vàng tâm có kích thước nhỏ, trên có ngọc lộ, nên thuận tiện cho các cuộc lễ rước thánh. Ngọc lộ và thanh kiệu kết nối với nhau qua hệ thống mộng, nên có thể tháo lắp khi cần thiết. Cấu tạo bộ kiệu gồm hai thanh rồng được chạm khắc rõ nét phần đầu rồng và đuôi rồng, phần giữa thanh rồng để trơn. Phía trên hai thanh rồng đặt ngọc lộ, ngọc lộ cấu tạo gồm: đế, thân và mái. Đế ngọc lộ cấu tạo kiểu sập thờ, kích thước gần như vuông, bốn mặt chân đều tạo dạ cá, trên dạ cá chạm nổi hổ phù, chân đế kiểu chân quỳ, trên chân chạm thao thiết. Thân ngọc lộ tiết diện vuông, cấu tạo như thân của long đình, ba mặt tạo hai lớp cửa, cửa trang trí chạm khắc theo kiểu cửa võng, với các đề tài lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh, tứ quý, hoa lá thiêng. Mái ngọc lộ cấu tạo kiểu mái long đình, chồng diêm nóc các, hai tầng tám mái. Mái khum hình vòm, có đao mái. Các bờ chảy của mái chạm nổi hình rồng uốn khúc, đầu vươn lên ra ngoài góc mái. Cổ diêm giữa hai tầng mái, chạm thủng hoa văn. Mái trên của ngọc lộ, góc mái chạm hình vân tản, vân tụ. Đỉnh ngọc lộ chạm hình tượng nụ hoa đang chuẩn bị nở. Bộ kiệu, ngọc lộ được sơn son, thếp bạc, phủ hoàn kim. 

Ngày nay địa phương đang từng bước gặn đục khơi trong, kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong hoạt động hội lễ của tiền nhân để lại. Đình Mỹ Tranh - một công trình tâm linh, tín ngưỡng, nơi bảo tồn những giá trị truyền thống của làng Mỹ Tranh xưa. Công trình thờ vị Thành hoàng Vũ Cống Lang, một thiếu nữ chỉ mới bước vào độ tuổi thanh niên, nhưng đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Vũ Cống Lang đã trở thành vị chiến tướng anh dũng, xông pha nơi chiến trường diệt giặc xâm lược Đông Hán. Vũ Cống Lang góp thêm một hình tượng anh hùng, hào kiệt trong giới nữ nhi hiếm quý của huyện An Dương, cũng như của thành phố Hải Phòng trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống kẻ thù xâm lược ngay từ giai đoạn đầu giữ nước. 

Đình Mỹ Tranh góp thêm một địa điểm du lịch hấp dẫn và còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, trong tuyến du lịch lịch sử văn hóa tâm linh bi tráng, nhưng rất oai hùng của xã Nam Sơn và của huyện An Dương.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke