ĐÌNH MINH KHA, THÔN MINH KHA, XÃ ĐỒNG THÁI, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình Minh Kha tọa lạc tại thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Đình Minh Kha có lịch sử hình thành từ lâu đời và được các thế hệ người dân trùng tu, tôn tạo để trở thành trung tâm tín ngưỡng quan trọng của địa phương như hiện nay. Đình tôn thờ 3 vị thành hoàng:


Đình  Minh  Kha  tọa  lạc  tại  thôn  Minh  Kha,  xã  Đồng  Thái,  huyện  An Dương, thành phố Hải Phòng.

Đình Minh Kha có lịch sử hình thành từ lâu đời và được các thế hệ người dân trùng tu, tôn tạo để trở thành trung tâm tín ngưỡng quan trọng của địa phương như hiện nay. Đình tôn thờ 3 vị thành hoàng:

Vị thứ nhất là Hoàng Đăng Bảo. Ông sinh ngày 24 tháng 01 năm Bính Ngọ, hoá ngày mùng 6 tháng 10 năm Bính Tuất. Theo thần tích, ông là quan Hữu Đô Đài lĩnh tướng quân ấn, cùng với con của Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông, sau có giúp tiền của, xin với nhà vua miễn nửa mức thuế cho người dân Minh Kha.

Vị thứ hai là Nam Hải Thượng đẳng thần (Ngài Phạm Tử Nghi).

Vị thứ ba là Đỗ Bảo Chân (1456 - ?). Ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời Lê Thánh Tông, lúc đó ông 38 tuổi. Tục truyền, ông có khu đất bên sông Chợ Rế. Trước năm 1945, khu đất này làm huyện lị, trạm và chợ (An Dương).

Đình Minh Kha có bố cục mặt bằng kiểu “Tiền nhất hậu đinh” truyền thống, gồm: 5 gian tiền tế, 3 gian trung đường và một gian hậu cung. Mặt chính ngôi đình quay hướng Tây Nam, phía trước có hồ nước ngọt tạo nguồn sinh khí tốt lành cho ngôi đình cũng như cộng đồng làng xã địa phương.

Toà tiền đường được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, trụ biểu, mái lợp ngói cổ. Kết cấu khung chịu lực gồm có hai bộ vì, vì nóc liên kết kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách “chồng rường trụ trốn”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc được đắp các đề tài lá lật, đấu sen tiêu biểu như bao ngôi đình làng truyền thống Việt khác.

Toà đại bái và hậu cung được xây mới đơn giản theo kiểu tường hồi bít đốc trực tiếp vào hệ tường bao.

Trải thời gian lịch sử, đình Minh Kha còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật tiêu biểu như:

- Một khám thờ có niên đại thời Nguyễn.

- Một kiệu long đình niên đại thời Nguyễn.

- Sáu đạo sắc phong.

- Văn bia “Hậu thần bi ký”: Bia được tạo tác vào niên hiệu Bảo Đại thứ 1 (1926).

Hằng năm, đình Minh Kha tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ ngày sinh của vị Thành hoàng Hoàng Đăng Bảo, danh tướng triều Trần. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Chọi gà, thi đấu vật. Đặc biệt là trò đấu vật, đã thể hiện được tinh thần thượng võ của vị phúc thần mà địa phương tôn thờ.

Trải thời gian từ khi xây dựng đến nay, đình Minh Kha luôn mang trong nó giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hoá, tâm linh, tín ngưỡng. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngôi đình Minh Kha đã trở thành kho hậu cần đạn dược, thuốc men phục vụ bộ đội chiến đấu. Khu vực ngoại thất đình là điểm trận địa lợi hại của Đoàn tên lửa phòng không, Đoàn 363, 285 bắn rơi 29 máy bay Mỹ các loại. Trận địa tên lửa Minh Kha được nguyên Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài lựa chọn, bố trí đã trở thành đỉnh cao của tinh thần chiến đấu anh dũng đạt hiệu suất cao, bảo vệ thành phố Cảng thân yêu của cán bộ chiến sĩ phòng không và nhân dân địa phương. 

Với những giá trị lịch sử, văn hóa nhiều mặt, đình Minh Kha đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo Quyết định số 207/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2004.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke