Đình-Miếu Kinh Triều, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Cụm di tích đình – miếu Kinh Triều, trước năm 1945 thuộc xã Kinh Triều, tổng Kinh Triều, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Tên gọi Kinh Triều muộn nhất có từ thế kỷ thứ XIV. Sau Cách mạng Tháng Tám, các xã thuộc tổng Kinh Triều xưa được nhập lại thành lập xã Ngũ Lão. Ngày 23/3/1957, xã Thủy Triều được thành lập gồm 2 thôn Kinh Triều và Tuy Lạc tách ra từ xã Ngũ Lão.


 

CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP THÀNH PHỐ ĐÌNH- MIẾU KINH TRIỀU, XÃ THỦY TRIỀU, HUYỆN THỦY NGUYÊN

          Cụm di tích đình – miếu Kinh Triều, trước năm 1945 thuộc xã Kinh Triều, tổng Kinh Triều, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Tên gọi Kinh Triều muộn nhất có từ thế kỷ thứ XIV. Sau Cách mạng Tháng Tám, các xã thuộc tổng Kinh Triều xưa được nhập lại thành lập xã Ngũ Lão. Ngày 23/3/1957, xã Thủy Triều được thành lập gồm 2 thôn Kinh Triều và Tuy Lạc tách ra từ xã Ngũ Lão.

          Theo truyền ngôn nhân dân địa phương, đình Kinh Triều được xây dựng từ rất lâu đời tại khu vực bãi ngoài Đống Đình. Trong cuộc chiến tranh xâm lược, Thực dân Pháp đã đốt phá đình nên đình được Nhân dân chuyển về khu vực Ngõ Làng (thôn Đông ngày nay). Năm 1901, đình được Nhân dân xây dựng lại bề thế với bình đồ kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian Tiền Đường và 3 gian Hậu Cung, đình Kinh Triều còn có tên dân gian là Đình Don, vì ngày xưa Nhân dân đào Don, bắt Hà về làm tại khu vực sân đình.

Trong Cách mạng Tháng 8, đình Kinh Triều là nơi chính quyền Việt Minh phá kho thóc của Phát xít Nhật và tay sai để chia cho dân nghèo. Trong thời kỳ chống Mỹ, đình là nơi sơ tán của Cục Vật tư và được sử dụng làm trường học. Năm 1964, đình được phá dỡ để xây dựng 04 nhà kho phục vụ cho sản xuất. Năm 1991, đình Kinh Triều được Nhân dân phục hồi lại gồm 5 gian nhà lợp ngói Tây. Ngày 11/8/2011, đình được xây dựng lại bề thế, khang trang theo lối kiến trúc xưa gồm 5 gian, 2 dĩ Tiền Đường, 3 gian Hậu Cung với số tiền trên 3 tỷ đồng. Hệ thống cột, vì kèo di tích được làm bằng chất liệu bê tông giả vân gỗ, hệ thống dui, mè được làm bằng gỗ lim, mái được lợp ngói mũi hài theo kiểu chéo đao tầu góc, Nhà Tiền Tế làm theo kiểu hai tầng tám mái; trên mái được đắp lưỡng long triều nguyệt, hai đầu kìm tạo hình đầu con Bệ Ngạn ngậm lấy dải nóc. Hệ thống cửa bằng gỗ làm theo kiểu thượng song hạ bản. Phía trước di tích là khoảng sân rộng được lát gạch đỏ là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội. Trước sân là bức Bình Phong ngăn và làm tiêu tan gió chướng và ngôi giếng cổ là điểm tụ thủy của di tích. Bên phải di tích là hệ thống nhà bia là nơi ghi danh những người có công đức trong xây dựng đình.

Đình - miếu Kinh Triều là nơi thôn thờ Ngài Cao sơn Đại Vương Thượng Đẳng thần, tương truyền ngài có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh giặc Thục. Trước năm 1938, làng Kinh Triều còn giữ được 05 sắc phong cho ngài Cao Sơn Đại Vương thuộc các đời Tự Đức 6 (1853), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1925). Trước khi, tại làng Kinh Triều còn có văn chỉ của tổng Kinh Triều những đã bị hủy hoại, nay chỉ còn 01 tấm bia đá có niên đại Tự Đức thứ 25 (Ngày 22/02/1872) với nội dung là “Truy tự bi ký” nghĩa là ghi lại việc thờ tự trên bia. Bia ghi danh sách các chức sắc trong tổng Kinh Triều xưa như Chánh Tổng, Cai đội, phó tổng, hương trưởng (tiên chỉ), lý trưởng, phó lý, Kỳ Lão tại các xã Khuông Lư, Tuy Lạc, Trung Sơn, Chung Mỹ, Kinh Triều, My Sơn... 

Miếu Kinh Triều hay còn gọi là Miếu Vườn Cũ là nơi thờ thần tượng của thành hoàng, trong dịp lễ hội thần tượng được rước về đình thờ cùng bài vị của Ngài, sau lễ hội Nhân dân lại rước thành hoàng về ngự trong miếu. Theo truyền ngôn, trước đây miếu được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo với nhiều cấu kiện bằng chất liệu đá. Trong kháng chiến, miếu bị thực dân Pháp phá hủy, chúng đã đưa bia đá về xây dựng bốt Chợ Chùa, còn lại vất xuống ao phía trước miếu. Đến nay miếu còn lưu giữ được nhiều di vật như các cây cột đá, bia đá bị vỡ; bát hương đá có các mảng trạm khắc tinh xảo, dưới khắc chữ Hán có nội dung  nghĩa là “Kinh Triều xã”. Năm 2006, miếu được xây dựng lại theo bình đồ chữ Đinh gồm 3 gian Đại Bái và 01 gian hậu cung theo kiểu vì kèo quá giang, mái được lợp ngói Tây.

Theo Hương ước Làng Kinh Triều năm 1933, tại định- miếu Kinh Triều có các lệ: Ngày 01 tháng giêng lệ Nguyên Đán; ngày 06 tháng giêng là ngày tế nhị vị (Đức vua đương niên và Đức vua đương cảnh) tôn thần cầu an cho dân; ngày rằm tháng 3 có lệ Tế Thần tại đình; ngày rằm tháng 7 là lệ Thượng Điền, tế nhị vị, tế đức thần nông (tế đức đương cảnh) hay cũng có khi dân cày cấy lúa song thì tế; rằm tháng tám là tệ Thường Tân tế nhị vị, tế đức thần nông, tế đức đương cảnh; ngày 01 tháng chạp, lệ Hội Kiến ở đình, rước bình hương từ miếu về đình; ngày 5 tháng 12 lệ Tế Chay; ngày mùng 06 tháng 12 là ngày Tế Tạ nghinh bình hương về miếu.

Lễ phẩm thường có gà đực sống, thịt lợn nửa mỡ, nửa lạc, xôi gạo nếp, chuối lùn, rượu thửa, giầu cau, vàng mã, hương nến, vàng mã... Đối với lệ rằm tháng 8 phải có thêm thêm 02 con cá, 12 quả hồng, canh thịt chim ngói, cơm gạo mới đủ lễ cho được thành kính. Tế Chay thì có thêm bánh lòng. Tế Tạ thì Tế Đám gồm 8 người chung nhau một con lợn tế để cân cho đủ cân của làng, làm 120 phẩm oản bằng gạo nếp cái, 20 quả cam, 25 quả chuối tốt, rượu thuế chung nhau 3 can, vàng mã hương nến, giầu cau đủ lễ cho rất thành kính để tế. Tế rồi lợn, oản, chuối, cam kính biếu và chia cho trên dưới. Lợn giết rồi cắt để ra 1 cái thủ lợn, 1 cái năm lợn, 1 cái lây, 4 cái dò, 2 miếng tả hữu; thịt lòng cắt chén tế, 12 đĩa lòng, 12 đĩa thịt, còn lòng xương làm cỗ, nấu xương lòng còn nhiều cũng phải làm theo thịt chia phần trên dưới cho đủ. Sau khi tế xong thì xôi thịt, chuối kính bậc hơn và Chánh Phó Hội, Lý Trưởng đương chức, còn kính bằng chuối thôi còn bao nhiêu thịt, xôi, rượu làm cỗ Kiến Diện ăn ở miếu, nghĩa là ai ở đấy ăn uống không được chia phần phần gì cả.

  Ngày nay, Lễ hội đình- miếu diễn ra từ ngày 04 đến 05/12 âm lịch hàng năm. Ngày 30/11, dân làng rước thần từ Miếu về đình (nay tượng đã được thờ an vị tại đình Kinh Triều). Ngày 04/12, tổ chức các hoạt động tế lễ, bà con Nhân dân vào dâng hương đức thành hoàng. Làng có giao hiếu với các làng xung quanh lên trong lễ hội có mời các đoàn tế các xã xung quanh. Phần hội có các trò chơi như: vật, bị mắt bắt dê (trước còn có các trò chơi đu, thi bánh dày)…; tối có chương trình văn nghệ.

          Với những giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích đình – miếu Kinh Triều, ngày 16/3/2016, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 422/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố cho cụm di tích.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke