ĐÌNH LÀNG VĂN HÓA HẠ CÔI, XÃ KỲ SƠN, HUYỆN THỦY NGUYÊN

01 03 2023

in trang

Di tích lịch sử Đình làng văn hóa Hạ Côi thuộc xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố năm 2009. Đây là một công trình văn hóa có giá trị lịch sử mang tính nhân văn cao cả của nhân dân địa phương.

Đình được các Triều đại gia tặng sắc phong thờ hai vị Thành hoàng, vị thứ nhất là Cao Sơn, một nhân vật huyền thoại đã cùng Qúy Minh và Tản Viên Sơn Thánh giúp Hùng Duệ Vương thứ 18 đánh thắng quân Thục. Cao Sơn còn gắn với địa phương bằng tên Thụy Viết Hồng. Theo truyền thuyết, Ông Hồng là người có công đánh đuổi thú dữ giúp dân làng khai sơn lập địa, phát triển làng xóm xây dựng quê hương.

Vị thứ hai là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1223 - 1300), ông là một thiên tài quân sự, nhà chính trị kiệt xuất của đất nước Việt Nam, một vị anh hùng dân tộc đã có công lớn trong kháng chiến chống quân Mông Nguyên ở thế kỷ thứ 13, ông còn là tác giả của bài Hịch tướng sĩ, binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí huyền thư. Trong thời kỳ kháng chiến, lúc luyện quân chuẩn bị cho trận đánh, ông đã từng đóng bản doanh trên đất Hải Phòng, trong đó có khu núi Vũ thuộc địa danh của làng Hạ Côi.

Đình làng còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, các sự kiện lịch sử của làng, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng biết bao phong sương, vũ lộ, Đình đã qua nhiều lần trùng tu nhưng đến nay Đình làng vẫn giữ được nguyên trạng kiến trúc của ngôi Đình cổ.

Hàng năm, lễ hội được tổ chức 3 ngày từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 3 âm lịch. Ngày nay, lễ hội tổ chức 2 ngày từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 3 âm lịch. Ngày 7/3 lễ chuẩn bị nhập tịch, mở cửa đình. Ngày mùng 8/3 nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hội truyền thống theo phong tục tập quán của nhân dân địa phương rước hai vị thần từ miếu Bến Tắt và miếu chùa Hẫm về đình tiến hành lễ hội chính thức. Chiều ngày 9/3 lễ tạ, dã hội. Lễ vật cúng Thành Hoàng làng: một thủ lợn luộc, một mâm ngũ quả, bánh kẹo mâm sôi, gà luộc, vàng hương… Các trò chơi trong lễ hội: đốt cây bông, múa sư tử, cờ người, chọi gà, đấu vật, hát ca trù, chiếu chèo, đu quay, giao lưu văn nghệ… Đây là một hoạt động mang tính truyền thống có ý nghĩa, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân trong làng, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ quê hương đất nước.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, qua bao cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từ những lúc đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, cho tới khi xã hội được phồn vinh, hình ảnh cây đa, giếng nước sân Đình đã gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của biết bao thế hệ đất và người Làng Hạ Côi. Hiện vật giá trị còn lưu giữ: Lư hương đá, bia đá ghi công đức xây dựng Đình cách đây 160 năm.

Đình làng không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà còn là một không gian văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, một nét đặc trưng có ý nghĩa nhân văn cao cả của mỗi làng quê nói riêng và con người Hạ Côi - Kỳ Sơn nói riêng.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke