ĐÌNH LÀNG LIỄU ĐIỆN, XÃ CAO MINH, HUYỆN VĨNH BẢO
06
03
2025

Đình Liễu Điện cũng như bao ngôi đình làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Đình Liễu Điện được mang chính tên của cộng đồng làng đã chung sức xây dựng lên, đó là Đình Liễu Điện thuộc xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Đình Liễu Điện cũng như bao ngôi đình làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Đình Liễu Điện được mang chính tên của cộng đồng làng đã chung sức xây dựng lên, đó là Đình Liễu Điện thuộc xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Từ trung tâm thành phố đi về phía nam theo các ngả đường khác nhau bằng các phương tiện thô sơ hoặc cơ giới, du khách về thị trấn Vĩnh Bảo, theo quốc lộ 10 qua cầu Nhân Mục đi về tỉnh lộ 17A; đi tiếp về phía đông nam của huyện Vĩnh Bảo khoảng 6km hỏi về xã Cao Minh, từ xã Cao Minh hỏi thăm về đình Liễu Điện, qúy khách sẽ được người dân địa phương tận tình chỉ dẫn về nơi di tích.
Hình ảnh Ngôi Đình Làng Liễu Điện
Trước đây Liễu Điện là một xã gồm 2 thôn, thôn Tây và thôn Đông thuộc tổng Đông Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương (Tổng Đông Am gồm có 7 xã: Đông Am, Hội Am, Tây Am, Vạn Tuyền, Đông Lại, Cổ Am, Liễu Điện). Sau Cách mạng tháng 08 năm 1945 Tây Am, Liễu Điện, Đông Lại sát hợp lại thành xã Thanh Am, làng Vạn Hoạch sát nhập với Hội Am thành xã Vạn Hội. Đến tháng 02 năm 1948 xã Thanh Am sát nhập với xã Vạn Hội thành xã Cao Minh, thuộc huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương. Năm 1952 do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Vĩnh Bảo sáp nhập vào tỉnh Kiến An. Đến tháng 10 năm 1962 Kiến An sát nhập với Hải Phòng lấy tên là thành phố Hải Phòng; thành phố Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương.
Làng Liễu Điện có thể hình thành từ thời Đinh Tiên Hoàng. Từ thủa ban đầu đến dựng ấp lập nghiệp cho đến cách mạng tháng 08 năm 1945 làng Liễu Điện có 24 dòng họ như họ Phạm có 4 họ Phạm là: Phạm Thế, Phạm Hữu, Phạm Văn, Phạm Hiếu. Họ Vũ có: Vũ Bá, Vũ Duy... Dân định lớn trong làng chủ yếu là 2 dòng họ Phạm và Trần. Trước cách mạng, thời phong kiến làng Liễu Điện có 2 đình (Đình Tây và đình Đông), một miếu và một chùa; chùa có tên chữ là “Linh ứng tự”. Liễu Điện hiện nay là một trong 03 làng của xã Cao Minh. Xã Cao Minh thời phong kiến có 4 người đỗ tiến sỹ; Phạm Đức Khản làng Hội Am đỗ tiến sỹ khoá Mậu Thìn 1448 đời vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Duy Tiếu thôn Đông Lại đỗ tiến sỹ khoa Ất Mùi 1475 đời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Cối làng Hội Am đỗ tiến sỹ khoa thi năm Mậu Tuất 1478 đời vua Lê Thánh Tông, Đào Công Chính làng Hội Am đỗ bảng nhãn khoa thi Tân Sửu 1661 đời vua Lê Thần Tông. Nhân vật lịch sử được thờ tại Đình Liễu Điện theo cuốn Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng và tư liệu thần tích, thần sắc làng Liễu Điện, tổng Đông Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương được các vị chức dịch làng ghi chép lại năm 1938 hiện được lưu trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đình làng Liễu Điện thờ 3 vị Thành hoàng: Bạt Hải Chàng Rồng; Bạt Hải Chàng Lang và Mãnh Tướng Ba Toà. Các vị đều là thiên thần, ngày sinh, ngày hoá không rõ. Theo truyền khẩu để lại các vị thần giúp vua Đinh Tiên Hoàng. Trong tư liệu ghi chép năm 1938, địa phương có ghi sắc phong sao chép sau này có sắc niên hiệu vua Cảnh Hưng, năm thứ 44 tức năm 1783 gia tặng cho ngài Bạt Hải Chàng Rồng là “Thần mô, diệu toán, hoằng hựu Đại vương”; gia tặng cho ngài Bạt Hải Chàng Lang là “Diên phúc tư lộc hồng hy Đại vương”; gia tặng cho ngài Mãnh Tướng Ba Toa là "Trung chính, Tuý tình Thuần hỗ Đại vương”. Đến năm Thành Thái nguyên niên (1889); Vua Duy Tân năm thứ 3 (1909); Khải Định năm thứ 9 (1924). Tổng cộng lại sắc phong đời vua Lê Cảnh Hưng 1783 một đạo; 8 sắc phong của 3 vua triều Nguyễn là Thành Thái 2 đạo sắc; Duy Tân 3 đạo sắc, Khải Định 3 đạo sắc.
Thời gian đã quá xa, tư liệu ghi chép của địa phương về thần tích, thần sắc của các vị Thành hoàng làng Liễu Điện chỉ còn lại như trên. Từ xa xưa làng Liễu Điện phải kiêng tên huý của ba vị Thành hoàng là Rồng, Lang, Tướng. Tại đình nhân dân địa phương thờ Thành hoàng bằng long ngai, bài vị và mũ đồng. Hàng năm vào các dịp tháng 1 là ngày chính lễ; Tháng 2 là lễ xuân tịch; Tháng tư lễ nhập Hạ và kỳ An; Tháng 5 lễ Đoan dương, hạ điền; Tháng 6 lễ thượng điển; Tháng 8 lễ Xuân Thu; Tháng 12 lễ tất niên.
Hình ảnh Ban thờ Thành Hoàng Làng Đình Làng Liễu Điện
Đình Liễu Điện theo truyền ngôn được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17, 18, những di vật, dấu tích còn để lại chứng minh cho thời gian khởi dựng xa xưa của ngôi đình là những viên gạch về thời Lê Trung Hưng hiện đang xây ở móng đình Liễu Điện. Đình Liễu Điện trước kia là công trình gỗ cổ truyền, làm bằng vật liệu truyền thống, có mặt bằng chữ đinh gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, trong đó có 1 gian cung cấm. Ngoài ngôi đại đình còn có nghinh môn, 2 giải vũ, hồ bán nguyệt, nước hồ thông với mương lớn chảy ra sông Hoá. Năm 1958 đình Liễu Điện bị tháo dỡ để lấy vật liệu mang về xây dựng huyện ủy huyện Vĩnh Bảo.
Đình Liễu Điện hiện nay mới được phục dựng lại năm 2005 trên nền đất và móng cũ của ngôi đình xưa. Đình nhìn về hướng Đông Nam theo hướng của ngôi đình cổ xưa. Trước đình là hồ nước lớn thông với mương lớn chảy ra sông Hoá. Đình có cấu trúc mặt bằng chữ đinh gồm 5 gian tiên tế và 3 gian hậu cung, tiền tế làm theo kiểu thức chéo đao tàu góc. Hệ thống khung chịu lực của ngôi đình bằng bê tông cốt sắt, mái đình lợp ngói mũi truyền thống. Toà tiền bái có bộ khung kết cấu gồm sáu bộ vì, vì kiểu bốn hàng chân cột, cấu trúc vì cấu tạo theo thức thuận chồng 5 con. Các chân cột được tạo dáng kê trên chân tảng giả đá xanh. Chân tảng tạo dáng giật 2 cấp, cấp dưới vuông biểu tượng cho đất, cấp trên tròn biểu tượng cho trời. Trên các cấu kiện như xà, thuận, đầu dư được đắp trang trí theo các thức truyền thống lá lật, long, vân. Các con thuận được kê trên nhau qua các đấu vuông thót đáy, đấu trang trí hình hoa sen cách điệu. Ba gian cung, trong đó có một gian cung cấm, gồm 2 bộ vì nhỏ, cấu trúc vì đơn giản kiểu vì kèo. Toàn bộ nhà hậu cung xây tách rời với nhà tiền bái. Mái đình lợp ngói mũi, trên hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc đuôi cuộn tròn biểu tượng vân cụm ước vọng mong mưa thuận gió hoà của cư dân nông nghiệp. Các đầu đao đắp hồi long, đầu rồng ở đỉnh đao nhìn ngoảng lại thân bò 5 khúc trên bờ guột. Trên khúc nguỷnh đắp con sô đang tư thế nhìn chạy sang với nhau, điểm xuyết dưới thân rồng, chân sô là các áng vân tản, thể hiện sự hội tụ của vật linh vũ trụ với thế giới trên cao. Trên mặt tường xây góc trước đình đắp phù điêu tứ linh, hai trụ biểu được xây dời đứng trước hai bên đình.
Trụ biểu thể hiện cho biểu tượng trời, đất. Trụ biểu tạo dáng đế quả bồng, thân đắp khung câu đối bên trong khung đắp câu đối chữ Hán, đầu trụ đắp đèn lồng, mái đèn lồng tạo dáng đao cong hình lá lật hoà nhập cùng với mái của ngôi đình lớn. Bậc tam cấp bước lên hiên đình Liễu Điện còn một số bậc đá tảng có kích thước lớn, dấu tích vật chất của đình cổ xưa để lại. Đình Liễu Điện tuy mới được phục dựng lại tuy có đôi chút cải biến, song nhìn tổng thể, bằng kỹ thuật và bàn tay khéo léo của những người thợ thi công nên ngôi đình đã thể hiện được một công trình kiến trúc cổ truyền mang đậm những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đình Liễu Điện đã bị dỡ bỏ. Các đồ thờ tự tế khí của đình mang gửi tại chùa, sau khi đình phục dựng lại, các đồ thờ tự được bài trí trả lại cho ngôi đình rất uy nghi, trang trọng như ngày nay. Một số di vật có giá trị đang được lưu giữ tại đình Liễu Điện: Bức cuốn thư làm bằng gỗ, treo trước hậu cung, riềm xung quanh cuốn thư chạm thủng kết hợp với chạm bong kênh, chạm nổi, phần phía trên có đề tài lưỡng long chầu nguyệt, hai bên chạm đề tài lão cúc, phía dưới cuốn thư chạm đề tài hổ phù hàm thọ. Trong cuốn thư chạm nổi ba chữ hán lớn “Đức chính trung" tạm dịch là đức của Thánh rất quang minh chính đại và công bằng với nhân dân. Bức cuốn thư được sơn son thiếp bạc phủ hoàn kim có niên đại tạo tác đầu thế kỷ 20. Hai bức cuốn thư tả, hữu treo ở hai gian bên nhà tiên bái. Hai bức cuốn thư có kích thước, kiểu dáng chạm khắc trang trí tương tự nhau. Diễm xung quanh cuốn thư chạm thủng kết hợp với chạm bong kênh với các đề tài tứ qúy, hổ phù. Nền cuốn thư chạm nền gấm. Chữ Hán trên cuôn thư giát khảm trai, cuốn thư bên tả 3 chữ “Cao thiên phối" nghĩa là công đức của Thành hoàng to lớn được phối thờ cùng với trời đất. Cuốn thư bên hữu 3 chữ “Ân tựa hải” nghĩa là công ơn của Thành hoàng rộng lớn như biển. Hai bức cuốn thư được sơn son thiếp bạc phủ hoàn kim, lạc khoản ghi tạo tác cuốn thư vào năm Nhâm Ngọ, tuy không ghi niên hiệu triều vua, song qua nét tạo tác hoa văn chúng tôi xác định cuốn thư làm năm 1942 (năm Nhâm Ngọ). Câu đối lòng máng làm bằng chất liệu gỗ, diễm hai bên chạm nổi hoa dây, chân chỉ rủ, phía trên chạm dơi, phía dưới chạm lẵng hoa, nến câu đối chạm nền gấm, chữ câu đối sơn then có nội dung: “Linh phù vạn thắng danh lưu sử Vân tập thiên trường phúc tại dân" Câu đối khắc ghi lạc khoản tạo tác mùa đông năm Giáp Tý đời vua Bảo Đại tức năm 1944. Câu đối lòng máng: Chất liệu gỗ tạo kiểu lòng máng, nền câu đối sơn then diễm tạo kiểu kép, trên khung diễm chạm hoa dây đề tài tứ quý, chữ câu đối khảm trai nôi dung hai vế như sau: “Khánh hội Nam minh khai đế thống Tiển linh Đông hải hiển thần uy" Câu đối được sơn son thiếp bạc phủ hoàn kim. Câu đối khắc lạc khoản tạo tác năm Bính Tý, qua các nét hoa văn trên câu đối chúng tôi xác định câu đối được làm năm 1936 (năm Bính Tý). Ngoài những di vật nêu trên đình Liễu Điện hiện còn lưu giữ được một số đồ thờ tự khác như long ngai, khám, mũ đồng, bát biểu... Các đồ thờ tự đều được tạo tác vào đầu thế kỷ 20.
Thời phong kiến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, làng Liễu Điện hàng năm tổ chức nhiều dịp lễ bái, hầu như tất cả các tháng trong năm đều có ngày cúng lễ. Trong các dịp cúng có tế lễ; vào các năm được mùa lễ bái có thêm phần rước thánh và tổ chức các trò chơi thi đấu như cờ người, đấu vật, chọi gà, đánh pháo đất, ca hát... Để dân làng phấn khởi hào hứng tham gia. Lễ hội có năm diễn ra 1 đến 2 ngày; vào ngày mùng 09 và 10 tháng 02 âm lịch. Đến nay nhân dân địa phương đang từng bước khôi phục lại những nét sinh hoạt văn hoá và lễ hội truyền thống xưa để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và cũng là để bảo tồn những giá trị văn hoá của quê hương.
Đình Liễu Điện là một công trình văn hoá tâm linh của cộng đồng làng, ngôi đình tuy mới phục dựng lại song nó nằm trên địa điểm mà chính ngôi đình cổ xưa toạ lạc. Những di vật, cổ vật của ngôi đình còn bảo lưu được có nhiều giá trị trong nghiên cứu lịch sử và cũng là những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật gỗ tiêu biểu của giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đình thờ các vị Thành hoàng có công với đất nước với nhân dân từ thời Đinh Tiên Hoàng.
Đình được tu bổ phục hồi vào mùa thu năm Giáp Thân (2004) đến tháng 12 năm 2005 Làng tổ chức khánh thành mở hội 3 ngày đón rước Thành Hoàng về an toạ tại ngôi đình mới và từ năm đó đến nay cứ 5 năm mở hội một lần; hàng năm tổ chức Lễ Kỳ phúc vào ngày mùng 9,10 tháng 02 âm lịch.
Hình ảnh Cổng Đình Làng Liễu Điện
Đình Làng xưa là nơi hội họp để bàn việc Làng trong thời kỳ kháng chiến có nhiều hội nghị quan trọng của Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc xã để đề ra những chủ trương, đường lối đánh bốt, phá tề giành thắng lợi; chính tại nơi đây tên xã là xã Cao Minh đã được đề xuất và được Hội đồng nhân dân xã lúc bấy giờ họp tại Đình làng Liễu Điện quyết định. Đình làng đã góp một phần không nhỏ vào chiến công chung của quân và dân Cao Minh anh hùng.
Hình ảnh Nhà Giải Vũ tại Đình Làng Liễu Điện
Đình Liễu Điện với những bảo vật vô giá của ông cha để lại và những minh chứng về giá trị lịch sử năm 2011 Đình đã được Viện bảo tàng, Hội lịch sử thành phố thẩm định và Ngày 27 tháng 11 năm 2011; Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số: 164/QĐ-UBND xếp hạng Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp thành phố Đình Làng Liễu Điện chính thức được ghi danh vào cuốn các Thành Hoàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đứng ngang tầm với các Đình Làng khác trong khu vực.
Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố Đình làng Liễu Điện
Mảnh đất Địa Linh Nhân Kiệt với những truyền thống được lưu truyền đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ với người dân Làng Liễu Điện mà còn là niềm vinh dự của quê hương Cao Minh anh hùng chúng ta cần phải cùng nhau bảo tồn và giữ gìn.
Thành đoàn Hải Phòng
