ĐÌNH LÀNG HÒA NGHĨA, PHƯỜNG HÒA NGHĨA, QUẬN DƯƠNG KINH

01 07 2023

in trang

Đình Chùa Hòa Nghĩa còn là nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử, là nơi đón Cố Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm động viên cán bộ, nhân dân địa phương trong phong trào “Sóng Duyên Hải - Gió Đại Phong - Cờ Ba Nhất”. Nơi đây còn là điểm tiễn đưa con em địa phương lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.


Quận Dương Kinh thành lập năm 2007, nằm phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 15 km. Quận có vị trí giao thông thuận lợi, kết cấu hạ tầng được quy hoạch và đầu tư cơ bản, dân cư phân bổ khá tập trung trên nền tảng văn hóa truyền thống.

Trên địa bàn quận có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh không chỉ thu hút du khách với cảnh quan yên tĩnh, thanh bình mà còn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó Đình Làng Hòa Nghĩa là một trong 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố, là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.

 

Toàn cảnh Đình Làng Hòa Nghĩa

Đình làng Hòa Nghĩa địa chỉ tại TDP số 2 - Phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng là một trong những đình thờ Đức Thánh và Bác Hồ, cùng 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sỹ đã anh dũng hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai bán nước. (Liệt sỹ chống Pháp 25 người, liệt sỹ chống Mỹ 56 người).

Theo ghi chép của lịch sử Đảng bộ phường Hòa Nghĩa và những chứng tích còn lại của địa phương cho thấy: Vùng đất được hình thành vào năm 1901, khi đó đê Ngự Hàm (đường 353) từ Hải Phòng đi Đồ Sơn đã hình thành nên từ đây mới có điều kiện khoanh vùng cấy lúa.

Đầu thế kỷ XX nhà nước bảo hộ Pháp đã ủy quyền cho Chánh sứ tỉnh Kiến An cho các hàng Chánh, Lý chiêu dân vùng lân cận khai hoang lấn biển. Theo bia ghi công và cuốn sách cội nguồn của làng Hòa Nghĩa, ban đầu có 06 cụ từ Tổng Đại Trà, Tổng Vọng Hải, Tổng Văn Hòa, Liễu Dinh - Hoa Chử (Nay là xã Đại Đồng, phường Hưng Đạo, xã Hữu Bằng, Liễu Dinh - An Lão) Ban đầu các cụ khai hoang lập ấp tại đây đã tổ chức được 20 suất đinh, mỗi suất đinh trích ra 02 mẫu ruộng gọi là ruộng công điền. Vì đất bãi rộng, cây cối, cỏ dại hoang vu nên cần có thêm nhân lực để khai phá, các cụ đã vận động thêm người ở nơi khác đến đây sinh sống và làm việc. Năm 1911, có 37 suất đinh,  mỗi suất đinh trích để ruộng công điền là 02 mẫu, tổng là 74 mẫu (Bắc bộ).Tổng diện tích đã khai khẩn được 550 mẫu Bắc bộ. Để thuận lợi cho việc quản lý và suất đinh gánh vác việc phu dịch, làng Hòa Nghĩa lúc đó đã chia làm 03 giáp: Giáp Trong, Giáp Giữa, Giáp Ngoài, sau chia thành 04 xóm: Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3, Xóm 4.

- Nhân dân trong làng chủ yếu là phát triển kinh tế nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ngoài ra mở rộng ngành nghề tiểu thủ công, dịch vụ thương mại. Do nhu cầu về văn hóa tâm linh, cuối triều đại Vua Khải Định (năm 1924), làng Hòa Nghĩa (nay là Tổ dân phố Số 1, Số 2) đã xây dựng Đình làng. Đình thờ Thành hoàng làng là Danh tướng Phạm Ngũ Lão và thờ vọng Đức Thánh Trần, phối thờ Công chúa Trần Thị Huệ là vợ của Tướng quân.

Theo phiên âm dịch, chú giải văn bia ở đình và ý kiến của các bậc cao niên trong làng như  cụ Nguyễn Trọng Thúc, Đỗ Văn Nhi đã 99 tuổi, cụ Nguyễn Văn Thụ, Đỗ Văn Thụ 87 tuổi, là những người am hiểu về cội nguồn làng Hòa Nghĩa thì: Gia đình họ Lê làm đình (Hậu tự) và mua sắm đồ thờ tự vào năm 1919. Đình (Hậu tự) hướng Đông, 3 gian hậu cung, 3 gian đại bái. Sau có sự bất hòa giữa chủ điền (bà Lê Thị Tâm) và các tá điển (nhân dân 3 giáp) về việc cúng tế. Đến năm 1924, gia đình họ Lê (bà Lê Thị Tâm) đồng ý với dân làng xây lại đình mới cũng nằm trên đất đình cũ hiện nay. Đình mới hướng Tây Bắc, trước cửa đình trông ra Sông He gồm có 3 gian hậu cung, 3 gian đại bái. Dân làng góp tiển, góp công san lấp đổ nền làm đình, mua sắm đồ thờ, tượng đồng, còn thiếu gia đình bà Lê Thị Tâm công đức.

Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân làng Hòa Nghĩa được giác ngộ, hăng hái tham gia các phong trào, tổ chức yêu nước, có lòng căm thù giặc sâu sắc. Khi thành phố Hải Phòng bị quân Pháp chiếm đóng, tháng 9 năm 1946 bộ đội ta phải rút quân ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Một đại đội đã rút về đóng quân tại đình làng Hòa Nghĩa do ông Hiếu là Đại đội Trưởng, ban ngày nghỉ tại đình, ban đêm đi làm nhiệm vụ.

Đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với khẩu hiệu “Tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống”. Tháng 10 năm 1946, đình chùa làng Hòa Nghĩa được dỡ ra làm chướng ngại vật ở đường 14 cũ (đường 353), làm công sự ở Quán Bộp để ngăn chặn các cuộc hành quân, càn quét của địch, có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Tất cả đồ thờ bằng đồng được chuyển ra chiến khu đúc vũ khí. Tháng 11 năm 1946 dân quân du kích còn đào giao thông hào từ Đình Hòa Nghĩa ra giáp đường 14 cũ để bộ đội và dân quân du kích di chuyển theo giao thông hào và đánh địch từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn và các vùng lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội, du kích giành thắng lợi.

Tuy Đình - Chùa làng Hòa Nghĩa năm 1946 được dỡ ra làm chướng ngại vật nhưng do địa thế kín đáo, hẻo lánh, lau sậy, cây cối  mọc um tùm, bèo tây ở trên sông He mọc kín tầng tầng, lớp lớp không ai giám qua lại, do vậy rất thuận lợi là nơi làm hầm bí mật, tập kết dấu quân, tổ chức đầu mối giao liên. Từ tháng 8 năm 1948 đến năm 1952, Ủy ban kháng chiến tỉnh Kiến An và huyện Kiến Thụy cử cán bộ vào hoạt động trong lòng địch thì khu vườn và nền đình cũ được nhân dân tổ chức đào hầm bí mật để cất giấu cán bộ. Đình làng Hòa Nghĩa còn là nơi tập kết lực lượng du kích kết hợp với bộ đội địa phương để tiêu diệt Đồn Ninh Hải.

Đặc biệt vào năm 1953 - 1954, đội trinh sát quân báo và trinh sát sân bay Cát Bi do ông Mai Năng chỉ huy thì Đình Chùa Hòa Nghĩa và một số gia đình (cụ Sàn, cụ Lũ, cụ Yệt, bà Liên) cũng là nơi có hầm bí mật và là nơi liên lạc để đội hoạt động an toàn, bí mật. Đêm ngày 06 rạng sáng ngày mồng 07/03/1954 đội trinh sát đã tập kích sân bay Cát Bi và phá hủy 59 máy bay các loại, tiêu diệt một số lính Âu Phi, kho tàng vũ khí làm nên chiến thắng Cát Bi rực lửa.

Đình chùa Hòa Nghĩa cũng là một đầu mối giao liên đưa đón cán bộ hoạt động trong lòng địch và vận chuyển Công văn, giấy tờ mật từ cơ sở đầu mối Tràng Cát - Cây Xanh - Đồng Xá An Hải đến Quán He về Đình Chùa Hòa Nghĩa, sang đầu mối xã Hưng Đạo - xã Đồng Hòa, Kiến Thụy - Kiến An được thông suốt bí mật trong cuộc trường kỳ kháng chiến.

Đình Chùa Hòa Nghĩa còn là nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử, là nơi đón Cố Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm động viên cán bộ, nhân dân địa phương trong phong trào “Sóng Duyên Hải - Gió Đại Phong - Cờ Ba Nhất”. Nơi đây còn là điểm tiễn đưa con em địa phương lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Đây là một công trình văn hoá tâm linh, linh thiêng ở đó chứa đựng và lưu giữ cả một quá trình lịch sử và tinh hoa văn hóa của cha, ông chúng ta - những người đã có công xây dựng lên mảnh đất này, căn cứ vào giá trị lịch sử văn hóa và những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến, ngày 10 tháng 11 năm 2017 Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định số 3044/QĐ - UBND xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố Đình làng Hòa Nghĩa.

Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Đình làng Hòa Nghĩa cấp Thành phố

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, lịch sử và bị chiến tranh tàn phá, Đình đã dần xuống cấp và nhiều lần được tu tạo, sửa chữa. Ngày 10 tháng 09 năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự thành tâm công đức đóng góp của các cơ quan đơn vị nhân dân địa phương và khách thập phương ngôi đình đã được khởi công tu bổ và tôn tạo di tích. Công trình được hoàn thành vào ngày 4 tháng 10 năm 2020 với quy mô 200m2, chiều cao tổng thể 7,5m, mái lợp ngói mũi hài, 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung, tổng giá trị 2,5 tỷ đồng.

 

Các chi tiết gỗ của cửa đình được chế tác tinh xảo

Nhà bia tưởng niệm

Hàng năm, Đảng Uỷ - UBND Phường Hòa Nghĩa cùng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ hội Đình làng Hòa Nghĩa nhân kỷ niệm ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20/ 8 âm lịch.

Nơi ghi chép lại toàn bộ lịch sử và công đức xây dựng Đình làng của nhân dân.

Ban thờ chính của Đình làng

Ban thờ Hậu thần và hậu phối

Ban thờ Hậu và Kế Hậu

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke