ĐÌNH LÀNG ĐÔNG CẦU, THỊ TRẤN TIÊN LÃNG, HUYỆN TIÊN LÃNG

05 03 2024

in trang

1. Tên gọi di tích: ĐÌNH LÀNG ĐÔNG CẦU
2. Địa điểm di tích:
Khu 6, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
3. Sơ lược tình hình di tích:
Đình Làng Đông Cầu được phục dựng vào năm 2010, có kiến trúc chữ Công, gồm 5 gian tiền đình, 3 gian trung đình và 2 gian hậu cung.
Diện tích đất theo bản hoạch định: 1.420 m2.
4. Hiện trạng di tích: Đang sử dụng bình thường
5. Nhân vật được thờ:
Thiên Lôi công Tiền linh Ứng diệu Thượng đẳng Tối linh Đại vương.

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ LÀNG ĐÔNG CẦU.

          Làng Đông Cầu thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là một làng quê Việt Nam có bề dầy lịch sử, được hình thành cách đây hàng nghìn năm. Thời cổ gọi là Hoài Vân Trang, đến thời Lê đổi thành Khu Dư Đông Trang Vân Thụy, huyện Bình Hà, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Trước năm 1945 là xã Dư Đông, tổng Phú Kê, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An, từ năm 2013 là phố Đông Cầu, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

          Làng có diện tích đất tự nhiên là 1,5km2, phía Bắc giáp làng La Cầu xã Quyết Tiến, phía Nam giáp hai làng Lêu và làng Lật Dương xã Quang Phục, phía Đông giáp sông Văn Úc, phía Tây giáp làng Triều Đông, thị trấn Tiên Lãng. Theo tài liệu AGG, A7/15 địa bạ xã Dư Đông khi bằng chữ Hán, trong 3 năm Gia Long 4 (1805) đất dùng cho thần từ Tam Bảo của làng là 21 mẫu 12 thước 3 tấc.

          Dân số 1482 người, gồm 271 hộ gia đình, nòng cốt lãnh đạo là chi bộ Đảng có trên 40 đảng viên, ngoài ra còn có các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể (số liệu năm 2013). Làng đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện. Nguồn sống chính là sản xuất nông nghiệp, có một số hộ đã thành lập các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh xây dựng, vật liệu xây dựng, thương mai, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản…

          Trên địa bàn của làng đã có các nhà máy công nghiệp là nhà máy Da dày và đóng tàu cùng khu cụm công nghiệp thị trấn với nhiều doanh nghiệp khác. Hiện nay đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiến tới đô thị hóa, phát triển công nghiệp.

          Là một làng quê có truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Theo bản Thần tích (ký hiệu AE - a12/21) còn lưu trữ tại Viện Hán Nôm cho thấy tháng giêng năm Tân Mão (551) nhà Vua triều Lý Nam Đế hành quân dẹp giặc Ai Lao đã đóng quân tại khu chùa làng một đêm. Được thần Đồng báo mộng phù vua và đã được dân làng giúp đỡ nhà Vua tiếp tục hành quân đánh tan quân giặc. Sau chiến thắng nhà Vua lại trở về làng làm lễ tạ, ban thưởng cho làng 300 quan tiền và miễn trừ binh lương các dịch, mười tám năm mãn lệ sắc phong Thành Hoàng: Thiên Lôi Công Tiền Linh Ứng diệu thượng đẳng tối linh Đại Vương,

chuẩn y cho làng làm chủ chính phụng thờ từ đó.

          Thời kỳ phong kiến do ở gần sông nên dân làng thường xuyên phải đối mặt bọn giặc cướp để phòng thủ, đánh trả khi chúng từ sông Văn Úc tràn vào cướp bóc, quấy nhiễu các làng. Ông Nguyễn Văn Tùng trong khi đánh trả đã bị bọn cướp đánh chết.

          Bến phà Khuể đầu mối giao thông thủy bộ, cửa ngõ của huyện Tiên Lãng, có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng; tháng 8 năm 1940 thủy quân của giặc Nhật đã chọn làm nơi đổ bộ để tiến đánh quân Pháp ở Hải Phòng.

          Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt từ năm 1947 - 1954 thực dân Pháp thường xuyên bắn phá hàng vạn quả đạn các loại. Địch đã bắn vào làng làm nhiều người dân bị chết, phá hủy nhiều nhà dân và toàn bộ đình, chùa, miếu...

          Trong cuộc chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đã ném xuống bến phà Khuể và địa phận của làng hàng trăm quả gồm có thủy lôi, bom phá, bom từ trường và bom nổ chậm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân (một cháu thiếu nhi đã chết vì bom nổ chậm).

          Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân làng Đông Cầu đã trực tiếp tham gia cùng lực lượng vũ trang đánh địch 16 trận ngay trên địa bàn làng, tiêu diệt 87 tên địch, bắt sống 71 tên, thu 88 súng và nhiều quân trang quân dụng của địch.

          Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, làng đã có 585 người trực tiếp tham gia kháng chiến, có 62 liệt sỹ, 29 thương binh bệnh binh, 7 người bị nhiễm chất độc da cam, 1 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng và đang đề nghị Nhà nước phong tặng 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng theo chính sách mới. Các cá nhân được tặng thưởng 575 Huân huy chương các loại. Hiện tại làng đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp. Trong nhiều năm qua làng luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước và của địa phương giao cho, luôn giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, đẩy mạnh thi đua xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế. Bộ mặt làng quê đang ngày càng đổi mới vươn lên rõ rệt.

          II. ĐÌNH LÀNG ĐÔNG CẦU

          Đình làng Đông Cầu có tên gọi là đình Cả.

          Theo truyền ngôn và theo thần tích, thần sắc, đình được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ 17 - 18, có xuất xứ từ một ngôi miếu cổ được xây dựng từ thời tiền Lý nam Đế (544 - 570) theo chuẩn hứa của nhà Vua cho nhân dân 300

quan tiền, miễn trừ binh lương các dịch 18 năm. Chuẩn ban khu Dư Đông Trang Vân Thụy, huyện Bình Hà, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là làng Đông Cầu, thị trấn Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) làm đất hộ nhi, là nơi chính phụng thờ Bản Cảnh Thành Hoàng Thiên Lôi Công đã có công phù Vua dẹp giặc, được sắc phong Thiên Lôi Công tiền linh ứng diệu thượng đẳng tối linh Đại Vương. Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa của làng gồm đình Cả, đình Đông (1904), miếu bến đò, miếu kẻ chợ thờ 4 vị Thành Hoàng là:

          1. Thiên Lôi Công (có công giúp Vua Lý Nam Đế dẹp giặc)

          2. Cao Sơn (có công gúp Vua dẹp giặc Ân)

          3. Hai môn Linh Ứng Tôn Thần (Thần cai quản đất đai)

          4. Thổ Thuỵ Tôn Thần

          Cả 4 vị đều là nhân thần.

          - Thiên Lôi Công: Sinh ngày 12 tháng giêng, hóa ngày 15 tháng 10, khánh hạ ngày 15 tháng 8, sắc phong trác vĩ Thượng Đẳng Thần.

          - Cao Sơn: Sinh ngày 21 tháng 11, hóa ngày 16 tháng 3, sắc phong Cao Sơn hiển ứng Tối Linh Thượng Đẳng Thần Đại Vương.

          Tại bản thần tích (Ký hiệu AE,a12/21) lưu trữ tại Viện Hán Nôm cho thấy Trang Hoài Vân xưa nay là làng Đông Cầu thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Từ thời Hùng Vương đã được nhà Vua thưởng 500 quan tiền, miễn trừ binh lương các dịch trong 11 năm, ban cho làng được làm thần tử, được dựng miếu phụng thờ mãi mãi vì làng đã có công phụng dưỡng Ngài trong thời gian Ngài được nhà Vua cho về trí sĩ chu du các phương thiên hạ và Ngài đã lưu trú tại làng một thời gian.

          - Hải môn linh ứng (không có thần tích) đã được các Vua triều Nguyễn có sắc phong là Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng, chuẩn cho dân làng được phụng thờ mãi mãi để che chở cho nhân dân. Thần được thờ tại miếu Bến Khuể, một bến đò ngang thường xuyên đưa khách thập phương qua sông Văn Úc, một quảng sông rộng nhất khu vực Hải Phòng. Trải qua bao cơn phong ba bão tát, con đò nhỏ vẫn đưa khách qua sông an toàn ngay cả những ngày giặc Mỹ đánh phá. Chúng ném bom xuống đây hàng trăm quả bom các loại cũng không làm hư hỏng chìm đắm được một chuyến phà đò nào của ta. Ngày nay bến Khuể đã mọc lên nhiều doanh nghiệp, kinh tế đang trên đà phát triển, phải chăng do có Thần linh phù hộ.

          - Thổ Thụy Tôn Thần: (không có thần tích) đã được các Vua triều Nguyễn có sắc phong là linh phù Dực Bảo Trung Hưng, chuẩn cho dân làng được phụng thờ mãi mãi để thần che chở cho nhân dân. Thần được thờ tại miếu kẻ Chợ ở phía Đông làng. Cả hai ngôi miếu nói trên đã bị chiến tranh tàn phá.

- Thần tích, thần sắc: Theo tài liệu còn lưu trữ tại Viện Hán Nôm, đình làng có 2 bản thần tích nói về Thiên Lôi Công và Cao Sơn, 24 đạo sắc phong, trong đó có 16 đạo sắc phong thời nhà Lê phong cho Thành Hoàng Cao Sơn gồm đạo sắc phong số 1 ngày 24 tháng 5 năm Đức Long thứ 6 (1634), đời Lê Thần Tông....đạo sắc phong số 16 ngày 21 tháng 5 niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1796).

          8 đạo sắc phong thời nhà Nguyễn phong cho Thiên Lôi Công, Cao Sơn, Hải Môn và Thổ Thụy gồm có: Đạo sắc số 01 ngày 10 tháng 11 năm Tự Đức thứ 6 (1853)....đến đạo sắc thứ 8 ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) (xem lịch thần tích, thần sắc).

          - Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.

          Ngoài chức năng thờ Thành Hoàng, đình làng còn là trung tâm hành chính quản trị phục vụ cho mọi sinh hoạt của làng. Thời phong kiến đình là nơi làm việc của Hội đồng kỳ địch, nơi đón tiếp các quan chức cấp trên. Mỗi khi làng có việc cho mõ đi rao, hoặc đánh trống mọi người trong làng phải chú ý lắng nghe xem đó là hiệu lệnh gì và phải tập trung ra đình ngay theo chức năng, nhiệm vụ của từng người. Khi đến đình mọi người phải ngồi vào đúng vị trí, có phân biệt thứ bậc, chức vụ, tuổi tác theo từng khu vực bên tả, bên hữu, bên trong, bên ngoài, chiếu trên, chiếu dưới. Ai không tuân theo sẽ bị phạt tùy theo hình thức vi phạm do Hương Hội có quyền quyết định.

          Mỗi tháng có 2 ngày lễ là ngày mồng một và hôm rằm. Hàng năm ngày 12 tháng giêng là ngày sinh Thiên Lôi Công (lễ cúng giỗ mặn ca hát 3 ngày).

          Ngày 15 tháng 10 là ngày hóa Thiên Lôi Công (lễ dùng cỗ mặn), hành lễ tại giếng rồi rước về đình, cấm ca hát.

          Ngày 15 tháng 8 là ngày khánh hạ (dùng cỗ mặn, ca hát 3 ngày, kiêng chữ "Lôi", kỵ trang phục màu trắng khi hành lễ).

          Ngày 21 tháng 11 là ngày sinh Cao Sơn (dùng cỗ mặn ca hát 3 ngày), ngày 16 tháng 3 là ngày hóa (dùng cỗ chay hành lễ tại đình Đông).

          Ngày 13 tháng 8 là ngày khánh hạ (dùng cỗ mặn, ca hát 7 ngày, kiêng chữ "Hiển" khi hành lễ kỵ trang phục màu vàng).

          Ngày 15 tháng 7 hàng năm lập đàn tại bến Khuể cúng chúng sinh, cô hồn.

          Từ sau cách mạng thành Tám bỏ bớt các thủ tục lễ hội rờm rà, hàng năm chỉ tổ chức những lễ hội chính: Ngày 15 tháng giêng tổ chức lễ kỳ an, tiếp theo là 1,2 ngày hội đầu xuân có các trò chơi dân gian: Vật cầu, đấu vật, kéo co, cướp cò, đánh đu, cờ tướng, tổ tôm điếm... biểu diễn văn nghệ vui chơi ca hát...

          Ngày 15 - 16 tháng 11 là lễ kỳ phúc, trong dịp này có tổ chức đình đám, lễ rước thần từ các miếu về đình cả hành lễ. Các dòng họ, các gia đình có sửa lễ về 

đình cúng thần, các buổi tối có vui chơi văn nghệ. Trong dịp tết Nguyên Đán và các ngày lễ lớn đình chùa, đường làng được quét dọn sạch sẽ và trang hoàng lộng lẫy để nhân dân đón giao thừa, đi hái lộc mừng năm mới. Tại chùa Lại Sơn ngay từ những ngày đầu năm có tổ chức lễ cầu phúc, dâng sao giải hạn, rồi đến lễ Phật Đản 15/4 âm lịch, lễ Vu Lan 15/7... Hiện nay những sinh hoạt văn hóa tâm linh nói trên vẫn được duy trì, nhân dân được tự do tham dự. Nhưng mỗi khi tổ chức phải báo cáo kịp thời với cấp ủy, lãnh đạo địa phương về chương trình, kế hoạch tiến hành để được hướng dẫn giúp đỡ thực hiện theo nếp sống mới, cấm mọi việc làm có tính chất mê tín dị đoan, lãnh phí, tốn kém làm ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

          - Khảo tả về di tích đình làng

          Gắn liền với 4 nhân vật lịch sử và những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, là một ngôi đình cổ được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 - 18. Với lối kiến trúc bề thế to đẹp, cửa đình quay về hướng Tây, tọa lạc trên một khu đất rộng 1335m2 ở phía Tây làng tiếp giáp đường 354, về phía bên Phải theo hướng Tiên Lãng đi Hải Phòng, cách cầu Khuể 500m, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20km bằng đường ô tô.

          Kiến trúc theo lối chữ Công gồm 5 gian tiền đình, 3 gian trung đình và 2 gian hậu cung. Toàn bộ kết cấu chịu lực và bộ cánh cửa đều bằng gỗ lim, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi hài, nền nát gạch vuông Bát Tràng. Tiền đình có kiến trúc theo lối nhà sàn, mề trên theo lối thuận 5 con, có chồng rường và con dư chạm khắc hoa văn. Trên nóc có hình lưỡng long tranh châu và 2 con kìm, bốn góc mái có chéo đao cong vút với hệ tàu, bẩy đỡ mái có chạm khắc hoa văn.

          Nội thất hậu cung là nơi thâm nghiêm luôn được đóng kín, chỉ ngày đại lễ mới được phép mở, trên bục cao chính giữa có bài vị Thành Hoàng đặt trên Long Ngai, trên hương án có hàm sắc trong có sắc phong, thần tích và các kinh sách rồi đến bát hương cùng các đồ thờ, phía ngoài là đôi câu đối chữ Hán:

“Thần bảo dân thượng đẳng tối linh

Thánh phù quốc trung hưng vô địch”

          Trung đình: Gian giữa đặt các đồ tế, khi có loan giá, long đình, bát biểu, cờ quạt, tàn tán...

          Hai cột có hai câu đối chữ Hán:

“Thiên thu văn vật Dư Đông địa

Vạn cổ anh linh Thượng Đẳng Từ”

          Hai gian tả, hữu là nơi đón tiếp các quan chức cấp trên, nơi làm việc, hội họp của Hội đồng kỳ dịch trong làng.

Tiền đình: Gian giữa để tế lễ, hai bên là hội trường dành cho sinh hoạt văn hóa, hội họp bàn những việc đại sự của làng, bên trên có những bức cửa võng được chạm khắc hoa văn tinh xảo, sơn son thiếp vàng, với các bức đại tự to lớn bằng chữ Hán: 

“Phổ hóa Thiên Tôn

Đông Tiêm Tây Bị”

          Một hệ thống bia đá gồm nhiều bia được ghi chép các sự kiện của làng như:

          Thủy tạo đình miếu (nói rõ việc xây dựng đình miếu) hậu thần bia ký, bia ghi công đức. Một chiếc trống có treo ở phía đông tiền đình dùng làm cổ hiệu của làng. Trước đình là một sân rộng nát gạch vuông Bát Tràng, có gắn sẵn các lỗ khuyết bằng đá để cắm các đồ tế khi khi hành lễ. Hai bên sân đình là 2 giải vũ, mỗi dãy gồm 2 nhà 3 gian bằng gỗ lim, mái ngói không có tường bao, dùng để chuẩn bị các lễ vật. Với câu đối minh họa bằng chữ Hán:

“Nhị vũ lưỡng tam gian quy mô sảng khái

Nhất thời thiên vạn cổ, công đức hậu cao”

          Phía ngoài sân đối diện cửa đình là một hệ thống thành mã được trang trí họa tiết hoa văn, cùng các hình tứ linh, tứ quy, Long, Ly, Quy, Phượng rất nguy nga tráng lệ. Có 2 cột đồng trụ xây bằng gạch cao to uy nghiêm như hai cây bút viết thẳng lên trời xanh, mang khí thế của một làng quê có truyền thống anh hùng nghìn năm văn hiến. Trên hai cột đồng trụ có đôi câu đối chữ Hán:

          Duy lập trụ lại, dĩ tôn di cao, di kiên như kiến sở lập trúc nhĩ.

          Dân hòa Thần giáng, tại Tiền, tại Hậu, kinh thủy bất nhật thành tri.

          Cùng với 4 nhà chờ có mái chồng diêm.

          Trong không gian này còn có một cây gạo, 2 cây đa to bốn mùa cành lá xum xuê tỏa bóng mát cho khu đình, tạo nên phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Phía trước đình còn có một cái giếng bốn mùa đều có nước trong xanh, là nơi tụ thủy khí của khu đình.

          III. TIÊU THỔ PHỤC VỤ KHÁNG CHIẾN

          Giai đoạn 1945 - 1949 đình là nơi làm việc, hội họp in ấn các tài liệu phục vụ cho kháng chiến của chính quyền cách mạng lâm thời ở địa phương, là nơi mở các lớp học xóa nạn mù chữ, sân đình là nơi luyện tập quân sự, võ thuật của các tổ chức thanh thiếu niên, dân quân tự vệ, du kích, nơi tổ chức các buổi mít tinh, biểu tình của nhân dân.

          Cuối năm 1946 có lệnh tiêu thổ kháng chiến, đình chùa đã được rỡ bỏ một phần để không cho địch làm chỗ đóng quân khi chúng đánh chiếm Tiên Lãng. Thời kỳ này, đình chùa còn là nơi đón tiếp đồng bào nội thành Hải Phòng tản cư

về các vùng tự do.

          Giai đoạn 1947 - 1949 đình chùa là mục tiêu bắn phá ác liệt của pháo binh địch từ Kiến An - An Lão - Kiến Thụy và các tàu chiến từ sông Văn Úc bắn vào làng nhằm dọn đường cho những trận tấn công của địch về Tiên Lãng, hàng nghìn viên đạn các loại đã làm cho đình chùa đổ nát tan tành.

          Tháng 10 năm 1947, địch càn quét vào làng chúng đã đốt 6 nhà dân, phá hủy một số đồ vật ở đình. Tháng 2 năm 1948 tự vệ, du kích làng Đông Cầu đã tập trung tại đình để đón và vận chuyển hai khẩu pháo của tiểu đoàn 308 bộ đội chủ lực ra đê để đánh bốt Khuể phía An Lão.

          Tháng 4 năm 1948 du kích Đông Cầu đã tập kết tại đình cùng với đại đội 25 bộ đội huyện chặn địch càn quét từ xã Quang Phục về. Trận này nữ du kích Nguyễn Thị Huê chiến đấu anh dũng đã được Bác Hồ gửi thư khen và tặng 10 vuông lụa.

          Tháng 9 năm 1949 du kích Nguyễn Văn Nghiệp đã đào hầm bí mật ở đình, chùa làm nơi trú ấn giật mìn đánh địch trên đường 354 khi địch rút quân càn quét từ Vĩnh Bảo về qua, tiêu diệt 5 tên, có 1 tên quan ba Pháp là KenTant, thu 1 tiểu liên, 1 ống nhòm.

          Giai đoạn 1950 - tháng 7 năm 1954 là thời kỳ địch chiếm đóng huyện Tiên Lãng. Chúng bắt phu vơ vét toàn bộ vật liệu làm đình, chặt hết cây to trong làng về làm công sự tại bốt Trung Lăng và bốt Khuể. Để giữ bí mật nhiều cuộc họp của các tổ chức cách mạng ở địa phương đều họp ở đình bàn kế hoạch phá tề, trừ gian, chống địch càn quét. Ngày 28 tháng 10 năm 1950 Ban chỉ huy xã đội Minh Đức có ông Nguyễn Văn Kiến xã đội trưởng, ông Bùi Văn Rẫn xã đội phó và một số đội viên du kích đang họp tại đình thì bị địch bao vây. Ông Kiến và ông Rẫn đã rút về hầm bí mật tại trong làng, khi bị địch phát hiện hai ông đã anh dũng xông lên dùng lựu đạn đánh trả địch. Do tương quan lực lượng và vũ khí chênh lệch quá lớn giữa ta và địch. Hai ông đã bị bắt, bị tra tấn rất dã man, nhưng hai ông nhất quyết không khai. Chúng đã bắn chết ông Rẫn. Ông Kiến chúng đem về bốt quận tiếp tục tra tấn và dùng nhiều thủ đoạn tâm lý mua chuộc. Ông vẫn không khai, cuối cùng chúng đã mổ bụng moi gan. Ông đã anh dũng hy sinh, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

          Tháng 5 năm 1951 địch mở trận càn lớn về Tiên Lãng, khi chúng tiến quân vào làng đa số là lính Âu Phi. Để cô lập nhân dân với lực lượng vũ trang ta, chúng đã dồn dân ra đình, đóng quân tại làng, trận này 7 chiến sỹ du kích bị bắt đem ra ao Dừa bắn chết.

          Tháng 6 năm 1951 đội tuyên truyền địch vận Đông Cầu gồm các ông bà:

Đào Văn Thắc, Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Thị Hiệu đã họp và dẫn đường cho dân quân du kích từ đình đột nhập vào bốt Khuể uy hiếp vận động 28 tên lính ngụy ra hàng thu toàn bộ vũ khí.

          Liên tiếp trong 3 năm từ tháng 8 năm 1951 đến tháng 7 năm 1954 bộ đội chủ lực và dân quân du kích đã dựa vào địa thế của đình làm hầm bí mật đánh độn thổ trên đường 354, tiêu hao nhiều lực lượng địch. Tiêu biểu là du kích Nguyễn Văn Tịch tham gia nhiều trận trực tiếp, tiêu diệt nhiều địch, đã được bình là chiến sỹ thi đua giết giặc toàn tỉnh.

          Thời kỳ tạm chiếm từ năm 1950 - 1954, mặc dù đình làng bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng nhân dân vẫn đấu tranh dựng lại bằng tranh tre để làm nơi thờ tự, làm chỗ dựa cho các lực lượng vũ trang đánh giặc. Hàng năm vẫn tổ chức ngày lễ hội, vận động binh lính ở bốt Khuể, bốt Trung Lăng đến xem để ta có điều kiện tiếp cận với bọn lính làm công tác địch vận, nắm tình hình, tìm cách đánh địch.

          Thời kỳ từ năm 1954 đến nay, tháng 7 năm 1954 hòa bình lập lại, nhân dân đã khôi phục lại đình nhưng còn sơ sài. Trong thời kỳ này cải cách ruộng đất, phần lớn đất đai thuộc sở hữu của đình chùa đã được chia cho dân canh tác nên không gian của đình không còn rộng như ngày xưa.

          Đầu năm 2010 với sự nhiệt tình đóng góp kinh phí của nhân dân, cộng với sự giúp đỡ của Thị trấn và Huyện. Đình đã được tái tạo bằng đổ bê tông cốt thép dựa theo mô hình kiến trúc cổ truyền ngay trên nền đất cũ. Tuy nhiên do bị chiến tranh tàn phá nặng nề, một số di vật lịch sử của đình đã bị mất hết như hệ thống bia đá, kiện long đình, hoành phi, bát biểu... chỉ còn trong trí nhớ của các cụ cao niên và truyền ngôn trong nhân dân. Địa phương đã có kế hoạch phục chế lại, từng bước bổ xung nâng cấp và xây dựng thêm các công trình phụ trợ, nhằm bảo tồn bền vững những giá trị lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

          IV. KẾT LUẬN

          Từ những sự kiện trên đây cho thấy đình làng Đông Cầu thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là di tích lịch sử văn hóa. Thể theo yêu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân, căn cứ vào chủ trương chính sách pháp luật Nhà nước. Ban vận động xây dựng làng văn hóa Đông Cầu lập lý lịch đình để làm căn cứ đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giúp đỡ lập hồ sơ khoa học đề nghị Thành phố xếp hạng di tích đình Đông Cầu Thị trấn Tiên Lãng là di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố.

 

Admin

Thong ke