ĐÌNH LÀNG BÍCH ĐỘNG XÃ LIÊN AM, HUYỆN VĨNH BẢO

06 04 2023

in trang

Đình làng Bích Động tọa lạc tại thôn Bích Động, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, có lịch sử hình thành từ lâu đời và là trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, diễn xướng dân gian của cộng đồng địa phương xưa nay.Như vậy, muộn nhất vào đầu thế kỷ XIX Đình Bích Động được hình thành đến mùa Đông năm Tân Dậu (1921) triều Khải Định Đình hoàn thành việc tu tạo nhà đình trên nền cũ. Đến năm 2013 Đình được nâng cấp, tu sửa. Đình làng Bích Động nằm trên một khu đất bằng phẳng, sát cánh đồng, rộng chừng 1.400m2. Đình quay hướng Nam, có bố cục mặt bằng mái hình chữ Nhị gồm tòa tiền tế và hậu cung, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Trang trí hệ thống mái công trình là hình lưỡng long chầu hổ phù đội quả lôi, đấu chữ T, bờ nóc gắn gạch hoa chanh. Hệ thống cửa tòa tiền tế gồm 3 gian cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản, mỗi gian 4 cánh. Hậu cung được xây dựng đơn giản với 3 gian nhưng kích thước nhỏ hơn tiền tế. Không gian của tòa hậu cung được đặc biệt chú trọng với thần tượng ngài Thành Hoàng ngự trên long ngai.


Đình làng Bích Động là nơi linh thiêng, nơi người dân địa phương tôn thờ bốn ngài thành hoàng : Đệ nhất Linh Lang Dương Liệt đại vương; Đệ nhị Linh Lang Diễn Phúc đại vương; Đệ tam Linh Lang Tập Khánh đại vương; Đệ tứ Linh Lang Diệu Uy đại vương. Tương truyền, bốn ngài là các tướng lĩnh thời vua Hùng thứ 6, đã có công to lớn trong việc đánh đuổi giặc Ân xâm lược nước ta. Sau khi hóa, các ngài vẫn luôn hiển linh che chở cho cuộc sống của người dân Bích Động, được các vua triều Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong. Hiện trong đình Bích Động còn lưu giữ được 05 đạo sắc phong phong cho các vị là: Linh Lang Dương liệt tôn thần, Linh Lang Diễn Phúc tôn thần, Linh Lang Diệu Uy tôn thần, Linh Lang Tập Khánh tôn thần. Sau được gia tặng Hoành hiệp Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.

Đình làng Bích Động còn là không gian linh thiêng nơi cộng đồng tổ chức các lễ hội truyền thống. Trước năm 1945 tại Đình Bích Động có tổ chức tế lễ các Ngài vào ngày sinh, ngày hóa. Trong đó, ngày mồng 10 tháng 8 là ngày sinh, ngày mồng 10 tháng 6 là ngày hóa. Lễ vật dâng thánh có: xôi, gà oản, chuối, trầu, rượu. Những đồ lễ ấy chia nhau cắt lần lượt, mỗi người phải sắm sửa lễ một lần. Theo quy định của làng, trong làng từ 18 trở lên được dự vào tế, người nhiều tuổi, có phẩm hàm, tư văn, chức dịch. Những người dự lễ phải ăn chay, tắm gội sạch sẽ và cấm người đại tang, người dự lễ thì có mũ áo thâm. Trong quá trình tổ chức lễ hội, nhân dân địa phương còn bảo lưu và thực hành nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống như rước kiệu, đánh cờ tướng, đập niêu đất, kéo co….Ngày nay, hàng năm Đình Bích Động tổ chức tế thần vào hai dịp là ngày sinh mùng 10 tháng 8 âm lịch và ngày hóa mùng 10 tháng 6 âm lịch. Vào ngày 10/6 âm lịch làng tổ chức cúng Thành Hoàng với sự có mặt của tất cả nhân dân trong làng, con em xa quê, du khách thập phương. Vào ngày mở hội các hoạt động được tổ chức như cúng tế, giao hữu bóng chuyền, các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ.

Bên cạnh đó, Đình làng còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện kháng chiến quan trọng của Nhân dân trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần minh chứng về những năm tháng hào hùng của ông cha trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những yếu tố trên đã góp phần củng cố vị trí, vai trò của di tích trong đời sống cộng đồng, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của địa phương, tăng thêm niềm tự hào và sự tích cức tham gia, đóng góp của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke