ĐÌNH KỲ VĨ, XÃ QUANG PHỤC, HUYỆN TIÊN LÃNG
08 03 2023
in trangNằm trong quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa của huyện Tiên Lãng nói chung và xã Quang Phục nói riêng, Đình Kỳ Vĩ thuộc làng Kỳ Vĩ, xã Quang Phục là Đình có tên chữ Hán là "Kỳ Vĩ Đình".
Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 toạ lạc trên nền đất cao ở giữa làng. Đất địa linh trên tuyến đường từ bến đò sáu mươi tới phố Lồ. Diện tích trên 2 sào Bắc Bộ. Đình nằm hướng đông nam xây bằng gạch cây thời Lê sơ, làm bằng gỗ lim mới nguyên khối, kiến trúc theo kiểu chữ đinh, năm gian tiền tế, hai trái tàu bảy uốn cong hình đao, mái lợp ngói cổ, nền đình ghép sàn gỗ lim. Ba gian hậu cung thờ ngai Thành Hoàng làng và một số mô hình binh khí bát biểu long, hai ngựa bạch bằng gỗ. Sân đình ghép gạch cây cỡ to. Trước sân là giếng đình đây là một trong bảy giếng thông thủy từ sông Văn Úc sang sông Thái Bình, đi từ bến sáu mươi qua phố Lồ tới giếng ngọc mắt rồng làng Hộ Tứ - Đoàn Lập.
Đình thờ bảy vị Thành hoàng: Thành Quốc Công, Sơn Tinh Tuấn Công, Sơn Tinh Hiển Công, Từ Môn Tôn Thần, Bạt Hải Đống Báu, Bạt Hải Đống Thiếu, Bạt Hải Cây Sói. Thành Quốc Công sinh ngày 2 tháng 6. Hiển Công và Tuấn Công sinh ngày 15 tháng giêng. Thành Quốc Công có cha tên là Vũ Đông, mẹ là Hồng Nương ( họ Hoàng). Vũ Đông là danh tướng thời Duệ Vương, vua Hùng thứ 18, ông lập cung doanh tại trang Kỳ Vỹ, huyện Bình Hà, phủ Nam Sách, ngày nay là đồn bãi Kỳ Vỹ Thượng. Ông kết duyên cùng Hồng Nương sinh ra Thành Quốc Công nuôi dưỡng tại đây đến năm 20 tuổi. Thành Quốc Công và Sơn Tinh Hiển Công, Sơn Tinh Tuấn Công, Từ Môn Tôn Thần đã giúp nhà vua đánh tan quân Thục ( Thục vương). Thắng trận các ông trở về bản trang Kỳ Vỹ cảm tạ tổ tiên rồi hóa thân ngày 8 tháng 10. Khi đó nhà vua cho sứ giả đem sắc chỉ đến bản trang phong cho các ngài chức " Thượng đẳng phúc thần". Cho nhân dân lập miếu và thờ tự thường xuyên hàng năm. Sau này dân làng xây đình, nhớ công lao của các ngài nhân dân rước đón về thờ tự tại đình làng Kỳ Vỹ.
Do yêu cầu của kháng chiến đình phải tháo dỡ năm gian tiền bái vào năm 1950, ba gian hậu cung bị giặc Pháp ném bom tiêu hủy sau trận càn Cờ - lốt từ năm 1966 - 1970. Nền đình là lớp học của trường cấp 3 Thái Phiên, Hải Phòng sơ tán học tại đây để chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Theo chủ trương của Đảng, được sự đồng ý của chính quyền các cấp, nguyện vọng của nhân dân, năm 2004 đình được tu dựng lại trên nền đất cũ có khu nhà thờ chính là năm gian gỗ lợp ngói mắc, ba gian nhà khách và khu phụ giúp cho việc tế lễ hàng năm.
Hằng năm vào ngày 15/01, 02/06, 08/10 là những ngày sinh ngày hoá của Thành hoàng làng, nhân dân trong thôn và quý khách gần xa nhớ ngày này cùng các dòng họ về đây tế lễ thành hoàng làng. Ngày 16/03/2016 đình làng Kỳ Vỹ được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Ngày nay trong thời kỳ đất nước đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân làng Kỳ Vỹ Thượng vẫn luôn hướng về cội nguồn và mong muốn góp công, góp của tu sửa, nâng cấp để ngôi đình ngày càng khang trang hơn. Nhân dân địa phương tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Thành đoàn Hải Phòng