ĐÌNH KIỀU SƠN, PHƯỜNG ĐẰNG LÂM, QUẬN HẢI AN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
12 06 2023
in trang
Đình Kiều Sơn tọa lạc trên nền đất cũ phố Kiều Sơn, tại một khu đất cao ráo ở phía Tây Bắc của phường Đằng Lâm, với khuôn viên rộng và thoáng, có diện tích hơn 2000m2, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về phía Đông Nam.
Đình Kiều Sơn tọa lạc trên nền đất cũ phố Kiều Sơn, tại một khu đất cao ráo ở phía Tây Bắc của phường Đằng Lâm, với khuôn viên rộng và thoáng, có diện tích hơn 2000m2, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về phía Đông Nam. Đình vẫn hướng tây như xưa, khuôn viên Đình nằm liền kề với con phố Kiều Sơn và chùa An Tường. Trước mặt đình hướng về cửa Nam Triệu, nơi còn lưu dấu tích của trận chiến Bạch Đằng giang lịch sử năm 938 xưa kia, xa xa về bên tả là khu phố Văn Cao sầm uất, bên hữu gần con đường Lê Hồng Phong rộng, dài đẹp nhất thành phố Hải Phòng, sau lưng là khu dân cư đông đúc.
Đình Kiều Sơn xưa, tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ 17, 18. Ban đầu, đình có quy mô kiến trúc khá bề thế, bố cục hình chữ Đinh (J), gồm 3 gian, 2 dĩ tiền tế và 1 gian hậu cung. Vật liệu làm đình bằng gỗ lim truyền thống, dựng theo thức chéo đao tàu góc, ván sàn lòng thuyền, theo mô típ truyền thống, thường thấy vào thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế tấm bia đá tại chùa An Tường, một ngôi cổ tự nằm liền kề với khuôn viên đình cho thấy: Bia có tiêu đề “Điền thổ bi ký”, niên hiệu Gia Long nguyên niên (1802); nội dung có đoạn chép: Năm Gia Long nguyên niên (1802) “Cấu tác đình, đền, Phật tự, văn chỉ...”. Như vậy, cùng thời gian này đình, đền, chùa, văn chỉ của làng Kiều Sơn cũng được xây dựng. Mặt khác, tại khuôn viên Đình còn lưu giữ được một số chân tảng đá kê cột có đường kính 33cm, niên đại tạo tác thời Nguyễn thế kỷ 19, 20 và một tảng đá kè hiên, có kích thước dài 1,28m; rộng 0,55m, đường nét hoa văn tạo tác mang phong cách thời Nguyễn. Như vậy, thông qua nội dung văn bia cũng như một số hiện vật còn bảo tồn được tại di tích, có thể khẳng định đình Kiều Sơn được khởi dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1802).
Rất tiếc, ngôi đình còn tồn tại đến những năm 1959 - 1960 thì bị tháo dỡ; vật liệu dùng xây dựng trường học, đồ thờ được dân làng gửi vào chùa.
Năm 1990, đình Kiều Sơn được phục dựng, quy mô khá khiêm tốn, gồm: 1 gian, 2 chái, bố cục hình chữ nhất, làm bằng vật liệu hiện đại.
Năm 2017, đình được trùng tu lớn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Quy mô kiến trúc đình Kiều Sơn hiện nay khá bề thế, bố cục mặt bằng hình chữ đinh (J) truyền thống, gồm: 5 gian tòa đại đình và 1 gian hậu cung. Vật liệu dựng đình bằng gỗ lim Nam Phi, đường kính cột cái 40cm, khuôn viên đình rộng và thoáng, xung quanh xây tường bao bảo vệ.
Đến di tích, kiến trúc đầu tiên ta bắt gặp là nghi môn đình. Nghi môn được xây theo hướng trục thần đạo và làm theo kiểu tứ đồng trụ truyền thống, gồm 4 trụ vuông. Mặt trước và sau trụ đắp nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán, nội dung ca ngợi chiến công của Đức Ngô Vương Thiên tử.
Từ nghi môn, qua một khoảng sân rộng lát gạch đỏ Giếng Đáy dẫn tới tòa đại đình. Đứng dưới sân quan sát, ta được chiêm ngưỡng toàn cảnh tòa đại đình khá uy nghi, bề thế. Bậc lên xuống tòa đại đình làm theo kiểu ngũ cấp, chất liệu bằng đá xanh và được tạo giới hạn ở 3 gian chính giữa. Hai đầu của ngũ cấp dựng hai lan can bằng đá xanh, có chạm khắc hoa văn khá tinh xảo. Tiếp nối với phần lan can là đôi sấu bằng đá xanh, khá lớn đang chầu về phía trước sân đình. Theo quan niệm của người xưa, sấu cũng như nghê và một số linh vật khác được đưa vào di tích có tác dụng “kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương”.
Ở mặt ngoài phía trước của hai bức tường bao che gian dĩ tòa đại đình, cách mặt sân khoảng 1m, được ốp bằng 6 phiến đá xanh khổ lớn, trên các phiến đá đều chạm nổi những cụm hoa sen và sóng nước.
Kiến trúc mái đình, mái đình lợp ngói mũi, làm theo kiều chéo đao tàu góc; 4 mái đao của tòa đại đình đắp long chầu phượng đón, bờ guột đắp con xô (náp); chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật; hai đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bờ nóc.
Tòa đại đình được lắp 3 bộ cửa bức bàn, ván bức bàn chạm nổi hoa lá thiêng, chữ thọ cách điệu. Kết cấu bộ khung chịu lực tòa đại đình gồm 6 bộ vì gỗ lim. Kết cấu vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng truyền thống, vì nách kiểu thuận chồng 3 con. Các con rường đều kê trên những đấu sen thót đáy. Trang trí vì nóc và vì nách theo đề tài hoa lá thiêng. Toàn bộ hoa văn kiến trúc được tạo tác theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Trên thanh thượng lương của tòa đại đình khắc dòng chữ Hán: “Việt Nam Quốc tuế thứ Đinh Dậu niên, thập nhất nguyệt, sơ lục nhật thượng lương đại cá”, tạm dịch là: Vào ngày tốt, mùng 6 tháng 11 năm Đinh Dậu đặt chồng nóc.
Kiến trúc tòa hậu cung gồm 1 gian, hoa văn trang trí không có gì đặc biệt. Ở chính giữa, trên cao nhất của tòa hậu cung đặt khám thờ Đức Thành hoàng; phía trước, thấp hơn một chút đặt long ngai, bài vị, trên bài vị ghi dòng chữ Hán “Ngô Vương Thiên Tử quý công thần vị”.
Trước sân đình, từ hiên nhìn ra, về bên tả là nhà bia. Nhà bia xây kiểu phương đình, gồm 4 mái đao, mái lợp ngói mũi. Bộ khung chịu lực nhà bia gồm 4 cột bằng chất liệu bê tông cốt thép. Trong dựng 6 bia đá cổ, niên đại từ đời vua Duy Tân 10 đến đời vua Tự Đức 24. Ngoài ra quanh khuôn viên đình còn trồng một số cây lâu niên như: cây đa, gạo... và đặc biệt là cây ruối cổ thụ. Cây ruối có tuổi đời khoảng 200 năm.
Hiện nay, tại đình đình Kiều Sơn còn bảo tồn được khá nhiều hiện vật có giá trị như: bia Tự Đức, sắc phong, câu đối, bài vị, bát biểu, tượng thành hoàng … Đình Kiều Sơn là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của cộng đồng dân cư địa phương. Đình tôn thờ vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, ngài đã có công đánh đuổi giặc Nam Hán xâm lược, bảo vệ, giữ gìn non sông đất nước khi hóa, hiển linh phù nước giúp dân, công lao to lớn của ngài mãi được người đời tưởng nhớ, phụng thờ. Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, ngôi đình làng xưa chỉ còn lại trong ký ức của các cụ cao niên, nhưng với những hiện vật còn được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay cũng đủ minh chứng về sự tồn tại của ngôi đình xưa trên vùng đất này.
Ngôi đình Kiều Sơn hiện nay, tuy mới được xây dựng lại, song điều đó thể hiên sư quan tâm của các câp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, đã có ý thức bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.
Lễ hội tại đình Kiều Sơn thường được tổ chức chính vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch và diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng. Trước đây lễ hội có tục múa roi và múa kỳ lân, đồng thời có giao lưu với làng Hạ Lũng. Phần lễ được nhân dân tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống gồm: Lễ cáo yết vào ngày 16/1 âm lịch và lễ chính vào ngày 17/1 âm lịch hàng năm. Phần hội có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, kéo co, hát chèo sân đình... Lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Kiều Sơn nói riêng và của nhân dân phường Đằng Lâm nói chung, có tác dụng động viên mọi người cùng nhau đoàn kết, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Thành đoàn Hải Phòng