ĐÌNH KIẾN PHONG, XÃ ĐỒNG THÁI, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Kiến Phong (建 風), theo Hán tự có nghĩa là kiến thiết xây dựng nên cuộc sống thịnh vượng. Vùng đất và con người ở Kiến Phong hình thành muộn nhất là vào thời triều Lý, thế kỷ XII. Bởi thế kỷ XIII, nơi đây đã sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Giản, anh em sinh đôi, hai ông là tướng quân tham gia chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 đánh quân xâm lược Nguyên Mông. Sau này các ông đều được tôn làm Thành hoàng làng Kiến Phong.

Đình Kiến Phong thuộc thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái. Ngôi đình mang tên địa phương nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó, đó là làng Kiến Phong.

Kiến Phong (建 風), theo Hán tự có nghĩa là kiến thiết xây dựng nên cuộc sống thịnh vượng. Vùng đất và con người ở Kiến Phong hình thành muộn nhất là vào thời triều Lý, thế kỷ XII. Bởi thế kỷ XIII, nơi đây đã sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Giản, anh em sinh đôi, hai ông là tướng quân tham gia chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 đánh quân xâm lược Nguyên Mông. Sau này các ông đều được tôn làm Thành hoàng làng Kiến Phong. 

Căn cứ vào bản thần tích, thần sắc do chức dịch làng Kiến Phong khai báo về trên năm 1938, đình Kiến Phong, thờ 3 vị Thành hoàng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Giản và Phạm Tử Nghi. Thân thế của các vị Thành hoàng được tóm tắt như sau:

Hai vị Nguyễn Nhạc, Nguyễn Giản:

Thời nhà Trần, tại trang Hoa Phong (sau này là Kiến Phong) có gia đình họ Nguyễn, ngày 6 tháng 3 sinh ra một bọc, đến ngày 10 tháng 3 nở ra được hai người con trai. Một vị ở tay trái có chữ “Uy linh Sơn thần”, vì vậy được đặt tên là Nhạc. Một vị trên đỉnh đầu có chữ “Bến Dịch Thủy thần”, vì vậy được đặt tên là Giản. Hai người lớn lên tài giỏi nổi tiếng, tin đồn đến tận kinh thành. Vào tháng 2 năm thứ 3 trị vì của vua Trần Thánh Tông (1260), nhà vua sai sứ giả mời hai ông vào kinh. Sau khi thử tài, vua đã tuyển chọn và ban cho các ông chức Đô đại lang. Làm quan ở kinh thành, hai ông được nhà vua và mọi người yêu mến, kính trọng. Sau đó một năm, thân phụ, thân mẫu của hai ông qua đời, hai ông xin về quê để chịu tang. Hai ông hết lòng kính hiếu phụng thờ cha, mẹ. Sau khi mãn tang, hai ông tiếp tục về triều phụng sự đất nước. Đến thời vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, hai ông được cử làm tướng cùng với Trần Hưng Đạo và Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đi đánh giặc. Hai ông đánh đâu thắng đó, nên được vua phong chức Tướng quân, Hiển Vũ Hầu, cho hưởng lương bổng và cho làng Kiến Phong được miễn trừ sưu thuế. Khi đất nước thanh bình, vua cấp cho các ngài thuyền rồng, quân lính về thăm quê hương. Tại quê nhà, hai ông mở yến tiệc khoản đãi quân sĩ, khao lao dân làng và cho người dân 10 hốt bạc để mua ruộng đất và xây dựng miếu. Đến ngày 6 tháng 12, ông Giản cưỡi ngựa ra bến Dịch tắm, sóng to, gió lớn nổi lên và ông đã hóa. Quân sĩ về báo với Nhạc Công. Ông Nhạc nghe tin liền cưỡi ngựa qua bến Dịch, đi đến núi Đẩu, rồi bay lên mây biến mất. Quân sĩ tâu sự việc lên vua, nhà vua rất thương xót cho hai vị công thần, nên đã ban sắc phong và chiếu lệnh cho địa phương lập đền miếu phụng thờ hai ông. 

Vị Thành hoàng thứ 3, Ngài Phạm Tử Nghi.

Phạm Tử Nghi sinh tại làng Niệm Nghĩa, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Bởi vậy sau nay ông hiển thần, người dân thường gọi ông là Đức Thánh Niệm. Ông là người có sức khỏe hơn người, nên được mọi người gọi là ông Thiên Lôi. Đường ông đắp để luyện tập võ nghệ, sau này gọi là đường Thiên Lôi, con đường được chép trong mục cổ tích của sử sách thời xưa. Phạm Tử Nghi là võ tướng triều Mạc, ông đi lên bằng thanh kiếm trận và trở thành bậc đại quan của Vương triều. Do quan điểm lập người kế vị sau khi vua Mạc Phúc Hải mất, triều chính nhà Mạc chia thành hai phe phái. Phạm Tử Nghi đứng ở phe đối địch với Hoàng tộc, cựu thần nhà Mạc. Hai bên tuyên chiến với nhau, sau này do thúc ép của nhà Minh, ông đã bị nhà Mạc ám hại. Phạm Tử Nghi là vị thánh rất linh thiêng, Ngài thường phù giúp cho những địa phương có bến sông, biển và làm ăn trên sông nước. Làng Kiến Phong trước đây có bến Dịch và nghề đánh bắt thủy sản trên sông Lạch Tray nên cũng mong cầu Ngài phù hộ, do vậy đã tôn vinh Ngài làm Thành hoàng làng để mong cầu sự phù giúp, che chở của Ngài. 

Đình Kiến Phong tọa lạc trên một khu đất cao ráo, nhìn về hướng Nam, ghé Đông. Trước đình Kiến Phong là cánh đồng lúa mông mênh, xa xa vọng về dãy núi Thiên Văn hùng vĩ. 

Đình làng Kiến Phong xưa làm bằng vật liệu truyền thống đã bị hủy hoại trong quá khứ. Đình Kiến Phong hiện nay được phục dựng lại năm 2008, có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, trong đó có một gian cung cấm. Ngôi đình được làm bằng vật liệu truyền thống kết hợp với vật liệu hiện đại. Tòa tiền tế mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi. Trên mái được trang trí các đề tài truyền thống, đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc. Khúc nguỷnh đắp đôi sô trong tư thế chạy đến với nhau. Đao mái cong đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa, lân cưỡi mây. Các bộ vì của tòa tiền tế làm bằng bê tông cốt sắt, vì bốn hàng chân cột, cấu trúc vì nóc thuận chồng hai con, vì nách thuận chồng ba con. Trên con thuận, rường đắp nổi đề tài lá lật. Hệ thống cửa chính của tòa tiền tế gồm ba gian cửa, cửa đóng theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh, kiểu thượng song, hạ bản. Hậu cung ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống cửa cung bằng gỗ. Cửa cung giữa là cửa chính ít khi mở, vào cung cấm chủ yếu qua hai cửa nách. Tòa hậu cung, bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt sắt, gồm hai bộ vì, vì hai hàng chân cột, cột quân được bố trí trong tường bao che. Kết cấu vì theo kiểu xà quá giang, vì kèo, giá chiêng, các cấu kiện không có trang trí. Toàn bộ các bộ vì của ngôi đình được nối kết chặt chẽ với nhau thông qua hệ thống xà đai chắc khỏe. 

Đình Kiến Phong, trải qua thời gian đã bị hủy hoại, nên đồ thờ tự, tế khí cũng bị mất mát, thất lạc. Hiện nay tại đình còn bảo tồn được một số di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa tiêu biểu: Long ngai, bài vị, hai bộ trong khám thờ lớn, Bộ bát biểu, biển rước,..

Ngày nay người dân địa phương đang từng bước kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt lễ hội của tiền nhân để lại. 

Đình Kiến Phong thờ các vị Thành hoàng có công với dân, với nước, đặc biệt trong đó có hai vị là danh tướng thời Trần, người địa phương. Đây là nguồn sử liệu rất quý để bổ sung vào hệ thống sử sách của Hải Phòng và của quốc gia về những người con ưu tú, những chiến tướng anh hùng của An Dương tham gia trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288, tiêu diệt và đập tan mộng xâm lăng của đế chế Nguyên Mông đối với đất nước ta. Di tích đình Kiến Phong cũng là địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn về lịch sử, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài thành phố Hải Phòng. 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke