ĐÌNH KIỀN BÁI, XÃ KIỀN BÁI, HUYỆN THỦY NGUYÊN
22 06 2023
in trang
Đình Kiền Bái tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, từ xưa đã là một trong những địa bàn cư trú quan trọng của cư dân Việt cổ. Ngày nay, Kiền Bái là một xã nông nghiệp trù phú của huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng, nằm ở hạ lưu sông Kiền, cách trung tâm Hải Phòng khoảng 10km về phía Tây Bắc, cách trung tâm huyện Thủy Nguyên 3km về phía Tây, phía Đông Bắc của xã là di chỉ Đôn Sơn - nơi các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra vết tích của văn hóa Đông Sơn.
Theo bản thần tích hiện còn lưu giữ tại Đình do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1571 thì Đình Kiền Bái thờ vị thần Đào Lôi Công làm Thành Hoàng làng. Đào Lôi Công là người đã có công giúp ba đời Vua Lý thế kỉ XI (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tôn, Lý Thánh Tông) trị vì đất nước, giữ yên bờ cõi. Ngoài ra Đình còn thờ một vị Thành hoàng nữa là Đức Thánh Cả Bích – Ngọc Đại Vương, người có công khai hoang, chiêu mộ dân lập ấp để tạo lên vùng Hổ Bái Trang – Kiền Bái ngày nay. Hàng năm Hội Đình được mở vào ngày 10, 11, 12 tháng 11 âm lịch. Hội Đình là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc biệt nó thể hiện đời sống tinh thần phong phú, truyền thống đạo lý cao đẹp của người dân địa phương nơi đây.
Đình Kiền Bái được khởi công xây dựng vào thời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 6 (năm 1685). Đến nay, sau hơn 300 năm tồn tại, ngôi Đình vẫn thường xuyên được quan tâm tu bổ như một niềm tự hào của người dân địa phương. Đình được tu sửa vào thế kỷ XVIII thể hiện bằng những mảng chạm đao mác mang đặc trưng phong cách nghệ thuật nửa sau thế kỷ XVIII hiện còn ở các xà đùi cốn chồng Rường, vì hồi sau bên trái. Đình được sửa chữa lớn vào ngày 06 tháng 09 năm Tự Đức 12 (năm Kỷ Mùi – 1859). Sản phẩm của lần sửa chữa này là bức cốn phía trước, bên phải gian giữa mang đề tài Rồng ổ và Rồng ở đây mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỉ XIX. Đình tiếp tục được tu sửa vào mùa hạ năm Bảo Đại 12 (năm 1937). Năm 1993 Đình được tu sửa vào ngày 01 tháng 04 năm 2004 Đình Kiền Bái được nhà nước cấp kinh phí trùng tu đến ngày 10 tháng 11 năm 2006 khánh thành. Năm 2002, nhân dân địa phương cũng đã cho xây cổng, tường bao ngăn cách khuôn viên của Đình với bên ngoài.
Đình Kiền Bái được dựng quay hướng Nam, phía trước của Đình là tỉnh lộ 478 và có một con lạch nhỏ thông nước với sông Kiền (có tên là Ngòi Mai). Như vậy Đình Kiền Bái được dựng hướng thẳng về phía Ngòi Mai và có thể thấy yếu tố trọng thủy trong việc chọn thế đất dựng Đình. Đình Kiền Bái có bố cục mặt bằng hình chữ nhật, gồm ba gian hai chái, có liên kết khung gỗ bởi các chốt mộng khít, có các cột cái, cột quân bằng gỗ đứng trên chân tảng, bộ vì nóc gian bên kiểu kẻ suốt. Hệ mái Đình có 04 mái, lợp ngói, mũi hài, hoành mái có tiết diện vuông, giữa, chiều ngang bằng chiều rộng gian giữa Tiền tế, chiều dài 8,3m. Hậu cung có kết cấu tương tự tòa Tiến tế.
Nghệ thuật điêu khắc, trang trí ở Đình Kiền Bái chủ yếu tập trung ở toà Tiền tế, nơi được coi là điểm gặp gỡ giữa trời, đất, thần linh và con người. Trên các ván gió, đầu dư, cách gà, cốn, lan can, đầu bẩy… Tất cả đều trở thành trang trí lý tưởng, ở đây các bậc nghệ nhân xưa thể hiện tài hoa của mình bằng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Trong số các tác phẩm chạm khắc, rồng vẫn là một đề tài chiếm vị thế chủ đạo, xung quanh rồng lớn là bầy rồng con đang quấn quýt trong mây, nó thể hiện cảnh hội tụ đoàn viên ước mơ con đàn cháu đống của người xưa. Đi kèm với rồng là con vật như phượng, lân trong bộ tứ linh (Long – Ly – Quy – Phượng ) để rồi sang thế kỷ XIX nó trở thành một đề tài trang trí chủ đạo các công trình kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt. Hình ảnh phượng ở đây được tạo trong một tư thế uyển chuyển của những vũ điệu quyến rũ. Ở Đình Kiền Bái, ngoài các đề tài mang tính ước lệ, trang nghiêm, ta còn gặp khá nhiều đề tài dân dã. Đó là những con vật thân quen ở làng quê như lợn, dê, ngựa, voi, cá… Những mảng chạm khắc rất sống động và hoang dã như một sự ước mong về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của người xưa. Đề tài con người trong các mảng chạm ở Đình cũng góp phần làm phong phú cho các tác phẩm điêu khắc trang trí. Hình tượng con người được mô tả theo chủ đề Tiên nữ cưỡi phượng. Ngoài ra, ta còn gặp ở Đình Kiền bái nhiều đề tài trang trí như: Đao mác, mây cuộn hay hoa cúc, chúng đều được chau chuốt từng đường nét khiến cho tác phẩm trở nên tinh tế, sống động và đầy sức sống biểu cảm.
Đình Kiền Bái còn giữ được khá nhiều di vật quý giá đã làm tăng các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Sắc phong là những di vật còn giá trị nhất hiện còn lại di tích. Tổng cộng có 19 đạo sắc thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX phong tặng Thượng Đặng Thần cho hai vị Thành Hoàng Làng được thờ tại đây. Đạo sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783) và đạo muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (năm 1924). Các sắc phong này như những dấu tích văn hóa có giá trị, khẳng định sự tồn tại bền vững, liên tục của di tích đã được các cấp bộ ngành Trung ương, địa phương công nhận và bảo trợ.
Đình Kiền Bái còn giữ được hai sập thờ đá, đặt ở trước sân, đối xứng qua gian giữa tiền tế. Sập thờ đá được làm vào Quý Tỵ (năm 1893). Cửa võng giữa hai hang cột cái sau gian giữa tiền tế hiện còn một bức cửa võng bằng gỗ được chạm trổ nhiều họa tiết rất sinh động, tinh xảo, thể hiện sự khéo léo của các nghệ thuật xưa. Bức cửa võng này mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII và cũng thực sự là những di vật có giá trị tại di tích.
Hiện ở Đình còn khá nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi vẻ đẹp quê hương cũng như công lao của các vị Thành Hoàng. Những câu đối này cũng có những giá trị văn hóa nhất định và thể hiện tấm lòng của người dân địa phương với một số di sản văn hóa quý báu của cha ông ta đã gây dựng và để lại.
Được khởi dựng từ hơn 300 năm nay, Đình Kiền Bái là một di tích kiến trúc nghệ thuật còn bảo lưu khá tốt hiện trạng từ xưa. Kiến trúc cũng như nghệ thuật trang trí của ngôi Đình hết sức đặc sắc là tiêu biểu cho giai đoạn của những ngôi Đình làng ở châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Đình Kiền Bái còn giữ được dòng niên đại, điều này có ý nghĩa trong việc nghiên cứu bước đi của ngôi Đình làng Việt. Những di vật tập quán, lễ nghi, hội hè ở Đình cũng giúp ích cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và góp phần tô đẹp thêm truyền thống văn hóa nghệ thuật Hải Phòng nói riêng, cũng như nền nghệ thuật kiến trúc Đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ nói chung.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, ngày 12/12/1986 Bộ văn hóa quyết định công nhận đình Kiền Bái là “Di tích kiến trúc – nghệ thuật”. Ngày 06/12/1994 được Bộ văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa.
Thành đoàn Hải Phòng