ĐÌNH KHINH DAO - XÃ AN HƯNG - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình Khinh Dao là công trình kiến trúc nghệ thuật làm bằng vật liệu truyền thống cổ kính, hiện nay đang là ngôi đình bề thế có quy mô, kích thước to lớn nhất của huyện An Dương và cũng nằm trong tốp đầu những ngôi đình to đẹp của thành phố Hải Phòng. Đình Khinh Dao nằm trong quần thể những di tích gồm: Đình, đền Phạm Thượng Quận, chùa Cả của làng.


Đình Khinh Dao thuộc làng Khinh Dao, xã An Hưng. Ngôi đình được mang chính tên địa danh nơi cộng đồng địa phương sản sinh ra nó.

Đình Khinh Dao là công trình kiến trúc nghệ thuật làm bằng vật liệu truyền thống cổ kính, hiện nay đang là ngôi đình bề thế có quy mô, kích thước to lớn nhất của huyện An Dương và cũng nằm trong tốp đầu những ngôi đình to đẹp của thành phố Hải Phòng. Đình Khinh Dao nằm trong quần thể những di tích gồm: Đình, đền Phạm Thượng Quận, chùa Cả của làng.

Đình Khinh Dao giữa thế kỷ XVIII trở về trước, phụng thờ 6 vị Thành hoàng có duệ hiệu (hiện được viết trên bài vị thờ tại đình) là Quảng tế Cử sĩ Đại vương; Lộ Đại Tôn thần; Cốc Linh Lâm đại thần; Đại Phạm tôn thần; Đống Áp Đại thần; Bà sa Thái tử Đại thần. Sự tích của các vị thần nêu trên hiện nay không còn tư liệu ghi chép lại. Làng Khinh Dao đã bỏ nhiều công sức sưu tầm tại các viện lưu trữ Trung ương, thành phố Hải Phòng nhưng cũng chưa tìm được. Các vị Thành hoàng thờ tại đình, miếu và thờ bằng long ngai, bài vị. Theo sử sách của địa phương, các vị thần trên là những thiên thần có nguồn gốc từ thời Hùng Vương dựng nước. 

Vị Thành hoàng thứ 7 là Ngài Phạm Đình Trọng. Ông là người làng Khinh Dao, một nhân vật văn võ toàn tài nổi tiếng trong triều Hậu Lê thế kỷ XVIII. Tổng kết hội thảo khoa học về “Tiến sĩ Phạm Đình Trọng” do Ủy ban nhân dân huyện An Dương, Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng đồng tổ chức, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Đinh Xuân Lâm đã đánh giá Phạm Đình Trọng là một danh nhân văn hóa, một vị quan thanh liêm có tài văn, võ kiêm thông. Kết luận hội thảo cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng của nhà nước xem xét lấy tên ông đặt tên cho đường phố của thành phố Hải Phòng.

Đình Khinh Dao được xây dựng trên một khu đất cao ráo, rộng rãi, vuông vắn, tách biệt với khu dân cư. Cảnh quan của đình rất thoáng mát, trước đình là sân rộng, trước sân là giếng đình trồng hoa sen, hình vuông, nước trong mát quanh năm. Vào mùa sen nở, hương sen thơm ngát, điểm tô cho khu di tích nét đẹp êm ả, thanh bình của một vùng quê địa linh, nhân kiệt. 

Dao tương truyền được khởi dựng vào thế kỷ XVII, thuở ban đầu có kích thước, quy mô nhỏ. Năm 1752, được Tiến sĩ Phạm Đình Trọng xin nhà chè ở kinh đô về quê hương, nhân đó dân làng tổ chức làm đình mới có kích thước lớn hơn. Đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX, ông Lưu Văn Điềm đứng chủ hưng công tổ chức trùng tu, tôn tạo đình. Ông cho giữ nguyên hậu cung xây dựng thời Hậu Lê, mở rộng quy mô tiền tế đình, cho xây thêm tòa phương đình trước tòa tiền tế. Năm 2005, đình Khinh Dao được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2009, đình được nhà nước cấp kinh phí theo chương trình đầu tư phát triển cho di tích cấp quốc gia, với số tiền trên 10 tỷ đồng. Do vậy ngôi đình được trùng tu, tôn tạo lớn nhưng vẫn bảo tồn được các yếu tố gốc của di tích như ngày nay. 

Từ trục đường thôn rộng rãi trải nhựa bằng phẳng đi qua tả môn, hữu môn vào đình Khinh Dao. Tả môn, hữu môn kiểu nhất môn (một lối đi), có kiến trúc tương tự nhau, đăng đối qua sân đình. Tả môn, hữu môn xây kiểu dáng tam sơn, giữa cao hai bên thấp, giữa là cửa đi, hai bên xây tường kiểu cánh gà. Phần giữa phía trên nhất môn xây kiểu chồng diêm, mái đao cong, dán giả ngói lưu ly, hai bên có trụ đèn, ngoài cùng cánh gà là trụ nhỏ, thấp. Đỉnh các trụ đều đắp trang trí đèn lồng, riêng trụ lớn bốn mặt đèn lồng đắp tứ linh. Phần cổ diêm của cổng đắp trang trí cảnh lầu các, mây trời, thần tiên, núi non, cổ thụ. Trên các đao cong của mái, đắp hoa văn mây tụ, hoa lá, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc. Phần tường cánh gà ở giữa trổ hình ô voan, bên trong đặt hoa thoáng, hoa văn chữ triện cách điệu. Nhìn chung tả môn, hữu môn đình Khinh Dao kiến trúc độc đáo, trang trí, đắp vẽ đẹp, tạo những ấn tượng ban đầu cho du khách khi đến nơi đây. Sân đình khá rộng lát gạch đỏ. Án ngữ nơi tiếp giáp giữa sân đình và giếng đình là tắc môn (bình phong). Tắc môn nằm trên trục đường thần đạo, xây kiểu dáng như cuốn thư, phía ngoài cuốn thư có trụ biểu. Đỉnh cao nhất của tắc môn đắp hoa văn thoáng, hoa dây, chữ triện, lá giắt, hoa bò thấp xuống hai đầu. Hai đầu cuộn gấp của cuốn thư bên tả là đốc kiếm, bên hữu là bút, (có thể trùng tu đặt sai vị trí của biểu tượng này). Nền cuốn thư tạo hoa gấm, trong cuốn thư là bài thơ Đường luật theo thể thất ngôn, bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ) nhưng chữ đắp theo kiểu chữ Hán thể triện. Đây là một bức tranh chữ đẹp và quý hiếm, chữ theo thể thức triện ngày xưa chỉ có những vị Nho bút thiếp mới thể hiện được kiểu chữ này.

Trước nhà tiền tế và nằm trên trục thần đạo là tòa phương đình, tòa nhà được xây dựng đầu thế kỷ XX, như trên đã nêu. Theo truyền ngôn thời điểm đó ông Lưu Văn Điềm đứng chủ hưng công trùng tu đình Khinh Dao. Trước đó ông có vào kinh thành Huế. Trước khi vào điện chầu vua, ông đứng chờ ở phương đình, thấy kiến trúc phương đình đẹp và giá trị sử dụng có ý nghĩa, nên áp dụng xây thêm cho đình Khinh Dao. Phương đình làm bằng gỗ lim, kiến trúc chồng diêm nóc các, mái đao cong, lợp ngói mũi, lòng nhà thông thoáng không có phần bao che. Tòa phương đình, nền cao hơn sân đình 25 cm, kết cấu bốn cột trụ ở bốn góc, cột được kê trên chân tảng đá cao kiểu dáng chậu hoa khá đẹp. Kết nối đầu cột trụ là các xà lớn chắc khỏe, trên các xà dựng tiếp các trụ trốn, liên kết đầu các trụ trốn là các xà nhưng nhỏ hơn xà tầng dưới. Từ xà tầng hai dựng vỉ ruồi để đỡ mái. Các đầu dư của các xà đua ra ngoài đầu cột, đều chạm đầu rồng, rồng có mắt to lồi, miệng ngậm ngọc với râu tóc dài bay về phía sau. Phần cổ diêm bốn mặt đặt song tiện gỗ thoáng. Trên mái hai đầu bờ nóc đắp trang trí kìm ngậm bờ nóc, các góc đao cong đắp tổ hợp rồng chầu, diệp hóa rồng.

Tòa phương đình tạo thêm sự phong phú, độc đáo cho tổng thể công trình kiến trúc của đình Khinh Dao. Từ tòa phương đình bước tiếp vào trong là tòa tiền tế (còn gọi là đại bái), hai tòa nhà cách nhau khoảng hơn 1m. Tòa đại bái nền cao tương đương với tòa phương đình, bậc cấp từ sân bước lên đình chỉ còn hơn một bậc. Trước đây là ba bậc nhưng mặt bằng sân đã nâng cao nên bậc cấp đã bị thấp đi. Đình Khinh Dao có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, năm gian đại bái và ba gian hậu cung. Đại bái đình năm gian khá rộng, mái chéo đao tầu góc, lợp ngói vẩy rồng. Trên mái được trang trí đắp đề tài truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, khúc nguỷnh đắp con sô, đầu góc đao đắp tổ hợp rồng chầu phượng vũ, diệp hóa rồng. Mặt trước đình ba gian giữa cấu tạo ba gian cửa, cửa đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian sáu cánh. Phần chắn phong của ba gian cửa cấu trúc hệ thống song con tiện, tạo cho trong đình nhiều ánh sáng. Hai gian hồi, tạo kiểu cửa có ngưỡng khá cao, nhưng cửa là hệ thống song gỗ vuông được liên kết theo chiều ngang, chiều dọc với nhau, tạo thành các ô vuông. Các thanh gỗ vuông nối kết với nhau qua hệ thống mộng mang cá mập. Đây là dấu vết đặc trưng kiến trúc đình làng của thời Hậu Lê. 

Toàn bộ hệ thống khung chịu lực và phần đỡ mái đình Khinh Dao đều được làm bằng gỗ lim. Tòa đại bái bộ khung chịu lực gồm bốn bộ vì chính, vì cấu trúc bốn hàng chân cột. Các cấu kiện của kiến trúc to lớn hoành tráng, hàng cột cái có đường kính tới 60 cm, các cột quân đường kính 53 cm, cột phụ 30 cm. Toàn bộ hệ thống chân cột được kê trên chân tảng đá xanh. Tùy theo chân cột, các chân tảng có kích thước tương ứng như chân tảng của cột cái, đế đường kính 94 cm, cao 68 cm, mặt gương 65 cm. Chân tảng được tạo tác công phu dáng hình chậu hoa, thắt cổ bồng và được chạm nổi hoa văn rất đẹp. Cách tạo chân tảng cao kê cột có tác dụng bảo đảm cho chân cột dù qua thời gian và bị lụt lội nhưng không bị mục. Bốn bộ vì của tòa tiền tế cấu trúc tương tự nhau theo từng cặp và đăng đối nhau qua gian trung tâm của đình. Hai bộ vì gian trung tâm tòa đại bái, vì nóc cấu trúc kiểu chồng rường giá chiêng con nhị, các thanh rường kê lên nhau qua đấu vuông thót đáy. Vì nách cấu trúc kiểu chồng thước thợ, đuôi xà nách chạm nổi hoa văn vân, lá lật tụ hợp. Riêng phần đầu dư tạo hình đầu rồng, phần đuôi rồng thành thân rường của xà nách để đỡ hoành. Đầu, đuôi rồng được chạm khắc khá tinh xảo và mỹ thuật. Đầu rồng miệng ngậm ngọc, mắt lồi, râu dài bay thẳng về phía sau, râu phía dưới cằm kết bện với nhau kiểu vắn thừng, đuôi rồng chạm nổi uốn khúc, rõ vảy và vây. Đây là những đầu dư, cấu kiện kiến trúc được tạo tác thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII. Hai bộ vì gian bên của tòa đại bái cấu trúc tương tự như bộ vì gian trung tâm, nhưng đầu dư thay bằng nghé, các cấu kiện bào trơn đóng bén. Dưới các xà nách qua thời gian người ta đã phải gia cố kiểu con sơn bằng gỗ, để nâng đỡ hỗ trợ cho xà nách không bị sa xuống, tuy nhiên các con sơn được điêu khắc đẹp, nên không tạo cho cảm giác dư thừa, mặt khác tô thêm vẻ đẹp chung cho tổng thể công trình kiến trúc của đình. Các bảy hiên cũng được chạm bong kênh hoa văn đề tài mây cụm, lá thiêng hội tụ. Toàn bộ hệ thống vì của tòa đại bái được liên kết với nhau qua hệ thống xà đai, tạo dáng hình vỏ măng chắc khỏe.

Tòa hậu cung đình, hệ thống khung chịu lực gồm bốn bộ vì, vì hai hàng chân cột, cột quân được thay bằng tường bao che. Các bộ vì cấu trúc tương tự nhau, nhưng do mở rộng lòng gian nên cấu tạo kiểu xà quá giang ở đầu cột cái, trên quá giang dựng hai cột trốn và tạo ra một bộ vì khác ở trên, cấu trúc vì nóc hai thuận đỡ xà bụng lợn tạo giá chiêng, vì nách chồng thước thợ. Các cấu kiện kiến trúc của bộ vì được bào trơn đóng bén tạo dáng vỏ măng, soi chỉ cạnh và dáng má chai. Các bộ vì được liên kết chặt chẽ với nhau qua hệ thống xà đai chắc khỏe. Cấu kiện đỡ mái còn sót lại một số cây hoành tròn của thời Hậu Lê.

Nhìn chung phần hệ thống khung chịu lực của hậu cung là một sản phẩm sáng tạo của các nghệ nhân trong thiết kế biến cải cấu trúc bộ vì truyền thống, để đáp ứng theo yêu cầu mở rộng lòng công trình. Đây cũng có thể là hình thức tận dụng gỗ, từ bộ khung gỗ của nhà chè mà Ngài Phạm Đình Trọng xin từ kinh thành về cho địa phương làm đình. 

Đình Khinh Dao trải qua những năm tháng chiến tranh và sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng vẫn bảo tồn được một số di vật có giá trị về lịch sử văn hóa. Những di vật như: nhang án, bát biểu, ngai thờ, kiệu bát cống có niên đại đầu thế kỷ XX. Ngày nay địa phương đang từng bước kế thừa và phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ hội mà tiền nhân để lại

Đình Khinh Dao là công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô, kích thước lớn. Công trình mang dấu ấn của hai thời đại cuối Lê, đầu Nguyễn, trong gia công chế tác thể hiện sự sáng tạo biến cải những kết cấu kiến trúc truyền thống nhằm phục vụ cho công năng và sự bền vững của ngôi đình. Đình Khinh Dao có cảnh quan thoáng rộng, đẹp, nằm trong khu trung tâm văn hóa tâm linh tín ngưỡng của một vùng quê văn hiến. Bởi vậy, chắc chắn nơi đây sẽ là điểm thu hút những người yêu thích nghiên cứu lịch sử, văn hóa làng xã và nơi đến của du khách xa, gần.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke