ĐÌNH HOÀNG MAI, XÃ ĐỒNG THÁI, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình Hoàng Mai thuộc thôn Hoàng Mai, xã Đồng Thái, được mang tên chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình Hoàng Mai được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa của thành phố Hải Phòng năm 2014.


Đình Hoàng Mai thuộc thôn Hoàng Mai, xã Đồng Thái, được mang tên chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình Hoàng Mai được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa của thành phố Hải Phòng năm 2014. 

Hoàng Mai (黄 枚),theo Hán tự có nghĩa mở rộng là quê hương sang quý cùng những người cao thượng. Vùng đất và con người ở trang ấp Hoàng Mai được hình thành từ đời Hùng Vương thứ 18, bởi trong thần tích, thời đó Ngài Quý Minh (Thành hoàng làng) đã mang quân về đồn trú, bảo vệ vùng đất này. Nhưng do thiên tai, binh lửa chiến tranh, người dân đến tụ cư rồi lại di chuyển đi nơi khác, vì vậy đến đầu triều Lý, thế kỷ XI, Ngài Nguyễn Trung Thành, tướng quân của triều đình đã về quy tụ, tập hợp lưu dân xây dựng làng ấp ở nơi đây và ông đã đặt tên cho ba trang, trong đó có trang Hoàng Mai. Sau này, Nguyễn Trung Thành được người dân Hoàng Mai thờ làm Thành hoàng. Văn bia “Khởi công tu tạo cầu Nghênh Tiên” (gần cầu Rế ngày nay), dựng năm 1704, đã khắc ghi nhiều cá nhân, tập thể đóng góp công đức, trong đó có tập thể nhân dân xã Hoàng Mai. 

Đình làng Hoàng Mai thờ ba vị Thành hoàng: Quý Minh Đại Vương, Nguyễn Trung Thành và Phạm Tử Nghi. Theo thần tích, thần sắc làng Hoàng Mai được các vị chức sắc của làng khai báo về trên năm 1938, thân thế sự nghiệp của ba vị Thành hoàng được tóm lược như sau:

Vị Thành hoàng thứ nhất, Ngài Quý Minh Đại Vương. 

Ngài Quý Minh được vua Hùng Duệ Vương phong làm “Anh liệt Thái tể Đại tướng quân” chỉ huy đại binh đi dẹp Thục Phán. Ông mang quân binh về đạo Hải Đông (Hải Dương), đến các nơi trọng yếu ông đều lập đồn, tổ chức lực lượng phòng giữ chống giặc. Thời gian đó ông đến vùng đất Hoàng Mai, xã An Thử, huyện An Dương phủ Kinh Môn. Sau khi xem xét địa hình, thấy vùng đất bãi bồi ven sông, dân cư thưa thớt, ông phân nơi đây làm ba khu: Thượng khu, Trung khu và Hạ khu. Vị trí Hoàng Mai gần biển, nước thủy triều lên xuống, thuyền có thể vào neo đậu, cập bến, nên ông cho lập đồn binh để phòng bị từ xa. Sau đó, ông chọn trong ba trang được ba mươi tráng binh làm thủ túc. Mọi việc cắt đặt, bố phòng xong xuôi, ông dẫn quân, hợp với các đại quân khác giao chiến với giặc Thục. Quân Thục đại bại phải chạy về nước, đất nước thanh bình.

Vị Thành hoàng thứ 2, Ngài Nguyễn Trung Thành.

Nguyễn Trung Thành có tiên tổ nguyên quán ở đạo Sơn Nam Hạ, cao tổ ông lấy vợ người Cam Lộ, nên di cư về làng Cam Lộ, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Thân phụ của Nguyễn Trung Thành là Nguyễn Công Vượng, thân mẫu là bà Vũ Thị Hân người làng Cam Lộ. Năm ông 16 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Năm 24 tuổi, văn, võ của Nguyễn Trung Thành đã tinh thông. Thời gian đó, vua Lý Thánh Tông yết bảng tìm người hiền tài. Ông Thành về kinh ứng tuyển, ông thể hiện được tài năng xuất sắc, vua rất vui và nói: “Trời đã giúp ta nên đã sinh ra người tài giúp nước”. Vua ban phong cho ông chức Gián nghị Đại phu. Ông Thành làm việc rất cẩn trọng, lại có công tiễu trừ đạo tặc giữ yên vùng Đông Hải. Ông thấy vùng Kinh Môn, nạn binh đao làm người dân lao khổ, phiêu tán khắp nơi, nên ông tâu lên vua để lập lại bình yên tại nơi đây. Vua ban cho ông chức Chiêu phủ Kinh lược Đại sứ, phủ dụ phương dân. Ông lĩnh mệnh đến các nơi phủ dụ, giúp dân trở về xây dựng cuộc sống an cư lạc nghiệp. Tại xã Hoàng Mai, người dân phiêu tán khắp mọi nơi đến quá nửa làng. Ông đến đây kêu gọi, giúp đỡ mọi người trở về quê cũ, chiêu mộ thêm những người dân nơi khác tới, lo cho người dân bình yên sinh cơ, lập nghiệp. Ông chu cấp cho nhà ở, nhân công làm nhà, ruộng, vườn, trâu cầy cho người dân có phương tiện, ruộng đất sản xuất, quần áo, lương thực cho những người khó khăn, đói rét. Mọi người đều cảm ơn công đức to lớn của ông. Nhân dân nơi ông trị nhậm yên bình, no ấm, mọi người coi ông như là người thứ hai sinh ra mình. Người dân tâm niệm sau này khi ông hóa sẽ phụng thờ ông mãi mãi. Thời kỳ đó, Nguyễn Trung Thành đặt tên cho các hương ấp là Hoàng Mai, Song Mai và Tê Chử. Ngài còn lệnh cho người dân xây một ngôi chùa nhỏ mang tên chùa Phật Sinh (chùa Bụt Mọc), với mong muốn giữ được ý nghĩa hương ấp như được Phật cho hồi sinh. Mọi việc ổn thỏa Ngài về triều, vua rất vui mừng thưởng cho Ngài một pho tượng quý hình con voi. Sau đó hai năm, giặc Chiêm Thành sang xâm lược, vua thân làm tướng mang binh đánh giặc. Ông Thành được vua cử làm tướng tiên phong, đánh giặc ở mặt trước, vua dẫn binh đánh vu hồi, ứng chiến mặt sau. Giặc Chiêm đại bại, chúa giặc là Chế Củ bị bắt. Chế Củ xin chuộc tội chết bằng ba châu cho nước Đại Việt. Sau thời gian đó, có giặc Tống sang xâm lược, ông cùng Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Năm Giáp Thân niên hiệu Long Phù (1104), giặc Chiêm Thành lại sang xâm chiếm nước ta, vua cử Trung Thành cùng Lý Thường Kiệt đi thảo phạt, quân Chiêm bị đánh bại, phải chạy về nước. Thời gian chưa được bao lâu, Chiêm Thành mang quân sang đánh phá nước ta, nhà vua cử Trung Thành làm Đô Thống tiền quân mang đại binh tinh nhuệ thủy, bộ đánh giặc, quân giặc thua to phải lui quân. Sau một thời gian, quân Chiêm lại sang xâm lược đất nước ta, Trung Thành tiếp tục được vua cử mang quân đánh giặc, trong trận chiến ác liệt này, ông tả xung, hữu đột giữa vòng vây của quân thù. Quân Chiêm không thể nào bắt được ông. Sức cùng lực kiệt, kiên quyết không để sa vào tay giặc, ông đã tự tận, hôm đó là ngày 12 tháng 11. Quân Chiêm thấy ông là bậc tướng quân trung nghĩa, oai hùng, nên đã làm lễ an táng ông tại nơi gò đất cao ở Tràng Sơn. Vua Lý biết được tin ông hy sinh rất thương xót cho một bậc công thần trung nghĩa, đã ban phong sắc cho ông là “Trung thành Đại Vương”, ban chiếu trong thiên hạ nơi nào có thần tử của ông đều nghênh đón sắc phong về dựng đền miếu phụng thờ Ngài lâu dài. Dân làng Hoàng Mai biết tin Ngài hóa, liền lên kinh thành nghênh rước sắc về lập miếu thờ Ngài. Trải qua thời gian, Ngài đều linh hiển phù giúp nước, độ cho dân, nên được nhiều triều vua ban tặng sắc phong, gia tặng mỹ tự.

Vị Thành hoàng thứ 3, Ngài Phạm Tử Nghi.

Ngài Phạm Tử Nghi, danh tướng triều Mạc, thế kỷ XVI, Ngài người làng Niệm Nghĩa, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Ông có sức khỏe, nên được người đương thời gọi là ông Thiên Lôi. Trừ được voi dữ cho vua Mạc nên ông được ban chức tước và trở thành võ quan cao cấp của triều Mạc bằng thanh gươm trận. Sau này, do bất đồng quan điểm với nhóm cựu hoàng trong triều đình về việc đưa vua Mạc Phúc Nguyên mới 5 tuổi lên ngôi, ông đã mang quân ra ngoài cát cứ và có lần mang binh sang đánh Trung Quốc để đòi lại đất của ông cha bị người Trung Quốc chiếm giữ. Nhà Minh không kiềm chế được ông nên đã thúc ép triều Mạc ngầm giết hại ông. Theo thần tích, bè chở quan quách thủ cấp của ông từ Trung Quốc về nước Nam không ai đẩy vẫn đi về tận đến bến sông Niệm quê hương ông. Dân làng Niệm đêm được báo mộng đã rước về dựng lăng miếu thờ phụng. Ngọc phả chép, bè chở thủ cấp của ông trôi qua các bến sông, ở những nơi đó đều được người dân lập đền, miếu phụng thờ. Tương truyền, Ngài Phạm Tử Nghi thường hiển linh phù hộ cho người dân làm ăn trên sông nước và những nơi cửa biển, bến sông. Làng Hoàng Mai trước kia có nhiều kênh, lạch lớn chảy ra sông Lạch Tray, nơi ấy cũng có bến sông của dân làng để làm ăn, sinh sống. Bởi vậy, người dân làng Hoàng Mai vùng đất gần bến sông đã dựng ngôi miếu để thờ Phạm Tử Nghi, với mong cầu Ngài phù hộ, độ trì cho cuộc sống lao động lam lũ, bươn chải trên sông nước.

Đình Hoàng Mai trước kia là đại đình làm bằng vật liệu thiên nhiên, truyền thống, rất to lớn, nổi tiếng trong vùng. Theo các vị cao niên làng Hoàng Mai, cột cái của đình Hoàng Mai có đường kính tới 75 cm. Khoảng thời gian cách đây vài chục năm, do thời thế, một thời kỳ đình làng không có giá trị, văn hóa truyền thống bị mai một, nên làng bán ngôi đình đi để lấy tiền làm các công việc của làng. 

Đình Hoàng Mai hiện nay là công trình làm bằng vật liệu mới, bê tông cốt sắt. Đình có cấu trúc mặt bằng kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và ba gian hậu cung, trong đó có 1 gian cung cấm. Tòa tiền tế làm kiểu mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Hệ thống khung chịu lực gồm 4 bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột. Kết cấu vì nóc thuận chồng 2 con, vì nách thuận chồng 3 con. Trên các cấu kiện trang trí đắp lá guột mềm mại. Tòa cung cấm khung chịu lực cấu trúc tương tự như tòa tiền tế.

Hằng năm tính theo âm lịch, vào các tiết lệ người dân Hoàng Mai tổ chức kính lễ Thành hoàng tại đình làng. Nhưng vào dịp mùa xuân từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 2 là dịp lễ hội làng lớn nhất trong năm. Lễ hội tổ chức rước thánh từ đình ra các miếu, sau đó rước quanh làng rồi về đình để mở hội làng. Lễ rước rất linh đình, uy nghi. Nhiều lần rước thánh, kiệu thánh tự dưng chạy rất nhanh không ai đuổi kịp, dân gian gọi hiện tượng trên là kiệu thánh bay. Trong lễ hội, ngoài tế lễ dâng hương thánh, còn có rất nhiều trò chơi thi đấu mang tính dân gian, như: đấu vật, đi cầu thùm, chọi gà, hát ca trù, hát chèo sân đình... Ngày nay, người dân địa phương đang từng bước gạn đục, khơi trong, để kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ hội của tiền nhân để lại. 

Đình Hoàng Mai - công trình kiến trúc mới nhưng vẫn mang dáng vẻ của một ngôi đình với kiến trúc truyền thống. Đình Hoàng Mai là tượng đài cao quý để phụng thờ các vị Thành hoàng có công với dân, với nước. Ngôi đình chứng minh cho một chặng đường lịch sử trải dài hai ngàn năm của người dân Hoàng Mai. Đình Hoàng Mai là một địa điểm góp phần chứng minh từ thời Hùng Vương với nhà nước Văn Lang, người dân Hoàng Mai đã có công bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Ngôi đình là địa chỉ du lịch hấp dẫn trong tuyến tham quan du lịch về lịch sử văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng rất cổ xưa của xã Đồng Thái, cũng như của huyện An Dương.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke