ĐÌNH HỖ ĐÔNG - XÃ HỒNG PHONG - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình Hỗ Đông, thuộc thôn Hỗ Đông, xã Hồng Phong. Ngôi đình mang chính tên làng quê, nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh sinh ra nó. Đình Hỗ Đông nằm ở vị trí trung tâm của làng, cùng khuôn viên với hai ngôi miếu thờ thân mẫu và hai vị Thành hoàng làng. Đình Hỗ Đông được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014.


Đình Hỗ Đông, thuộc thôn Hỗ Đông, xã Hồng Phong. Ngôi đình mang chính tên làng quê, nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh sinh ra nó. Đình Hỗ Đông nằm ở vị trí trung tâm của làng, cùng khuôn viên với hai ngôi miếu thờ thân mẫu và hai vị Thành hoàng làng. Đình Hỗ Đông được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014. 

Hỗ Đông (鄠東), chính âm đọc là Hộ Đông, nhưng theo phương ngữ đọc chệch là Hỗ Đông. Hộ Đông (鄠東), theo Hán tự có nghĩa là làm chủ vùng đất quê hương của mình. Hỗ Đông vùng đất và con người được hình thành muộn nhất vào thời Ngô Vương Quyền, thế kỷ X. Bởi thời Hậu Lý thế kỷ XI, quê hương Hỗ Đông đã ổn định, trù phú nên sinh ra hai vị tướng, có nhiều công lao với nước, với dân, sau này hai ông được tôn vinh thành Thành hoàng làng Hỗ Đông. 

Theo bản thần tích, thần sắc làng Hỗ Đông, tổng Hà Nhuận, huyện An Dương, do chức dịch làng xã khai báo gửi về trên năm 1938, đình Hỗ Đông thờ hai vị Thành hoàng người địa phương là Tống Công Đại thần và Trì Sòi Đại thần. Thân thế, sự nghiệp của các Ngài được tóm tắt như sau: 

Hai Ngài là anh em song sinh vào ngày 10 tháng 11 năm Kỷ Mùi (1019). Người anh tên là Tống Công, người em tên là Trì Sòi. Từ nhỏ hai ông đã có ý chí hơn người, 8 tuổi đã thông suốt về kinh sử. Triều Lý Thái Tông (1028-1054), nhà vua tuyển hiền tài. Hai ông lúc đó 17 tuổi đã tham gia ứng thí. Hai ông trúng cách, ông Tống Công được vua phong chức Tả Trung Thư lệnh, ông Sòi Công được phong chức Hữu Trung Thư lệnh. Sau đó ba năm ở châu Quảng Nguyên có giặc Nùng Phúc làm loạn và còn tự lập quốc gia riêng, lấy quốc hiệu là “Trường Sinh Quốc”. Lý Thái Tông sai Tống Công đốc thúc việc quân lương, Sòi Công làm Tạo triều Phụ chính, cùng đi dẹp loạn. Giặc được dẹp tan, đất nước khải hoàn, vua phong tặng cho Tống Công chức Đô Thống, Sòi Công chức Nội Thị. Về sự kiện trên trong sách chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư – trọn bộ” (Nxb Thời Đại – 2013), trong mục “Kỷ nhà Lý”, trang 181 chép: “… Kỷ Mão năm thứ 6, (1039) mùa xuân, tháng giêng, thủ lĩnh Tây Nông là Hà Văn Trinh đem việc Tồn Phúc làm phản tâu lên. Trước đây, Tồn Phúc làm thủ lĩnh châu Thảng Do, em là Tồn Lộc làm thủ lĩnh châu Vạn Nhai, em trai là A Nùng, vợ của Tồn Phúc là Đương Đạo làm thủ lĩnh châu Vũ Lặc, đều thuộc châu Quảng Nguyên, hằng năm nộp đồ thổ sản. Sau Tồn Phúc giết Tồn Lộc và Đường Đạo, kiêm tính các đất, tiếm xưng là Chiêu Thánh hoàng đế, lập A Nùng làm Minh Đức Hoàng hậu, phong cho con là Trí Thông làm Nam Nha Vương, đổi châu ấy làm nước Trường Sinh, sửa sang binh giáp, đắp thành kiên cố để tự giữ, không nộp cống xưng thần nữa.

Tháng 2, vua tự làm tướng đi đánh Tồn Phúc, cho Khai Hoàng Vương giám quốc. Quân đi từ Kinh sư, qua bến Lãnh Kinh, có cá trắng nhảy vào thuyền. Đến châu Quảng Nguyên. Tồn Phúc nghe tin, đem cả bộ lạc, vợ con trốn nấp ở nơi núi Chằm. Vua cho quân đuổi theo bắt được bọn Tồn Phúc và Trí Thông 5 người, duy có vợ là A Nùng, con là Trí Cao chạy thoát. Sai đóng cũi bọn Tồn Phúc đem về Kinh sư, sai quân san phẳng thành, hào, chiêu dụ nòi giống còn sót, vỗ về, yên ủi rồi đem quân về…” 

Như vậy theo đoạn sử ký nêu trên, khi cùng vua Lý đi đánh dẹp giặc Nùng Phúc, hai ông Tống Công và Trì Sòi 20 tuổi. Sau chiến thắng trên, hai ông ở bên vua để giúp triều đình trong việc khai khẩn điền địa, phát triển sản xuất, làm đường giao thông, xây dựng trường học cho dân. Sau một thời gian, thân mẫu mất, hai ông xin vua về Hỗ Đông để cư tang mẹ. Sinh thời hai ông cũng đã giúp dân làng Hỗ Đông rất nhiều công việc hữu ích. Vào ngày 12 tháng Chạp, thời đó hai ông 74 tuổi, các ông qua đời. Ông Tống Công lên đỉnh núi mất, sau đó được mối xông thành mộ, ông Sòi Công mất và trở thành bông hoa sen nở trên ao. Từ đó, các ông được người dân lập miếu phụng thờ. Hai ông thường hiển hiện giúp dân, giúp nước; cầu mưa, được mưa, cầu việc gì được toại nguyện việc đó. Đến thời Trần, các Ngài âm phù giúp vua Trần giữ nước, yên dân, được vua Trần phong mỹ tự “Hộ quốc”. Đến niên hiệu Hưng Long, năm thứ 12 (1304), vua gia tặng “Anh liệt cảm ứng”. Niên hiệu Hồng Đức, năm thứ 2 (1471) vua dẫn quân đi đánh dẹp giặc Xiêm, Ngài qua làng Hỗ Đông vào bái yết miếu thờ các Ngài. Sau đó thắng trận trở về, vua ban phong mỹ tự “Tế thế, An dân”. Vua ra lệnh vào dịp xuân, thu nhị kỳ, hằng năm quan trên phải về tổ chức tế lễ tại miếu thờ các Ngài. Đến triều vua Thành Thái, năm đầu (1889), nhân dịp đăng quang lên ngôi, sắc phong, ban tặng cho Ngài Tống Công, “Hộ quốc tá thánh, Quả đoán, Thần uy chi thần” gia tặng là “Đoan túc, Dực bảo, Trung hưng linh phù chi thần”. Sắc tặng Ngài Sòi Công “Trí mộc, Chí đức Anh vũ, Thần đoán, Duệ triết chi thần” gia tặng là “Dực bảo, Trung hưng linh phù chi thần”. Niên hiệu Duy Tân, năm thứ 3 (1909), nhân dịp lễ đăng quang lên ngôi, nhà vua sắc phong, gia tặng duệ hiệu cho Ngài Tống Công là “Hộ quốc tá thánh, Quả đoán, Thần uy chi thần”. Ngài Sòi Công là “Dực bảo, Trung hưng, Anh phù, Trì Sòi chí đức, Anh vũ, Thần đoán Duệ triết chi thần”. Niên hiệu Khải Định, năm thứ 9 (1924), vua sắc phong, gia tặng cho Ngài Tống Công, Bản cảnh Thành hoàng là “Quang ý, Trung đẳng thần”. Ban sắc phong gia tặng cho Ngài Sòi Công là “Tĩnh Hậu Trung đẳng thần”. 

Đình Hỗ Đông tương truyền được khởi dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XIII. Sau một vài lần trùng tu, sửa chữa, năm 2021, được nhà tài trợ công đức lớn, đình được làm như hiện nay. Đình được khôi phục trên nền đất cũ, nhìn hướng Đông Nam, theo hướng ngôi đình xưa. Đình có mặt bằng kiến trúc chữ đinh, năm gian đại bái và ba gian hậu cung. Đình xây theo thức chéo đao tầu góc, vật liệu chủ yếu bằng bê tông cốt sắt. Tòa đại bái gồm ba gian chính và hai gian dĩ. Bộ khung chịu lực gồm bốn bộ vì, vì ba hàng chân cột (có cột hiên). Cấu trúc bộ vì kiểu vì kéo, giá chiêng, quá giang, không có cột quân, kẻ hiên. Hai gian dĩ trên các phần bưng của vì trang trí đắp vẽ rồng, mây, mai, trúc. Trên các cấu kiện của bộ vì, đắp điểm xuyết lá guột. Ba bộ vì tòa hậu cung tương tự như tòa đại bái, hệ thống cột quân được thay thế bằng tường bao che. Mái đình lợp ngói mũi, trên mái đắp trang trí những đồ án truyền thống như đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc. Đao cong của mái đắp trang trí rồng chầu, lân cưỡi mây, khúc nguỷnh đắp lân cưỡi mây nhìn về nhau. Các hình tượng rồng được đắp trang trí trên mái đình mang hình dáng rồng túi thời Lý, thế kỷ XI-XIII. Ý của nghệ nhân ngõa cùng dân làng Hỗ Đông muốn thể hiện những nét đặc trưng nơi thờ Thành hoàng là các vị danh tướng người quê hương vào triều Lý

Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử nên đồ thờ tự, tế khí của đình Hỗ Đông bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên hiện nay, đình vẫn còn bảo tồn được một cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa như: Một bát hương gốm men hoa lam, có đường kính miệng 33 cm, kiểu dáng hình trụ, niên đại tạo tác thế kỷ XIX. Một bát hương cao 19 cm, đường kính miệng 23 cm, chất liệu gốm, men mầu lam, có niên đại thế kỷ XIX. Long ngai, bài vị chất liệu bằng gỗ tốt, long ngai cao 80 cm, rộng 50 cm, dài 55 cm, bài vị cao 80 cm, rộng 30 cm. Long ngai, bài vị có niên đại tạo tác thế kỷ XIX.

Đình Hỗ Đông là di tích lịch sử văn hóa, nơi gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương, hồn cốt của một vùng quê. Ngày nay địa phương đang từng bước khôi phục, kế thừa, phát huy những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của tiền nhân để lại. 

Đình Hỗ Đông cùng với di tích chùa Thiên Mụ, ngôi chùa chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử, sẽ tạo nên một quần thể di tích hấp dẫn đối với du khách và các nhà nghiên cứu về một vùng quê đã có danh tiếng cách đây hàng ngàn năm. 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke