ĐÌNH HÀNG KÊNH - THỜ ANH HÙNG DÂN TỘC NGÔ QUYỀN

11 03 2023

in trang

Đình Hàng Kênh được khởi dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, trải hơn 300 năm, đình vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn công trình kiển trúc gỗ to lớn, bề thế, được lát ván sàn; trong đình còn bảo tổn được hàng trăm mảng chạm khắc gỗ tinh xáo, với đề tài chủ đạo long - phượng, Đã đưa Đình Hàng Kênh trở thành một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc sống động, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

Ở Hải Phòng, vùng đất ven biển phía Đông Bắc của Tổ quốc, ít nhất từ thời Lê Trung Hưng trở đi, mỗi làng, xã người dân đều dựng Đình làm ngôi nhà chung của cộng đồng, là nơi tôn thờ một hay nhiều vị thần làm Thành hoàng làng. Xưa, qua bàn tay tài hoa của người thợ dân gian Hải Phòng, rất nhiều ngôi đình đã được dựng có giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay nhiều đình làng chỉ còn đọng lại trong ký ức của người dân mà thôi. Xong, với 45 ngôi đình được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có những ngôi đình rất nổi tiếng được mọi người biết và nhắc đến như Đình Kiền Bái, Đình Hàng Kênh, Dư Hàng Kênh, Đình Nhân Mục, Cung Chúc, Quán Khái. .... Cũng đủ cho chúng ta tự hào về một nền kiến trúc điêu khắc đình làng truyền thống ở vùng đất Hải Phòng.

Trong vườn hoa đậm bản sắc dân tộc đó, đình Hàng Kênh nổi lên như một bông hoa đẹp về hình khối kiến trúc, đậm sắc hương về nghệ thuật chạm khắc.

Đình Hàng Kênh tôn thờ Ngô Quyền làm thần chủ - Thành hoàng bảo trợ cho dân làng Hàng Kênh. Ông là anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược Nam Hán. Với tài thao lược, ông đã cùng các tướng sĩ bố trí trận địa cọc, nhấn chìm quân thù xuống dòng sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho quốc gia Đại Việt.

Đình Hàng Kênh được khởi dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, trải hơn 300 năm, đình vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn công trình kiển trúc gỗ to lớn, bề thế, với hệ thống ván sàn lòng thuyền hiếm có, đưa Đình Hàng Kênh trở thành một kiến trúc tiêu biểu trong các ngôi đình Việt Nam. Trong đình còn bảo tồn được hàng trăm mảng chạm khắc gỗ tinh xảo, với đề tài chủ đạo long - phượng, đã đưa Đình Hàng Kênh trở thành một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc sống động, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

Với những giá trị kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc, đình Hàng Kênh được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngay từ đợt đầu, năm 1962.

I. Sông Bạch Đằng - Chứng nhân lịch sử hào hùng của dân tộc

Sông Bạch Đằng nằm ở phía Đông Bắc Hải Phòng, bên tả là tỉnh Quảng Ninh, bên hữu là huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng, dài khoảng 42km tính từ Đầm De, xã Lại Xuân đến cửa Nam Triệu.

Từ xa xưa, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về giao thông. Thời Bắc thuộc, nhiều thuyền buôn Trung Quốc đã đi vào sông Bạch Đằng để buôn bán với Giao Châu. Ở các triều đại Lý, Trần đến Lê, Nguyễn, sông Bạch Đằng là một trong những tuyến thông thương quan trọng. Nhưng mặt khác, từ thời Cổ trung đại, kẻ thù xâm lược là các đế chế phong kiến Trung Quốc cũng đã lợi dụng sông Bạch Đằng như một con đường xâm lược thuận tiện nhất về mặt đường thủy. Từ Trung Quốc đến các bến cảng ở Châu Khâm, Châu Liêm, thủy quân có thể vượt qua Vịnh Bắc Bộ theo đường biển vào cửa sông Bạch Đằng để lên dòng Lục Đầu Giang vào kinh thành Thăng Long, rồi xuôi xuống Nam, ngược lên Bắc rất thuận lợi. Ở nước ta, các sử gia từ thời Nguyễn đã nhận định: Sông Bạch Đằng là nơi có tiếng thứ nhất trong những chỗ xung yếu, các đời phần nhiều lập nên chiến công ở chỗ này vào nước ta không chỉ người phương Bắc, sông này là chỗ cổ họng. Thực tế lịch sử đã cho thấy nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược, quân và dân Đại Việt đã lợi dụng địa thế hiểm yếu của sông Bạch Đằng để vùi xác quân thù xuống lòng sông lịch sử này.

Từ một dòng sông bao la hùng vĩ, sông Bạch Đằng đã đi vào lịch sử dân tộc như một dòng sông của những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chiến công lớn đầu tiên diễn ra trên sông Bạch Đằng là trận đánh tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán vào cuối năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo.

II. Anh hùng dân tộc Ngô Quyền

 

* Quê hương:

Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết, Ngô Quyền quê ở làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Xứ Đoài. Đường Lâm vốn là một vùng đất cổ, xưa thuộc đất Kẻ Mía, vùng bán sơn địa nằm ở phía Đông Bắc thị xã Sơn Tây.

* Thân thế:

Theo một vài tư liệu ghi chép ở trên, Đường Lâm là quê hương của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Nội dung bản thần tích lưu giữ tại đình Cấm tức đình Gia Viên, quận ngô Quyền Hải Phòng ghi rõ: Ngô Quyền sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, đời đời làm quan ở đất Đường Lâm. Tương truyền ông tổ bốn đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân, người đã chiêu mộ hàng trăm thủ hạ theo Triệu Quang Phục tiếp tục sự nghiệp anh hùng của Lý Bí chống quân Lương. Ông lập nhiều chiến công được phong làm Thổ Tù và được cha truyền con nối chức tước.

Cha Ngô Quyền là Ngô Mân làm Châu mục châu Đường Lâm. Thần tích Đình Gia Viên ghi chép cụ thể Ngô Quyền sinh 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ ngay từ nhỏ, ông tỏ ra là một người trí dũng song toàn. Ông vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp, có chí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên. Thuở nhỏ ông sống ở quê với cha mẹ và được cha dạy cho thuật bắn cung nỏ, sử dụng gươm giáo, các điều bí mật về binh pháp. Ngô Quyền lớn lên trong lúc đất nước vừa mới giành được quyền tự chủ. Ông đã tiếp nối đời cha ông về việc khẳng định quyền tự chủ, kiên quyết dành và giữ nền độc lập dân tộc. Ông sớm bộc lộ tài năng kiệt xuất và đã trở thành một vị tướng tài được nhân dân kính mến, quân sĩ khâm phục.

* Sự nghiệp anh hùng

Ngô Quyền càng ngày nổi lên như một hào trưởng hùng mạnh của vùng Giao Châu khiến cho Dương Đình Nghệ, người hào trưởng đứng đầu vùng Châu Ái mến phục và đã mời Ngô Quyền về làm nha tướng cho mình. Gửi gắm nhiều hy vọng ở người hào trưởng đất Đường Lâm, ông đã gả con gái yêu của mình là Dương Phương Lan cho Ngô Quyền. Sau lại giao cho trấn giữ Châu Ái, vùng đất quê hương phên dậu của họ Dương. Còn Dương Đình Nghệ tiến quân ra đánh thành Đại La, Tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc, củng cố chính quyền và xưng là Tiết độ sứ.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị viên thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ.

Tháng 10 năm 938, Ngô Quyền nghe tin chủ soái Dương Đình Nghệ bị giết hại đã đem quân từ Ái Châu ra tiến đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn tự thấy thế cô, lực yếu bèn cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán bây giờ là Lưu Cung nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi bàn giao cho con trai là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ thống lĩnh đại quân nhằm đánh chiếm nước ta dưới chiêu bài cứu giúp Kiều Công Tiễn. Còn Lưu Cung tự mình chỉ huy một cánh quân tiến sâu đến đóng ở sát vùng biên giới nước ta để làm kế thanh viện, tiếp ứng cho Hoằng Tháo khi cần thiết.

Trước nguy cơ họa xâm lăng của nhà Nam Hán, Ngô Quyền, đại diện chân chính của dân tộc ta lúc đó đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết, quy tụ mọi nguồn sức mạnh của đất nước, kiên quyết và khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến cứu nước. Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông vượt biển sang xâm lược nước ta. Là một viên tướng trẻ, hung hăng nên chủ quan khinh địch, vội vàng thúc đại quân tiến thẳng về phía cửa biển Bạch Đằng.

Sau khi tiêu diệt xong tên phản bội Kiều Công Tiễn, chiếm lại được thành Đại La, Ngô Quyền đã gấp rút kéo lại quân xuống vùng cửa biển Bạch Đằng, nơi quân giặc Nam Hán sẽ tiến vào nước ta. Sau khi khảo sát trận địa ở vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã lựa chọn kế sách mà Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi chép lại là: “Hoàng Tháo là một đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt. Lại nghe Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe, địch với quân mỏi mệt. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn, đầu bịt sắt, cắm ngầm trước ở cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước chiều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không còn cách nào ra thoát”. Đó là kế hoạch đánh giặc kiên quyết, mưu trí, giàu sức sáng tạo và đầy lòng tự tin. Chính Ngô Quyền đã khẳng định điều đó với tướng lĩnh của mình và ông bèn cho dựng lên trận địa cọc ấy để đón đánh quân thù.

Ngày 31 tháng 12 năm 938, Hoằng Tháo tiến quân vào sông Bạch Đằng, nơi có trận địa cọc đã dựng sẵn, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi thủy triều bắt đầu rút, đầu cọc bịt sắt nhô lên, Ngô Quyền bèn huy động toàn lực tiến quân ra đánh với sự dũng cảm và sáng tạo của các binh tướng tài năng như Nguyễn Tất Tố, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, người con cả là Ngô Xương Ngập. Quân Nam Hán trước, sau đều bị trận đánh quyết liệt. Các thuyền va phải cọc sắt chìm đắm vô số. Hoằng Tháo và đội quân xâm lược Nam Hán đã bị vùi xác xuống sông Bạch Đằng. Cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Nam Hán đã hoàn toàn thất bại. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng Ngô Quyền đã kết thúc thắng lợi rực rỡ.

Trong khí thế bừng bừng của chiến thắng, đầu mùa xuân năm sau, năm 939, Ngô Quyền kéo đại quân trở về Cổ Loa. Ông quyết định đóng đô ở đây để tỏ ý tiếp tục sự nghiệp dựng nước của An Dương Vương nước Âu Lạc xưa. Khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc vừa giành lại được sau hơn 10 thế kỷ đấu tranh Bắc thuộc. Tại Cổ Loa, Ngô Quyền quyết định bỏ chức tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc và tự xưng vương, đặt ra các chức quan văn, võ, quy định các lễ nghi trong triều và sắc phục của quan lại các cấp.

* Ngô Quyền trong tiềm thức nhân dân thành phố Hải Phòng:

Dưới ngọn cờ của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, nhân dân các làng xã ở Hải Phòng, đặc biệt là những địa phương ông đã từng đến trước mộ quân sĩ, khảo sát trận địa, tập kết quân lương, bố trí mặt trận tiền phương đóng đại bản doanh và nhất là nơi diễn ra trận thủy chiến năm 938 đều suy tôn Ngô Quyền là Đức vua có công lớn. Chính vì vậy cho đến tận ngày nay dù đã trải qua hơn 1000 năm xong hình ảnh của vua Ngô Quyền, Các tướng lĩnh vẫn luôn hiển hiện rất rõ nét ở trên vùng đất này. Đó chính là hệ thống các di tích thờ Đức Ngô Vương và hàng loạt các lễ hội rất nổi tiếng được tổ chức hằng năm để kỷ niệm về chiến thắng Bạch Đằng cũng như Ngô Quyền. Các triều đại phong kiến đều có những ghi chép cũng như ban sắc phong, cho phép nhân dân các làng, xã ở Hải Phòng lập đền, miếu để tôn thờ Đức vua. Đạo sắc phong của triều vua Tự Đức thứ 6, phong cho 17 xã ở vùng An Dương xưa nay thuộc các quận, huyện An Dương, Hải An, Lê Chân, Ngô Quyền của thành phố Hải Phòng.

Trong hệ thống các di tích tôn thờ Đức Ngô Quyền ở Hải Phòng có một điều hết sức đặc biệt là quy mô kiến trúc phần lớn đều đồ sộ và nay gần như còn được giữ gìn nguyên vẹn. Điều đó đã thể hiện sự biết ơn sâu sắc của các tầng lớp, các thế hệ người dân Hải Phòng đối với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 nói chung và lòng thành kính đối với Đức Ngô Quyền nói riêng.

Trong số các di tích ấy, Đình Hàng Kênh thuộc phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng là một di tích đặc biệt. Điều dễ dàng nhận thấy là quy mô kiến trúc to lớn, nghệ thuật điêu khắc sống động, tinh xảo được bảo tồn nguyên vẹn và niên đại xây dựng được xác định là rất sớm ở Hải Phòng. Đây không chỉ là nơi tôn thờ Đức Ngô Vương mà còn là một địa điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn. Hằng năm có hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm vẻ đẹp của một kiến trúc cổ kính bậc nhất Hải Phòng.

 III. Kiến trúc nghệ thuật Đình Hàng Kênh

Di tích Đình Hàng Kênh là một tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục chính như: Nghi môn, Sân, tả vu, hữu vu, tiền tế và hậu cung. Ngoài ra trong khuôn viên đình còn có hồ bán nguyệt ở phía trước, văn từ và một số hạng mục phụ trợ như Nam môn, Bắc môn.

* Hướng của đình

Đình Hàng Kênh hướng Tây, hướng được cho là khá phù hợp với quy luật đối đãi của âm dương. Người xưa quan niệm rằng, mặt trước của di tích thuộc Dương quay về hướng Tây, tay trái ở hướng Nam, tay phải ở hướng Bắc, lưng hướng về phía Đông như vậy mọi hướng đều hợp. Theo hướng này thần gần dân và ban phúc thường xuyên cho người dân. Đây là hướng đắc địa của người làng bằng cách chọn để dựng đình.

*Nghi môn:

Theo thứ tự từ ngoài vào trong, ngay sau hồ bán nguyệt là Nghi môn xây gạch, gồm hệ thống ba cửa: cửa chính và hai cửa phụ. Đây là sản phẩm kiến trúc của giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Độ mở của cửa chính được giới hạn bởi hai cột đồng trụ, với chiều cao tính từ chân trụ lên đỉnh trụ là 5,24m, khoảng cách giữ hai trụ rộng là 4,8m. Trụ Nghi môn được chia thành ba phần rõ ràng: chân trụ, thân trụ, đình trụ. Lớp ngoài chân trụ được đắp thành khối bằng vật liệu vữa xi măng, với nhiều đường gờ/chỉ nổi và dật cấp nhiều tầng. Thân trụ là khối hình hộp chữ nhật, bên ngoài đắp thành khung bằng các gờ chỉ nổi. Bên trong những khung này đắp nổi các vế câu đối chữ Hán, với nội dung ca ngợi thắng lợi vẻ vang trận Bạch Đằng lịch sử và tài đức của bậc Đế vương – Thành hoàng làng được tôn thờ trong đình với việc đặt nền chính thống cho quốc gia sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.

Đỉnh trụ gắn đôi Nghê đắp bằng vữa xi măng, trong tư thế ngồi chồm về phía trước, nhìn xuống đường vào cửa chính như kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương, Nghê được coi là con vật thiêng, với sức mạnh của vũ trụ, có khả năng bảo vệ cửa Thánh, chống lại mọi thế lực xấu xa u tối.

Hai cửa phụ của Nghi môn được xây dựng theo dạng vòm cuốn, cao 3,3m, rộng 1,7m, Với mái dạng long đình, bốn mái đao cong. Diềm mái đắp trang trí hoa lá và hoa văn chữ triện chạy bốn xung quanh.

Như vậy có thể thấy, ngoài chức năng phục vụ đi lại, nghi môn Đình Hàng Kênh còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Có thể coi đây là ranh giới phân định giữa đạo và đời, giữa thế giới thần linh và cuộc sống trần gian. Theo đó, trước cõi tâm linh, con người phải giũ bỏ hết bụi trần và ham muốn dục vọng của cuộc sống thường ngày, rồi kính cẩn bước vào miền đất thánh thần đang ngự trị.

Qua Nghi môn là một khoảng sân rộng, lát gạch Bát Tràng truyền thống. Đây được coi là không gian thiêng, nơi con người đã trút bỏ mọi lo toan, suy tính đời thường để bước vào tòa tiền tế hành lễ, hướng về Thành hoàng.

*Tòa tiền tế:

Trong nhận thức chung của người Việt xưa, mọi kiến trúc gắn với tín ngưỡng, tôn giáo thường mang từ cách trung tâm tầm thế giới: mái là trời, không gian trong nhà là nơi con người tiếp cận với thần linh, tầng dưới nền, sàn tức cõi âm. Có lẽ ý nghĩa văn hóa của kiến trúc Đình Hàng Kênh không nằm ngoài nhận thức chung này.

Bộ mái của tòa tiền tế bốn mái được kết cấu theo dạng thức “Tàu đao chéo góc” với các lá mái chạy xung quanh giao nhau ở âu tàu, tạo thành bốn đầu đao cong vút, như luôn nâng bổng cả kiến trúc lên. Trên bốn đầu đao đắp tổ hợp long, phượng, nghê đã góp phần làm giảm bớt sự nặng nề của bộ mái, tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát cho kiến trúc.

Tiền tế có bố cục mặt bằng hình chữ Nhất nằm song song với hậu cung. Nối giữa tiền tế và hậu cung là tòa ống muống. Không gian ba tòa này liên thông với nhau tạo nên một tổng thể kiến trúc có mặt bằng hình chữ Công. Đây là dạng thức bố cục kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Theo khảo sát và đo đạc, tiền tế có chiều dài 28,99m. Lòng nhà rộng 10,25m, chiều cao của tòa này tính từ chân cột tới thượng lương (xà nóc) là 8,25m.

Trong tổng số 40 cột, có 12 cái cột cái, 20 cột quân và 8 cột phụ. Cột cái tòa tiền tế có chiều cao 5,66m, đường kính 0,6m, cột quân cao 3,79m, đường kính 0,5m.

Tiền tế gồm 7 gian, với kết cấu đỡ hoành mái của tòa tiền tế gồm 8 bộ vì, gác trên 4 hàng cột. Trong lòng có hệ thống bán sàn gỗ, trừ khu vực gian giữa.bốn mặt của kiến trúc được bao che bằng cách gỗ lim. Như vậy, nội thất được che chắc chắn trước mưa bão, nắng gió, cách biệt hoàn toàn với không gian bên ngoài.

*Tòa ống muống:

Kiến trúc này có bố cục dọc, nối liền tòa tiền tế với tòa hậu cung. Kết cấu chịu lực của ống muống có bốn bộ vì chia tòa này thành ba gian. Không gian bên trong của tòa ống muống được sử dụng làm nơi đặt đồ thờ tự, gồm long đình, bát bửu, sập thờ, nhang án.

Hệ thống bao che của tòa ống muống được kết cấu dưới dạng “thượng song hạ bản”, để mộc, không trang trí hoa văn. Lòng tòa ống muống thông với gian lòng thuyền của tòa tiền tế, nên không có hệ thống bán sàn, mà được lát gạch giếng đáy. Hai bên tòa này có hệ thống ván sàn, nơi có các cửa phụ để thông với tòa hậu cung và tòa tiền tế.

Về ý nghĩa văn hóa kiến trúc, tòa ông muống mang tư cách là cầu nối quan trọng giữa “đạo và đời”, giữa “người và thần” để thỏa mãn nhu cầu thông linh, cũng như mọi khát vọng trần gian và cuộc sống hằng ngày. Để bước vào thế giới linh thiêng, con người phải giũ bỏ mọi dục vọng tầm thường và bụi tạm trần gian, thì mới có thể cầu mong được Đức thánh phù hộ cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đây là kiến trúc cuối cùng của trục thần đạo, nằm song song với toàn tiền tế và vuông góc với tòa ống muống.

Hậu cung dài 10,25m, rộng lòng nha 7,6m, cao 8,25m. Khoảng rộng giữa các gian có sự khác biệt. Trong đó gian giữa rộng 4,25m, hai gian bên rộng 3m. Cả tòa hậu cung có 25 cột: bốn cột cái, 14 cột quân, 5 cột phụ.

Kết cấu khung đỡ mái của hậu cung gồm bốn bộ vì được kết cấu theo dạng thức vì bốn hàng chân cột. Bốn bộ vì tạo thành ba gian. Hai bộ vì gian giữa được làm theo thể thức giống nhau, với vì nóc dạng “biến thể chồng rường giá chiêng con nhị”, được để mộc hoàn toàn, giống như vì nóc của tòa tiền tế. Con rường trên cùng được tạo theo thức rường bụng lợn, làm nhiệm vụ đỡ thượng lương (xà nóc). Điểm đầu của con rường được khoét các ổ để đỡ hoành mái. Các vì nách đều được kết cấu theo dạng thức “chồng rường cột trốn”.

Hai bộ vì hai gian bên phải với vì nóc được kết cấu theo dạng “kèo suốt quá giang”. Để mở không gian cho hai gian bên, những người thợ dân gian đã bố trí bộ vì không đặt trên đầu cột chính, mà đặt trên hai đầu cột trốn và bộ vì nách được đặt nằm ngang, theo đó việc đi lại từ hai cửa phụ vào hậu cung trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.

Hầu hết các cấu kiện kiến trúc trong tòa hậu cung đều được để mộc, không trang trí hoa văn. Việc để mộc như vậy đã tạo cho không gian thờ thần trở nên giản dị hơn, làm nổi bật, tạo sự thiêng liêng chọn nơi đặt khám và tượng thờ Đức Ngô Vương Quyền bên trong tòa hậu cung.

Trong các đề tài chạm khắc tại Đình Kênh, còn xuất hiện một số mảng chạm thể hiện một đao phát sáng ở trung tâm với bốn đọt măng như đuôi rồng, được đặt cân đối ở hai bên. Với hình thức thể hiện này, đao phát sáng như được đồng nhất với nguồn sinh lực vô biên của tầng trên truyền xuống tầng dưới để bật lên những mầm sống, thỏa khát vọng nhân sinh.

Các đề tài chạm khắc tại Đình Hàng Kênh rất phong phú và đa dạng, ngoài những đề tài quen thuộc, cá chép và nhiều loại hoa lá. Trong một thế giới linh thiêng như vậy, hình ảnh con trâu, con cá làm cho các hoạt cảnh điêu khắc tại Đình trở nên gần gũi, gắn liền với cuộc sống thôn dã người Hàng Kênh.

 

IV.Một số hiện vật tiêu biểu của Đình Hàng Kênh

Đình Hàng Kênh không chỉ là một kiến trúc quy mô, được xây dựng vào loại sớm nhất ở Hải Phòng, mà còn là một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc sống động, với nhiều tác phẩm nghệ thuật chạm gỗ và đồ thờ tự đẹp, quý hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc. Dưới đây chúng tôi xin được giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu trong đình:

* Tượng Ngô Quyền:

Tượng khoác áo long cổn, đội mũ cánh chuồn. Trên long cổn chạm nổi đề tài “hổ phù long vân”, mũ chạm nổi đề tài “lưỡng long chầu nguyệt” và điểm xuyết những bông cúc mãn khai.

Tượng đặt trong khám thờ hậu cung, ngồi trên long ngai. Khuôn mặt vuông chữ điền toát lên vẻ quắc thước, đôi lông mày lưỡi mác, mắt sáng, tay to, môi đỏ, da trắng, có râu cầm và ria mép. Tất cả toát lên vẻ đẹp hình ảnh của bậc chính nhân quân tử nhưng cũng rất gần gũi và hiền từ.

Căn cứ phong cách nghệ thuật trang trí và tạo tượng, bước đầu chúng ta có thể đoán định, pho tượng này được tạc vào khoảng thế kỷ XIX.

*Khám thờ:

Đặt trong hậu cung của đình, gồm hai phần: Khám và y môn phía trước. Kết cấu khám là một khối hình chữ nhật đứng, bên trong đặt tượng Ngô Vương.

*Tượng phỗng:

Trong hậu cung Đình Hàng Kênh hiện còn hai pho tượng sống quy, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỉ XVIII. Pho bên trái được tạc trong tư thế hai tay nâng chén. Pho bên phải được tặng trong tư thế hai tay nâng ngâm rượu. Cả hai pho đều có dáng bụng phệ, để trần, khuôn mặt ngộ nghĩnh, miệng cười hé môi, sống mũi cao, mắt sâu, mở to, gò má nhô cao. Tượng có chiều cao 68cm được đặt trên bệ gỗ có kích thước (30 x 35 x 5) cm.

*Đôi Nghê gỗ:

Được tạo tác với thân hình gầy guộc, bụng và ngực lép, xương cẳng chân nổi rõ. Đổi nghê trong dáng ngồi, hai chân trước đặt lên mua bàn chân của hai chân sau, mồm ngậm viên ngọc, mắt hướng thẳng về phía trước tìm ẩn một sức mạnh siêu nhiên. Trong trường hợp này, nghê là con vật có chức năng bảo vệ cửa thánh, được thổi hồn thiêng, thành con vật kiểm soát tâm hồn của những kẻ hành hương.

Phần đầu của nghê được tạc với mồm trâu, mũi sư tử, trán lạc đà, tai thú... trông rất gần gũi, thân thuộc với những con vật đời sống hằng ngày của người nông dân.

*Long đao gỗ:

Đình Hàng Kênh hiện còn lưu giữ được nhiều long đao và kiếm thờ được liệt vào hàng cổ vật. Trong đó tiêu biểu là đôi bảo đao có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XVII.

* Tượng voi, ngựa:

Có niên đại vào khoảng thế kỷ XIX, đều được tạc bằng gỗ đứng trên xe đẩy. Hai bên trục dọc xe đẩy được đéo tắt hình giống cách điệu, với bốn đầu rồng ở bốn góc. Tượng ngựa sơn màu trắng, tượng voi xanh màu đen, kích thước hai con vật này to như thật và được đặt chầu vào gian chính giữa.

*Kiệu bát cống:

Kiệu bát cống của đình gồm 4 thanh đòn chạm khắc thành 4 con rồng. Trên lưng của tay đòn đó, đỡ đầu và đuôi của 2 thanh giằng ngang là 2 con rồng khác. Hai thanh giằng ngang lại đội đầu và đuôi của 2 đòn lớn khác. Cả 8 con rồng thân kiểu đều được chạm trong tư thế đang bay lên, tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cả cỗ kiệu. Trên lưng hai con rồng lớn nhất có một chiếc ghế tựa dạng ngai vua. Hai bên tay ngai là 2 con rồng đang bay ra phía trước, quấn thân rồng là những dải mây. Kiệu rồng đỡ ngai là một đặc trưng của việc thờ nam thần. Khi rước trên ngai này thường đặt bài vị thành hoàng Ngô Quyền. Toàn thân kiệu được sơn son thếp vàng lộng lẫy, được đặt ở gian thứ 2 bên hữu tòa tiền tế. Qua nghệ thuật trang trí và phong cách tạo tác, có thể đoán định, bộ kiệu có niên đại thời Nguyễn, vào khoảng thế kỷ XIX.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke