Đình Hàn Cầu, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên
04 01 2024
in trang
Đình Hàn Cầu nằm trên địa bàn thôn 7, làng Hàn Cầu, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đình có diện tích rộng 2.760m2, được xây dựng vào thế kỷ XI, thời vua Lý Thái Tông (1028-1054), qua nhiều lần tu sửa có quy mô và kiến trúc như ngày nay. Tương truyền, vì ngày xưa dân làng có cho dựng một cây cầu nhỏ bắc qua sông Hàn (nhánh nối sông Kinh Thầy và Đá Bạch) nên thôn được gọi là thôn Hàn Cầu (tức cầu bắc qua sông Hàn), đình làng từ đó cũng có tên là đình Hàn Cầu. Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố vào năm 2005.
DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH HÀN CẦU, XÃ CHÍNH MỸ, HUYỆN THỦY NGUYÊN
Đình Hàn Cầu nằm trên địa bàn thôn 7, làng Hàn Cầu, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đình có diện tích rộng 2.760m2, được xây dựng vào thế kỷ XI, thời vua Lý Thái Tông (1028-1054), qua nhiều lần tu sửa có quy mô và kiến trúc như ngày nay. Tương truyền, vì ngày xưa dân làng có cho dựng một cây cầu nhỏ bắc qua sông Hàn (nhánh nối sông Kinh Thầy và Đá Bạch) nên thôn được gọi là thôn Hàn Cầu (tức cầu bắc qua sông Hàn), đình làng từ đó cũng có tên là đình Hàn Cầu. Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố vào năm 2005.
Đình thờ Đức thánh Thiên Tích Diệu Hoằng Cơ Cán Hộ Quốc Đại Vương, ngài có tên húy là Hoàng Uy. Căn cứ thần tích về các vị thành hoàng trang Dưỡng Chính do Nguyễn Bính - Hàn lâm Đại học sĩ cho biết: thế kỷ XI, ở trang Dưỡng Chân (tên gọi khác của trang Dưỡng Chính), tổng Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương có hai vợ chồng họ Hoàng, người chồng là Hoàng Nghiêm, vợ là Nguyễn Thị Xuyên gia cảnh thanh bần, nổi tiếng là người nhân từ, đức độ được mọi người kính trọng.
Vào năm Quý Sửu, ngày mùng 03 tháng Mười một, giờ Mão sinh hạ được 2 người con trai đặt tên là Hoàng Uy và Hoàng Tế. Đến năm Ất Mão, ngày 18 tháng Hai lại sinh đôi được một trai một gái, người con trai lấy tên là Hoàng Thiện và người con gái là Hoàng Trinh Nương. Ba anh em họ Hoàng lớn lên đều thông minh, tuấn tú, riêng cô em út có nhan sắc, tài trí hơn người.
Khi giặc Chiêm xâm lược nước ta, đích thân vua Lý Thái Tông đã trực tiếp đem quân đi đánh giặc. Khi nhà vua đi ngang qua trang Dưỡng Chính thấy 4 anh em họ Hoàng là người tài đức, nên đã cho gia nhập vào đội quân, cô em út Hoàng Trinh Nương cũng giả trai theo các anh đi đánh giặc. Sau nhờ lập nhiều công trạng, Hoàng Uy, Hoàng Tế và Hoàng Thiện đều được vua phong tước: “Đô hộ Đại Tướng Quân”, riêng Hoàng Trinh Nương được phong là “Bình Nguyên Công Chúa”, sau vua thuận cho họ về phụng dưỡng cha mẹ tại quê nhà.
Cùng năm ấy không may cha mẹ họ đều mất, 4 anh em đã lo chuyện tang ma chu đáo. Sau 3 năm đoạn tang, một hôm ba ông đi ngắm cảnh trong trang vào giữa trưa ngày 06 tháng Giêng bỗng đâu trời đất nổi cơn mưa gió, tối sầm cả ba người anh đều hóa. Cố em út Trinh Nương vô cùng đau buồn, đến ngày mùng 9 tháng Giêng bà cũng hóa (có thuyết lại cho rằng bà đã gieo mình xuống ao Né để tự vẫn). Dân làng thương tiếc đã dâng sớ tâu vua, nhà vua cấp tiền giao cho dân bản trang lập đình, miếu để thờ tự, triều đình sắc phong các vị làm phúc thần và ban thần hiệu là: Người anh cả Hoàng Uy được phong Thiên Tích Diệu Hoằng Cơ Cán Hộ Quốc Đại Vương. Người anh thứ hai Hoàng Tế được phong Quảng Tế Huệ Trạch Thiên Ứng Đại Vương (vị này được thờ ở miếu Kênh, làng Dưỡng Chính, xã Chính Mỹ). Người anh thứ ba Hoàng Thiện được phong Trung Quốc Dẫn Phù Ngự Minh Linh Đại Vương (vị này được thờ ở đình Nghê, làng Hàn Bến, xã Chính Mỹ). Người em út Hoàng Trinh Nương được phong Thiệu Trinh Tôn Linh Công Chúa (vị này được thờ ở đình Kênh, làng Dưỡng Chính, xã Chính Mỹ).
Hàng năm, lễ hội đình Hàn Cầu được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Trong lễ hội ngoài các nghi thức tế lễ theo truyền thống như tế nhập tịch, các đoàn nam quan, nữ quan kính tế, tế tạ, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, trò chơi dân gian truyền thống phục vụ nhân dân và du khách thập phương trong dịp mừng Đảng, đón Xuân như: Giải Cầu lông, thi đấu giao hữu Bóng chuyền, Bóng đá, Đu tiên, Chọi gà…/.
Thành đoàn Hải Phòng