ĐÌNH HÀ NHUẬN - XÃ AN HÒA - HUYỆN AN DƯƠNG
25 10 2023
in trang
Đình Hà Nhuận trước kia là công trình to lớn, làm bằng vật liệu truyền thống, trải qua thời gian, ngôi đình đã bị hủy hoại. Năm 2007, người dân Hà Nhuận xây dựng ngôi đình trên nền đất cũ. Từ trục đường làng vào đình Hà Nhuận qua nghi môn ngoại và nghi môn nội. Hai nghi môn xây khá đồ sộ và có kiến trúc tương tự nhau. Nghi môn xây theo thức cột đồng trụ, gồm hai cột cao, to và hai cột nhỏ, thấp. Từng cặp trụ cột thể hiện trang trí, đắp vẽ tương tự nhau mỹ thuật và đăng đối qua trục thần đạo của đình. Giữa hai nghi môn là sân hội, trong sân hội đăng đối hai bên đường thần đạo có hai giếng nước, mắt rồng. Giếng nước theo phong thủy cũng là điểm tích phúc của dân làng Hà Nhuận.
Đình Hà Nhuận thuộc thôn Hà Nhuận, xã An Hòa, được mang tên chính địa danh nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó. Đình Hà Nhuận được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2013.
Hà Nhuận (河 潤),theo Hán tự có nghĩa là vùng đất giữa hai con sông. Địa danh thể hiện khát vọng của người dân, bởi trước đây người nông dân luôn coi dòng sông là hình bóng quê hương, luôn tràn đầy nước để tưới mát cho đồng ruộng và có nguồn thủy sản dồi dào.
Đình Hà Nhuận thờ 3 vị Thành hoàng là ba anh em ruột trong gia đình họ Nguyễn. Vị Thành hoàng thứ nhất là Nguyễn Công Vàng, tên thường gọi là Đức Thánh cả. Vì kiêng tên húy nên người dân còn gọi Ngài là Nguyễn Hoàng. Ngài Nguyễn Hoàng sinh tại trang Hạ Đỗ, huyện Trà Hương, châu Kinh Môn. Ngài là người con thứ 2, trong gia đình có bốn chị em: Người chị là Dung Nương, người trai thứ nhất là Nguyễn Vàng (Nguyễn Công Vàng), người em trai thứ 2 là Nguyễn Lược (Nguyễn Công Lược), người em út là Nguyễn Đoán (Nguyễn Công Đoán). Theo thần tích, Nguyễn Vàng đánh quân xâm lược Chiêm Thành, Ngài đã anh dũng hy sinh trên chiến trường và được phong tước “Bạch lễ đình”. Vua Trần Anh Tông đã gia phong mỹ tự cho Ngài là: Thượng đẳng tối linh Phúc thần, mãi mãi được hưởng ân lộc cùng với sự trường tồn của đất nước. Nhà vua còn chuẩn cho 72 nơi lập đền, miếu và nhiều nơi là đất hộ nhi để phụng thờ Ngài. (72 là số phiếm chỉ 7+2=9, tức là rất nhiều nơi thờ, đất hộ nhi được miễn trừ tô thuế, phu dịch). Hà Nhuận nằm bên cạnh trang Hạ Đỗ, do vậy công lao và ơn huệ của Nguyễn Vàng, vị tướng quân văn, võ toàn tài, bậc đại thần của triều Trần có ảnh hưởng nhiều tới Hà Nhuận. Chính vì vậy người dân Hà Nhuận đã tôn vinh Ngài Nguyễn Vàng làm Thành hoàng để phụng thờ. Hai làng Hạ Đỗ và Hà Nhuận cùng thờ Ngài Nguyễn Vàng, nên trước đây hai địa phương có lệ giao hiếu với nhau.
Vị Thành hoàng thứ 2 là Ngài Nguyễn Công Lược. Vị Thành hoàng thứ 3 là Nguyễn Công Đoán. Hai vị Thành hoàng trên là hai người em trai của Ngài Nguyễn Vàng, tuy thần tích không chép, nhưng có thể hai ông cũng đã cùng người anh đánh giặc và lập nhiều chiến công, nên khi mất cũng đã hiển linh và được người dân Hà Nhuận tôn thờ làm Thành hoàng làng.
Đình Hà Nhuận trước kia là công trình to lớn, làm bằng vật liệu truyền thống, trải qua thời gian, ngôi đình đã bị hủy hoại. Năm 2007, người dân Hà Nhuận xây dựng ngôi đình trên nền đất cũ. Từ trục đường làng vào đình Hà Nhuận qua nghi môn ngoại và nghi môn nội. Hai nghi môn xây khá đồ sộ và có kiến trúc tương tự nhau. Nghi môn xây theo thức cột đồng trụ, gồm hai cột cao, to và hai cột nhỏ, thấp. Từng cặp trụ cột thể hiện trang trí, đắp vẽ tương tự nhau mỹ thuật và đăng đối qua trục thần đạo của đình. Giữa hai nghi môn là sân hội, trong sân hội đăng đối hai bên đường thần đạo có hai giếng nước, mắt rồng. Giếng nước theo phong thủy cũng là điểm tích phúc của dân làng Hà Nhuận.
Giếng xây thành quây xung quanh, trên thành giếng đắp vẽ mỹ thuật và có rồng uốn khúc bay ra giữa lòng giếng trông khá sinh động. Qua nghi môn nội vào sân đình rộng lớn được lát gạch đỏ phẳng, đều. Trước gian trung tâm hai bên thành bậc cấp lên đình là hai rồng đá uốn mình trong mây chầu ra ngoài. Đình Hà Nhuận làm bằng bê tông, cốt sắt, nhìn hướng Nam, hướng phù hợp cho Thành hoàng nghe được mọi điều người dân tâu bày. Đình Hà Nhuận có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Đình xây dựng theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu tay ngai, mái lợp ngói mũi truyền thống. Tòa tiền tế cấu trúc ba gian cửa chính bằng gỗ, đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh. Trên bản cánh cửa chạm nổi các đề tài tứ quý, hoa lá thiêng, quả quý. Trên tường bao phía trước hai gian hồi tòa tiền tế trổ cửa sổ tròn, trong đặt tấm đan hình chữ thọ cách điệu, để lấy ánh sáng vào trong đình. Bộ khung chịu lực của toà tiền tế gồm 6 bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Kết cấu vì nóc thuận chồng 2 con, tạo giá chiêng, vì nách thuận chồng 3 con. Trên các cấu kiện kiến trúc của bộ vì như: thuận, đầu xà, bảy đều được đắp nổi trang trí đề tài lá guột. Đấu kê dưới các con thuận hình vuông thót đáy, trên đấu đắp trang trí hoa văn hoa sen cách điệu. Các đầu dư đắp nổi hình đầu rồng có đủ râu tóc, sừng, mắt lồi, miệng rồng ngậm ngọc. Tòa hậu cung, các bộ vì có cấu trúc, trang trí tương tự như tòa tiền tế.
Trải qua thời gian, đồ thờ tự, tế khí của đình Hà Nhuận bị thất lạc, mất mát nhiều, nhưng sau khi xây dựng đình, người dân đã cung tiến đến nay gần như đã hoàn chỉnh như: cửa võng, câu đối, đại tự, nhang án... Đình Hà Nhuận còn bảo tồn, gìn giữ được ba đạo sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 (1924), ban cho xã Hà Nhuận thờ ba vị Đương cảnh Thành hoàng: vị thứ nhất: “Thượng thôn chí đức, Anh uy, Khoan hậu, Ôn nhã tôn thần”, được gia tặng “Đôn ngưng tôn thần”; vị thứ 2: “Đương cảnh Thành hoàng Thủy linh ứng, Đại Vương tôn thần” được gia tặng “Đăng thậm tôn thần”; vị thứ 3: “Đương cảnh Thành hoàng Ngũ thổ, Anh vũ, Thần đoán, Bác đạt tôn thần”, được gia tặng “Đôn ngưng tôn thần”.
Ngày nay người dân Hà Nhuận đang từng bước khôi phục, kế thừa, phát huy những nét văn hóa đẹp trong các lễ hội truyền thống mà tiền nhân đã để lại.
Đình Hà Nhuận tuy là công trình kiến trúc mới, làm bằng vật liệu hiện đại, nhưng vẫn mang khuôn mẫu, dạng thức của một ngôi đình truyền thống. Ngôi đình thờ phụng các vị Thành hoàng là những vị chiến tướng có công trong đánh giặc ngoại xâm thời Trần. Ngôi đình như một dấu tích vàng son trong lịch sử, chứng minh chiều dài trên 700 năm của người dân làng Hà Nhuận. Ngôi đình như tượng đài chiến thắng và cũng là biểu tượng phẩm chất lẽ sống nghĩa tình, thủy chung, uống nước nhớ nguồn của người dân Hà Nhuận với các bậc có công với nước, với dân.
Thành đoàn Hải Phòng