ĐÌNH DỤ NGHĨA, XÃ LÊ THIỆN, HUYỆN AN DƯƠNG
25 10 2023
in trang
Dụ Nghĩa (喻 義), theo Hán tự có nghĩa là cùng nhắc nhở nhau sống có nghĩa. Vùng đất, con người Dụ Nghĩa được hình thành muộn nhất vào thế kỷ X, sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938. Bởi vào thời Hậu Lý, đầu thế kỷ XI, Dụ Nghĩa đã là làng xã có dân cư ổn định nên mới sinh ra Ngài Đào Công Tế, một danh tướng triều Lý, sau này là Thành hoàng làng.
Đình Dụ Nghĩa thuộc thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, ngôi đình được mang chính tên địa danh quê hương, nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó.
Dụ Nghĩa (喻 義), theo Hán tự có nghĩa là cùng nhắc nhở nhau sống có nghĩa. Vùng đất, con người Dụ Nghĩa được hình thành muộn nhất vào thế kỷ X, sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938. Bởi vào thời Hậu Lý, đầu thế kỷ XI, Dụ Nghĩa đã là làng xã có dân cư ổn định nên mới sinh ra Ngài Đào Công Tế, một danh tướng triều Lý, sau này là Thành hoàng làng.
Theo bản Thần tích do Hàn Lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572); Quản giám bách thần, Tri điện hùng lĩnh Thiếu khanh, Nguyễn Hiền theo bản của triều trước phụng sao lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737); sao lại lần 2 vào ngày tốt, tháng 10, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860); vào ngày 22 tháng 10 năm 1973, các cụ phụ lão thôn Dụ Nghĩa sao lại lần 3. Thân thế sự nghiệp của Ngài Thành hoàng thờ tại đình Dụ Nghĩa được tóm lược như sau:
Vào triều vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), tại trang Dụ Nghĩa, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương có gia đình họ Đào, tên là Mỹ (tránh húy nên đọc là Mỡi), vợ là Nguyễn Thị Vinh. Hai ông bà ăn ở với nhau đã lâu, tuổi ngoài tứ tuần mà chưa có con nối dõi. Bởi vậy hai ông bà bàn với nhau và làm nhiều điều thiện, tu nhân, tích đức, giúp đỡ mọi người, thành tâm kính lễ đền, chùa. Hai ông bà thiết lập một đàn tràng để cầu trời, đất phù hộ sinh được quý tử. Đang lúc tế lễ tại đàn tràng, bỗng trời đất tối đen, nổi phong ba mưa gió. Mọi người nhìn thấy một Thanh long (rồng xanh) từ trên trời giáng xuống đàn tế lễ. Một thời gian trời quang, mưa tạnh rồng xanh bay về trời biến mất. Vào một đêm bà Vinh nằm ngủ mộng thấy một lão ông râu tóc bạc phơ nói với bà Vinh rằng: “Nay thiên đình đã biết hương gia có phúc, nên cho rồng xanh giáng vào gia đình làm con, đây là tinh khí của Thủy Đế”. Nói xong ông lão bay lên không trung biến mất. Đến sáng hôm sau, bà Vinh kể lại chuyện giấc mơ với ông Mỹ, ông Mỹ nói rằng: “nếu như vậy con của chúng ta sau này không ai khác chính là con của Thủy đế Long Vương.”
Từ đó bà Vinh mang thai, đến giờ Dần, ngày 12, tháng Giêng năm Nhâm Tý, bà sinh hạ được một người con trai, diện mạo phương phi, thân dung dĩnh ngộ, hàm hổ, dáng rồng, người rất phi thường. Phụ, mẫu nuôi dưỡng đến 3 tuổi, đặt tên là Tế Công, đến năm 14 tuổi bố mẹ cho Tế Công đi học, tự nhiên văn học tinh thông, tài năng quán triệt, văn võ kiêm toàn, anh hùng xuất chúng. Đến năm Tế Công 19 tuổi, thân hình cao tám thước, hơn hẳn vạn người, ông có thể gọi nước đến, hô gió thổi, hình tướng có thể biến thành long, hổ, thân có thể xuất thần, nhập thánh, biến hóa vô cùng. Một năm bất hạnh, phụ thân bị bệnh mà mất, đó là ngày 3 tháng 7, Tế Công cùng mẫu thân cư tang phụ thân ba năm tại gia đường. Vào thời đó có giặc Chiêm Thành vào xâm lược nước ta. Nhà vua cho truyền hịch trong thiên hạ kêu gọi người nào có tài sẽ được ban chức tước để cầm quân đánh giặc giúp nước. Biết được tài danh của Tế Công, nhà vua liền cho sứ giả chiếu mời Tế Công đến kinh thành bái yết vua. Tế Công liền đến kinh thành bái yết nhà vua. Nhìn thấy Tế Công dáng oai phong, lẫm liệt đã biết ngay là người tài giỏi. Nhà vua hỏi, Tế Công đều ứng đối trôi trảy. Vua nói rằng: “nay đất nước có nạn xâm lăng, Trẫm cầu người hiền tài giúp nước, rất may gặp được khanh, ta không còn lo gì nữa, chắc chắn sẽ phá tan quân giặc”. Vua lệnh cho Tế Công đi đánh giặc Chiêm Thành. Tế Công phụng mệnh mang quân đánh giặc, ông dẫn binh về qua quê hương Dụ Nghĩa, tuyển chọn được 10 trai tráng để làm gia thần, thủ túc. Một đêm ngủ tại bản trang Dụ Nghĩa, ông mộng thấy một nữ sĩ diện mạo như hoa, thân dung yểu điệu đến chỗ ông, ông liền hỏi, nữ sĩ ở đâu tới đây, sao đi chỉ có một mình, nữ sĩ nói rằng: “Tôi là người ở Thiên đình, giáng xuống trần gian, nay biết tướng quân đi đánh giặc, tôi sẽ theo âm phù, sau khi thắng giặc xin được suy tôn làm “Mẫu nghi thiên hạ”, được thờ phối cùng với tướng quân”. Ông Tế liền hỏi nữ sĩ gia phận thế nào, nữ sĩ nói rằng: “Tôi là người họ Lý, tên là Hoa Nương”, nói xong liền biến mất. Ngay sáng hôm sau Tế Công cùng gia thần và quân binh tiến đánh giặc Chiêm Thành. Đương trong chiến trận bỗng mưa to, gió lớn, sấm chớp nổi lên, nước dưới sông cuồn cuộn sóng lớn. Hạm, thuyền của quân Chiêm Thành bị sóng cuốn chìm, quân tướng chết rất nhiều, bọn giặc còn lại tẩu tán chạy về đất nước.
Đất nước thanh bình, Tế Công đem quân hồi triều bái yết nhà vua. Nhà vua mở đại tiệc khao lao tướng sĩ, phong cho Tế Công là “Trung phẩm Đại tướng quân”. Nhận chức tước xong, Tế Công xin nhà vua sắc phong cho Hoa Nương thần gặp trong mộng đã có công âm phù diệt giặc. Nhà vua chuẩn cho và sai đình thần cùng Tế Công mang sắc phong về tận Dụ Nghĩa, lệnh cho dân trang lập đền phụng thờ nữ thần. Tế Công lễ tiên đường, mở yến tiệc lớn mời nhân dân, phụ lão trong trang đến dự. Trong lúc yến ẩm bỗng trời đất tối đen, mây mưa kéo đến, trên không trung sấm sét nổi lên ầm ầm rất kinh hoàng. Sau một thời gian trời quang, mưa tạnh, người dân không thấy Tế Công đâu, chỗ ông ngồi mối đã xông lên đắp thành ngôi mộ to lớn. Người dân làm biểu tấu lên nhà vua, vua rất thương xót cho một công thần trung nghĩa, có nhiều công lao với dân, nước. Nhà vua lệnh cho đình thần mang sắc phong cho ông về quê Dụ Nghĩa, truyền cho dân địa phương lập đền phụng thờ Tế Công ngay chính nơi ông hóa. Nhà vua còn ban cho địa phương 3 trăm quan tiền công để hương hỏa, ban phong mỹ tự để phụng thờ Ngài cùng với sự trường tồn của quốc gia.
Tế Công được phong “Đương cảnh Thành hoàng Thiện Tế Đại Vương”. Hoa Nương được sắc phong “Bạch Hoa tôn linh Công chúa”. Trang Dụ Nghĩa, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn được là đất hộ nhi, nơi phụng thờ muôn đời các vị thần.
Ngày sinh thánh 12 tháng Giêng, tổ chức tế lễ, phẩm lễ dùng bánh chay, ca hát 3 ngày. Ngày mất 14 tháng 3, tế lễ dùng phẩm lễ thịt lợn, xôi, rượu, cấm không được ca hát.
Ngày khánh hạ (ngày mừng chiến thắng), 20 tháng 11, phẩm tế lễ dùng thịt trâu, dê, lợn, xôi, rượu, tổ chức ca hát 1 tháng. Những tên húy và phát âm tên húy không được dùng: Tế, Bạch cùng tên của thánh phụ, thánh mẫu.
Đền thờ Ngài Đào Công Tế tọa trên khu đất linh thiêng, nhìn về hướng Nam, phía trước đền có dòng nước như rồng trời bay đến, phía sau có kim tinh kết thành đầu rồng chiếu tới.
Đình Dụ Nghĩa được khởi dựng thời Lê - Mạc, thế kỷ XVI, hiện nay một số viên gạch vồ thời Lê - Mạc còn được xây trên tường bao che của đình. Đình Dụ Nghĩa rất có thể được xây dựng trên khu vực đất linh thiêng mà ngôi đền thờ Ngài xa xưa đã tọa lạc. Sau này đình Dụ Nghĩa chắc đã phải trải qua một số lần trùng tu, tôn tạo lớn. Đình Dụ Nghĩa nằm trên một khu đất cao ráo thoáng mát, bên cạnh đường giao thông liên xã, con đường được trải nhựa to, đẹp, nối liền với Quốc lộ 5 và đi sang tỉnh Hải Dương. Từ trục đường vào đình qua nghi môn xây theo kiểu cột đồng trụ, gồm chính môn, tả môn và hữu môn. Sau chính môn là bức bình phong (tắc môn), kiểu dáng cuốn thư để che những luồng gió ô uế của phàm trần vào nơi thánh ngự. Sau bình phong là sân đình được lát gạch bát đỏ, bằng phẳng. Sân đình được che phủ bóng mát của cây bàng đại thụ có tuổi đời năm trăm năm. Cây bàng đình Dụ Nghĩa năm 2019 được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”, đây cũng là cây bàng nhiều tuổi nhất trong các cây bàng là “Cây di sản Việt Nam” của thành phố Hải Phòng. Đình Dụ Nghĩa hiện nay là công trình được xây dựng vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX.
Đình Dụ Nghĩa làm bằng vật liệu truyền thống, ngôi đình đã qua một vài lần trùng tu lớn, gần đây nhất vào năm 2011. Đình Dụ Nghĩa nhìn về hướng Nam, hướng đắc địa hợp với hướng Thành hoàng ngự nghe người dân tâu bày để phù giúp cho mọi người. Đình có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ công (工), gồm 5 gian đại bái, 2 gian ống muống và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái được xây theo thức tường hồi, trụ đấu, tay ngai, mái chảy lợp ngói mũi lớn. Từ sân gạch bước lên hiên đình qua ba bậc cấp, hai bậc ốp gạch bát đỏ. Bậc trên cùng và thềm hiên đình được bó vỉa bằng những viên đá xanh cổ kính thời xưa. Trên bờ nóc mái đình được đắp trang trí theo thức truyền thống lưỡng long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, đuôi cong tròn như những đám mây tụ, ước vọng mưa thuận, gió hòa của cư dân nông nghiệp. Trụ biểu trước tường hồi có đế kiểu quả bồng, thân trụ đắp khung câu đối, trong có câu đối chữ Hán, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê ngồi chầu vào cửa đình. Tòa đại bái có ba gian cửa làm bằng gỗ lim, gian giữa sáu cánh, hai gian bên bốn cánh, cửa làm theo thức cổ, cửa thùng khung khách. Hai gian hồi xây tường bao che, phía trước trổ cửa sổ tròn để lấy ánh sáng thêm vào trong đình. Bộ khung chịu lực của tòa đại bái làm bằng gỗ tứ thiết, gồm sáu bộ vì. Các bộ vì gian trung tâm và gian bên cấu trúc tương tự nhau, kiểu vì bốn hàng chân cột, vì nóc kết cấu kiểu chồng rường thước thợ, vì nách kẻ liền bẩy. Hai bộ vì hồi cấu trúc có xà lòng tạo giá chiêng, vì nóc cấu trúc chồng rường thước thợ. Liên kết chặt chẽ giữa các bộ vì của tòa đại bái là hệ thống xà lòng, xà thượng, xà hạ. Trên cấu kiện các bộ vì đều không có trang trí điêu khắc, một số cấu kiện như kẻ, xà, bẩy hậu được làm kiểu dáng má chai.
Tòa ống muống (còn gọi nhà cầu), cấu trúc gian theo chiều dọc nối liền tòa đại bái với tòa hậu cung, tường xây bao che ở hai bên đều có cửa sổ hình chữ nhật đứng, hai cánh, song gỗ một lập là, cửa tạo cho trong đình có thêm ánh sáng và lưu thông không khí. Tòa ống muống 2 gian cấu tạo hai bộ vì, cấu trúc tương tự nhau, có hai hàng chân cột, trốn cột cái, kiểu vì quá giang. Cấu trúc vì nóc kiểu giá chiêng, hai bên trụ trốn là kẻ ngồi, trên giá chiêng là vì kèo cánh ác. Các cấu kiện của các bộ vì chỉ bào trơn, đóng bén, một số tạo dáng hình má chai. Tòa hậu cung cũng là cung cấm nối liền với tòa ống muống và nằm song song với tòa đại bái. Hậu cung gồm ba gian, khung chịu lực gồm hai bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Cấu tạo hai bộ vì tương tự nhau, vì nóc kết cấu kiểu vì kèo cánh ác, vì nách kẻ ngồi, các cấu kiện của bộ vì bào trơn, đóng bén, không trang trí. Trong tòa hậu cung còn một số hoành gỗ dạng tròn, đây là những cây hoành còn sót lại của thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.
Đình Dụ Nghĩa tuy trải qua thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn còn giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và mỹ thuật; tiêu biểu là:
Khám thờ, long ngai và thần tượng: Đây là tác phẩm có tính chỉnh thể gồm khám lớn, trong khám có long ngai, trong long ngai có thần tượng, tất cả đều được làm bằng gỗ tốt. Long khám được đặt trang trọng tại gian trung tâm của tòa cung cấm. Long khám có kích thước lớn, đế cấu tạo kiểu bệ thờ chân quỳ dạ cá, thân bệ tạo giật ba cấp, trong các cấp tạo các khung ô, bên trong ô và dạ cá chạm khắc tinh xảo với các đề tài như hổ phù hàm thọ, chim phượng mang cuốn thư, rồng mây, hoa lá thiêng. Phần thân khám bưng ba mặt, hai bên cấu tạo cửa hai cánh, trên cánh cửa và các phần gỗ bưng sơn mầu đỏ và vẽ chìm mầu vàng các đề tài tứ linh, tứ quý. Mặt tiền của long khám, cũng là cửa khám được trang trí điêu khắc rất cầu kỳ, tinh xảo. Cửa khám cấu tạo hai lớp, lớp cửa ngoài có chắn trương trên đầu khám. Trên trán chắn trương chạm nổi đề tài lão cúc hóa long chầu hoa cúc mãn khai, chân chắn trương tạo kiểu chân rút theo hình sóng, trong chạm nổi lão cúc hóa chim phượng. Dưới chắn trương tạo ba khung ô chữ nhật theo chiều ngang của khám, khung giữa lớn chạm cuốn thư, khung hai bên chạm hoa lá thiêng. Lớp cửa thứ hai cấu tạo theo kiểu cửa võng, cũng được chạm rất cầu kỳ, tinh xảo. Trong khám đại có hai long ngai, trong long ngai có thần tượng của Ngài Đào Công Tế và Hoa Nương Công chúa. Ngài Đào Tế mặc phẩm phục, có cân đai, đi hia, đội mũ cánh chuồn, trong tư thế phụng triều. Thần tượng mặt vuông chữ điền, hàm én, mày ngài, tai to dài, râu dài, mắt nhìn thẳng, thần thái thể hiện sự uy nghiêm, cương nghị. Hoa Nương Công chúa ngồi trong long ngai bên cạnh Ngài Tế Công. Cách sắp đặt hai vị thánh ngồi bên nhau là theo thần tích Thành hoàng làng Dụ Nghĩa đã chép. Công chúa Hoa Nương mặt trái xoan, cổ ba ngấn, tai to dài, mắt lá răm, lông mày lá liễu, mặc xiêm y chùng nhiều lớp, lộ yếm đào bên trong. Công chúa đầu đội mũ ngọc, có vành kiện trên trán mũ rộng, trên vành kiện chạm lưỡng phượng chầu nguyệt. Công chúa ngồi theo kiểu xếp bằng khoanh chân. Thần thái Công chúa thể hiện sự thánh thiện, nhân hậu. Khám đại cùng long ngai, thần tượng được xác định tạo tác cuối thế kỷ XIX.
Long ngai, bài vị: Bài vị đặt trong long ngai, một bộ nghi trượng thờ hoàn chỉnh các vị thần. Long ngai, bài vị gồm 3 bộ làm bằng gỗ tốt. Bài vị không ghi thần hiệu, theo người dân địa phương, một bài vị của Thành hoàng, hai bài vị còn lại của thánh phụ, thánh mẫu (bố, mẹ của Thành hoàng). Long ngai, bài vị được xác định có niên đại cuối thế kỷ XIX.
Long đình: Long đình làm bằng gỗ tốt, đế long đình hình bàn vuông tứ diện, chân vuông thẳng, quây bốn mặt chân. Mặt quây chạm nổi kiểu dạ cá, chân triện rút, đề tài hổ phù hàm thọ. Thân long đình hình khối hộp, các mặt tạo cửa hai lớp. Cửa chạm thủng kiểu cửa võng, chân chỉ rủ với các đề tài lưỡng long tranh châu, chim phượng hàm thư, long vân hội... Mái long đình hình khum mui rùa, đỉnh nóc mái tạo đài hoa, bốn góc chạm nổi bốn chim phượng xòe cánh bay lên. Đao long đình cong bốn góc, chạm nổi hình rồng uốn theo chiều của mái, đầu rồng nhô hẳn ra ngoài. Phía trong thân long đình tạo tác kiểu hậu bành, tay ngai. Hậu bành ván gỗ hình ngũ nhạc, trên mặt sau chạm nổi đề tài tứ linh, tay ngai chạm nổi hình rồng uốn khúc vươn ra phía ngoài. Long đình được tạo tác cuối thế kỷ XIX.
Đại tự: Đại tự treo tại gian đầu tòa ống muống, được làm bằng gỗ tốt, có khung diềm hình vỏ măng. Trên khung diềm chạm nổi, chạm chìm đề tài rồng, mây, hoa lá thiêng, điểm xuyết có các mảng gấm. Đại tự nền đỏ, khắc bốn chữ Hán sơn mầu vàng: Đức phối càn khôn (德配乾坤), nghĩa là đức của thánh trường tồn cùng với trời, đất. Đại tự có niên đại tạo tác cuối thế kỷ XIX.
Ngoài ra, đình Dụ Nghĩa còn bảo tồn được hai bộ kiệu bát cống bằng gỗ, loại kiệu trung, bộ bát biểu, biển rước đều bằng gỗ có niên đại cuối thế kỷ XIX.
Xa xưa làng Dụ Nghĩa hằng năm tổ chức lễ hội từ ngày 19 đến 22 tháng 11 âm lịch. Ngày 18 dân làng tổng vệ sinh làng xóm, bao sái đồ thờ tự tế khí, làm lễ mộc dục thánh tượng. Ngày 19 làm lễ “Nhập tịch”, tế cáo yết chính thức mở hội lễ. Trong ngày, bốn giáp cùng cai đám rước lợn ông bồ ra đình làm lễ “Chét vổ”. Lễ rước lợn ông bồ tổ chức rất trang nghiêm. Trước ngày đó, ông bồ phải ăn kiêng, tắm rửa sạch sẽ bằng nước ngũ vị hương, khi rước ông bồ nằm trong cáng tre có dán giấy hồng điều. Người khiêng lợn ông bồ được tuyển chọn từ trai đinh lực lưỡng của giáp và không có tang trở trong năm, khi rước mặc áo lụa đỏ. Bốn giáp rước lợn ông bồ ra tề tựu tại sân đình, trước làm lễ “Chét”, sau cân đo ông bồ theo lệ làng. Ban tổ chức dùng dây đo vòng ức của ông bồ, ông bồ nào đủ 10 “vổ” là đủ lễ, cứ tăng thêm một vổ là ông cai đám được làng thưởng cho một “giò”. “Giò” là khoang thịt lợn rộng mười phân chạy dọc theo sườn lợn. Nếu lợn của phe giáp nào không đủ lễ thì phải nộp phạt cho làng. Sau khi đo lợn ông bồ xong, các phe giáp lại khiêng lợn ông bồ về giáp mình giết mổ để sáng 22 làm lễ phẩm rước lên đình cúng lễ thánh. Ngoài thịt lợn ông bồ, phẩm lễ còn có bánh giầy, gồm 20 chiếc, mỗi chiếc được làm 8 lạng gạo nếp hương. Tổ chức tế lễ xong, mọi người là con trai trong các phe giáp cùng thụ lộc trong không khí đoàn kết vui vẻ. Ngày 20, hội cai đám tổ chức cỗ hàng giáp mời toàn thể con trai trong giáp đến ăn khao. Tương truyền đây là ngày đức thánh khao thưởng dân làng khi thắng trận trở về.
Cai đám được cắt cử theo hình thức luân phiên, người được chọn làm cai đám năm đó được canh tác trên ruộng thờ cúng của đình, do dân làng phân cho giáp và chịu trách nhiệm lo toàn bộ phẩm lễ cúng tế thánh trong các ngày lễ hội tại đình.
Sáng ngày 21, làng tổ chức lễ rước có long đình, bát biểu, biển rước, tàn lọng... đi ra đầu làng (khu ga Dụ Nghĩa hiện nay) đón lễ của các làng kết chạ như: Kim Sơn, Hỗ Đông, lễ giao hiếu chỉ gồm trầu, cau, rượu, hương do quan viên các làng cúng dâng lên thánh. Nghi thức cuộc rước rất long trọng, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái giữa các làng xã với nhau, vui chung trong những ngày hội lễ.
Trước ngày hội lễ các chức dịch cùng nhau họp bàn phân công nhiệm vụ soạn văn tế, phân công chủ lễ, mạnh bái, người giết lợn...
Sân đình ngày lễ hội cờ quạt, tàn lọng, tiếng thanh la, chiêng, trống ầm vang. Từ ngôi nhiêu trong làng trở lên đến các cụ trùm cả, hương chức vào đình theo thứ bậc, được sắp xếp nghiêm trang. Sau mấy hồi trống, chiêng, phường bát âm tấu nhạc, người chức sắc lớn nhất được làm chủ lễ, đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng mầu lam, đi hia, đĩnh đạc làm theo lệnh hô của chủ xướng.
Trong những ngày hội dân làng còn mời những gánh hát chèo, hát ca trù về phục vụ dân làng vào các buổi tối tại sân đình. Ngoài ra, làng còn tổ chức nhiều trò chơi, thi đấu như: cờ người, chọi gà... Lễ hội nhân dịp thánh đản vào 12 tháng Giêng còn có đấu vật.
Ngày 22, dân làng tổ chức tế tạ, kết thúc lễ hội.
Ngày nay người dân đang gạn đục khơi trong, kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa của tiền nhân để phù hợp với nhịp sống đương đại.
Đình Dụ Nghĩa là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia năm 1994, cùng với đình Cữ và các công trình di tích có giá trị khác của quê hương Lê Thiện, tạo nên quần thể những di sản văn hóa của một vùng đất cổ có cách ngày nay hàng ngàn năm. Đặc biệt là nơi địa đầu của huyện An Dương, bởi vậy sẽ rất có giá trị hấp dẫn để mọi người trong và ngoài thành phố Hải Phòng về đây tham quan và chiêm bái.
Thành đoàn Hải Phòng