DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH DƯ HÀNG
09 08 2024
in trangLàng Hàng Kênh xưa đã có đình Nhân Thọ thờ phúc thần Vũ Chí Thắng. Đình khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ XV thời nhà Mạc, ban đầu làm bằng tranh tre lợp cỏ gianh ở cánh đồng Hậu, thôn Bắc (nay là khu ngõ 89 Hàng Kênh, sau Thành đội - trước thời gian chia làng 1564) thực hiện chức năng tín ngưỡng, hành chính, văn hóa ở địa phương. Ngoài thờ Thành hoàng làng, đình còn là nơi sinh hoạt hội họp làm việc của các chức dịch trong làng, là nơi tiếp các quan trên và tổ chức các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lễ hội của dân làng.
I. Lịch sử đình Dư Hàng
1. Quá trình hình thành
Cụ Vũ Chí Thắng sinh năm 1253, mất năm 1325, thuộc họ Vũ Vạn nên còn có tên gọi nữa là Vũ Vạn Thắng. Sinh thời cụ rất khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, có chí lớn, hay nghiên cứu binh thư và có thú ngao du sơn thủy nghiên cứu địa dư các khu vực đã đi qua. Cụ không có ý ra làm quan trong thời bình, song khi giặc Nguyên xâm chiếm nước ta lần thứ ba, khi Hưng Đạo Vương chiêu mộ hiền tài, cụ ra mắt và dâng “Bình Nhung sách” và qua đàm đạo, cụ đã được thu dùng, được phong chức Chỉ huy sứ. Cụ rèn binh nghiêm cẩn và tinh nhuệ, trấn giữ miền Đông Hải. Năm 1285, quân Nguyên xâm chiếm nước ta, thế giặc mạnh, vua Trần phải lui vào Thanh Hóa. Cụ dâng kế sách cho Hưng Đạo Vương học theo Tiền Ngô Vương thuở trước, đóng cọc chặn không cho giặc rút theo đường sông Giá là đường gần ra biển, mà phải chui vào sông Bạch Đằng có trận địa ta giăng sẵn, (Dấu tích bãi cọc Cao Quỳ ngày nay đã minh chứng điều đó). Đội binh thuyền của Ô Mã Nhi - Phàn Tiếp bị đánh tan.
Khi đội quân của Toa Đô thua trận rút chạy về Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương cùng vua Trần thân chinh ra Vạn Kiếp đánh giặc. Cụ được Hưng Đạo Vương tiến cử, vua Trần cho cụ nắm cấm binh 500 người làm tiền quân. Cụ chọn người tinh nhuệ, trang phục như quân Nguyên, ban đêm trà trộn vào trại giặc. Khi có pháo hiệu, cụ cho quân đánh ra cùng lúc Hưng Đạo Vương đánh vào đã phá tan quân giặc, chém tướng Toa Đô ở Tây Kết. Chủ tướng là Thái tử nhà Nguyên Thoát Hoan biết bị thua trận đã tháo chạy về nước*.
Thắng giặc, vua Trần xét công to, đã ban thưởng nhiều vàng bạc và thăng cụ lên chức Điện tiền đô chỉ huy sứ, kiêm chức Chưởng cấm binh, tham dự chính sự triều chính. Về già, cụ cáo lão về quê và có nhiều công lao giúp dân trong xã về thóc gạo để cứu dân khi đói kém, gây dựng lại quê hương. Cụ thọ 72 tuổi, mất ngày 18 tháng giêng âm lịch. Cụ được dân làng tôn làm phúc thần, xây đền thờ ở thôn Đoài (Nay là Miếu Hai Xã) và sau này làng lập thêm Đình Nhân Thọ ở đồng Hậu, thôn Bắc thờ cụ. (Ngày nay, đình Dư Hàng mở hội xuân vào dịp 18 tháng giêng cúng tế đức Thánh Ngô Vương Quyền, song ngày này trùng ngày mất và cũng là dịp tưởng niệm cụ Vũ Chí Thắng là khởi thủy Thành hoàng đã thờ ở đây khi trước).
a. Đình Hàng xây dựng lần đầu
Năm 1564, làng Hàng Kênh được chia thành hai làng Hàng Kênh và Dư Hàng. Khi ấy làng Hàng Kênh có đình Nhân Thọ ở thôn Bắc, không có Chùa nên đã xây thêm chùa Kênh. Làng Dư Hàng có chùa Hàng (xây dựng từ thời Tiền Lê), không có Đình nên xây thêm đình Hàng. Đình Hàng và chùa Kênh được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, khoảng năm Kỷ Tỵ 1569**.
Đình Hàng ban đầu được làm theo bố cục kiểu chữ Đinh tọa hướng đông, mặt quay hướng tây ghé Nam, có chiều sâu 23,4 thước, ngang rộng 7 gian. Gian giữa
* Theo Thanh bì giản bạ trang 16-17.
* Theo văn bia tại chùa Kênh
rộng 10 thước, các gian còn lại rộng 9,4 thước, cột tiền gian giữa cao 7,3 thước. Làng Hàng Kênh được chia tượng Thánh, làng Dư Hàng được chia cỗ kiệu bát cống tương truyền có từ vương triều Mạc. Ngôi Miếu cổ ở ranh giới giữa hai làng không chia được nên thỏa thuận là ngôi Miếu thờ chung, từ đó mang tên miếu Hai Xã.
Đình xưa của làng Hàng Kênh cổ ở đồng Hậu thôn Bắc, thờ cụ Vũ Chí Thắng. Sau lần hỏa hoạn năm 1689, dân làng làm lại Đình bằng gỗ. Khi Đình xuống cấp, năm Mậu tuất thời Lê Dụ Tông hiệu Vĩnh Thịnh 1718 dân làng trùng tu lại Đình lần thứ 2, Đình được dựng lại bằng gỗ như cũ. Hơn 100 năm sau, các vị chức sắc trong làng thấy ngôi đình cũ trùng tu chắp vá sau khi cháy nay hư hỏng nhiều. Cuối thời Thiệu Trị, năm 1845 dân làng đã họp bàn nhận thấy ngôi đình cũ không trùng tu được nữa, địa thế ngôi đình không đẹp không tiện sinh hoạt cộng đồng, 16 cụ có học đã góp 1 mẫu 9 sào ruộng tư điền ở thôn Trung và ủy nhiệm cho cụ tiên chỉ Nguyễn Danh Dương điều khiển xây Đình, cụ Hương Hồi làm thợ cả. Năm 1851 khởi công năm 1854 thì hoàn thành, ngôi đình được xây dựng to đẹp khang trang với quy mô như ngày nay, vẫn mang tên đình Nhân Thọ. Đình tọa lạc tại vị trí đường Nguyễn Công Trứ phường Hàng Kênh. (Theo thanh bì giản bạ trang 5 và trang 44).
Năm Tự Đức thứ 6 (1853), trong thời gian làm Đình, Vua Tự Đức sắc phong Đức vương Ngô Quyền là Thành hoàng 17 làng thuộc lục tổng có dấu tích xưa của Ngài, trong đó có Hàng Kênh và Dư Hàng. Trước đó năm 1845, dân làng đã nâng cấp Văn Chỉ ba gian ở thôn Trung thành Từ Vũ năm gian hai chái, to đẹp, (Theo văn bia số 7 lập năm 1845 gọi là Đình Vũ (宇亭)là ngôi Đình của thôn Bắc - thực chất vẫn chỉ là ngôi Văn từ của làng Hàng Kênh). Có sẵn ngôi Từ Vũ (宇祠) mới cải tạo to đẹp khang trang, sau năm 1853 dân làng đã chuyển bài vị cụ Vũ Chí Thắng từ đình Nhân Thọ và tượng cụ ở Miếu (là pho tượng cổ của làng hàng Kênh được chia từ năm 1564) về thờ. Cùng với Đình Đông (Đình của thôn Đông) đang thờ cụ từ năm 1843, cụ được thờ ở hai nơi.
Từ năm 1853 đức Thánh Ngô Vương Quyền bắt đầu được thờ ở hai Đình làng Dư Hàng và làng Hàng Kênh.
Ngô Vương Quyền là ông tổ trung hưng đầu tiên của dân tộc Việt Nam, là Thành hoàng làng Hàng Kênh, Dư Hàng và 15 xã khác thuộc lục tổng.
Ngô Quyền là con rể Dương Đình Nghệ, sau khi tự phong tiết độ sứ, cụ Dương Đình Nghệ đã cử Ngô Quyền về cai quản châu Ái, Ngô Quyền chiêu mộ binh sĩ, luyện quân tinh nhuệ. Biết tin Kiều Công Tiễn đã phản phúc sát hại cha nuôi Dương Đình Nghệ để đoạt chức tiết độ sứ và cầu cứu vua Nam Hán cứu giúp, Ngô Quyền và Dương Tam Kha từ Thanh Hóa ra hỏi tội diệt Kiều Công Tiễn và đón đánh quân Nam Hán.
Khi vua Hán Lưu Cung sai con là Hoằng Thao thống lĩnh 20 vạn quân và đoàn thuyền chiến men theo vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng, Ngô Quyền giao Dương Tam Kha cho Dương Thục Phi và Dương Cát Lợi chỉ đạo quân và dân Quảng Yên, Hải Phòng đẵn 3000 cây gỗ lim đường kính 20-40 cm đẽo nhọn bịt sắt đóng xuống lòng sông nơi hiểm yếu trải dài 1500 m ngọn chếch về thượng nguồn. Chờ nước thuỷ triều lên, Ngô Quyền cho khinh thuyền ra khiêu chiến vờ thua chạy nhử đoàn thuyền lớn của giặc vào trận địa mai phục. Nước xuống, ngài hạ lệnh phản công, từ trận địa mai phục hai bên bờ sông đồng loạt bắn trường tên vào đội hình của địch. Theo dòng nước rút chảy xiết, thuyền giặc lao vào cọc, phần bị giết, phần bị chết chìm, máu đỏ loang dòng nước, xác chật lòng sông, tướng giặc Hoằng Thao đã bị Dương Tam Kha chém chết. Trận đại thắng Bạch Đằng giang đã đè bẹp ý đồ xâm lược của vua quan phương Bắc. Ngô Quyền xưng vương lập ra vương triều độc lập, đóng đô ở Cổ Loa, làm vua được 6 năm, mất ngày 18 tháng giêng năm 944, thọ 47 tuổi. Để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc năm 938 đánh thắng giặc Nam Hán và xưng vương, ngày 18 tháng giêng hằng năm là ngày kỵ của Đức Vương Ngô Quyền, dân làng Dư Hàng và Hàng Kênh mở hội mùa xuân. Tại miếu Hai Xã trước 1853 thờ hai tượng cụ Vũ Chí Thắng từ sau 1853 chuyển sang thờ hai pho tượng của Ngô Quyền (để phân biệt, tượng ngài của đình Kênh được kê cao hơn). Ngày mở hội rước tượng ngài từ miếu ra hai đình hành lễ. Mở hội tế lễ xong, lại rước tượng về thờ chung một khám tại miếu Hai Xã.
b. Trùng tu lại đình năm 1827.
Năm 1827 đình làng Dư Hàng xuống cấp, dân làng trùng tu lần thứ nhất theo nguyên bản ngôi đình xây dựng từ năm 1569.
c. Trùng tu lại đình năm 1907
Năm 1907-1908, đình Dư Hàng được quan huyện Tứ Kỳ người họ Dương làng Hàng là Dương Văn Sách và cụ chánh tổng Phạm Khắc Tịch - người họ Phạm làng Hàng tổ chức cùng dân làng quyên góp trùng tu Đình. Đình Dư Hàng được phỏng theo nguyên mẫu của đình Kênh xây dựng năm 1851-1854. Đình làm lại trên cơ sở hướng và nền đình cũ, nhưng được cải chuyển bố cục từ chữ Đinh sang kiểu dáng mang hình chữ Công, nền đình nâng cao thêm một thước, làm thêm ba gian hậu cung và theo kích thước mới. Cột quân gian giữa tiền bái đình cao 8 thước. Bậc thềm lên đình thay toàn bộ bằng đá cao 2 thước, mỗi bậc 1 thước. Các chân tảng đá nâng cao thêm 5 tấc. Bên ngoài trước đình, hai bên sân xây dựng mới hai nhà tả vu, hữu vu, cùng với tường hoa phía trước là nghi môn theo kiểu cột đồng trụ, tăng thêm vẻ uy nghi bề thế của ngôi đình. Đình do hai hiệp thợ mộc thi công từ tháng 3 năm Đinh Mùi (1907) đến tháng 2 năm Mậu Thân (1908) niên hiệu vua Duy Tân thì hoàn thành. Tổng kinh phí là 10.524 nguyên quy ra là 3580 cây vàng. Đợt trùng tu này có 17 vị có đóng góp lớn từ 10 nguyên trở lên, khi qua đời được tôn thờ hậu thần.
d. Trùng tu lại đình năm 1992
Đến năm 1986, trải qua thời gian và hai cuộc chiến tranh tàn phá, Đình xuống cấp nghiêm trọng. Dân tứ xứ đến lấn chiếm đất Đình cả khu vực I và II đồng thời dỡ cả gỗ Đình về sử dụng. Lực lượng bảo vệ của xã Dư Hàng Kênh ngày đêm canh giữ không xuể. Do không thể giữ được, xã đã báo cáo huyện và thành phố xin chủ trương, vì khó khăn không có kinh phí tu bổ và bảo quản nên Thành uỷ Hải Phòng đã có thông báo số 134TB/TU: “Cho phép UBND xã Dư Hàng Kênh được thanh lý đình Dư Hàng để lấy vật liệu về sửa lại đình Hàng Kênh và chùa Dư Hàng”. Trong khi đó, đình thờ danh tướng Phạm Tử Nghi ở Vĩnh Niệm liền kề lại được trùng tu và tổ chức lễ khánh thành long trọng. Cám cảnh cho số phận đình làng đang bị hư hỏng và và tháo dỡ, năm 1986 cụ Nguyễn Thị Phúc (dâu họ Dương) giao con trai là ông Dương Anh Dũng thảo đơn, cụ đứng đầu ký cùng các già làng đệ đơn kiến nghị đến Mặt trận tổ quốc xã, được Mặt trận ủng hộ, Đảng ủy xã đã tổ chức cuộc họp đông đảo trên 200 đại biểu dân làng và cán bộ quân dân chính Đảng thể hiện quyết tâm giữ lại đình báo cáo thành phố. Đảng ủy UBND xã đã thành lập ban tu tạo lâm thời do Bí thư Đảng ủy xã Đặng Quý Quang làm trưởng ban cố vấn, Chủ tịch xã Phạm Văn Thu làm trưởng ban tu tạo lâm thời từ tháng 5-1989. Đột nhiên huyện An Hải có thông tin không cho đảng viên tham gia tế lễ, hoạt động tín ngưỡng, cho là mê tín dị đoan. Ban cố vấn phải tuyên bố giải thể, chủ tịch cũng rút khỏi, không làm trưởng ban tu tạo nữa, giấy phép thành phố cũng chưa được cấp, công việc ngừng trệ. Cụ Phạm Quang Luận và cụ Nguyễn Thị Phúc đã tìm đến ông Phạm Quốc Chí nguyên chủ tịch UBND xã khi ấy mới được nghỉ hưu, yêu cầu ông ra thay chủ tịch làm trưởng ban quản lý di tích Đình, ông đành gác sinh hoạt đoàn thể để nhận nhiệm vụ do dân làng giao. Ngày 6-9-1989 Giám đốc Sở VHTT thành phố Hải Phòng đã ký thông báo số 07/TB-VH “Chấp thuận cho UBND xã Dư Hàng Kênh được tổ chức tu bổ lại di tích văn hóa lịch sử Đình Dư Hàng”. Thực hiện chỉ đạo của Thành Phố, ngày 10- 9-1989, kiện toàn ban quản lý, ông Phạm Quốc Chí - nguyên chủ tịch xã được bầu làm trưởng ban, ông Vũ Đình Thanh và Bùi Văn Kim làm phó ban. Cụ Phạm Quang Luận - người cao tuổi nhất họ Phạm tiến hành động thổ, hô hào động viên các dòng họ tham gia góp sức lực công của để tu tạo đình làng. Cụ Nguyễn Thị Phúc dẫn đầu đoàn dân làng thông qua bà Mai Quỳ "Vua sắt vụn Hà Nội" giới thiệu và được Cục Di sản văn hóa cấp giấy chứng nhận để các cụ đi quyên cúng khắp mọi miền đất nước, được miễn tiền tàu xe. Trong vòng 3 năm từ 1990-1992, cụ Nguyễn Thị Phúc, cụ Trần Thị Hòa, bà Dương Thị Dần và dân làng đã quyên cúng được 519 triệu đồng (bằng 170 cây vàng), quyên cúng được đồng nào, cụ chuyển ngay về cho tu bổ di tích. Tổng cộng các khoản đóng góp bằng tiền, bằng hiện vật và ngày công lao động của cả xã để phục dựng đình từ mọi nguồn quyên góp quy ra bằng 2 tỷ 510 triệu. Khi ấy, đất đình bị lấn chiếm hầu hết ở cả ba khu vực của di tích. Theo biên bản cuộc họp ngày 8-12-1991 của xã lập, có 52 hộ gia đình lấn chiếm đất đình, đặc biệt là có 31 hộ làm nhà ở kín trên đất trong khu vực I (bất khả xâm phạm) là sân đình, 21 hộ có một phần nhà ở vi phạm đất xung quanh đình cần giải tỏa. Chính quyền địa phương cùng các cụ trong Ban Quản lý đình đã vận động, hỗ trợ kinh phí và cấp đất tái định cư nên đã giải tỏa hoàn toàn khu vực I của đình, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các hộ xung quanh đình có một phần đất nhà nằm trong quy hoạch chưa giải tỏa và bốn hộ tại khu vực II xin lưu cư và không di chuyển về vị trí đất đã được cấp mà vẫn tái chiếm. Sau khi cơ bản giải tỏa xong mặt bằng, đình Dư Hàng được dân làng trùng tu trên cơ sở các cấu trúc, vật liệu còn lại và quyên góp từ dân làng, khởi công phục dựng từ năm 1989 đến năm 1992 thì hoàn thành. Tuy nhiên, đình không còn ván sàn vì đã bị tháo dỡ làm kho hợp tác và làm hội trường ủy ban, nền lát bằng gạch Bát Tràng, cùng với các vật liệu chắp vá bằng xi măng sắt thép với gỗ tạp. Song song với việc phục dựng lại đình, Ban Quản lý đình cùng dân làng đã khôi phục các hoạt động tín ngưỡng và phong tục truyền thống tốt đẹp cổ xưa đang dần mai một. Đình đã tổ chức được 4 đội tế của các họ. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ, qua giới thiệu của nhạc sĩ Lê Thanh Bảo, cả 4 đội tế đều được vào lăng viếng Bác Hồ và tham gia hội thi tế tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Giáo sư Đặng Vũ Khiêu, chuyên gia của Bộ Văn hóa đánh giá đây là những đội tế mẫu mực còn giữ lại được phong tục và bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc, cần được phát huy. Trong khi đó, cho là mê tín dị đoan, chính quyền địa phương khi ấy chưa nhận thức hết, đã rào đường không cho dân làng rước Thánh. Để đánh giá tầm quan trọng của di tích và công lao của dân làng, ông Phạm Quốc Chí đã xin mở hội thảo khoa học về đình, được Bộ Văn hóa cử chuyên gia về dự. Các giáo sư Trần Quốc Vượng, Trần Lâm Biền và Lê Văn Lan đánh giá đây là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật có giá trị chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, cần phải bảo tồn. Theo quy hoạch mặt bằng bảo vệ di tích do Sở Văn hóa Thông tin chỉ đạo Bảo tàng thành phố lập tháng 2-1992 đã được Cục Di sản Văn hóa xác nhận, tổng diện tích đình còn lại là 3780 m2. Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao đã đánh giá đình hội đủ 4 tiêu thức: Lịch sử, văn hóa, Nghệ thuật, Kiến trúc. Được nhạc sỹ Thanh Bảo chỉ dẫn, cụ Nguyền Thị Phúc đã trực tiếp vào gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao Trần Hoàn đề nghị, Bộ trưởng đã chỉ đạo và cấp bằng Công nhận Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia số 983/QĐ-VHTT ngày 4-8-1992. Đình được Nhà nước cấp 50 triệu để chống xuống cấp. Từ đây đình Dư Hàng được bảo vệ, quản lý theo luật Di sản văn hóa của nhà nước và do dân làng tự quản, hương khói phụng thờ dưới sự chỉ đạo của UBND xã Dư Hàng Kênh. Sau khi tôn tạo xong đại đình, dân làng xây dựng thêm cung Mẫu để thờ Ngọc Hoàng, Tam tòa Thánh mẫu, Ngũ vị Tôn ông. Các dịp lễ có tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu Đồng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
đ. Trùng tu lại đình năm 2010
Năm 2009, kiện toàn Ban Quản lý di tích, ông Phạm Quốc Chí làm Trưởng ban, giao ông Dương Anh Dũng (con trai bà Nguyễn Thị Phúc) – nguyên Phó ban Vật giá Sở Tài chính Hải Phòng là Phó ban, làm thủ tục lập dự án trùng tu di tích, báo cáo tại lễ hội văn hóa truyền thống của đình, được Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền là con cháu họ Dương trong làng ủng hộ. UBND thành phố xét văn bản của Ban Quản lý đình, đã phê duyệt dự án tại Quyết định số 1909/QĐ-UB ngày 19-11-2010 giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí theo dự án ngân sách nhà nước cấp là 34,014 tỷ đồng. Sau khi cấp 500 triệu tổ chức động thổ khởi công, thì do khó khăn chung, ngân sách Trung ương không cấp nữa. UBND thành phố đã chỉ đạo trích từ ngân sách thành phố cấp dần hằng năm được 20 tỷ, nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn thành các công trình chính. Do hết vốn, không còn khả năng ứng trước, nhà thầu dừng thi công. Tại khu vực II của đình, thành phố đã trưng dụng làm vườn hoa, bãi để xe và đường đi, ngoài ra còn 4 hộ lấn chiếm và tái chiếm. Theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 4125/UBND-VX ngày 15-7-2007 về việc "Thu hồi đất trong khu vực II của di tích theo quy định", Ban Quản lý đình đã gửi nhiều văn bản tới chính quyền quận, phường và thành phố xin giải tỏa các hộ lấn chiếm để thi công khu vực II của di tích. Được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo và cấp kinh phí trên 2 tỷ đồng, qua một quá trình kiến nghị, đấu tranh rất gian nan, ông Phạm Quốc Chí - Trưởng ban và Dương Anh Dũng - Phó ban đã đầu tư nhiều công sức, trí tuệ giao dịch với các cấp các ngành có liên quan, cuối cùng đã giải tỏa được 4 hộ trong khu vực II, được trồng được trồng cây đa, cột cờ ở bãi xe, được xây tường rào cổng phù hợp cảnh quan. Sau khi giải tỏa 4 hộ lưu cư tại khu vực II, ngày nay đình Dư Hàng chỉ còn quản lý chính thức diện tích trong phạm vi tường bao đã hoàn chỉnh.
Tổng hợp diện tích đất đình Dư Hàng quản lý qua các thời kỳ là:
*Năm 1936: 9320,0 m2
*Năm 1992 theo quy hoạch: 3780,0 m2
Trong đó: - khu vực I là: 2520,0 m2
- khu vực II là: 1260,0 m2.
*Năm 2015 thực đang quản lý: 2450,3m2
Trong đó: - khu vực I là: 2164,7 m2
- khu vực II là: 285,6 m2.
* Giảm so với quy hoạch: 1329,7 m2
(Là diện tích quận Lê Chân trưng dụng)
Trong đó: - Vườn hoa và bãi xe: 566,6 m2
(Trong khu vực này hiện bản đình trồng cột cờ 5m2, Cây đa to 9m2, cây đa bé 3m2 cây soài 5 m2).
- Đường đi và vỉa hè : 445,4 m2
- Ngõ đi chung: 129,8 m2
- Dân còn sử dụng đất khu vực I ngoài tường bao :187,9 m2 (do không giải tỏa được)
Từ đây, khuôn viên đình đã được xác định ranh giới rõ ràng, xây cổng và tường bao hoàn chỉnh. Chỉ còn công đoạn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đình gồm khu vực I, II và diện tích vườn hoa và nơi để xe là khu vực III. UBND phường Dư Hàng Kênh đã chấp thuận chủ trương, Ban Quản lý đình sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục và xin cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho đình trong các năm tới.
2. Chương trình xã hội hóa
Để có kinh phí tiếp tục hoàn thiện công trình, Ban Quản lý đình huy động công đức được thêm 1,38 tỷ bổ sung, xây dựng các công trình và mua sắm đồ tế tự. Tăng cường thực hiện xã hội hóa, bản đình tiếp tục chương trình vận động công đức, vinh danh những người có công lớn, có đóng góp nhiều công lao tiền của và tài sản có giá trị tương đương 15 chỉ vàng mười trở lên, được khắc tên vào bia đá, lập bảng vàng công đức, khi qua đời được tôn thờ hậu thần, cúng giỗ vào ngày chạp thần 25 tháng 11 âm lịch. Từ khi xây dựng đình năm 1569 đến năm 1783 đã có 71 cụ được tôn thờ hậu thần là quan chức đỗ đạt có công xây dựng đình. Đợt trùng tu lần thứ 1 năm 1905 đến 1912, có 14 cụ là chức sắc trong làng, được tôn thờ hậu thần. Trong 30 năm qua kể từ khi phục dựng lại đình năm 1989 đến nay 2020, đã có 31 vị công đức giá trị từ 15 chỉ vàng trở lên được vinh danh bảng vàng, trong đó có 9 vị đã mất, được tôn thờ hậu thần. Với số tiền thu từ xã hội hóa, bản đình đã làm cổng và tường bao sát vỉa hè, xây lò hóa sớ, trồng cây đa, cây bồ đề, dựng cột cờ xây thêm ba gian nhà giải vũ, ba gian nhà bếp, nhà kho và sân khấu, xây lại mái tam quan ở sân cung Mẫu (320 triệu), xây lầu thờ Chúa (15 triệu), bộ chấp kích (30 triệu), bộ chiêng trống đại cổ (50 triệu). làm mới 18 bộ cửa võng, cuốn thư, câu đối, sập thờ, hương án, và trang bị đồ thờ…
3. Nghệ thuật kiến trúc
Đình Hàng được mô phỏng như đình Kênh cả về kiểu dáng, kích thước và bài trí hệ thống đồ tế tự. Song về mảng chạm khắc, đã thừa kế nhuần nhuyễn nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật cổ truyền của dân tộc từ cuối đời Lê Trung hưng đến đầu thời Nguyễn nên tinh xảo và đẹp đẽ hơn. Hầu như toàn bộ những hình thức trang trí trên kiến trúc 7 gian tiền đình đều được dàn trải các mảng chạm khắc bong kênh hình, mang nội dung phong phú. Hàng chục loại hoa lá, cỏ cây thiêng đang nở hoa kết trái, làm nền cho các loại chim, thú 4 chân sum vầy xung quanh, những linh vật được dân gian xếp vào bộ tứ linh như Long, Ly, Quy, Phượng. Với đình Dư Hàng, các nghệ nhân dân gian đã tạo ra trên kiến trúc gần 200 mảnh điêu khắc chủ đề rồng mây chiếm đại đa số, 2/3 là rồng được đặc tả mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, thời kỳ nở rộ của điêu khắc dân gian Việt Nam. Phần nhiều rồng được đặc tả bộ đao mác khúc đuôi cùng lông đuôi cuộn tròn, mô tip thường gặp là "cá chép hóa rồng". Đặc biệt có những hình rồng hóa từ tùng, cúc, trúc, mai, sen với những nét chạm cầu kỳ tỉ mẩn từng chi tiết cây cỏ hoa lá kết hợp với phong cách khoáng đạt, khái quát mang giá trị nghệ thuật cao. Tóm lại, các họa tiết trang trí trên kiến trúc của đình Dư Hàng rất phong phú sinh động hài hòa, thể hiện dày đặc ngay hai bên khung cửa đại chính giữa tòa bái đường, cốn nóc, đầu dư, cánh gà xà gian, chuyển tiếp đề tài trang trí trên kiến trúc rất hợp lý mà không khuôn cứng. Cùng với kết cấu bộ khung gỗ đã làm nên giá trị nghệ thuật trang trí triều Nguyễn tiêu biểu của đình Dư Hàng.
3.1 Kiến trúc di tích (Tham khảo theo tài liệu của Bộ Văn Hóa thể thao và du lịch
3.1.1 Cảnh quan không gian, bố cục mặt bằng tổng thể của di tích
Đình Dư Hàng ngày nay đã bị thu hẹp về không gian sử dụng do sự lấn chiếm của các hộ dân cư xung quanh. Đình quay theo hướng Tây ghé Nam 15°, trước mặt là hồ Lâm Tường và hồ Ông Báo. Khi đường chùa Hàng được mở rộng là trục đường chính dẫn thẳng vào di tích. Đình hiện nay có hai Nghi môn là Nghi môn ngoại và Nghi môn nội. Nghi môn ngoại ở sát mặt đường chùa Hàng, mới được xây dựng theo kiểu hai cột đồng trụ vào năm 2017. Nghi môn ngoại xây dựng với mục đích tránh tình trạng xâm lấn di tích. Qua Nghi môn ngoại chừng 7m trên nền lát đá vôi cắt thành viên, kích thước 0,3m x 0,3m theo mạch thẳng là đến Nghi môn nội. Nghi môn nội cũng có lối đi chính theo kiểu cột đồng trụ được xây dựng từ năm 1907 và trùng tu 2010. Từ đây, khoảng sân lớn trước đình được mở ra với hình thức lát gạch đỏ kích thước 0,3m x 0,3m. Mặt bằng công trình đại đình được bố cục theo kiểu dáng hình chữ Công với các tòa Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Tả vu đình hiện nay là sân khấu lợp mái tôn; hữu vu là nhà khách; bên cạnh là nhà bia; phía sau đình có nhà Mẫu và các công trình phụ trợ; phía bên trái có một cổng phụ đi ra ngõ nhỏ bên cạnh đình.
3.1.2 Kết cấu kiến trúc công trình
a. Nghi môn
Nghi môn nội đình Dư Hàng xây bằng gạch, trát xi măng, theo hình thức cột đồng trụ trong đắp nổi các hình tứ linh. Thân trụ hai mặt trước sau đắp các câu đối bằng chữ Hán trên nền sơn trắng. Đế trụ khum thắt cổ bồng. Lối đi này không có cánh cổng. Nối giữa cổng chính với hai cổng phụ mỗi bên là một đoạn tường dài 3,2m; cao 2m. Thân tường trang trí các ô hộc vuông hình hoa chanh. Hai cổng phụ có kết cấu kiểu hai tầng tám mái, mái sơn màu đỏ thẫm đắp xi măng giả ngói ống. Trên tường tầng hai cổng bên trái có đắp chữ “Tả môn” còn cổng bên phải đắp chữ “Hữu môn”. Hai cổng có kích thước tương đồng nhau, chiều cao tính từ nền lên bờ nóc là 4,6m; lối ra vào làm kiểu cong vòm. Hiện nay hai cổng phụ được gia cố thêm cánh cổng sắt và chỉ mở trong các dịp lễ hội. Tường bao bao quanh di tích được nối liền với cổng phụ, chiều cao trung bình là 2m, thân tường cũng trang trí các ô hộc hình hoa chanh.
b. Đại bái
* Mặt bằng công trình
Đại bái đình Dư Hàng có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 29 x 11,95m, nền cao hơn mặt sân trước 0,64m. Từ sân lên hiên Đại bái có 3 bậc cấp bằng đá vôi. Hiên bao quanh Đại bái rộng 1,21m. Phần ngoài hiên bó vỉa bằng những khối đá vôi hình hộp chữ nhật với nhiều kích thước khác nhau. Nền nội thất Đại bái có cao độ tương đương ngoài hiên nhưng được lát gạch đỏ, kích thước 0,3 x 0,3m theo mạch chữ Công. Đại bái gồm 5 gian, 2 chái với kích thước cụ thể như sau:
Bảng 1: Bảng kích thước các gian, chái của Đại bái
TT |
Tên các gian |
Vị trí trục |
Chiều dài (m) |
1 |
Chái bên phải |
Trục 1 - 2 |
3,64 |
2 |
Gian áp chái bên phải |
Trục 2 - 3 |
3,8 |
3 |
Gian bên phải |
Trục 3 - 5 |
3,8 |
4 |
Gian giữa |
Trục 5 - 6 |
4,1 |
5 |
Gian bên trái |
Trục 6 - 8 |
3,8 |
6 |
Gian áp chái bên trái |
Trục 8 - 9 |
3,8 |
7 |
Chái bên trái |
Trục 9 - 10 |
3,64 |
Trên mặt bằng đó, gian giữa là ban công đồng, hai bên là hạc gỗ, ngựa gỗ, lộc bình,chiêng đai, trống đai và các đồ tế tự khác. Đôi câu đối ở cột cái sau gian giữa ca ngợi chiến công của Ngô Quyền: Đằng thủy ba trừng lưu tiết khí Loa thành nhật lệ hữu chu duy" (Sóng Bạch Đằng lưu khí phách Vang mãi tiếng thơm của Loa Thành). Gian chái bên phải là nơi đặt ban thờ thủy tổ các dòng họ trong xã, bức hoành phi phía trên có ghi “Ẩm thủy tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn) phía trong áp tường có che bằng phông màu đỏ, trên là câu “Bản xã thủy tổ” hai bên là đôi câu đối thêu là ”Tiên tổ anh linh phù hậu thế” và “Tử tôn hiếu nghĩa báo tiền ân”. Bên trái là ban hậu thần – thờ các vị thi đỗ đại khoa người Dư Hàng và các vị mua hậu từ năm 1764 đến 2020. Bên phải là trưng bày cỗ kiệu võng. Ở phía đối diện, gian chái bên trái đặt ban thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bức hoành phi phía trên có ghi "Tổ quốc ghi công".Phía trong áp tường có che bằng phông màu đỏ, trên là câu “Bản xã Liệt sỹ” hai bên là đôi câu đối thêu chữ nôm là “Thân ngã xuống hiến cho tổ quốc” và “Hồn bay lên phù trợ quê hương”.
* Kết cấu kiến trúc
Bộ khung kiến trúc Đại bái được dựng trên 04 hàng chân cột (02 hàng cột cái và 02 hàng cột quân). Khoảng cách cụ thể giữa các hàng cột như sau:
Bảng 2: Khoảng cách giữa các hàng cột của tòa Đại bái
TT |
Tên cột |
Vị trí |
Khoảng cách (m) |
1 |
Từ cột quân trước đến cột cái trước |
Trục A - B |
2,6 |
2 |
Từ cột cái trước đến cột cái sau |
Trục B - C |
4,33 |
3 |
Từ cột cái sau đến cột quân sau |
Trục C - D |
2,6 |
Hiện nay, gian giữa Đại bái vẫn còn hệ thống lan can là kết cấu nối giữa cột cái với cột quân tại vị trí phía dưới. Sàn đình khi xưa bằng ván gỗ lim cao hơn nền hiện nay 0,6m, đã bị dỡ đi làm trụ sở Ủy Ban xã từ năm 1986. Các cột đều được kê trên chân tảng đá vôi màu xanh xám, được tạo với kiểu dáng chung, gồm hai phần: phần đế vuông có kích thước bề mặt trung bình 0,8 x 0,m; phía trên là u tròn có đường kính trung bình 0,6m; u tròn nổi cao trung bình 0,2m. Bộ khung kiến trúc Đại bái gồm 12 cột cái và 20 cột quân. Các cột có chiều cao và kích thước không đều nhau. Đường kính thân cột cái là từ 0,45m đến 0,55 m; đường kính thân cột quân là từ 0,43m đến 0,49m (đo ở vị trí cách chân tảng khoảng 1m). Đại bái có 6 vì nóc chính, 02 vì lửng đều kết cấu theo kiểu chồng rường; có 12 vì nách trước/sau và 04 vì nách hồi được làm theo hai kiểu: kiểu cốn chồng rường và kẻ.
- Các bộ vì nóc có kết cấu kiểu chồng rường. Giữa cật rường suốt trên cùng kê đấu vuông hình đài sen đỡ dép đội thượng lương (chiều cao từ nền tới thượng lương trung bình 6,85m). Rường suốt trên cùng và rường suốt thứ hai kê chồng lên nhau qua hai đấu hình đài sen nhỏ. Trọng lực của chúng dồn lên câu đầu qua hai rường cụt có một đầu giả trụ trốn. Ở giữa hai rường cụt này, người ta để trống tạo sự thông thoáng. Hai cặp rường cụt này cũng đứng trên câu đầu qua hai đấu vuông hình đài sen nhỏ. Các thanh rường được trang trí hoa lá cách điệu cả hai đầu và mỗi đầu đỡ một hoành mái có tiết diện hình tròn hoặc hình chữ nhật. Đỡ dưới dạ câu đầu ở hai vì nóc gian giữa là đầu dư kích thước cao trung bình 0,26m, độ vươn ra tính từ mép cột trung bình 0,53m. Trong khi đó, đỡ dưới dạ câu đầu ở các gian bên là nghé kẻ (chiều cao từ nền tới dạ câu đầu trung bình là 5,08m).
- Bốn bộ vì nách trước, sau gian giữa (vì 5(A-B), 5(C-D), 6(A-B) và 6(C-D) và bốn vì nách hồi (vì B(1-2), C(1-2), B(9-10) và C(9-10) làm kiểu cốn chồng rường. Ở kiểu vì này, các con rường cánh được làm chồng khít lên nhau, tạo diện trang trí. Rường cánh trên cùng là phần đuôi dư, rường dưới cùng kê trên cật xà nách (chiều cao từ nền tới dạ xà nách trước là 3,1m, tới dạ xà nách sau là 3,22m). Đỡ dưới dạ xà nách là nghé bẩy, thân bẩy ăn mộng qua đầu cột quân, tạo thành đầu bẩy vươn ra đỡ tàu mái. Liên kết hiên trước, sau ở các gian bên tòa Đại bái (vì 2(A-B), 2(C-D), 3(A-B) và 3(C-D), 8(A-B), 8(C-D), 9(A-B) và 9(C-D) là kiểu kẻ với một đầu kẻ ăn mộng qua cột cái thành nghé đỡ dạ câu đầu,đầu kia ăn mộng qua đầu cột quân, vươn ra đỡ tàu mái. Nối các cột cái và cột quân theo hàng dọc là các xà thượng cột cái và xà thượng cột quân, ăn mộng vào phần thân phía trên gần đỉnh cột. Xà thượng cột cái có kích thước trung bình 0,34m x 0,34m, xà thượng cột quân có kích thước trung bình 0,23m x 0,23m. Phần giữa cật xà thượng với cặp hoành mái thứ 4 là ván gió chạm khắc nhiều đề tài khác nhau. Đỡ dạ xà thượng cột cái tại vị trí mỗi cột cái là cánh gà. Đỡ cánh gà là các đấu con sơn ăn mộng vào thân cột cái. Giữa xà thượng cột quân và cặp hoành thứ 9 cũng là những ván gió nhưng bào trơn không trang trí. Chiều dài các thanh xà này tương đương với chiều rộng một gian Đại bái.
* Bao che xung quanh và hệ mái
Hai đầu hồi Đại đình được bưng kín bằng những tấm ván đố lụa. Hai mặt trước và sau các gian bên Đại bái là hàng cửa sổ chấn song tạo sự thưa thoáng; phía dưới là ván bưng. Ở gian giữa, cửa được làm theo kiểu thượng song hạ bản với 6 cánh nối tiếp nhau. Tuy nhiên, lối đi chính thực tế vào Đại bái là ở hai gian bên, tại đây người ta bố trí thêm mỗi bên một cột, ngăn cách phần làm theo kiểu cửa sổ chấn song với lối vào kiểu cửa thượng song hạ bản với chỉ 1 cánh. Ở 4 góc đỡ đầu đao còn bố trí thêm trụ xây bằng gạch có tiết diện hình chữ L, nó cũng có tác dụng che nắng mưa và giới hạn phần hiên Đại bái. Đại bái đình Dư Hàng có 04 mặt mái lợp ngói di. Bờ nóc, bờ chảy, bờ guột xây gạch hoa chanh. Hai đầu bờ nóc đắp linh thú Makara miệng nhả sóng nước; chính giữa là hình lưỡng long chầu nhật; khúc nguỷnh đắp con nghê quay đầu hướng vào giữa; đầu đao đắp hình Makara tương tự như ở đầu bờ nóc. Trên hệ mái, điểm cao nhất là đuôi Makara (cao cách nền 8,33 m), điểm thấp nhất là mép giọt gianh gian giữa (cao cách nền 2,78m).
c. Ống muống
* Mặt bằng công trình
Ống muống đình Dư Hàng có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 6,6m x 10,12m. Trong đó, hiên hồi hai bên rộng 1,4m; bên ngoài được bó nền bằng đá vôi, bên trong lát gạch đỏ 0,3m x 0,3m theo mạch chữ Công. Ống muống vuông góc và kết nối với Tiền đường ở gian giữa. Nền Ống muống tương đương với Đại bái, tuy nhiên dọc theo hai bên có bố trí sàn gỗ cao hơn nền 0,5m. Phần nội thất bên trong cũng được lát gạch đỏ 0,3m x 0,3m theo mạch chữ Công. Trên mặt bằng đó là nơi đặt kiệu thờ và khám thờ. Hoành phi treo ở vì nóc giữa có đề “Vạn cổ anh linh” (Muôn thuở linh thiêng) còn ở vì nóc phía sau đề “Thượng đẳng thần”. Kết cấu Ống muống gồm 2 gian theo hình chữ Nhất dọc với kích thước tương đương. xếp theo thứ tự từ ngoài vào trong như sau:
Bảng 3: Kích thước các bước gian ở tòa Ống muống
TT |
Tên các gian |
Vị trí gian |
Chiều dài (m) |
1 |
Gian thứ nhất |
Trục D - E |
3,3 |
2 |
Gian thứ hai |
Trục E - F |
3,3 |
* Kết cấu kiến trúc
Bộ khung kiến trúc Ống muống được dựng trên 4 hàng chân cột, gồm 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân. Chân tảng kê cột có kích thước, kiểu dáng tương tự như ở Đại bái. Khoảng cách cụ thể giữa các hàng cột như sau:
Bảng 4: Kích thước các bước cột ở tòa Ống muống
TT |
Tên cột |
Vị trí |
Khoảng cách (m) |
1 |
Từ cột quân bên trái tới cột cái bên trái |
Trục 4 – 5 |
1,5 |
2 |
Từ cột cái bên trái tới cột cái bên phải |
Trục 5 – 6 |
4,1 |
3 |
Từ cột cái bên phải đến cột quân bên phải |
Trục 6 – 7 |
1,5 |
Bộ khung kiến trúc Ống muống gồm 6 cột cái và 6 cột quân. Trong đó các cột 5D, 6D vừa đóng vai trò là cột quân của Đại bái, vừa là cột cái trước của Ống muống; các cột 5F, 5F vừa đóng vai trò là cột quân của Hậu cung, vừa là cột cái sau của Ống muống. Các cột có chiều cao và kích thước không đều nhau. Đường kính thân cột cái từ 0,4m đến 0,42m; đường kính thân cột quân trung bình 0,39m (đo từ vị trí cách chân tảng khoảng 1m). Ống muống có 3 vì nóc làm theo kiểu chồng rường và chồng rường – giá chiêng, 6 vì nách đều làm theo kiểu cốn chồng rường và hiên kiểu bẩy chéo. Tùy từng vị trí mà sự liên kết có đôi chút khác nhau.
- Vì nóc phía trước D(5-6) làm theo kiểu chồng rường – giá chiêng. Ăn mộng qua hai cột trốn là các con rường cánh kê sát lên nhau. Hai cột trốn tì lực lên cật câu đầu và đỡ con rường suốt trên cùng đều qua đấu vuông hình đài sen. Con rường suốt trên cùng đỡ dép đội thượng lương cũng qua đấu hình sen. Đỡ dạ câu đầu là đầu dư chạm rồng (chiều cao từ nền tới dạ câu đầu là 4,4m). Vì nách hai bên làm theo kiểu cốn chồng rường. Phía dưới cùng là xà nách, một đầu ăn mộng vào thân cột cái, một đầu ăn mộng qua phần đầu cột quân. Phía trên là hai con rường cánh ăn mộng vào thân cột cái, kê sát lên nhau, con rường trên cùng là đuôi dư đỡ hoành mái tiết diện hình tròn.
- Vì nóc ở giữa E(5-6) và phía sau F(5-6) làm theo kiểu chồng rường tương tự như ở Đại bái. Giữa cật rường suốt trên cùng kê đấu vuông hình đài sen đỡ dép đội thượng lương (chiều cao từ nền tới thượng lương trung bình 5,88m). Rường suốt trên cùng làm hơi cong vồng kê chồng lên rường suốt thứ hai qua hai đấu vuông hình đài sen nhỏ. Trọng lực của chúng dồn lên câu đầu qua hai rường cụt có hai đầu giả trụ trốn. Hai cặp rường cụt này cũng đứng trên câu đầu qua hai đấu vuông hình đài sen nhỏ. Mỗi đầu con rường đỡ một hoành mái có tiết diện hình tròn. Đỡ dưới dạ câu đầu ở vì nóc giữa là đầu dư hình rồng. Vì nách hai bộ vì này tương tự như vì nách trước. Khác biệt ở chỗ đỡ dạ xà nách vì E(5-6) có nghé bẩy, thân bẩy ăn mộng qua cột quân thành đầu bẩy đỡ tàu mái; còn ở vì F(5-6) và D(5-6) không có liên kết hiên. Nối các cột cái và cột quân theo hàng dọc là các xà thượng, được tạo ăn mộng vào sát trên đầu cột. Xà thượng cột cái và xà thượng cột quân cùng có kích thước tiết diện tương tự như ở Đại bái, chiều dài các xà này bằng chiều dài 1 gian Ống muống. Đỡ dạ xà thượng cột cái tại vị trí mỗi cột cái là cánh gà hình con sơn.
* Bao che xung quanh và hệ mái
Hai bên Ống muống được bao che bởi hàng cửa sổ chấn song. Hai bên tường hồi có cửa ra vào làm kiểu thượng song hạ bản. Ống muống có 2 mái lợp ngói di, bờ nóc làm bằng vôi vữa. Trên hệ mái, điểm cao nhất là đỉnh bờ nóc (cao cách nền 6,885m), điểm thấp nhất là mép giọt gianh (cao cách nền 2,808m).
d. Hậu cung
* Mặt bằng công trình
Hậu cung đình Dư Hàng có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 13,99 x 9,29m, nền cao hơn mặt sân sau 0,46m. Hiên phía trước/sau và hiên hồi hai bên đều rộng 1,145m. Phần ngoài hiên bó vỉa bằng những khối đá vôi hình hộp chữ nhật. Hậu cung được bố trí sàn gỗ cao hơn nền 0,9m, riêng ở gian giữa còn 1 cấp sàn nữa kéo dài từ hàng cột cái trước tới cột quân sau. Hậu cung gồm 1 gian, 2 chái với kích thước cụ thể như sau:
Bảng 5: Bảng kích thước các gian, chái tòa Hậu cung
TT |
Tên các gian |
Vị trí trục |
Chiều dài (m) |
1 |
Chái bên phải |
Trục 3 - 5 |
3,8 |
2 |
Gian giữa |
Trục 5 - 6 |
4,1 |
3 |
Chái bên trái |
Trục 6 - 8 |
3,8 |
Trên sàn gian giữa là sập thờ, khám thờ đặt tượng Ngô Quyền và các đồ tế tự khác. Đôi câu đối ở hai cột cái trước gian giữa viết:
"Việt quốc Thánh vương chiến công lưu vạn cổ
Dư Hàng Thần chủ uy vũ tráng thiên thu”
(Chiến công của đức Thánh lưu truyền mãi Uy danh Thành hoàng làng Dư Hàng hùng tráng ngàn năm)
Còn đôi câu đối ở hai cột cái sau gian giữa viết:
" Âu hạc niên khai kỳ chiến tích
Loa thành nhật lệ hữu chu duy”
(Một năm mở ra nhiều chiến công đánh giắc Thành Cổ Loa ngày ngày nhiều điều tốt đẹp)
* Kết cấu kiến trúc
Bộ khung kiến trúc Hậu cung được dựng trên 04 hàng chân cột (02 hàng cột cái và 02 hàng cột quân). Khoảng cách cụ thể giữa các hàng cột như sau:
Bảng 6: Khoảng cách giữa các hàng cột của tòa Hậu cung
TT |
Tên cột |
Vị trí |
Khoảng cách (m) |
1 |
Từ cột quân trước đến cột cái trước |
Trục F – G |
1,5 |
2 |
Từ cột cái trước đến cột cái sau |
Trục G – H |
4 |
3 |
Từ cột cái sau đến cột quân sau |
Trục H - K |
1,5 |
Các cột đều được kê trên chân tảng đá vôi màu xanh xám có hình dáng và kích thước tương tự ở Đại bái và Ống muống. Bộ khung kiến trúc Hậu cung gồm 4 cột cái và 12 cột quân. Đường kính thân cột cái là 0,42 m; đường kính thân cột quân là 0,4m (đo ở vị trí cách chân tảng khoảng 1m). Hậu cung có 2 vì nóc chính, 02 vì lửng và 2 vì nách trước đều kết cấu theo kiểu chồng rường; 2 vì nách sau và 4 vì nách hồi làm kiểu ván mê.
- Các bộ vì nóc có kết cấu kiểu chồng rường tương tự như vì nóc ở Đại bái. Giữa cật rường suốt trên cùng kê đấu vuông hình đài sen đỡ dép đội thượng lương (chiều cao từ nền tới thượng lương là 6,135m). Rường suốt trên cùng và rường suốt thứ hai kê chồng lên nhau qua hai đấu vuông hình đài sen nhỏ. Trọng lực của chúng dồn lên câu đầu qua hai rường cụt có hai đầu giả trụ trốn. Ở giữa hai rường cụt này, người ta để trống tạo sự thông thoáng. Hai cặp rường cụt này cũng đứng trên câu đầu qua hai đấu vuông hình đài sen nhỏ. Phía đầu mỗi con rường đỡ một hoành mái có tiết diện tròn. Đỡ dưới dạ câu đầu ở hai vì nóc gian giữa là đầu dư kích thước cao trung bình 0,26m, độ vươn ra tính từ mép cột trung bình 0,48m (chiều cao từ nền tới dạ câu đầu là 3,96m).
- Hai vì nách trước gian giữa 5(F-G) và 6(F-G) có kết cấu kiểu chồng rường. Tuy nhiên thực tế chỉ có một con rường duy nhất là phần đuôi dư ăn mộng qua đầu cột cái. Con rường đặt áp lên cật xà nách (chiều cao từ nền tới dạ xà nách là 3,1m).
- Hai vì nách sau gian giữa 5(H-K) và 6(H-K) và bốn vì nách hồi G(3-5), H(3-5), G(6-8) và H(6-8) làm kiểu ván mê. Trung tâm là tấm ván mê hình tam giác vuông, một cạnh áp vào thân cột cái, một cạnh đỡ 2 hoành mái có tiết diện tròn, cạnh còn lại áp và cật xà nách. Xà nách bào soi vỏi măng, một đầu ăn mộng vào thân cột cái, đầu kia ăn mộng qua đầu cột quân. Phần mặt ngoài xà nách tiếp xúc với cột quân được chạm trổ hoa lá. Liên kết hiên kiểu bẩy chéo, với một đầu ăn mộng qua cột quân tạo thành nghé đỡ dạ xà nách. Nghé bẩy ăn mộng qua cột quân, trên cật đầu bẩy kê ván dong và phần phía trước khoét một khoảng để đỡ tàu mái. Ván dong để mộc, không trang trí hoa văn. Nối các cột cái và cột quân theo hàng dọc là các xà thượng cột cái và xà thượng cột quân, ăn mộng vào phần thân phía trên gần đỉnh cột. Xà thượng cột cái và xà thượng cột quân có kích thước trung bình 0,26m x 0,26m. Chiều dài các thanh xà này tương đương với chiều rộng một gian Hậu cung.
* Bao che xung quanh và hệ mái
Bốn mặt Hậu cung được bưng kín bằng những tấm ván đố lụa. Lối đi ở chính giữa kiểu thượng song hạ bản với 6 cánh nối tiếp nhau. Tuy nhiên, lối đi chính thực tế vào Hậu cung là ở hai chái, tại đây người ta bố trí thêm mỗi bên một cột, ngăn cách phần làm theo kiểu ván đố lụa với lối vào kiểu cửa thượng song hạ bản có 2 cánh. Ở 4 góc đỡ đầu đao còn bố trí thêm trụ xây bằng gạch có tiết diện hình chữ L tương tự như ở Đại bái. Hậu cung đình Dư Hàng có 04 mặt mái lợp ngói di. Hai đầu bờ nóc đắp hình thủy quái Makara bằng vôi, vữa ngậm bờ nóc; chính giữa là hình lưỡng mặt trời quầng lửa; đầu đao đắp hình vân xoắn. Trên hệ mái, điểm cao nhất là hình mặt trời (cao cách nền 7,38 m), điểm thấp nhất là mép giọt gianh gian giữa (cao cách nền 2,81m).
3.1.3- Nghệ thuật điêu khắc, trang trí
a. Trang trí bên ngoài công trình
Trang chỉ bên ngoài công trình chủ yếu được thể hiện ở các hình đắp vẽ trên Nghi môn và hệ mái Đại đình. Tuy nhiên đây đều là những sản phẩm có niên đại rất muộn, từ năm 2010 trở lại đây.
- Ở Nghi môn nội: đầu cột trụ đắp theo kiểu ô lồng đèn, bốn mặt đắp phù điêu hoa văn tứ linh. Đỉnh cột trụ đắp hai con nghê ngồi trong trong thế chầu vào giữa. Nghê mang thân hình và các chi giống chó, đầu sư tử, miệng rồng, toàn thân khảm sành sứ.
- Ở Đại đình: giữa hai mái chính Đại bái là bờ nóc được xây bằng vôi vữa trang trí dải hoa chanh, chính giữa có đắp hình “lưỡng long chầu nhật”. Rồng có dáng vẻ dữ dằn, miệng mở rộng, bờm chải ngược về sau, thân dài, thon, trang trí dưới thân và chân rồng có nhiều cụm vân xoắn. Ở giữa hai rồng là mặt trời với nhiều tia lửa kéo dài hướng lên phía trên, thân trổ thủng hình tròn, đỡ bên dưới mặt trời là hổ phù, hướng nhìn chính diện về phía Nghi môn, hai chi bám vào bờ nóc. Ở bờ chảy và bờ guột cũng trang trí thêm nhiều linh thú với niên đại và tạo hình tương tự, đặc điểm chung là đều được khảm sành sứ.
Ở hai đầu bờ nóc Hậu cung, linh thú Makara với mắt tròn lồi, các bờm, đao ở gáy bay dài ra phía sau, miệng có răng nanh đang ngậm lấy bờ nóc. Chính giữa bờ nóc cũng là hình mặt trời quẩng lửa, nhưng thân không trổ thủng như Đại bái.
b. Trang trí bên trong công trình
Những trang trí đặc sắc bên trong công trình chủ yếu tập trung trên các cấu kiện gỗ như vì nách, đầu dư, cánh gà, ván gió ở tòa Đại bái và bộ vì phía trước tòa Ống muống. Những đề tài chạm khắc ở đây chủ yếu là rồng, phượng, voi, vân mây, đao mác với phong cách nghệ thuật thuộc hai giai đoạn chính: giai đoạn năm 1866 khi đình được khởi dựng mô phỏng theo đình Hàng Kênh và giai đoạn trùng tu lớn vào năm 1907. Bên cạnh đó cũng có nhiều mảng trang trí, đặc biệt là ván bưng ở Đại bái ở các bộ vì ở Hậu cung là sản phẩm của lần tu sửa năm 2010.
- Bộ vì trục 2(A-D): Ở đầu kẻ trước, mặt bên trái chạm hình rồng với toàn thân hướng về phía cột quân. Rồng có mắt to, tròn; mũi lớn; râu bờm lượn sóng, bay ngược lên, chân khuỳnh, thân uốn khúc trên mây; đuôi là những đao dài xoắn ở vị trí đỡ tàu mái. Phần ván nong kê phía trên chạm hình lá hóa rồng với hướng nhìn tương tự. Ở mặt bên phải đầu kẻ trước, đầu kẻ sau cũng như ở thân và nghé kẻ trang trí hoă văn cụm lá. Vì nóc trục này các con rường được trang trí dạng cụm lá ở hai đầu, phần giữa soi gờ chỉ. Câu đầu bào trơn, được thay thế trong lần trùng tu năm 2010.
- Bộ vì trục 3(A-D): về cơ bản có kết cấu và trang trí giống như vì trục 2(A-D); chỉ khác một chi tiết là đầu kẻ trước bên phải cũng được trang trí rồng như mặt bên trái.
- Bộ vì trục 5(A-D): phần đầu bẩy đã có thêm sự xuất hiện của lân, rùa bên cạnh rồng, trong đó hình ảnh rùa khá nhỏ bé, ẩn trong sóng nước. Ván dong phía trên mặt bên trái có sự xuất hiện của cả rồng và phượng. Phượng được đặc tả ở phần đầu, chân và hai cánh dang rộng, phần thân được ẩn đi sau lớp cánh. Cốn vì nách ở trục này cũng được chạm kín cả hai mặt. Mặt bên trái, các con rường cánh chạm nổi hình rồng với nhiều góc nhìn và tư thế khác nhau, xen lẫn còn xuất hiện hình hổ nhưng kích thước nhỏ hơn khá nhiều. Dường như người thợ xưa muốn gửi ước vọng sinh sôi nảy nở, con cháu đầy nhà trong những nét chạm khéo léo, tài tình này. Ở trên xà nách, bên cạnh hình rồng còn xuất hiện hình rùa, long mã và phượng tạo hình bộ tứ linh đầy đủ, làm nền cho chủ thể này là hình hoa lá và vân mây. Ở mặt bên phải, thanh rường trên cùng và cũng là đuôi dư trang trí hình phượng, phía dưới trang trí dạng mây hóa rồng lớn; xà nách trang trí hình tứ quý chạm nổi tùng, trúc, cúc, mai cùng những con chim xen kẽ. Vì nóc ở trục này cũng được chạm khắc tương tự như ở các vì trục khác; hai đầu dư đỡ dưới dạ câu đầu chạm hình đầu rồng có hình rồng phía trước phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 19, đầu rồng phía sau mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ 20. Ở mặt trái vì nách sau, con rường trên cùng là đuôi dư trang trí phần thân và đuôi rồng. Cốn chạm hình hoa có nhiều đao mác tỏa ra và hình lá hóa rồng. Mặt bên phải, hình tượng con rồng tiếp tục chiếm vị trí chủ đạo và xuất hiện trang trí trúc hóa rồng; ở xà nách là hình lưỡng long chầu nhật. Ở bộ vì mặt này, các mảng chạm ở cốn được làm ở giữa thế kỷ 19 nhưng được mô phỏng theo các mảng chạm mang phong cách thế kỷ 18 ở đình Hàng Kênh, còn những mảng chạm ở xà nách mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ 20.
- Bộ vì trục 6(A-D): đầu bẩy chạm khắc có nhiều nét tương đồng với trục 5(A-D). Ván nong phía trước bên trái trang trí dạng hồi văn cụm lá mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ 20. Ở mặt còn lại, rồng và phượng vẫn giữ vị trí chủ đạo. Từ đầu rồng lớn nhả ra sóng nước, ở phía dưới chạm khắc hình cá đang uốn mình cuộn theo. Ở phía dưới tàu mái là hình long mã phụ hà đồ với hình chữ Thọ trên lưng; bên cạnh là hình hoa lá, giữa những cánh hoa là hình chim đang dang rộng đôi cánh. Trang trí trên bộ cốn chồng rường trước sống động với dày đặc các mảng chạm linh thú và hoa lá. Ở mặt bên phải, hình ảnh cá hóa rồng cũng xuất hiện với chân bốn móng, phần thân dày đặc đao mác nhưng đuôi tạo hình đuôi cá, bên cạnh là hình một con hổ đang bám vào phần đuôi này. Ở mặt bên trái, đề tài hoa lá dày đặc hơn, nổi bật là hoa văn trúc hóa rồng. Ở phía dưới là hổ và phượng đan xen. Ẩn mình trong hoa văn sóng nước là những con cá sống động trong tư thế bơi theo phương nằm ngang. Ở bộ cốn sau, đuôi dư hình hổ phù, miệng há to trang trí hình chữ Thọ, với bờm tóc dạng đao lửa bốc lên. Phía dưới chạm khắc hình rồng và phượng. Các mảng trang trí ở bộ vì này có nhiều niên đại khác nhau, khi ghép một số không khớp nối liền mạch
- Bộ vì trục 8(A-D) và 9(A-D) chạm khắc gần tương tự như trục 2(A-D) và 3(A-D), mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ 20.
- Các bộ vì nách (B(1-2), C(1-2), B(9-10) và C(9-10) cũng đều được trang trí dày đặc rồng ổ với nhiều tư thế khác nhau, đao mác thẳng nhọn kéo dài; những con vật khác như cá, hươu, hổ, phượng mặc dù cũng xuất hiện nhưng rất nhỏ bé và làm nền cho hình ảnh rồng ở vị trí trung tâm. Hầu hết các mảng chạm đều có niên đại thế kỷ 19, một số vị trí như đấu con sơn được làm vào đầu thế kỷ 20.
- Nếu như đầu dư chỉ có ở các cột cái gian giữa thì hệ thống cánh gà được trang trí ở tất cả các cột cái các gian. Cánh gà chạm hình rồng lớn với những đao mác nhọn, dài hất ngược về sau, ở phía dưới được trang trí thêm nhiều con thú nhỏ khác như hổ, rồng con thấp thoáng sau các đao mác hoặc dưới móng rồng lớn. Dưới cùng là đấu con sơn trang trí dạng hồi văn cụm lá. Trên các ván gió và lan can cũng dày đặc các mảng chạm với nhiều đề tài phong phú như rồng, voi, mặt trời, đao mác, đấu củng mang niên đại tạo tác thế kỷ 19. Mặt trước ván bưng chạm nhiều hơn đề tài hoa lá cách điệu xen kẽ hình rồng chầu; tuy nhiên đây là sản phẩm mới được làm vào đầu thế kỷ 21, mô phỏng theo lối chạm khắc cổ.
- Bộ vì trục D(4-7) ở tòa Ống muống có con rường suốt chạm khắc hình lưỡng long tranh châu, các con rường cánh trang trí rồng chầu, hai cột trốn trang trí hoa lá. Rồng cũng là đề tài chính được thể hiện ở đầu dư và vì nách. Quá trình tháo dỡ, trùng tu di tích đã khiến một số ví trí con rường ở đây không ăn khớp về mặt bố cục.
- Bộ vì trục E(4-7) và F(4-7) có vì nóc kiểu chồng rường, chạm hình hoa lá cách điệu đơn giản ở đầu các con rường, xà nách và bẩy, hình rồng xuất hiện trên đầu dư và các con rường ở vì nách, không thấy xuất hiện linh thú khác.
- Ở tòa Hậu cung, hai vì nóc 5(G-H) và 6(G-H) cũng chỉ được trang trí hoa lá đơn giản; hai vì nách sau, bốn vì nách hồi và đầu dư trang trí hình rồng có niên đại đầu thế kỷ 20. Nhìn chung, trang trí bên trong nội thất đình Dư Hàng chủ yếu là đề tài rồng, phượng, lân, rùa, voi, vân xoắn, trúc hóa rồng, chim, cá, không thấy xuất hiện đề tài con người. Những mảng chạm này mang phong cách nghệ thuật chủ đạo là giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một số có niên đại muộn vào đầu thế kỷ 21 nhưng mô phỏng theo các đường nét hoa văn cổ.
4- Di sản quý của Đình
Đình Dư Hàng hiện còn lưu giữ nhiều tài sản và cổ vật quý hiếm.
+ Pho tượng của Ngô Vương Quyền chế tác khoảng thế kỷ XVI.
+ Một cỗ Kiệu bát cống tương truyền có thừ thời nhà Mạc.
+ Nhiều cuốn thư, đại tự, câu đối cổ thếp bạc phủ vàng ròng có tuổi gần 200 năm.
+ Đặc biệt đình Hàng còn lưu giữ hòm sắc luân lưu của cả tổng Đông Khê gồm 7 đạo sắc của các triều đại, (trong đó có 2 bản sao không có bản chính).
Đến phiên đình Dư Hàng được rước luân lưu sắc hàng tổng về đúng năm 1945 thì kháng chiến bùng nổ, các xã không còn lễ hội và rước sắc nữa nên hòm sắc vẫn được lưu giữ ở đình Dư Hàng. Khi lập hồ sơ xếp hạng di tích năm 1992, hòm sắc được liệt vào danh sách cổ vật quí giá của đình Dư Hàng (còn các xã chỉ có bản sao).
Cụ thể các sắc phong gồm:
- Sắc chỉ ngày 15-6 của Vua Gia Long 9 (1811) ban cho xã Lương Xâm tiếp tục thờ Ngô Quyền là thành Hoàng.(bản sao).
- Sắc chỉ ngày 10-1 của Vua Tự Đức 6 (1853) ban cho lục tổng tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng chung,
- Sắc chỉ ngày 24-11 của Vua Tự Đức 33 (1880) ban cho lục tổng tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng chung. (bản sao của huyện An Dương)
- Sắc chỉ ngày 24-11 của Vua Tự Đức 33 (1880) ban cho 17 xã tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng chung,
- Sắc chỉ ngày 18-11 của Vua Thành Thái nguyên niên (1889) ban sắc riêng cho xã Hàng Kênh tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng.
- Sắc chỉ ngày 18-11 của Vua Duy Tân 3 (1910) ban cho xã Hàng Kênh tiếp tục thờ Ngô Quyền và có nhắc đến Điện tiền chỉ huy sứ (Vũ Chí Thắng). “Linh phù bản thổ phúc thần, tiền đặc tứ Chỉ huy sứ võ công chi thần. Tiết kinh ban cấp.”.
- Sắc chỉ ngày 24-7 của Vua Khải Định thứ 9 (1924) ban cho xã Hàng Kênh tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng.
+ Bản Đình có nhà bia bên phải sân Đình mới xây năm 1991 còn bốn văn bia nguyên vẹn được chuyển từ vị trí Văn chỉ cũ của đình về (do bị dân lấn chiếm phá dỡ). Gồm các văn bia như sau:
a- Bia văn “Bản Huyện văn thuộc bia ký” thuộc huyện An Dương, Lập vào tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764). (Bia hàng Huyện). Bia ghi chép “tính danh, nơi ở các tiến sĩ, chức sắc trong huyện” và phân bổ đóng góp kinh phí tế lễ xuân thu hàng năm. (bia này cũng có ở đình Kênh). Danh tính các vị đại khoa từ Nguyễn Truân xã Lực hành đỗ đồng tiến sĩ khoa Bính tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đến Hàn lâm viện Trịnh Đức Thi xã Dư Hàng đỗ đỗ đồng tiến sĩ khoa kỷ sửu (1529).
b- Bia hội Tư văn Tư võ trong tổng Đông Khê, huyện An Dương, phủ Kinh Môn. Bia lập ngày đẹp năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).(Bia hàng Tổng). Bia quy định mức đóng góp của mỗi thành viên để “sửa lễ tế tự” và ghi chép danh sách “các vị khoa trường tiền bối cùng các chức sắc phối hưởng” trong hàng tổng.
c- Bia ghi chép việc Làng (Lập sau khi trùng tu Đình năm 1909. Bia dựng ngày 22-4- Duy Tân thứ 6 (1912) . Nội dung bia ghi chép việc xây dựng lại Đình làng Dư Hàng)
d- Bản xã bia ký (Lập sau khi trùng tu Đình năm 1909. Bia dựng ngày 02-6- Duy Tân thứ 8 (1914). Bia ghi chép danh tính và việc đóng góp tiền của dân làng xây dựng lại đình Dư Hàng.
5. Hoạt động tín ngưỡng
Hằng năm, đình khôi phục lễ hội văn hóa truyền thống ba ngày từ 18-20 tháng Giêng. Lễ hội có các hoạt động chính như: tổ chức tế lễ, rước linh đình, tổ chức diễn chèo, tuồng, hát ca trù, chầu văn và các trò chơi dân gian như đánh cờ, đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm... Các cuộc tế lễ diễu hành trong tiếng kèn trống, nghi thức tế Thần được tổ chức rất trọng thể, trang nghiêm, có đầy đủ cả chủ tế, bồi tế, theo thứ bậc, chức sắc và tuân thủ nghi thức từ cổ xưa... Việc thờ cúng được lưu truyền nguyên vẹn từ đời này qua đời khác. Tinh hoa của làng quê Dư Hàng hòa tan vào trong đó, làm cho tín ngưỡng dân gian và phong tục thờ cúng Đức Ngô Vương Thiên tử có một giá trị truyền thống bền vững. Vào những năm "phong đăng hòa cốc", đình mở hội kéo dài. Trong ngày hội, dân làng, du khách bốn phương từ khắp các nẻo đường tấp nập đổ về, ai nấy đều hồ hởi vui tươi. Xóm thôn cảnh vật vốn yên tĩnh trở lên náo nhiệt từ sớm đến khuya. Trong đình khói hương nghi ngút, ngoài sân cờ thần phấp phới, dòng người chen chúc ngược xuôi, lòng người thành tâm thánh thiện hòa quyện vào không gian mùa xuân góp phần làm nên vẻ đẹp muôn đời của hội xuân dân tộc.
(Một số hình ảnh lễ hội đình Dư Hàng)
Admin