ĐÌNH ĐÔNG, XÃ KIẾN THIẾT, HUYỆN TIÊN LÃNG

06 02 2024

in trang

Di tích lịch sử Đình Đông thuộc thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.  Di tích lịch sử Đình Đông còn được gọi là đình hai giáp thờ hai vị thành hoàng là “ Bộ hộ thượng thư Nhữ tướng công Vương trực Bác đạt Thượng đẳng phúc thần” (Nhữ Văn Lan) của giáp Đoài và “ Thiên Quan Hòe Vương” của giáp Đông. Đình được xây dựng ngay trên khuôn viên đất ở của thương thư Nhữ Văn Lan

 

Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan sinh năm 1443 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng An Tử Hạ, Tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương (Nay là Thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, Huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Ngay từ khi còn nhỏ, Nhữ Văn Lan đã thể hiện sự thông minh, lên ba tuổi đọc được chữ Hán, nổi tiếng Thần Đồng, được hiền tài nhiều nơi tìm đến chăm lo việc học hành. Khoa thi năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Nhữ Văn Lan đỗ Nhị giáp đồng Tiến Sỹ, lúc đó vừa tròn 20 tuổi. Ngay sau khi thi đỗ Tiến Sỹ, Nhữ Văn Lan ra làm quan dưới triều Lê, là nhà khoa bảng lớn đầu tiên của huyện Tiên Minh thời Lê thế kỷ 15, người mở đầu cho truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của nhân dân huyện Tiên Minh lúc bấy giờ.

 40 năm liên tục làm quan, Tiến Sỹ Nhữ Văn Lan là một vị quan thanh liêm, chính trực, giúp triều đình giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đóng góp nhiều công lao vào sự hưng thịnh của vương triều Lê thời bấy giờ, được vua Lê Thánh Tông phong tới chức Thượng Thư Bộ Hộ. Năm 1503, Tiến Sỹ thượng thư Nhữ Văn Lan hồi hưu tại quê nhà thuộc làng An Tử Hạ, Tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, Phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương, nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

 20 năm sống trên mảnh đất quê nhà, với tài năng đức độ, ông đã đem phần tâm lực cuối cùng để giúp đỡ dân làng xây đắp truyền thống giáo dục, học hành, hướng dẫn dân làng đào kênh, xây cầu cống dẫn thuỷ nhập điền, khai khẩn hoang hoá. Với tư tưởng bao trùm “khoan nhân- thi đức” Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan đã cảm hoá thuyết phục mọi người, nêu tấm gương sáng cho các thế hệ ngàn đời. Khi ông qua đời, trải qua nhiều triều đại đến đời vua Tự Đức triều Nguyễn sắc phong ông làm Thành Hoàng làng An Tử Hạ, được tạc tượng và thờ ở đình.

 

Khuôn viên đất ở của Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan thuộc Giáp Đông của làng được Họ Nhữ và nhân dân nơi đây trông coi, bảo vệ. Trải qua bao biến cố  của thời gian và thăng trầm của lịch sử đến nay diện tích khuôn viên đất vẫn còn 444m2

Theo cụ Vũ Văn Ưng và một số các cụ cao niên trong làng kể lại: Vào khoảng thời gian những năm 1938, 1939 Đình vồng Si (Ngôi Đình thuộc giáp Đoài) xuống cấp nghiêm trọng, cộng thêm phong ba bão táp làm cho ngôi Đình hư hỏng nặng. Dân làng hai giáp là giáp Đông và giáp Đoài Làng An Tử Hạ, (thuộc xóm Đông và xóm Đoài ngày nay), đã tổ chức họp bàn thống nhất huy động kinh phí đóng góp của nhân dân để xây dựng Đình trên khuôn viên đất ở của Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan để lại.

 Vẫn theo lời Cụ Vũ Văn Ưng thì Năm 1940 Dân Làng hai Giáp (là Giáp Đông và Giáp Đoài) đã tổ chức lễ khánh thành ngôi Đình, khi đang cúng tế thì quân Nhật đi tàu về bến đò Đăng, đổ bộ lên bằng xe ô tô, thấy dân làng tụ tập đông người Tế lễ, Quân Nhật vào xem rồi im lặng bỏ đi, không làm ảnh hưởng tới buổi Tế lễ.

Các Cụ trong làng còn kể rõ: Ngôi Đình được làm bằng gỗ lim, kiến trúc theo hình chữ Đinh gồm 5 gian Tiền Tế và 3 gian Hậu cung, dân làng gọi là Đình Hai Giáp vì là nơi Thờ hai vị Thành Hoàng:

- Thành hoàng Giáp Đông Là Thiên Quan Hoè Vương

- Thành hoàng giáp Đoài là Nhữ Tướng Công Hộ Bộ Thượng Thư (Tức Tiến Sỹ Thượng Thư Nhữ Văn Lan).

Vào những năm 1948 đến năm 1952 thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến, ngôi Đình đã bị phá đi 5 gian Tiền Tế, chỉ còn lại 3 gian Hậu cung. Tượng và đồ thờ vẫn được giữ nguyên.

Vào những năm 1965 đến năm 1970, ba gian hậu cung của ngôi Đình bị hỏng, Đồ thờ và Tượng được dân làng chuyển về chùa Bảo Khánh - Nam Tử. Đến nay nền Đình, móng nhà, tảng đá vẫn còn được lưu giữ.

Đầu năm 1988 Dòng Họ Nhữ thôn Nam Tử họp bàn các thành viên trong dòng họ thống nhất đóng góp, tổ chức xây dựng một gian trên nền đất Hậu Cung cũ của Đình Hai Giáp (Đình Đông) để thờ phụng Thành Hoàng làng.

          Nhân kỉ niệm 495 năm ngày mất của ông, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, từ nguồn kinh phí xã hội hóa một ngôi đình bề thế nguy nga được trùng tu xây dựng trên khuôn viên đất của tiến sĩ Nhữ Văn Lan. Tại đây, hàng năm đều diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu dương khen thưởng học sinh giỏi của xã trước thềm năm học mới, tri ân người có công.

Ông Nhữ Sơn Hải- Bí thư Đảng ủy xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng tự hào khẳng định: “Phát huy những giá trị của di tích lịch sử đình Đông- nơi thờ tiến sĩ Thượng thư Bộ hộ Nhữ Văn Lan, địa phương xác định đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống hiếu học đối với con em xã Kiến Thiết và niềm tự hào của người dân địa phương”.

 Ghi nhận công lao của ông, huyện Tiên Lãng đã lấy tên ông đặt cho tuyến phố chính của thị trấn Tiên Lãng và là tên của ngôi Trường THPT Nhữ Văn Lan.

Di tích lịch sử Đình Đông được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 3112/QĐ-UBND ngày 9/10/2020.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke