ĐÌNH ĐÔNG - XÃ ĐẠI BẢN - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình Đông thuộc thôn, làng văn hóa Đại Đồng, xã Đại Bản, huyện  An Dương, thành phố Hải Phòng. Đại Đồng là thôn cổ, trước kia là thôn của xã Vụ Nông. Đình Đông nằm ở phía đông làng Vụ Nông, nên mang tên gọi như vậy. Ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2015.


Đình Đông thuộc thôn, làng văn hóa Đại Đồng, xã Đại Bản, huyện  An Dương, thành phố Hải Phòng. Đại Đồng là thôn cổ, trước kia là thôn của xã Vụ Nông. Đình Đông nằm ở phía đông làng Vụ Nông, nên mang tên gọi như vậy. Ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2015.

Tương truyền, đình Đông có nguồn gốc khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Đình nhìn về hướng Nam và bố cục mặt bằng hình chữ đinh truyền thống, gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Kết cấu kiến trúc kiểu chéo đao, tàugóc và có ván sàn, lòng thuyền. Khoảng những năm 1946 - 1947, đình Đông bị tiêu thổ kháng chiến, chỉ còn lại 1 gian hậu cung.

Năm 2007, đình Đông được chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng bằng vật liệu hiện đại kết hợp với vật liệu truyền thống. Đình tọa lạc trên nền đất cũ, một gò đất cao của làng. Đình hướng Nam, bố cục mặt bằng hình chữ đinh gồm: Ba gian tiền tế và hai gian hậu cung. Kết cấu kiến trúc của công trình kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai, trụ biểu. Bộ khung chịu lực tòa tiền tế làm bằng vật liệu xi măng, cốt thép, hoành rui làm bằng gỗ tốt. Kết cấu bộ khung chịu lực gồm bốn bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Vì nóc mái làm theo thức “chồng đấu giá chiêng”, vì nách kiểu “kẻ ngồi”. Hoa văn tạo tác kiểu đấu sen, lá lật đơn giản. Kiến trúc tòa hậu cung gồm một bộ vì, trang trí hoa văn đồng nhất với tòa tiền đường. 

Đình Đông thờ 2 vị thành hoàng: Ngài Diêm La và Ngài Phương Nương. Ngài Diêm La tên húy Phạm Thi, song sinh cùng với người anh cả là Phạm Luận vào ngày 12 tháng 9, không rõ ngày hóa. Ngài Phương Nương em gái út, sinh cùng bọc với 4 người anh vào ngày 5 tháng 11. Bảy anh em họ Phạm đều có công giúp vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đánh giặc Liễu Thăng, giải phóng đất nước. Ngài Phạm Thi được vua Thái Tổ phong làm Đại tướng quân. Ngài Phương Nương được vua phong là Bình Khôi Công chúa. Sau khi mất, các ngài đều được phong làm Thành hoàng làng. Ngài Phạm Thi và Ngài Phương Nương được thờ tại đình thôn Đại Đồng. 

Hằng năm, nhân dân Đại Đồng tổ chức lễ hội vào 3 ngày từ 9 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch. Người dân tổ chức lễ rước thánh ra đình Nước, sau đó rước qua các miếu của thôn, rồi rước về đình Đông mở hội. Lễ rước thánh có kiệu được che lọng vàng, bát biểu, chấp kích… Nhân dân trong và ngoài làng tham gia rước rất đông vui và nghiêm trang. Có năm trong lễ rước thánh có hiện tượng kiệu thánh bay, có nghĩa kiệu thánh tự nhiên chạy rất nhanh không ai có thể đuổi kịp. Ngoài phần tế lễ dâng hương, trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi mang tính dân gian như: đi cầu thùm, bắt vịt, chọi gà, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, tổ tôm điếm… Ngày nay người dân địa phương đang từng bước gạn đục, khơi trong, kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội của tiền nhân để lại. 

Trải qua thời gian lịch sử, đến nay, đình Đông còn bảo tồn một số hiện vật có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) như: Bia đá dẹt, trán bia hình bán nguyệt, hoa văn tạo tác thời Nguyễn, chữ bị mờ không đọc được nội dung. Chân tảng kê cột bằng đá xanh, tạo kiểu trên tròn, đế hình vuông, kích thước đường kính 0,43m. Hai chiếc sập đá, thân tạo gờ chỉ và hoa văn lá lật đơn giản. Cầu đá hình chữ nhật, tạo hoa văn gờ chỉ đơn giản, tương truyền để bắc tại giếng đình, niên đại tạo tác thời Nguyễn.

Đình Đông là công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân Đại Đồng, xã Đại Bản. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đình cổ đã không còn. Ngôi đình hiện nay được dân làng phục dựng năm 2007 đã thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, tỏ lòng tri ân đối với những người có công với dân, với nước. Đó là truyền thống tốt đẹp của nhân dân làng Đại Đồng, xã Đại Bản, huyện An Dương nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đình Đông góp thêm một địa chỉ quý của thành phố Hải Phòng tôn vinh, phụng thờ các bậc tướng quân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo, đánh đuổi quân xâm lược Minh ra khỏi nước ta vào đầu thế kỷ XV. Đình Đông cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu hy sinh của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của thời đại Hồ Chí Minh anh hùng. 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke