Đình Đồng Lý, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên
04 01 2024
in trang
Di tích đình Đồng Lý được xây dựng vào thế kỷ 17, là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, có cấu trúc hình chữ đinh đơn giản gồm năm gian tiền đường và ba gian hậu cung, có quy mô bề thế, được bảo tồn chắc chắn, đảm bảo tính nguyên gốc nghệ thuật kiến trúc đình làng truyền thống có sự đan xen hài hòa giữa nghệ thuật nhà Lê (thế kỷ 17) và nghệ thuật nhà Nguyễn (thế kỷ 19, 20).
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA
ĐÌNH ĐỒNG LÝ XÃ MỸ ĐỒNG – THỦY NGUYÊN – HẢI PHÒNG
Di tích đình Đồng Lý được xây dựng vào thế kỷ 17, là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, có cấu trúc hình chữ đinh đơn giản gồm năm gian tiền đường và ba gian hậu cung, có quy mô bề thế, được bảo tồn chắc chắn, đảm bảo tính nguyên gốc nghệ thuật kiến trúc đình làng truyền thống có sự đan xen hài hòa giữa nghệ thuật nhà Lê (thế kỷ 17) và nghệ thuật nhà Nguyễn (thế kỷ 19, 20).
Đình vốn được khởi dựng trên một vùng đất cách xa làng theo lối “tiền thần hậu phật” là mốc danh giới giữa hai xã Đồng Lý và Nhân Lý trong tổng Thái Lai xưa. Đình nằm trên khu đất thuộc bắc thôn, xung quanh là cánh đồng lúa lan tỏa mặt tiếp xúc với xóm dân cư đông đúc, rợp bóng cây xanh.
Đình là nơi tôn thờ, tưởng niệm danh tướng Sỹ Quyền, một bộ tướng tâm phúc của Hai Bà Trưng có công trong cuộc khởi nghĩa chống quân đô hộ Đông hán hồi đầu công nguyên.
Theo cuốn ngọc phả được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Hải Phòng và lưu giữ tại bản đình: Đức thánh Đại Vương người có tên húy là Sỹ Quyền: Ngài là người đất Vấn Dương nước Lỗ Trung Quốc nay là tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ngài là một dũng tướng của Triều Tây Hán, tránh loạn vương mãn, khi triều Đông Hán lật đổ triều tây hán. Ngài lánh nạn sang nước Nam và cùng cư trú sống với dân trang Đồng Lý thời xa xưa. Với dáng người trí dũng oai phong và hết mực nhân hậu, khiêm nhường. Cũng tại trong cuốn thần phả có nêu rằng: khi ngài sinh sống tại nơi đây với dân chúng trong làng: Hàng năm cứ nắng hạn, đồng ruộng khô cạn việc canh nông không cấy trồng được thì người dân lại nhờ tới ngài: Hô vân - Hoán vũ “Kêu gió gọi mưa” và ngài đứng ra tại xứ đồng cổ xưa gọi là xứ đồng phấn, ngửa mặt lên trời chỉ tay xuống đất và cầu khẩn, lập tức trời đổ mưa lớn trắng xóa một vùng, lấy nước cho dân trang cùng cấy cày. Cứ nhiều lần như vậy nhân dân thời bấy giờ có câu để ngợi ca thuật: Hoán vũ - hô vân của ngài là “Hễ ông thiên trấn ra tay, thì trời hạn hán, chẳng mảy may hại người” và còn thường gọi ngài là ông “Thiên trấn Địa tiên” và ngay cả khi trở thành tướng giỏi đánh giặc ngã xuống trước trận tiền hiển linh hóa thánh thì truyền đời sau vẫn lập đàn cầu mưa; sự linh thiêng ứng nhiệm vẫn mãi mãi còn truyền về sau này. Minh chứng cho thấy qua bức đại tự được lưu giữ trong bản đình tạc rằng: “Đắc nhất dĩ linh” có nghĩa là nói về tính ứng linh thiêng và thuật đảo vũ cầu mưa là độc nhất vô nhị có một không hai truyền mãi tới ngày nay.
Cũng căn cứ vào thần phả lược ghi. Vào những năm 40 - 43 sau công nguyên, giặc Đông Hán phương bắc tràn sang nước Nam ta, quân giặc đi đến đâu là cảnh giết chóc, bóc lột, vơ vét tàn sát dân tình đến đó. Không chịu được cảnh cơ hàn mất nước lầm than, Hai Bà Trưng quê ở Châu Phong - Mê Linh nay là tỉnh Vĩnh Phúc, đã khởi binh quy tụ tướng tài quân sỹ đánh giặc, thế giặc lúc bấy giờ rất mạnh: viên quan họ lang chặn giặc ở Châu Hoan nghệ An không giữ nổi, phải rút quân theo hướng đường biển về đóng đồn trú quân tại trang Đồng Lý chống giặc. Dân chúng lúc bấy giờ thấy quân binh kéo về kín làng: thì cụ già, em nhỏ bồng bế nhau đi lánh lạn, trong làng chỉ còn lại một mình ông Địa Tiên; vị quan lang phái quân đến thỉnh mời, thì ông địa tiên đến. Qua trao đổi nhìn thấy tướng mạo, vị quan lang lấy làm mững rỡ, vô cùng phấn khởi và giao cho ngài là chánh tướng tiên phong. Lập kế trận đồ chờ thời cơ giặc đến là chặn đánh. Sử ghi lại rằng: khi quân Tô Định cùng quân tướng tràn về, với tài khiển mã điều binh của đức thánh, nhiều trận đánh khiến quân Tô Định phải khiếp vía rút lui. Nhưng rồi ỷ lại quân hùng tướng mạnh, quân giặc lại kéo đến. Lần này ngài cùng với quân sỹ huyết chiến đến cùng. Ngài một mình một ngựa xông lên tung hoành trước vòng vây quân Tô Định qua lại như không có người, giặc chết như ngả rạ, nhưng thế giặc ngày càng được tăng viện, thêm tướng, thêm quân. Quân của Ngài chống giặc sức ngày một kiệt, thảo lương đã vãn. Biết được thế cùng của quân ta, bọn giặc dồn hết sức tấn công, quân ta chống đỡ đến cùng, sức kiệt. Ngài quyết chống trả đến cùng khi chỉ còn lại một mình, cuối cùng Ngài đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất quê hươngTrang làng Đồng Lý xưa (nay là làng văn hóa Đồng Lý). Theo cuốn hồ sơ văn hóa công nhận di tích Đình Đồng Lý còn ghi tại khu vực Đống Mả - Bến Khế giáp thôn Thái Lai hiện là một dấu tích chiến trường xưa bên dòng sông cổ. Công tích của Đức Sỹ Quyền được Vua Trưng Vương ghi nhận và ban sắc truyền cho trang Đồng Lý dựa theo chỗ ở của ngài lập một ngôi đền để tôn thờ mãi mãi và ban cho mỹ tự “ Huyết thục muôn đời thọ mãi với non sông” và phong tước “Đại vương, thiên trấn thượng đẳng phúc thần”.
Gần 2000 năm lịch sử, sự tích vị tướng anh hùng hào kiệt thành hoàng làng Đồng Lý xã Mỹ Đồng là niềm tự hào của nhân dân ta nói chung, của làng Đồng Lý xã Mỹ Đồng nói riêng, công đức của ngài sống mãi với non sông đất nước đã được nhiều triều đại phong sắc; đặc biệt năm 1993, Đình Đồng Lý được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Trải qua thời gian với sự khắc nghiệt của thời tiết, nhiều hạng mục của di tích Đình Đồng Lý đã bị xuống cấp nặng nề. Được sự quan tâm của Nhà nước và nhân dân, Đình đã được tu bổ, tôn tạo sửa chữa nhiều lần để đảm bảo sự chắc chắn của kiến trúc nghệ thuật cổ.
Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, vào ngày 09,10,11 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân làng văn hóa Đồng Lý xã Mỹ Đồng tưng bừng, phấn khởi tổ chức lễ hội truyền thống, tưởng nhớ ngày sinh Đức thành hoàng làng Sỹ Quyền, Ngài có công giúp Vua Trưng Vương đánh đuổi quân Đông Hán phương bắc do Tô Định cầm đầu vào những năm 40 - 43 sau Công Nguyên. Lễ hội được tổ chức với phần lễ trang trọng và phần hội mang đậm chất văn hóa của người việt.
Việc tổ chức lễ hội để nhân dân luôn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” đã được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là đặc trưng văn hóa của người Việt Nam nói chung - nhân dân làng văn hóa Đồng Lý nói riêng./.
Thành đoàn Hải Phòng