ĐÌNH ĐỒNG GIỚI - THỊ TRẤN AN DƯƠNG - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình Đồng Giới, công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của làng Đồng Giới. Ngôi đình mang chính tên của làng, nơi cộng đồng cư dân xây dựng lên nó. Mặc dù qua sự thăng trầm của lịch sử, sự thay đổi về hành chính, cùng sự biến động theo đô thị hóa, nhưng ngôi đình hiện nay vẫn mang tên theo địa danh cổ xưa của làng Đồng Giới. Đình hiện nay ở tổ dân phố số 7, thị trấn An Dương, huyện An Dương. Đình Đồng Giới được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2013.


Đình Đồng Giới, công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của làng Đồng Giới. Ngôi đình mang chính tên của làng, nơi cộng đồng cư dân xây dựng lên nó. Mặc dù qua sự thăng trầm của lịch sử, sự thay đổi về hành chính, cùng sự biến động theo đô thị hóa, nhưng ngôi đình hiện nay vẫn mang tên theo địa danh cổ xưa của làng Đồng Giới. Đình hiện nay ở tổ dân phố số 7, thị trấn An Dương, huyện An Dương. Đình Đồng Giới được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2013.

Theo thần tích, thần sắc do các vị chức dịch làng chép đầu thế kỷ XX, đình Đồng Giới thờ ba vị Thành hoàng. Thân thế sự nghiệp các vị Thành hoàng được tóm tắt như sau:

Ngài Thành hoàng thứ nhất có tên là Đào Văn Lôi, còn gọi là Đào Lôi Công, tên chữ là Đề Húc.

Ngài Thành hoàng thứ hai là Đỗ Công Nghị, tên chữ là Công Hoằng, phụ thân là Đỗ Tụng

Ngài Thành hoàng thứ ba là Đỗ Hồng Nương, con của Đỗ Tụng và là em gái của Đỗ Công Nghị.

Đình Đồng Giới xưa nằm ở khu trung tâm thể dục, thể thao của huyện An Dương. Đình nhìn về hướng Tây, khuôn viên đình có nhiều cây cổ thụ như: cây đa, cây quéo... Phía trước sân đình có giếng nước, nguồn nước trong mát phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống của người dân địa phương. Đình Đồng Giới xa xưa làm bằng vật liệu truyền thống: gỗ lim, gạch, đá... Đình có cấu trúc mặt bằng chữ đinh, năm gian tiền tế và ba gian hậu cung, có ván sàn lòng thuyền. Năm 1947, tòa tiền tế bị dỡ bỏ để phục vụ tiêu thổ kháng chiến. Năm 1967, một đơn vị xăng dầu của nhà nước về sơ tán, lấy hậu cung đình làm kho và trụ sở của cơ quan. Năm 1970, trên khuôn viên đất đình, nhà nước xây khu nhà ở cho giáo viên, thuộc Công an thành phố Hải Phòng. Năm 1997, do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, được các cấp thẩm quyền cho phép, đình Đồng Giới được người dân địa phương xây dựng trên vị trí đất mới rộng khoảng trên 1.500 m2. Đình hiện nay thuộc tổ dân phố 7, thị trấn An Dương, huyện An Dương. Đình Đồng Giới là công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng duy nhất của người dân Đồng Giới và của thị trấn An Dương ngày nay.

Đình Đồng Giới hiện nay có nền móng khá cao so với mặt bằng xung quanh, từ sân bước lên phải qua 5 bậc cấp mới tới được hiên đình. Đình Đồng Giới làm bằng vật liệu bê tông cốt sắt, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Kiến trúc đình theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu, tay ngai, mái chảy, lợp ngói mũi truyền thống. Phía trước đình, thẳng với tường hồi đình là hai trụ biểu. Trụ biểu xây kiểu cột trụ có đế quả bồng, thân trụ có khung câu đối, đầu trụ đắp kiểu đèn lồng, đỉnh trụ đắp bốn chim phượng đứng trên trụ đấu thót đáy. Chim phượng nhìn về bốn hướng, cánh giang rộng, đuôi xòe rộng trên cao, trông xa như một đóa hoa nở trên bầu trời xanh. Trên mái đình được đắp trang trí theo thức truyền thống. Đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, đấu trụ hồi của mái chảy đắp lân chầu ra ngoài. Tiền tế cửa chính có 3 bộ cửa đóng theo lối cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian sáu cánh, cánh cửa làm kiểu thượng song, hạ bản. Riêng bộ cửa gian trung tâm, trên ván cửa được chạm nổi hoa văn tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Tường bao che phía trước hai gian hồi của đình trổ cửa sổ lớn hình chữ nhật, trong cửa đặt tấm đan hoa văn thoáng hình chữ thọ cách điệu. Hệ thống khung chịu lực của tòa tiền tế gồm 4 bộ vì, từng cặp bộ vì cấu tạo tương tự nhau và đăng đối với nhau qua gian trung tâm. Bộ vì gian trung tâm cấu trúc kiểu xà đinh 3 hàng chân cột, trong đó có cột hiên, trốn 1 cột cái tiền, cột quân hậu được thay thế bằng tường xây bao che hậu đình. Kết cấu vì nóc chồng giá chiêng, vì nách kẻ truyền. Trên các cấu kiện được đắp trang trí theo thức truyền thống lá lật mềm mại. Trên đấu kê đắp nổi hình hoa sen cách điệu. Hai bộ vì gian bên cấu tạo 3 hàng chân cột, cột quân được thay thế bằng tường xây bao che tiền, hậu đình. Kết cấu vì nóc, vì nách  tương tự như bộ vì gian trung tâm. Hai tường hồi đình trổ cửa tròn tạo thêm ánh sáng cho bên trong đình. 

Hậu cung đình kết cấu ba bộ vì, vì cấu trúc hai hàng chân cột, hệ thống cột quân được thay thế bằng tường xây bao che. Các bộ vì kết cấu đơn giản kiểu giá chiêng. Trên cấu kiện kiến trúc được đắp trang trí điểm xuyết hoa văn lá lật. Toàn bộ hệ thống các bộ vì của tòa tiền tế, hậu cung đình được nối kết chặt chẽ với nhau qua hệ thống xà đai tạo dáng vỏ măng. Kết cấu toàn bộ hệ thống khung chịu lực cùng xà đai được đổ bê tông liền thành một khối. Kỹ thuật này tạo cho ngôi đình vững chắc trước những biến động của thời gian và địa chấn thiên nhiên. 

Đình Đồng Giới do bị hủy hoại theo thời gian, nên đồ thờ tự, tế khí cũng thất lạc, mất mát. Hiện nay trong đình, người dân địa phương đã tạo tác khá đầy đủ nghi trượng, nghi vệ để phụng thờ các vị Thành hoàng như: tượng Thành hoàng, câu đối, đại tự, long ngai, long đình, bát biểu... Đặc biệt, đình còn giữ gìn được pho tượng Ngài Thành hoàng Đỗ Hồng Nương và bát hương đồng.

Đình Đồng Giới hiện lưu giữ được ba tấm bia đá có niên đại: 1704, 1718, và 1734. Cả 3 bia đều ghi nội dung nhân dân trong và ngoài huyện An Dương xưa công đức trùng tu cây cầu “Nghênh Tiên”(Cầu Đón Tiên). Cây cầu bằng gỗ, to lớn và có thể là đầu mối giao thông quan trọng của một vùng dân cư rộng lớn thời đó. Chính vì vậy, trên bia khắc số lượng lớn những tập thể, cá nhân các xã trong huyện An Dương và một số người dân của các địa phương huyện khác, trong đó có cả huyện của tỉnh Hải Dương, đóng góp công đức để trùng tu cầu. Bia cầu Nghênh Tiên rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử địa phương huyện An Dương.

Đình Đồng Giới là công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng duy nhất của xã Đồng Giới xưa và của cư dân thị trấn An Dương hiện nay. Đình Đồng Giới phụng thờ ba ngài Thành hoàng, người địa phương, đều là những bậc danh tướng, danh thần của triều Lý, thế kỷ XI - XIII. Các ngài có công lao với dân, với nước trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Ngài Đỗ Hồng Nương, bậc Hậu phi, nhưng có nhiều công lớn đối với người dân địa phương như: xây cầu, dựng chùa, giúp dân trâu cày, ruộng cấy. Đình Đồng Giới còn giữ gìn được những cổ vật bằng đồng có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao. Ngôi đình Đồng Giới nằm tại trung tâm huyện An Dương, gần với chùa Đồng Quang, chùa do Thành hoàng Hồng Nương khởi dựng từ cổ xưa. Ngôi chùa thời Lý, rất hiếm quý và đã từng là tổ đình của phái Phật Lâm Tế của Hải Phòng. Bởi vậy du khách đến tham quan, kính lễ tại đình chắc chắn sẽ có ấn tượng tốt đẹp cùng những cảm xúc tôn kính những chiến công, sự nghiệp anh hùng và bi tráng của các vị Thành hoàng.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke