ĐÌNH ĐOAN LỄ, XÃ TAM HƯNG, HUYỆN THỦY NGUYÊN
03 03 2023
in trang
Đình làng Đoan Lễ xã Tam Hưng là ngôi đình cổ đã có từ xa xưa. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết: Đình làng Đoan Lễ được xây dựng từ thời Hậu Lê sau này bị hỏng nát, đến thời đầu nhà Nguyễn, nửa đầu thế kỷ 19. Năm Thành Thái tam niên (1901) đình đã được trùng tu xây dựng lại. Đây là ngôi đình cổ nhất còn lại trong nhiều ngôi đình của các xã: Tam Hưng, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ,...
Đình thờ Thành Hoàng: Ngài Cao Tuấn là một vị tướng đời vua Hùng thứ 18 tự là Quý Minh, ngài là bậc khai quốc công thầu thời Hùng Duệ Vương thứ 18. Ngài có công lao to lớn xứng đáng với ngôi thần và ninh ứng nên các triều đại đều có sắc phong cho ngài danh hiệu cao quý “Thượng Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương”.
Đình còn thờ ngài Lý Hồng là vị Thành Hoàng thứ hai người địa phương đã có công phò giúp Vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Chiêm thành. Ngài được vua phong làm Thái úy Đại tướng quân để cầm quân đánh giặc. Tiếp đó lại có giặc Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta, vua lại cho mời Lý Hồng ra tham gia cùng Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên - Mông năm 1288 trên sông Bạch Đằng lịch sử. Giặc tan ông trở về làng và tự hóa. Các triều đại đều có sắc phong cho Ông là Thành Hoàng của làng Đoan Lễ. “Quốc Gia Nam Hải Á Càn Thánh Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương”.
Ngoài 2 vị Thành Hoàng, đình còn thờ ngài Phạm Tử Nghi là một danh tướng văn võ kiêm toàn thời nhà Mạc đã có công đánh giặc thu phục đất của nước nhà ở vùng biên giới. Được Vua phong cho ngài chức “Tử Vương Hầu Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh, Phò Mã Đô Ủy Thái Úy Tước Thành Quân Công”. Ngài đã được các triều đại sắc phong “Nam Dương Đông Nguyên Súy, Thái Úy Thành Quốc Công, Linh Ứng Đại Vương”.
Đình làng Đoan Lễ đã được công nhận “Di tích lịch sử văn hóa” cấp Thành Phố tại quyết định số: 177/QĐUB ngày 28/01/2005 của UBND Thành Phố Hải Phòng.
Ngoài những yếu tố có bề dầy về thời gian và giá trị di tích lịch sử văn hóa, Đình làng Đoan lễ còn có thành tích trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Căn cứ vào những tư liệu, chứng cứ sự kiện lịch sử của các ông, bà hội viên hội kháng chiến chống Pháp cụm: Tam Hưng, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ.
Đình làng Đoan Lễ là nơi diễn ra cuộc mít tinh chào đón chính quyền cách mạng ra đời.
Ngày 10/08/1945 ngày chính quyền và nhân dân tổng Phục Lễ tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay ngày hôm sau, các xã tổ chức mít tinh thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Đình Đoan lễ là địa điểm diễn ra cuộc mít tinh chào đón chính quyền cách mạng và tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai cũ của xã Đoan Lễ. Ông Lại Văn Thâm làm Chủ tịch, ông Lại Văn Thiềm làm Phó chủ tịch. Do sự ngoan cố của chính quyền tay sai cũ, lực lượng Việt Minh đã bắt Lý trưởng xã Đoan Lễ ra Đình làng xử lý cảnh cáo trước toàn dân.
Đình làng Đoan Lễ và chùa Thọ Ninh là cơ sở địa điểm thường xuyên hoạt động của các đoàn thể và cán bộ Việt Minh. Ngay những ngày đầu giành chính quyền: 10/8/1945 đến 02/1947 đã có nhiều cuộc họp ở đình Đoan Lễ của các ngành đoàn thể quần chúng: Thanh niên, phụ nữ, nông hội, lão thành cứu quốc bàn chuẩn bị kháng chiến khi địch đến xâm lược. Tháng 02/1947 Pháp đánh chiếm Thủy Nguyên. Đình Đoan Lễ là một trong những địa điểm cơ sở thường xuyên đển cán bộ cách mạng bí mật họp bàn, triển khai giao nhiệm vụ cho từng cá nhân như ông: Lại Văn Tất, Tô Văn Phi, Mai Quyết Thắng, Lại Văn Trách, Vũ Văn Nhác, Vũ Văn Chiếm, Hoàng Thị Lơn, ...
Chùa Thọ Ninh cũng là địa điểm cơ sở của cụm đình chùa Đoan Lễ. Để cán bộ cách mạng và Việt Minh thường xuyên về hoạt động bí mật. Chùa ở ngay cạnh ngôi đình làng trong khuôn viên chùa có hầm bí mật. Các cuộc họp khi ở đình, khi ở chùa, nếu bị động cán bộ sơ tán xuống hầm bí mật. Nhà sư Ngô Quang Chắn - trụ trì chùa Thọ Ninh và quản lí đình Đoan Lễ. Nhà sư tham gia hoạt động cách mạng ở tổ chức đội tăng gia cứu quốc, bố trí che giấu đển cán bộ cách mạng hoạt động thường xuyên. Hòa bình lập lại nhà sư Ngô Quang Chắn được nhà nước tặng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì.
Đình Đoan Lễ là cơ sở địa điểm luyện tập của trung đội dân quân du kích xã Đoan lễ. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 - 1947. Trung đội dân quân du kích xã Đoan Lễ do ông Lại Ngọc Tháp phụ trách, ông Lại Văn Ô huấn luyện tại sân của đình Đoan Lễ và tiếp theo là những năm sau đình làng vẫn là địa điểm tập trung huấn luyện, phòng gian bảo mật chống càn của trung đội dan quân du kích xã Đoan Lễ.
Đình làng Đoan lễ là địa điểm mở các lớp học bình dân học vụ cho toàn dân. Cách mạng tháng Tám thành công, trong thời gian từ 1945 - 1954 chính quyền cách mạng xã bố trí đình Đoan Lễ là nơi mở các lớp học bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ cho toàn dân. Trưởng ban bình dân học vụ là ông Hoàng Kim Ấn.
Thầy giáo dạy học là ông Lại Quang Nhàn và ông Lại văn Chuyến. Hòa bình lập lại, Đảng nhà nước, nhân dân ta bắt đầu công cuộc củng cố, xây dựng kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh toàn miền Bắc. Trong phong trào bình dân học vụ xóa mù chữ và phổ cập tiểu học phổ thông ở địa phương, đình Đoan Lễ là nơi mở lớp học cấp I đầu tiên vào năm 1956 - 1959. Giáo viên giảng dạy là thầy Bùi Quang Điện - hiệu trưởng và thầy Vũ Kim Sương. Tiếp theo đó là các thầy Trần Trọng Tuấn, Nguyễn Quang Châu... Riêng thầy Bùi Quang Điện sau này làm Trưởng phòng giáo dục huyện Thủy Nguyên.
Từ năm 1960 - 1963 đình Đoan Lễ là nơi để cấp trên về tổ chức các lớp học tập tuyên truyền về công tác trật tự trị an, phòng chống chiến tranh tâm lý, gián điệp. Trong đó cán bộ cấp trên có ông Trần Định: cán bộ công an huyện Thủy Nguyên về phụ trách xã Tam Hưng. Tháng 8 năm 1964 đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng máy bay và tầu chiến. Bến Đoan (bến phà Rừng) là một trong những địa điểm bị Mỹ bắn phá. Ngày 23/8/1965 trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ, liệt sĩ Sử Văn Đào đã hy sinh anh dũng. Sau trận chiến đấu 23/8/1965 bộ Tư lệnh 350 đã quyết định tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm trong việc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đình Đoan Lễ được bố trí địa điểm tổ chức hội nghị thời gian 3 ngày, số đại biểu về dự là 165 đại biểu gồm đại biểu 9 quận, huyện và các xã. Ông Lại Văn Đất - Xã đội trưởng, ông Trịnh Văn Yết - Xã đội phó là những người được giao nhiệm vụ lo công tác hậu cần và nơi nghỉ cho các đại biểu.
Suốt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đình Đoan Lễ là nơi đưa tiễn đợt thanh niên xung phong đầu tiên do Trung ương Đoàn thanh niên phát động và tuyển quân lên đường làm nhiệm vụ. Năm 1965 gồm 14 đồng chí trong số này có đồng chí Hoàng Văn Trình hiện nay là Trưởng ban liên lạc tổng đội thanh niên xung phong xã Tam Hưng. Đình cũng là nơi đưa tiễn nhiều đợt tân binh lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường Miền Nam ruột thịt.
Từ 1966 - 1972 đình Đoan Lễ là nơi sinh hoạt, học tập và huấn luyện của đơn vị đặc công nước. Là địa điểm sinh hoạt tập trung của trung đội cơ động xã Tam Hưng là nhiệm vụ tuần tra canh gác ven sông chống biệt kích, người nhái trực chiến tại đê bến Đoan sẵn sàng chiến đấu, hợp đồng chiến đấu với các đơn vị trên địa bàn liên xã Phục Lễ... Trung đội trưởng là đồng chí Lại Văn Súc hiện đang công tác tại địa phương. Đình cũng là nơi chứa lương thực và vật tư sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã, thủ kho lúc ấy là cụ Lại Văn Khuông - Đảng viên.
Ngày 30/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Đất nước được thống nhất Bắc Nam xum họp một nhà. Ba năm sau đó 1978 - 1979 xảy ra sự kiện người Hoa và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, ban chỉ huy quân sự huyện Thủy Nguyên quyết định giao cho Ban chỉ huy quân sự xã Tam Hưng tổ chức thành lập đơn vị trực chiến pháo bờ biển với quân số: 24 người, trang bị vũ khí: 02 khẩu pháo bờ biển 57 li trực tại đê bến Đoan. Đơn vị nhận vũ khí tháng 11/1979, trực chiến đến tháng 9/1981. Tình hình chiến sự biên giới đã ổn định, cấp trên cho tạm dừng trực chiến và kéo 02 khẩu pháo về đình Đoan Lễ để bảo quản thường xuyên cho đến tháng 10/1982 Ban chỉ huy quân sự xã bàn giao cho Ban chỉ huy quân sự huyện Thủy Nguyên.
Hiện nay đình làng Đoan Lễ là nơi sinh hoạt văn hoa tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân làng Đoan Lễ và cũng là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa xã hội của các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương.
Hằng năm, Đình mở hội vào ngày 15 tháng chạp và mùng 5 tháng giêng. Lễ hội thu hút được đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, dự hội.
Thành đoàn Hải Phòng