Đình Doãn Lại, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Đình làng là một ngôi nhà chung của cộng đồng dân cư trong làng, là nơi bảo lưu kế truyền các giá trị văn hóa truyền thống của làng xã, là một công trình văn hóa tâm linh rất linh thiêng theo lớp người cha ông kể lại. Thời kỳ đầu thế kỷ 20 trở về trước cây cối rậm rạp như rừng có nhiều thú dữ như hổ, báo… thường xuyên phá hoại mùa màng vật nuôi gây rất nhiều khó khăn cho dân làng.


DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH DOÃN LẠI, XÃ LẠI XUÂN, HUYỆN THỦY NGUYÊN

Đình làng là một ngôi nhà chung của cộng đồng dân cư trong làng, là nơi bảo lưu kế truyền các giá trị văn hóa truyền thống của làng xã, là một công trình văn hóa tâm linh rất linh thiêng theo lớp người cha ông kể lại. Thời kỳ đầu thế kỷ 20 trở về trước cây cối rậm rạp như rừng có nhiều thú dữ như hổ, báo… thường xuyên phá hoại mùa màng vật nuôi gây rất nhiều khó khăn cho dân làng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là địa điểm thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của làng. Ngày 30/6/1945 lực lượng cách mạng tập trung tại đình, tiến xuống huyện lỵ Thủy Nguyên để cướp chính quyền. Ngày 22/8/1945 nhân dân tập trung tại đình làng mang theo vũ khí thô sơ cùng các đoàn quân khác của huyện Thủy Nguyên vào tiến vào nội thành Hải Phòng để giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 25/10/1948 lực lượng kháng chiến địa phương kéo cờ đỏ sao vàng trên cây bàng ngọt tại đình làm hiệu lệnh cho nhân dân trong vùng nổi dậy phá tề, diệt địch. Trong giai đoạn kháng chiến khi đình chưa bị đốt phá, đình Doãn Lại là nơi tập trung huấn luyện, học tập, làm việc của lực lượng kháng chiến, cơ quan đoàn thể của địa phương, là nơi huấn luyện và học tập của bộ đội Nam, bắc Thành Tô Hải Phòng, trung đoàn 98, công an tình báo của tỉnh….

Năm 1992 dân làng làm hai gian nhà nhỏ để thờ thành hoàng, đến năm 2010 nhân dân địa phương làm lại ngôi đình to đẹp như hiện nay.

Đình Doãn Lại hiện nay được dựng lại trên nền đất cũ, nhìn theo hướng của ngôi đình cổ xưa, hướng Nam. Đình có cấu trúc mặt bằng chữ đinh gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, trong đó có 1 gian cung cấm.

Hiện nay trong đình còn tấm bia đá đã mòn mờ nhiều chữ không đọc được. Tấm bia thời Nguyễn, được tạo năm niên hiệu vua Tự Đức thứ 21, tức là năm 1968, nội dung bia ghi về các lệ của làng trong việc tế lễ thờ tự. Nhân dân địa phương đã bài trí tương đối đầy đủ các đồ thờ tự tế khí, phục vụ cho sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.

Tại Đình Doãn Lại trước năm 1945, hàng năm làng được tổ chức hội vào ngày 8 tháng 3. Trong hội lễ làng tổ chức rước linh đình, đoàn rước có long đình, bát biểu, kiệu bát cống…. Đoàn rước đi từ đình ra văn chỉ, sau đó rước qua miếu, qua chùa sau đó về đình làm tế lễ và tổ chức hội… Hội diễn ra 3 ngày, trong hội ngoài tế lễ còn có các trò chơi thi đấu: hát chèo, ca trù, vật, đu, tổ tôm…

Ngày nay, lễ hội truyền thống của làng được nhân dân địa phương từng bước khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Hội đình làng còn là nơi khen thưởng và tặng quà các cụ cao niên, biểu dương các gia đình văn hóa, các cháu học sinh có thành tích trong học tập.

Tháng 8 năm 2017 được sự quyết tâm nhất trí cao của Ban quản trị cùng nhân dân làng văn hóa Doãn Lại xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với tổng kinh phí 125 triệu đồng.

Ngôi đình làng Doãn Lại là biểu tượng vật chất, tinh thần của nhân dân trong cộng đồng dân cư. Tại ngôi đình hằng năm nhân dân địa phương tổ chức các ngày lễ hội để kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của quê hương. Ngôi đình Doãn Lại được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố đã và đang trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân địa phương, đồng thời là địa điểm văn hóa góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới của địa phương.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke