ĐÌNH DO NGHI, XÃ TAM HƯNG, HUYỆN THỦY NGUYÊN

21 03 2023

in trang

Đình Do Nghi, xã Tam Hưng, Huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng là công trình kiến trúc văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân làng văn hóa Do Nghi. Đình thờ Thành Hoàng làng Đông Hải Đại Vương huý là Đoàn Thượng.


Theo bia ký còn lưu giữ tại chùa Vĩnh Linh được dựng năm Cảnh Hưng 36 (1775) cho biết Đình làng bị đổ nát vào năm 1743 và được dựng lại vào năm 1775. Như vậy, Đình Do Nghi được khởi công xây dựng trước năm 1743, đến đầu Thế kỷ 19 dân làng đã huy động đóng góp công sức phục dựng lại với quy mô kết cấu kiến trúc nhà 5 gian bằng gỗ lim có tiền đường hậu cung. Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào những năm đầu của thập niên 1960 của thế kỷ 20, dân làng đã đồng thuận tháo dỡ ngôi đình nhường đất và cột gỗ để xây dựng trường Tiểu học Tam Hưng. Với truyền thống cây đa, bến nước sân đình là tâm linh và là hồn, gốc rễ của làng quê Việt Nam. Năm 1994, Làng văn hóa Do Nghi đã động viên dân làng huy động sức người, sức của, đầu tư xây dựng lại ngôi Đình cạnh khuôn viên chùa Vĩnh Linh trung tâm Văn hoá tín ngưỡng của Làng và được khánh thành vào năm 1998. Quy mô kiến trúc ngôi đình khá bề thế, vẫn giữ được những nét độc đáo của các ngôi đình truyền thống Việt Nam. Đình được xây dựng kiểu chéo đao tầu góc bố cục hình chữ nhị với ba gian hai chái toà bái đường và 3 gian hậu cung.

Theo bản thần tích, thần sắc hiện còn lưu giữ tại Đình làng và viện thông tin Khoa học Xã hội Hà Nội thì Đình làng Do Nghi thờ Thành Hoàng Đông Hải đại Vương tên huý là Đoàn Thượng. Thần tích có ghi Ngài Vương họ Đoàn huý là Thượng sinh ngày 07 tháng giêng năm Nhâm Dần 1182 tại làng Hồng Thị, huyện Gia Phúc, lộ Hồng Châu nay là xã Xuân Độ, Huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Thân phụ của Vương huý Thiệu Hổ còn có tên là Đoàn hiên tự phúc thụy, tiền ấn quan Đô đốc thần Vũ Thuỷ quân đảng sử, Đại tướng dẹp loạn ở bến Ngang Thanh Hoá làm thái sư tể phụ được phong thưởng lộc điền ở đường hào Lộ Hồng Châu. Thân mẫu của ngài tên Nguyễn Thị Thái luôn luôn chăm đạo (tứ đức) nên cửa nhà hoà vui, gia đường thêm thịnh, muộn sinh con nên khi sinh con trai đặt tên là Đoàn Thượng. Không may thân mẫu mất sớm, ngài Đoàn Thượng sớm mồ côi phụ mẫu được thúc phụ và nhũ mẫu của Lý Huệ Tông hoàng đế dưỡng dục trưởng thành. Đoàn Đại vương thừa nghiệp tổ tiên, ông cha một lòng kính cẩn, tuy gặp thời đại loạn mà chí ngài càng thêm bền ôn văn luyện võ. Năm 23 tuổi ngài thi đỗ và ra làm quan dưới triều đại nhà Lý. Năm Ất Sửu 1205, phụng mệnh đánh giặc ở Quốc Oai tiễu trừ trộm cướp ở lộ Đông Hải, lộ Hải Thanh, bảo quốc hộ dân. Ngài có công hưng doanh Hồng Châu chiêu dân trị thuỷ, khai hoang lập ấp cấp ruộng cho các làng quanh vùng. Dậy dân làng cấy trồng chăn nuôi, mở trường khuyến học, truyền bá tam cường, ngũ thường trọng dạy hiền tài. Vì giận họ Trần thoát nghịch, ngài giữ nghĩa lớn không thuần phục nhà Trần đóng lũy ở Yên Nhân Hồng Châu đánh nhau với quân dân nhà Trần hơn 18 trận. Nhà Trần bèn hoà ước phong Vương cho ngài nhưng ngài không nhận. Khi triều đại nhà Lý mất với tấm lòng trung nghĩa và chịu ơn công nuôi dưỡng của Lý Huệ Tông cố trấn thủ trấn Hồng Châu. Song do bị Hoài đạo hiếu vương Nguyễn Nộn phản bội đem quân đến đánh úp nên ngài đã bị trọng thương. Tương truyền khi chạy đến Yên Nhân ngài gặp ông lão đai mũ chỉnh tề chắp tay đứng bên trái đường nói rằng: “Tướng quân Trung Liệt, thượng đế đã ghi nhận rồi chỉ vào gò đất bên cạnh ấp đó là đất huyết thực. Tướng quân lập tức đến chỗ đất ấy, xuống ngựa gối đầu lên đao mà nằm xuống, mối đùn đất táng thành mộ. Từ đó nhân dân làng Yên Nhân tạc tượng lập đền phụng thờ. Để tưởng nhớ công lao của một vị tướng tài trọng nghĩa. Ngoài đền thờ của Ngài tại xã Bái Giang, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương và xã Đông Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Còn có 72 nơi lập đền thờ ngài, trong đó có Đình Do Nghi xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Đình làng Do Nghi là công trình kiến trúc văn hoá tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân làng Do Nghi. Tuy ngôi đình mới được phục dựng song vẫn còn lưu giữ được nhiều những cổ vật có giá trị về lịch sử và văn hoá. Đó là tượng, nhang án cổ thờ ngài, các sắc phong có giá trị lịch sử như sắc phong Quang Trung hoàng đế Ngũ Liên 1792 phong tặng: Đông Hải phù Nghĩa Dực, vận khai thái lao Huân Vỹ, Tích Hồng Hy Thịnh Đức Tuấn Liệt, Nhuận trạch Đại Vương.

- Sắc phong thời vua Thiệu Trị Lục Liên 1846: Kiếm Nghĩa Bình trung phù chính Đông Hải Đoàn Thượng Đẳng thần.

- Sắc phong thời vua Duy Tân Tam Hiên: Kiến nghĩa bình trung phù chính phi Anh Hiển Liệt Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Đông Hải Đoàn Thượng Đẳng thần.

Ngoài các sắc phong, tượng, nhang án cổ thờ còn có nhiều các đồ thờ tế tự khác như bộ bát biểu chấp kích, long đình được tạo tác từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhằm ca ngợi công lao trung nghĩa của vị Thành Hoàng làng.

Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian, ngôi Đình đã xuống cấp tường nứt, mái gãy. Nhận thức được tầm quan trọng vị thế và ý nghĩa lịch sử văn hoá tâm linh – tín ngưỡng của công trình Đình làng Do Nghi, thể theo nguyện vọng của Hội đồng quản trị, Ban quản lý di tích và nhân dân làng văn hóa Do Nghi, cấp ủy, chính quyền xã Tam Hưng có tờ trình đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có thầm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật, đề án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đình Do Nghi và đã được sự cho phép của UBND, Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hải Phòng, UBND huyện Thuỷ Nguyên, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đồng ý. Ngày 22/5/2021, UBND xã đã phối hợp với làng văn hóa Do Nghi tổ chức Lễ động thổ khởi công trình đến nay đã hoàn thành

Có thể nói, Đình Do Nghi được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố là một niềm vinh dự rất lớn đối với nhân dân làng Văn hoá Do Nghi nói riêng và địa phương nói chung. Có được sự kiện trọng đại ngày hôm nay là cả quá trình đóng góp công sức của nhân dân làng văn hóa Do Nghi, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các cơ quan doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn của Hội đồng quản trị, Ban quản lý di tích lịch sử Làng văn hóa Do Nghi đã phát tâm công đức trùng tu xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Từ đó đã nâng tầm Đình Do Nghi thực sự là một di sản Văn hoá có giá trị cần được bảo vệ và phát huy. Những thành tựu đó đã đóng góp rất quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hoá địa phương, làm cho văn hoá thực sự trở thành nền tảng sinh hoạt tinh thần của nhân dân, là động lực phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Tam Hưng giàu lòng yêu quê hương đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá và chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 5, khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, và Nghị quyết số 26/NQ-HU ngày 24/10/2012 của Đảng bộ huyện Thuỷ Nguyên về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá huyện Thuỷ Nguyên.

Hằng năm, Đình mở hội vào ngày 15 tháng chạp và mùng 5 tháng giêng. Lễ hội thu hút được đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, dự hội.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke