ĐÌNH ĐẨU SƠN, PHƯỜNG VĂN ĐẨU, QUẬN KIẾN AN
24 02 2023
in trangĐược xây dựng vào đời vua Trần Anh Tông năm Kỷ Dậu 1309, sau đó được tái thiết năm 1676-1705 thuộc niên hiệu Chính Hòa đời Lê. là công trình kiến trúc văn hóa vật thể uy nghiêm, mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, đình làng còn ghi dấu lịch sử kháng chiến trong nhiều thế kỷ qua.
Đình Đẩu Sơn thờ các vị thành hoàng làng là Trần Nhội, Trần Phương, Nguyễn Chính, Tô Phong, Trần Văn Bích, đều là người Văn Đẩu có công đánh giặc Nguyên - Mông và Ai Lao, có công giúp dân mở đất, xây dựng làng. Đặc biệt 2 vị thành hoàng Trần Nhội, Trần Phương có công lớn được lưu danh trong sử sách. Trần Phương và Trần Nhội là hai anh em sinh đôi, nhà nghèo, học giỏi, đức độ, võ nghệ tinh tường. Năm Đinh Hợi 1285, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2, anh em Trần Phương, Trần Nhội có công lớn trong trận Hàm Tử, chém đầu Toa Đô. Trần Phương truy kích giặc đến Tư Minh, tên bắn dữ dội khiến chủ tướng giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước. Năm Mậu Tí 1288, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3. Anh em Trần Nhội, Trần Phương tiếp tục lập công lớn trong trận thủy chiến Bạch Đằng, bắt sống tướng Ô Mã Nhi. Năm Mậu Tuất (1298), quân Ai Lao quấy nhiễu tỉnh Nghệ An, hai anh em Trần Phương, Trần Nhội cùng nhà vua đi dẹp giặc và hội quân với tướng Nguyễn Trung Ngạn, đánh tan quân giặc ở Con Cuông, Nghệ An.
Năm 1930, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Việt Nam quốc dân đảng tập hợp tại đình Đẩu Sơn để tiến công tỉnh lỵ Kiến An. Cuối năm 1943, Xứ ủy Bắc Kỳ ra chủ trương xây dựng phong trào cách mạng ở nông thôn, chờ thời cơ đánh chiếm đô thị. Cuối năm 1944, các đồng chí Trần Thành Thóa và Trần Thành Ngọ chọn đình Đẩu Sơn là cơ sở bí mật để xây dựng và phát triển phong trào Việt Minh, tổ chức đội tự vệ cứu quốc. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, đình Đẩu Sơn là nơi tập hợp lực lượng cách mạng, giương cao ngọn cờ khởi nghĩa tiến lên thị xã, cùng các lực lượng cách mạng khác của tỉnh Kiến An giành chính quyền.
Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Đẩu Sơn là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến của xã Văn Đẩu (nay là phường Văn Đẩu). Đình làng còn là địa điểm thường xuyên tổ chức lớp huấn luyện cán bộ cốt cán của Ủy ban hành chính liên tỉnh Hải Kiến. Trong thời kỳ địch tạm chiếm, khuôn viên đình có hầm bí mật cất giấu tài liệu. Khu vực nóc miếu thổ thần trong khuôn viên sân đình là chỗ trú chân của cán bộ nằm vùng, sân đình là nơi tập trung quần chúng nhân dân để tuyên truyền, vận động về chủ trương, đường lối kháng chiến của cách mạng. Máu của nhiều chiến sĩ cách mạng đã tô thêm truyền thống của di tích. Tại cửa đình, đồng chí Đặng Văn Bệ, chiến sĩ cách mạng bị địch vây bắt. Đồng chí Trần Thị Nguyên bị địch sát hại tại gốc cây cậy ở sân đình. Đồng chí Bùi Đức Sếp bị bắn ngay dưới gốc cây đa đình làng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Đẩu Sơn là địa điểm đóng quân của đơn vị bộ đội thông tin ra – đa phòng không. Sân đình là nơi thường trực chiến đấu của đơn vị dân quân. Một số đơn vị sản xuất như HTX mỳ sợi Kiến An sơ tán về đình, gây dựng cơ sở sản xuất tại đây.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, bom đạn chiến tranh đình Đẩu Sơn vẫn giữ được một số di vật quý. Theo Ban quản lý di tích, đình Đẩu Sơn hiện còn 7 sắc phong và hương ước làng từ thời cổ. Bên cạnh đó, đình làng còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có niên đại từ thế kỷ 18. Đặc biệt, trong khuôn viên đình còn giữ được 3 tấm bia cổ, trong đó có tấm bia được các nhà khoa học lịch sử đánh giá là 1 trong 5 bia thời Chính Hoà cổ nhất của toàn quốc. Bia có khắc tên “Đẩu Sơn thôn đình”, nội dung mô phỏng cảnh sắc thiên nhiên, con người Đẩu Sơn; ghi công đức xây dựng miếu đình, lệ làng, thuần phong mỹ tục và thưởng phạt. Bên sân đình, có cây duối hơn 100 năm tuổi, xòe tán rộng che phủ toàn bộ ngôi miếu cổ ở góc sân đình.
Với lịch sử truyền thống quý báu, người dân Đẩu Sơn hôm nay luôn tự hào, gìn giữ, tu bổ đình làng khang trang hơn. Theo Ban quản lý đình làng, trong những năm qua, dân làng chung sức tôn tạo đình chính, xây dựng nhà bia, khuôn viên đình với kinh phí hàng tỷ đồng. Đình làng ngày nay trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng; đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Các cụ trong làng thường xuyên hội họp tại đình làng, bàn việc chung của địa phương. Hằng năm, vào dịp lễ hội đình làng, dân làng tổ chức tế thần rước rượu, thi văn hóa ẩm thực, hát chèo hát trầu văn, ca trù. Làng còn tổ chức hội thi tái hiện lại trận chiến Bạch Đằng giang. Việc tổ chức chúc thọ người cao tuổi, khen thưởng học sinh giỏi hằng năm cũng được tổ chức tại đình làng.
Năm 2018 Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam ra QĐ số 213-HMTG ngày 20/10/2018 công nhận cây bàng gần 300 năm tuổi trong sân đình là cây di sản Việt Nam.
Lễ hội Đình:
Lễ hội thường diễn ra vào cuối năm được người dân long trọng tổ chức trong vòng hai ngày từ ngày 24 – 10 đến hết ngày 25-10 với nhiều hoạt động long trọng theo đúng truyền thống xưa xen lẫn với nét hiện đại ngày nay. Ban tổ chức lễ hội đã rất cẩn thận chuẩn bị một bẳng đen để báo cáo yết nội dung cho bà con xóm phố biết. Chương trình lễ dâng hương ngày Thánh hóa 2 ngày như sau .
- Ngày 24 – 10 Tân Sửu: Sáng : Cúng Tế Yết, Chiều : Nhân dân dâng hương, Tối:Tổ chức ăn uống và Văn Nghệ.
- Ngày 25_10 Tân Sửu: Sáng : Cúng Thành Hoàng làng, Chiều: Lễ Mạc.
Quy mô lễ hội tuy nhỏ, nhưng về cơ bản đáp ứng được nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân . Thánh đã từng sinh sống cùng thân mẫu, được tổ chức một cách chu đáo, thiêng liêng, thể hiện tấm lòng thành kính của những dân trên mảnh đất hương ông. Hai ngày hội ngày nào cũng có phần tế lễ, dâng mời Thánh thưởng thức những thứ vật phẩm ngon nhất, tinh túy nhất mà con người đã chuẩn bị từ lâu. Đến tối là phần múa hát phục vụ nhân dân đến xem hội. Các hoạt động vừa linh thiêng vừa trần tục hòa quyện vào nhau, tượng trưng cho mối giao cảm giữa thần linh và con người.
Admin