ĐÌNH CỮ, XÃ LÊ THIỆN, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình Cữ thuộc thôn Cữ, xã Lê Thiện. Tên đình được gọi bằng tên Nôm, âm tiết rất cổ xưa của Người Việt. Theo các nhà nghiên cứu địa danh học, tên Nôm của người Việt có từ trước thời kỳ tự chủ, tức là trước thời Ngô Vương Quyền, thế kỷ X. Đình Cữ được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2003.


Đình Cữ thuộc thôn Cữ, xã Lê Thiện. Tên đình được gọi bằng tên Nôm, âm tiết rất cổ xưa của Người Việt. Theo các nhà nghiên cứu địa danh học, tên Nôm của người Việt có từ trước thời kỳ tự chủ, tức là trước thời Ngô Vương Quyền, thế kỷ X. Đình Cữ được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2003.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng bằng các phương tiện khác nhau đi về hướng thủ đô Hà Nội, khoảng 17 km, đến Trạm thu phí Quốc lộ 5, có lối rẽ bên trái vào xã Lê Thiện, đi thẳng tiếp theo trục đường lớn này khoảng 2 km là đến di tích. Đình Cữ nằm ngay cạnh trục đường chính của xã Lê Thiện, một hương lộ nối liền Hải Phòng với tỉnh Hải Dương.

Theo nội dung lý lịch đình Cữ trong hồ sơ khoa học di tích đình Cữ do Bảo tàng Hải Phòng lập năm 2002 và qua khảo sát thực tế tại địa phương, đình Cữ thờ các vị Thành hoàng sau: 

Vị Thành hoàng thứ nhất có duệ hiệu được ghi trên bài vị cổ thờ tại đình là “Đương cảnh Thành hoàng, Quảng tế Đại Vương”. Trong sắc phong của vua Tự Đức, nhân dịp nhà vua 50 tuổi, ngày đại khánh (1878) và sắc phong niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), ghi duệ hiệu của vị thần là: “Tuấn cương, Chính trực, Dực bảo, Trung hưng, Quảng ứng, Hoằng tế chi thần”. Trong văn tế chữ Nho dâng chúc văn nhân dịp lễ hội làng, nội dung phiên âm: “Tài năng vẹn địch, dũng cảm tam quân, Lý triều tiến bộ, tái tạo nguyên huân, Kinh Châu cố quận, Phí ấp chân nhân, công cao hộ quốc, đức đại an dân, lị  triều  phong  tặng,  thiên tái trùng        ân”.    Tạm   dịch:           Ngài Thành hoàng có tài năng vẹn toàn, dũng cảm trước ba quân, Ngài  làm  quan  triều  Lý  có nhiều công lao to lớn. Ngài là người ưu tú của ấp Phí Xá, quận Kinh Châu trước đây, Ngài có nhiều công lao giúp nước, yên dân,  nhiều  triều  đại  ban  sắc phong tặng để mãi ghi công ơn của Ngài. Đặc biệt có đôi câu đối  cổ  thờ  tại  đình  nêu  rõ  vị tướng  quân,  danh  thần  của triều Lý. Như  vậy,  qua  những  tư liệu trên khẳng định vị Thành hoàng  thứ  nhất  là  người  làng Cữ  (An  Phú),  bậc  tướng  quân triều Hậu Lý, thế kỷ XI - XIII.

Vị Thành hoàng thứ hai là Phạm Tụng, người thứ 5 trong bẩy anh em ruột sinh tại trang Vụ Nông, có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. 

Có thể sau này đình Cữ đã xây dựng lại hoặc trùng tu lớn, nhưng theo kiến trúc và lạc khoản ghi ở câu đầu tại tòa đại bái, đình Cữ hiện nay dựng năm Mậu Tý (1888). Sau này, đình đã qua trùng tu lớn, nhỏ một số lần. Năm 2013, nhân dân cùng chính quyền địa phương, nhân được hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp di tích của thành phố đã tổ chức trùng tu, tôn tạo lớn đình như ngày nay.

Đình Cữ có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị (二)gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung và cũng là cung cấm. Đình làm bằng vật liệu thiên nhiên truyền thống, gạch, gỗ, đá... xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu hồi văn, tay ngai, trụ biểu. Ngay trước đình là đường, nên hiện nay đình không có sân. Từ hành lang của trục đường liên thôn, bước qua những bậc cấp ốp gạch đỏ để lên đình. Tòa đại bái hai mái chảy, lợp ngói mũi truyền thống, có năm gian cửa, cửa làm theo kiểu cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh. Trên mái trang trí đắp vẽ theo những thức và đề tài truyền thống, như đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, đấu trên bờ chảy bố trí giật cấp thấp dần xuống dưới. Phía ngoài cùng tay ngai là trụ biểu, trụ xây kiểu cột trụ, thân trụ đắp khung câu đối trong đắp câu đối chữ Hán. Đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê chầu vào trong cửa đình như soi rọi tâm hồn của du khách khi vào nơi thánh ngự. Hệ thống khung chịu lực của tòa đại bái gồm 6 bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Kết cấu từng cặp bộ vì tương tự nhau và đăng đối qua gian trung tâm. Bộ vì gian trung tâm vì nóc cấu trúc thuận chồng hai con tạo giá chiêng, vì nách cấu trúc bức cốn, trên cốn kết hợp với mặt xà nách, qua các thức chạm nổi, chạm bong kênh, chạm thông phong thể hiện rất tinh xảo đề tài tứ linh, lá guột uốn khúc dài mềm mại. Vì nóc cấu trúc thuận chồng hai con cùng với rường bụng lợn tạo giá chiêng. Trên thuận vì nóc được chạm hoa văn dấu hỏi. Đầu dư của bộ vì cũng được chạm rất công phu, tinh xảo hình đầu rồng, có tóc dài bay về phía sau, râu dài kiểu vấn thừng, một đặc trưng điêu khắc gỗ của thời Nguyễn, nửa cuối thế kỷ XIX. Các cặp bộ vì còn lại, vì nóc cấu trúc tương tự như vì gian trung tâm, vì nách cấu trúc thuận chồng ba con. Trên các cấu kiện của các bộ vì, con thuận được kê đấu vuông thắt đáy, thuận được chạm hoa văn lá guột, hoa văn dấu hỏi. Trên dạ câu đầu bên tả của tòa đại bái còn ghi dòng lạc khoản “Hoàng triều Mậu Tý niên, quý đông”. Như vậy qua hoa văn chạm khắc và dòng lạc khoản cho ta biết bộ khung gỗ của đình hiện nay được làm vào tháng 12 năm 1888. Trên các bảy hiên bảy hậu đều được chạm hoa văn lá lật mềm mại. 

Đình Cữ trải qua thăng trầm của lịch sử, binh lửa chiến tranh, nhưng vẫn còn bảo lưu được một số cổ vật có giá trị về lịch sử và mỹ thuật như: nhang án, bát biểu, long đình, bia đá...  

Xưa kia tại đình Cữ, thôn làng thường tổ chức tiết lệ vào các ngày 6 tháng 3, ngày thánh hóa 12 tháng 11 âm lịch. Nhưng ngày 6 tháng 3 là ngày lễ hội lớn nhất trong năm. Trong lễ hội có thi rước lợn Ông Bồ giữa giáp Đông và giáp Tây của làng. Ngoài tế lễ dâng thánh, lễ hội còn có các trò chơi thi đấu như: đấu vật, đu, đi cầu thùm, bắt vịt, nam nữ hát giao duyên, hát ca trù, chèo sân đình... Lễ hội thường tổ chức trong ba ngày từ 4 đến 6 tháng 3, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi, thân ái giữa làng trên, xóm dưới.

Đình Cữ là công trình kiến trúc gỗ, có mặt bằng chữ nhị, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trên cấu kiện kiến trúc có nhiều tiêu bản điêu khắc có giá trị cao về kỹ thuật và mỹ thuật, mang tính tiêu biểu của phong cách điêu khắc gỗ nửa cuối thế kỷ XIX. Đình còn gìn giữ được một số bia cổ cách ngày nay trên ba trăm năm, rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử của địa phương.

Đình Cữ cùng với các di tích của thôn An Phú như: chùa Thiện Linh, đền Bà Chúa Nam Phương, sẽ là quần thể di tích lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh và còn nhiều những ẩn chứa hấp dẫn trong tri thức dân gian cần được nghiên cứu làm sáng tỏ. 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke