ĐÌNH CỔ AN BIÊN - NƠI GHI ĐẬM DẤU ẤN LỊCH SỬ, VĂN HÓA HẢI PHÒNG
20 02 2023
in trangĐình An Biên là một trong những nơi tôn thờ Nữ tướng Lê Chân, vị nữ tướng tài ba, kiệt xuất trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong tâm thức của người dân An Biên nói riêng và toàn thể nhân dân Hải Phòng nói chung luôn khẳng định bà là người có công lập nên trang An Biên, vùng đất “Hải tần phòng thủ” xưa, nay là thành phố Hải Phòng. Chính vì vậy, từ bao đời nay, Nữ tướng Lê Chân luôn được coi là vị thành hoàng, sùng kính và thiêng liêng của đất Cảng, người có công khai sáng cũng như giữ gìn, bảo vệ vùng đất này.
Nữ tướng Lê Chân quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha là Ông Lê Đạo, chuyên nghề dạy học và chữa bệnh giúp dân; mẹ là bà Trần Thị Châu – một người phụ nữ hiền hòa, nhân hậu.
Sinh thời, Nữ tướng Lê Chân nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, giỏi võ nghệ và có chí hơn người. Thái Thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp, ông bà Lê Đạo kiên quyết khước từ. Bà đã cùng một số bạn hữu lánh về vùng ven biển thuộc huyện An Dương. Thấy vậy, Tô Định tức giận đã hãm hại cha mẹ bà.
Nuôi chí lớn, bà đã cùng mọi người khai hoang, lập ấp tạo nên trang An Biên xưa và là thành phố Hải Phòng ngày nay. Ở vùng đất mới, bà ra sức tích lũy hương thảo, chiêu binh tập mã, liên kết với các hào kiệt khắp nơi, chờ thời cơ đền nợ nước, trả thù nhà.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Nữ tướng Lê Chân cùng đội quân của mình tham gia và lập nhiều chiến công. Với khí thế tấn công như vũ bão, chỉ trong 2 tháng, nghĩa quân đã chiếm được 65 thành trì, đập tan ách thống trị của nhà Đông Hán, đất nước sạch bóng quân thù. Bà Trưng Trắc được tướng sĩ, nghĩa quân tôn làm vua (Trưng Vương). Trưng Vương xét công lao ban thưởng tướng sĩ. Nữ tướng Lê Chân khi ấy 24 tuổi được Hai Bà Trưng phong làm “ Thánh Chân Công chúa”, giữ chức “ Chưởng quản binh quyền nội bộ”, trấn giữ vùng hải tần phía Đông Bắc của Tổ Quốc.
Nữ tướng Lê Chân đem quân trở về vùng đất An Dương khi trước, mở thêm trại, ấp lập ra trang An Biên. Bà dùng nhân công khai khẩn đất hoang dọc ven sông Tam Bạc thành đồng ruộng cấy lúa, trồng dâu xanh tốt. Chỉ trong thời gian ngắn, trang An Biên dân cư đã đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều nhà dân giàu có. Bà Lê Chân thường xuyên cho luyện tập trận thế, mở những lớp đấu vật, đài thi võ để nâng cao sức khỏe, khả năng chiến đấu của binh sĩ, dân chúng.
Năm 42 nhà Đông Hán đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa. Trước đội quân thiện chiến của Mã Viện, năm 43 cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên sông Hát, Nữ tướng Lê Chân rút quân về vùng rừng núi Lạt Sơn (nay là xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) lập căn cứ quyết chiến với quân thù. Song, do lực lượng quá chênh lệch, Nữ tướng Lê Chân đã tuẫn tiết tại khu vực núi Giát Dâu.
Đình An Biên là công trình kiến trúc cổ có quy mô bề thế, qua thời gian Đình được tu bổ nhiều lần, gần nhất là năm 2022. Hiện nay, Đình vẫn bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc thuở ban đầu gồm: 5 gian đại bái, 3 gian ống muống, 3 gian hậu cung, được trang trí và chạm khắc tinh xảo với các đề tài tứ linh, tứ quý mang phong cách kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời Nguyễn của thế kỷ 19. Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đình An Biên được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 2009./.
Thành đoàn Hải Phòng