ĐÌNH, CHÙA XÍCH THỔ XÃ HỒNG THÁI, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình, chùa Xích Thổ được mang tên chính địa danh làng, nơi cộng đồng đã xây dựng và luôn gắn liền với nó trong đời sống thường nhật. Chùa Xích Thổ có tên chữ là Hưng Khánh (興慶), theo Hán tự có nghĩa là ngôi chùa được Phật tổ luôn giúp đỡ để phát triển và đón nhận những niềm vui trong cuộc sống.

Đình, chùa Xích Thổ được mang tên chính địa danh làng, nơi cộng đồng đã xây dựng và luôn gắn liền với nó trong đời sống thường nhật. Chùa Xích Thổ có tên chữ là Hưng Khánh (興慶), theo Hán tự có  nghĩa là ngôi chùa được Phật tổ luôn giúp đỡ để phát triển và đón nhận những niềm vui trong cuộc sống.

Đình, chùa Xích Thổ nằm cận kề nhau trên một khuôn viên đất rộng lớn gần trung tâm làng Xích Thổ. Đình, chùa Xích Thổ được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2012.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng theo các tuyến đường phố khác nhau đi đến thị trấn An Dương, hoặc đến trung tâm quận Kiến An và đi theo Tỉnh lộ 351 để đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Hồng Thái, nằm ngay bên tỉnh lộ. Từ đây hỏi về di tích, du khách sẽ được người dân chỉ tận tình về đình, chùa Xích Thổ. 

Xích Thổ (赤土) theo Hán tự nghĩa là vùng đất tươi tốt, mầu mỡ, địa danh

vùng đất cùng con người sinh cư ở nơi đây có từ thời Lý - Trần, thế kỷ XI - XIII. Bằng chứng là làng Xích Thổ thờ Ngài Nguyễn Trung Thành, danh tướng triều Lý thế kỷ XI, làng thờ danh tướng triều Trần Vũ Chí Thắng, thế kỷ XIII. Trong văn bia “Khởi công tu tạo cầu Nghênh Tiên” (cầu ở khu vực cầu Rế ngày nay), năm 1704 có ghi: “Hội chủ Trưởng phủ sĩ Đoàn Danh Thịnh, tự là Phúc Vinh, cùng vợ ở xã Xích Thổ công đức 5 quan”. Trong bia “Trùng tu quán xá cầu Nghênh Tiên”, năm 1718, khắc ghi: “Xã Xích Thổ, quan viên toàn xã công đức 1 quan tiền cổ”. 

Làng Xích Thổ trước đây có 1 đình, 1 chùa (chùa Hưng Khánh), 2 miếu (miếu Đông và miếu Tây). Thuở ban đầu đến khai hoang, lập ấp ở Xích Thổ có 6 dòng họ: Nguyễn, Đoàn, Phạm, Đỗ, Bùi và Trần. Hai họ đến sớm nhất là họ Đỗ, họ Đoàn, tính đến nay đã kế truyền được khoảng 20 đời. Theo các vị cao niên trong làng cho biết, họ Trần có phát tích từ Thanh Hóa di cư đến, họ Nguyễn từ Dư Hàng Kênh đến, họ Bùi từ Thái Bình chuyển đến. Nhiều dòng họ trước đây có từ đường cổ bằng gỗ, nhưng đến nay chỉ có hai họ Nguyễn Đình, Trần Đình còn từ đường khá nguyên vẹn.

Theo cuốn “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng”, so sánh đối chiếu với duệ hiệu của các vị Thành hoàng, làng Xích Thổ thờ vị Thành hoàng thứ nhất là Ngài Phạm Tử Nghi. Ông là danh tướng thời Mạc (thế kỷ XVI), được rất nhiều địa phương thuộc huyện An Dương, cũng như thành phố Hải Phòng phụng thờ. Đặc biệt là vùng đất huyện An Dương cũ, như: đình Vĩnh Khê, xã An Đồng, đình Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, đình Nam, xã Nam Sơn.

Vị Thành hoàng thứ 2 là Ngài Nguyễn Trung Thành, tướng quân thời Lý, thế kỷ thứ XI. Ngài có duệ hiệu là Đương cảnh Bản thổ linh phù chi thần. Ngài người làng Cam Lộ, nên người dân thường gọi là Đức Thánh Cam Lộ (Cam Lộ nay thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Ngài có công lao đánh giặc xâm lược bảo vệ đất nước và giúp người dân ở các trang ấp vùng Cam Lộ, như: Cách Hạ, Cách Thượng... Thần tích của làng Cam Lộ chép có tới 7 địa phương thờ ông làm Thành hoàng làng. 

Vị thần thứ 3 là Ngài Trần triều Chỉ huy sứ Vũ tướng công. Trong thời gian gần đây qua nghiên cứu, đối chiếu tài liệu lịch sử của một số địa phương như: Dư Hàng, Hàng Kênh, Xích Thổ... mới tìm hiểu được rõ, Ngài tên là Vũ Chí Thắng, một danh tướng triều Trần, thế kỷ XIII. Ngài Vũ Chí Thắng được phụng thờ tại đình Xích Thổ là do những người dân họ Nguyễn, làng Hàng Kênh đến nơi đây khai hoang, mở địa, nên đã mang theo Thành hoàng của quê hương mình đến nơi ở mới để thờ. Hiện tượng người dân di cư mang theo Thành hoàng đến vùng đất mới để thờ rất phổ biến đối với người dân đồng bằng Bắc bộ thời xưa. 

Vị thần thứ 4 có duệ hiệu là “Hiển tuệ, Địch cần, Vĩ tích, Đoan túc, hộ quốc chi thần”, hiện chưa tìm được thân thế sự nghiệp của Ngài, trong truyền ngôn dân gian của địa phương cũng không có.    

Đình Xích Thổ theo truyền ngôn được khởi dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII, đến thế kỷ XIX làm lại có quy mô lớn, cấu trúc mặt bằng chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, có ván sàn lòng thuyền, tiền tế mái chéo đao tầu góc. Đình nhìn hướng Tây, ghé Bắc. Năm 1946, theo yêu cầu của kháng chiến, dỡ toàn bộ phần mái và được lợp lại năm 1948. Năm 1960, dỡ tòa tiền tế để lấy vật liệu làm trường học, trạm xá của địa phương, chỉ để lại 3 gian hậu cung. Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ngôi đình bị hỏng nát hoàn toàn. Năm 1993, địa phương phục dựng lại đình trên nền đất cũ, rước thánh tượng gửi ở chùa về đình để thờ phụng. Năm 2009, đình được xây dựng như ngày nay. Ngôi chùa cũng tương tự như đình, sau thời gian dài hỏng nát, năm 2009 được làm lại khang trang, to đẹp như ngày nay.

Đình Xích Thổ hiện nay ngự trên nền đất cũ, có khuôn viên thoáng rộng, nhìn theo hướng của ngôi đình xưa. Đình nằm bên trục đường chính của thôn và xã Hồng Thái. Đình làm bằng vật liệu bê tông, cốt sắt, cấu trúc mặt bằng chữ đinh, 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Ngôi đình có kích thước to lớn như một đại đình, tiền tế mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi lớn. Trên mái trang trí đắp đề tài truyền thống như: lưỡng long chầu nguyệt, kìm ngậm bờ nóc, góc đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ, khúc nguỷnh đắp con sô. 

CHÙA XÍCH THỔ

Chùa Xích Thổ có tên chữ là Hưng Khánh, mới được xây dựng lại trên nền đất cũ. Chùa nhìn hướng Tây, hướng về nước Phật. Chùa có quy mô kiến trúc lớn, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, 5 gian tiền điện và 3 gian thượng điện, có hệ thống hiên bát vần chạy xung quanh tòa tiền điện. Mái tòa tiền điện chồng diêm, chéo đao, tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Trên mái tiền điện đắp trang trí đồ án truyền thống, đỉnh giữa bờ nóc đắp hổ phù đội bình nước cam lộ, hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, các góc đao đắp rồng chầu, phượng vũ, khúc nguỷnh đắp con sô, bờ giải đắp dải hoa văn hoa chanh kép. Hệ thống cửa chùa 5 gian, làm theo thức cổ, cửa thùng khung khách, trên ván cửa chạm nổi hoa văn tứ quý. Trên chắn phong cửa tạo các khung ô, trong ô chạm nổi đề tài tứ quý, tứ linh. Cổ diêm cấu tạo hệ thống song con tiện bằng gỗ, tạo ánh sáng cho bên trong chùa.

Hệ thống khung chịu lực của chùa cấu tạo bốn bộ vì, vì bốn hàng chân cột, vì nóc kết cấu chồng rường giá chiêng con nhị. Nhà thượng điện cấu tạo bốn bộ vì, vì cấu trúc tương tự như bộ vì của tòa tiền điện. Các bộ vì được liên kết, giằng chặt với nhau bằng hệ thống xà đai, gồm xà thượng và xà hạ. Các chân cột được kê trên chân tảng bằng đá xanh, tạo dáng quả bồng, trên thân tảng được chạm nổi hoa văn lá đề.

Chùa có hệ thống cột hiên bằng đá chạy xung quanh tạo ra bát vần của tòa tiền điện. Cột hiên hình khối trụ, bốn mặt trụ chạm nổi hoa văn, đề tài tứ quý. Tường xây bao che hai hồi tòa tiền điện vẽ những bức tranh về mùa xuân với hoa mai, hoa đào và tranh thủy mạc tả cảnh đồng quê phóng khoáng, đầm ấm, thanh bình.

Trên các cấu kiện khung chịu lực của chùa, như: câu đầu, xà nách, rường... đều được chạm nổi điểm xuyết các đề tài lá lật mềm mại, các đấu kê chạm hoa sen cách điệu. Đặc biệt, hệ thống kẻ hiên được chạm khắc rất kỳ công, tinh xảo với các đề tài tứ linh, tứ quý rất sinh động.

Cùng với tòa Phật điện, khuôn viên sân, vườn tháp, cảnh quan chùa quy hoạch khá ngăn nắp gọn gàng. Hệ thống cổng tam quan xây khá quy mô, to lớn với mái chồng diêm. Trung quan ba tầng mái, giả quan, không quan hai tầng mái, các mái tạo dáng chéo đao, trên mái lợp ngói mũi và được trang trí hoa văn truyền thống mềm mại khá đẹp. 

Nhìn chung, chùa Xích Thổ tuy mới xây dựng, song kiểu cách kiến trúc, cách thức trang trí đắp, vẽ thể hiện đúng kiểu thức của ngôi chùa truyền thống Việt Nam. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, các đồ thờ tự, tế khí của đình, chùa Xích Thổ đã bị thất thoát, mất mát nhiều. Tuy nhiên tại đình, chùa Xích Thổ còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật, tư liệu lịch sử giá trị, chứng minh cho lịch sử xa xưa của di tích.

- Ba pho tượng Thành hoàng bằng gỗ quý, có niên đại đầu thế kỷ XX. Thần tượng được tạc tương đối giống nhau, có kích thước to hơn người thường. Thần tượng ngồi trong long ngai, trong tư thế phụng triều, đội mũ cánh chuồn, mặc phẩm phục có cân đai. Trên phẩm phục thêu rồng, mây, sóng nước, hoa lá thiêng, hoa cúc mãn khai. Thần tượng mặt vuông chữ điền, mắt nhìn thẳng, thần thái trông uy nghi, cương nghị.

- Bia hậu thần bằng đá xanh nguyên khối, dựng niên hiệu Thành Thái (cuối thế kỷ XIX), ghi những người có công đóng góp tài sản, tiền của để trùng tu đình Xích Thổ.

- Sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 (1924), phong cho các vị Thành hoàng làng Xích Thổ.

- Câu đối bằng gỗ tốt, kiểu lòng máng, có kích thước khá lớn, chữ Hán Nôm, do đồng chí Đoàn Duy Thành soạn và công đức vào đình.

- Chuông chùa Hưng Khánh chất liệu đồng, đúc niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887).

Ngày nay, nhân dân địa phương đang từng bước khôi phục lại những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống xưa của quê hương. Đồng thời, lấy đình làm nơi tri ân những công lao và sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền nhân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc.

Đình, chùa Xích Thổ đã và đang trở thành địa chỉ cho mọi người tìm lại những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương Xích Thổ. Đồng thời là địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke